WhangHo junk

Tàu buồm TQ WhangHo, tàu hàng, buôn lậu và cướp biển, tàu được đóng năm 1753 và có một cuộc đời rất dài, đến 162 năm, bao gồm nhiều hoạt động phong phú. Con tàu đổi chủ nhiều lần, bị cướp qua cướp lại giữa Hải quân Thanh triều và cướp biển Nam Trung Hoa, có giai đoạn tàu phục vụ trong biên chế khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc, đến năm 1913 thì người Mỹ mua xác tàu về để trưng bày hội chợ. Trung Quốc thế kỷ 18 đã có khả năng đóng những con tàu lên đến 3000 tấn, nên xét về kích thước, WhangHo không phải là lớn! Một con tàu như thế thường được trang bị khoảng 10 súng, nhỏ nhưng nhanh nhẹn, phù hợp với vai trò… cướp biển! Và phần lớn những con tàu của Trịnh Thất, Trịnh Nhất, Trịnh Nhất Tẩu, Trương Bảo, Trần Thiêm Bảo, Mạc Quan Phù, Ô Thạch Nhị, Vương Quý Lợi, v.v… cái “Liên đoàn cướp biển Quảng Đông” hàng vạn người, hàng trăm tàu này là những tàu nhỏ cỡ 300 tấn, trang bị 10 ~ 20 súng (loại súng “tiêu chuẩn” lúc bấy giờ là hải pháo bắn đạn 9 ~ 12 pounds nặng khoảng 1.5 tấn).

Khi nhà Thanh dần ổn định phía Nam, các nhóm hải tặc TQ mất địa bàn, mất căn cứ và phải dạt về VN. Trên danh nghĩa, họ vẫn mang cái chiêu bài “phản Thanh phục Minh” và được vua Quang Trung thu dụng làm lính đánh thuê, vì các con tàu luôn cần home port – cảng nhà để sửa tàu, cứu chữa người bị thương, cung cấp vật tư hậu cần và… tiêu thụ tài sản cướp được! Nhưng chính sử về mặt này thường tránh nói, hay nếu có nói cũng chỉ nói sơ sài, về vai trò của Hải quân chính quy và Cướp biển đánh thuê trong chiến thắng Kỷ Dậu – 1789. Một cuộc hành quân thần tốc như thế, hàng vạn quân đi liên tục 15 ngày từ Phú Xuân ra đến Nghệ An, đâu phải chỉ đi người không, còn phải có vũ khí, súng ống, đạn dược, lương thực… muốn vận chuyển nhanh một khối lượng hậu cần lớn, là bắt buộc phải bằng đường biển. Chưa kể các cánh quân vu hồi tấn công bên sườn quân Thanh cũng chắc chắn phải đi từ biển vào! Lịch sử là như thế, ấy thế mà nay không còn chứng cứ, không còn ghi chép gì, để cho con cháu suy đoán!

teksing junk

Tàu buồm TQ Teksing, không ai biết chính xác tên gốc con tàu là gì, nhưng đây thường được xem là một “Titanic phương Đông”. Tàu có cảng nhà – home port ở Hạ Môn, Phúc Kiến, dài 50m, 900 tấn! Lúc này ở TQ có nhiều biến động: Chiến tranh nha phiến lần 1, khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc, xã hội bất ổn dẫn đến di dân hàng loạt. Năm 1822, con tàu xuất phát từ Hạ Môn, chở theo một lượng lớn đồ sứ, 200 thủy thủ cùng với 1600 di dân.

Ngày 6/2/1822, trên đường đến Jakarta, Indonesia, khi đang băng qua eo biển Gaspar, tàu đâm vào đá ngầm và chìm. Một chiếc khác đi cùng đoàn và một con tàu Anh đi ngang qua đã cứu được khoảng 200 người, 1600 người thiệt mạng. Năm 1999, người ta đã trục vớt số đồ sứ trên tàu và bán đấu giá được $10 triệu! Ảnh: phần lớn các tranh vẽ Tây phương về các con tàu buồm TQ đều mang các chi tiết cường điệu, thiếu chính xác!

Keying junk

Keying – con tàu buồm TQ đặt theo tên (Ái tân giác la) Kỳ Anh, Hộ bộ thượng thư, lưỡng Giang tổng đốc, khâm sai đại thần, tham gia phái đoàn TQ đàm phán kết thúc Chiến tranh nha phiến lần 2, và vì những điều khoản bất lợi ông ta đã chấp nhận, hoàng đế Hàm Phong đã ban cho được chết! Tàu buồm Kỳ Anh là do người Anh mua lại từ TQ, 49 mét, 800 tấn, và năm 1846, với thủy thủ đoàn gồm 12 người Anh, 30 người Quảng Đông đã làm một hành trình vòng qua mũi Hảo Vọng đến New York, Boston và sau đó là quay về Anh quốc. Ở đâu con tàu cũng được công chúng chào đón nhiệt liệt!

Vì lần đầu tiên có một con tàu TQ làm một hành trình lớn đến vậy! Nữ hoàng Victoria đến thăm tàu, nhiều sĩ quan hải quân Hoàng gia chạy thử tàu, và kết luận rằng Keying có khả năng đi biển ít nhất là tương đương, nếu không muốn nói là hơn các con tàu tốt nhất Anh quốc! Không khó đoán ra mục đích thật sự của việc mua tàu Keying, con tàu sau đó được mổ xẻ ra để nghiên cứu, người Anh dù đang thống trị đại dương nhưng họ không quên học hỏi từ bất kỳ nguồn nào có thể! Tranh vẽ: đường cong của con tàu Keying bị cường điệu hóa, thực ra tàu không cong đến vậy!

chiêu ứng từ

Vụ án chấn động xảy ra năm 1851 thời Tự Đức, nhà vua nhận được tờ tấu do Binh bộ chuyển báo: Chưởng vệ Phạm Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều trình tấu đã đánh đuổi ba tàu hải tặc khi đang đi tuần ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Xem xong tờ tâu nhà vua liền sinh nghi vì đánh nhau với hải tặc mà không ai bị thương tích gì, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh, bèn nhấc bút phê: giao cho Binh bộ điều tra cho rõ sự tình. Phúc trình từ Binh bộ cho rằng chiếc tàu thu được giống tàu buôn hơn là tàu giặc. Ngay lúc ấy, một phụ nữ đến nha môn cáo giác. Nguyên bà ta là một Hoa kiều, mở tiệm ăn ở phố Gia Hội (Huế), chồng cũng là Hoa kiều đi thuyền về nước, bặt tin đã lâu.

Theo lời bà kể, viên đội trưởng vệ Tuyển Phong tên là Trần Hựu đến ăn uống ở quán nhưng không đủ tiền trả nên rút chiếc nhẫn cầm tạm! Bà chủ xem kỹ nhận ra chiếc nhẫn quý của chồng, Trần Hựu ban đầu chối, nhưng sau lại chịu theo bà đến nha môn trình báo. Trần Hựu khai rằng: ngày 16 tháng 7, 1851, thuyền quan đậu ở cửa Thị Nại, được tin có ba thuyền lạ đậu ngoài hải phận đảo Thanh Dư, chưởng vệ Phạm Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều lập tức đuổi theo, bắn bằng súng thần công nhưng ba chiếc thuyền kia không đáp trả, chỉ bỏ chạy! Sau 3 ngày truy đuổi thì hai chiếc chạy thoát, một chiếc bị bắt! Cập lại gần, Phạm Xích ra lệnh cho những người bên thuyền của TQ sang trình diện, họ chấp hành lệnh!

Ba mươi ba người sang trình thẻ, nói là nhà buôn ở Thừa Thiên xin về thăm quê và đã được cấp phép! Dù đã trình thẻ nhưng tổng cộng, 108 người Hoa trên tàu đều bị chém chết rồi quăng xuống biển, toàn bộ hàng hóa được chuyển sang chiếc thuyền Bằng Đoàn của quan binh, thuyền buôn được sơn lại màu đen cho giống tàu hải tặc và dẫn về vụng Chiêm Dữ. Vua Tự Đức nổi cơn thịnh nộ, giao Tam pháp ty xét xử, án xử rất nghiêm, Thiều và Xích đều bị lăng trì, nhiều người bị xử chém, một số quan binh được tha vì đã chống lệnh, từ chối giết người! Từ đó, cộng đồng người Hoa gốc Hải Nam đi đâu cũng xây Chiêu Ứng từ, như một kiểu ấm ức, từ Huế, Đà Nẵng, Hội An, vào tới trong Nam, tận Cà Mau cũng có!

30/4

Người ngoài có thể họ không hiểu về Chiến tranh VN, chứ với người trong cuộc, đó chỉ là một vòng lặp “for” vô cùng đơn giản: năm 1964 thử lửa với quân Mỹ ở Quảng Nam một lần đầu, năm 1968 đánh một trận lớn Mậu Thân, năm 1972 lại đánh một trận lớn “Mùa hè đỏ lửa”, và theo dự kiến là thống nhất đất nước trong năm 1976, nhưng tình hình đã phát triển nhanh hơn thế.

Những vòng lặp theo chu kỳ 4 năm một lần này là thấy rất rõ, cứ gom gom “đủ lúa” là lại đi đánh một trận lớn (thực sự thì VN không có đủ nguồn lực để mà dàn trải), và cũng có thể có thêm một nguyên nhân nữa là dự tính các thời điểm song hành với các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ cứ 4 năm một lần… Và cứ lặp như thế cho đến khi nào thành công thì thôi… :)

Giờ chúng nó nói như đúng rồi vậy: ah, người Mỹ cũng đã phải chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh VN, đau khổ kiểu: nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột! Khoảng 16 triệu tấn thuốc nổ đã được dùng ở VN (là tính theo khối lượng thuốc nổ chứ không phải khối lượng vũ khí), nhiều gấp 3, 4 lần tổng Thế chiến 2 cộng lại, trung bình mỗi người VN chịu khoảng 400 kg!

địa đạo

Đây là một trong số rất ít những phim mình ra rạp xem đàng hoàng, phim đầu tiên là “Hà Nội trong mắt ai”, phát hành 1983… ah, mà đó là chuyện của 40 năm trước! Nhìn chung với một phim Việt Nam thì Địa đạo rất ổn, từ các cảnh quay, ánh sáng, màu sắc cho đến hiệu ứng khói lửa, bom nổ, đường đạn bay… đều rất thực và đẹp mắt. Câu chuyện kể lại trong phim hoàn toàn là sự thật lịch sử, được nói rõ trong phần giới thiệu, nhóm điệp báo H.63 của Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) trong nhiều năm, sử dụng nhiều couriers – liên lạc viên để chạy mật thư từ Sài Gòn ra Củ Chi, từ đây mật thư sẽ được gởi qua sóng radio ra Hà Nội.

Một nguồn phát sóng radio cứ như thế hiện diện suốt nhiều năm liền tại Củ Chi như một cái gai trong mắt người Mỹ và họ sẽ làm mọi cách để nhổ cái gai đó! Như Nguyễn Văn Thương, một liên lạc viên thường xuyên chạy xe Honda giữa Sài Còn và Củ Chi, một hôm bị người Mỹ phát hiện và theo dõi! Viên phi công trực thăng vì nôn nóng muốn đổ quân xuống bắt sống nên đã phạm phải một sai lầm chết người, hạ thấp trực thăng xuống sát mặt lộ, từ khoảng cách rất gần, Hai Thương nổ liền 2 phát súng ngắn hạ trực thăng rơi! Không hiểu sao chi tiết đắt giá như vậy lại không đưa vào phim, có lẽ vì số phận Hai Thương là một câu chuyện bi thảm khác!

Tình huống cảm động nhất trong phim theo mình là chuyện Út Khờ mang thai, nhưng chưa rõ ai là cha. Trước tình huống như thế, đội du kích đã quyết định tổ chức… một đám cưới giả giữa Út Khờ với… đội trưởng Bảy Theo! Một cái đám cưới giả được quyết định và tổ chức thành công sau… 5 giây, có cả hoa, cả bánh! Đã có người đứng ra “nhận trách nhiệm”, trước sự việc đã rồi, cấp trên không thể nói gì hơn được và theo thông lệ, phải rút Út Khờ ra khỏi vùng giao chiến, như thế hai mẹ con cô ấy sẽ có cơ hội sống! Đó chính là tâm tư, tình cảm của những người du kích, họ không có chức vụ, cấp bậc gì để mất và sẵn sàng bao che đồng đội như vậy!

Chuyện nhiều “giang cư mận” phê phán cảnh nóng trong phim, nói như đúng rồi luôn. Nếu đã xem phim thì sẽ thấy mấy cái “cảnh nóng” đó chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng mà thôi, còn chưa lộ chút da thịt nào. Nếu là đơn vị quân đội chính quy thì chắc chắn sẽ có vài án kỷ luật từ trên rơi xuống. Nhưng đây là du kích, các căn hầm đào ngay dưới nhà của họ, hàng ngày họ vẫn chui lên trồng rau, nuôi gà, v.v.. đó chính là cuộc sống thường ngày của họ, nếu không thì rất nhiều những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh ở Củ Chi từ đâu mà chui ra!? Nên kiểu có nhiều người không hiểu gì về thực tế lịch sử nhưng vẫn cứ ưa tìm chuyện nói ra nói vào!

Những lời thoại trong phim có nhiều chỗ khá đạt, như đoạn một cô du kích, bị ép tập các bài võ cận chiến với dao găm quá nhiều đã than thở vì mệt: tụi em chỉ là du kích thôi, đâu có phải bộ đội đặc công đâu mà… Đội trưởng Bảy Theo quát: mày đi nói chuyện đó với tụi Mỹ á, có khi nó còn gắn cho mày huy chương! :D Cái băn khoăn xuyên suốt bộ phim của người anh cả, đội trưởng luôn là: tụi nó còn nhỏ quá, còn “xanh” quá, sợ “chơi không lại tụi Mỹ”. Tuy phần phụ đề tiếng Anh không tệ, nhưng vẫn phải nói là chưa thực sự được như ý tôi, chưa tìm được cách truyền đạt tốt sắc thái ý nghĩa của lời thoại gốc, nhiều chỗ vẫn kiểu… dịch cho có!

Mình thuộc dạng coi phim vô cùng lý tính và xét nét, nên không khó nhận ra một vài chỗ còn chưa được hợp lý hay có chút khiên cưỡng trong phim. Và những chỗ sai về vật lý đương nhiên nhìn ra khá nhiều, như cách nấu thuốc nổ dẻo (plastic explosive) trong phim thì hầu như chắc chắn là nó sẽ nổ, cuối phim có chiếu lại một đoạn tài liệu đen trắng cũ, chính trong đoạn phim tài liệu đó lại thể hiện cách thức tương đối đúng! Nhưng tóm lại đây là một phim rất đáng xem, dù các cảnh quay có hơi “rubato” (thuật ngữ âm nhạc), nói một cách gần đúng là nhịp độ không được chuẩn, các tình huống thắt nút, cao trào lý ra vẫn có thể làm cho hấp dẫn hơn!

Về chi tiết cuối phim, một người lính Mỹ trong đội quân “chuột chũi” chui vào trong địa đạo, bị thương và được cứu sống, cho nằm trên chiếc bè ven sông, nhiều người cho rằng chi tiết này tuy “nhân văn” nhưng hơi “cường điệu”. Theo tôi thì, không có gì là “cường điệu”, thậm chí cũng chẳng có gì là “nhân văn” trong tình huống này, đó chỉ là sự thật thực dụng của chiến tranh. Nên nhớ rằng, một tù binh Mỹ còn sống dù thế nào cũng là một “tài sản đáng giá”, có thể dùng để “trao đổi” khá nhiều thứ, kể cả các quân nhân Việt Nam bị phía Mỹ bắt. Thế nên phía Việt Nam nhiều khi phải rất cố gắng để giữ cho tù binh còn sống để có thể làm món hàng trao đổi!

Trong thời gian 15 năm, từ 1961 đến 1975, chỉ riêng mạng lưới điệp báo H.63 đã sử dụng khoảng 45 couriers – liên lạc viên để truyền tin, 27 người trong số đó bị bắt, tra tấn… nhưng không một ai khai ra điều gì, mạng lưới vẫn đứng vững và thông tin vẫn không ngừng tuôn chảy. Nếu tính rộng ra cả số du kích, bộ đội đã hy sinh khi tham gia bảo vệ đường dây thông tin này, trực tiếp hay gián tiếp, thì có khi thiệt hại là không đo đếm được! Nên phim chỉ là một lát cắt nhỏ, chỉ vài tuần trên một dòng chảy thời gian nhiều chục năm, chỉ một vài khoảnh khắc đại diện, ngắn gọn cho thấy cha ông chúng ta đã sống, đã chiến đấu chống ngoại xâm như thế nào!

bất ổn tiếp tục…

Trong ngày 30/4, giữa lúc tranh tối tranh sáng khi chuyển giao chính quyền, giữa Sài Gòn xảy ra nhiều vụ án mạng, cướp của giết người. Ngay trong ngày 1/5, một tòa án được thành lập, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cử làm chủ tịch Bồi thẩm đoàn! Tòa tuyên một bị cáo tử hình, án được thi hành ngay lập tức sau đó, bản án mang tính chất răn đe giữa một Sài Gòn chưa kịp ổn định. Thế nhưng Sài Gòn vẫn không thể ổn định được suốt nhiều năm sau đó! Như vụ sát hại gia đình nghệ sĩ Thanh Nga 1978, vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ gây rúng động dư luận!

Từ 1975 đến 1978, chỉ trong 3 năm đã xảy ra 45 ngàn vụ án hình sự, trong đó có 1400 vụ cướp lớn, 170 người dân bị bắn chết, hơn 200 người bị thương, chưa kể thương vong của lực lượng Công An trên các mặt trận phòng chống tội phạm. Riêng tại Sài Gòn, cứ trung bình 40 phút là có một vụ cướp, tỷ lệ thuộc loại… cao nhất thế giới! Tình hình nghiêm trọng đến mức, tháng 3 – 1978 phải thành lập những đội SBC – Săn bắt cướp, có quyền “tiền trảm hậu tấu”, có thể xử bắn ngay tại hiện trường! Sau đó là những vụ vượt biên… lại thêm những trang đầy máu và nước mắt.

Tuy không thể phán xét chung chung được, mỗi người là một cảnh đời riêng, mỗi người đều có những nguyên nhân khác biệt, nhưng tôi cho rằng phần lớn các vụ vượt biên là manh động, thiếu suy nghĩ, và đã đẩy nhiều người thân trong gia đình vào chỗ chết. Qua đến bên kia, một phần khá lớn trở thành các băng đảng tội phạm, đâm thuê chém mướn cho các ông trùm gốc Trung, Hàn, Đài, và đã tạo ra một cái danh tiếng vô cùng manh động và tàn ác, nhưng rồi cũng chỉ là lưu manh nhỏ, không trở thành tội phạm lớn được! Cái sự bất ổn cứ thế tiếp tục, cách này hay cách khác…

điệp báo

Xem các phim Trung Quốc xoay quanh chủ đề “Dân quốc” thấy có rất nhiều phim hấp dẫn, đây là giai đoạn có nhiều sử liệu để có thể làm phim hay! Nam – Bắc phân chia, Quốc – Cộng tranh đấu, cuộc chiến thông tin, gián điệp và phản gián. Phim Việt Nam trong mảng này khá ít, và chưa khai thác được hết sự sống động của lịch sử, mà lịch sử Việt Nam giai đoạn này lại vô cùng sống động, nhiều sự kiện, biến cố khốc liệt, nhiều chuyện nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người! Thế nhưng vẫn do kiểu suy nghĩ cũ, hay vì những lý do khác nào đó, mà lại tránh nói tới, tránh đề cập sâu, không lột tả hết được sự biến động phức tạp của thời cuộc!

Những điệp viên bị bắt, cột đá thả sông, những cậu bé bán báo, đánh giày làm trinh sát cho Biệt động thành! Hay một tình huống vô cùng hy hữu, một giao liên bắn rơi trực thăng bằng… 2 phát súng ngắn, những điệp báo viên đánh ma-níp gởi vô tuyến điện nhưng không biết chữ, vì điện đã được mã hóa thành các con số, chỉ cần học đủ 10 chữ số với một ít mã Morse là làm được! Cả những tình huống trớ trêu, điệp viên vào vai thầy giáo dạy toán, nhưng đưa bài toán cấp 2 không giải được, hay dùng căn cước giả qua trạm kiểm soát bị phát hiện nhưng lại được thả: về làm lại giấy đi, giấy kiểu này đi chỉ có chết! :D Tất cả đều là sự thật lịch sử!

vận tải thủy

Nhiều người không hiểu vận tải đường thủy (sông, biển) có vai trò như thế nào đối với các nền văn minh, khắp cổ kim, đông tây, không hiểu một con thuyền là hiện vật có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử! Giả sử ta có bài toán như thế này: quay trở lại thời Kháng chiến chống Mỹ, làm sao để vận chuyển 100 tấn lương thực đi 1000 km!? Vận chuyển mang vác hay bằng phương tiện thô sơ là không ăn thua rồi, lượng lương ăn cho chừng đó con người trên chặng đường 1000km còn lớn hơn 100 tấn nhiều lần.

Vận tải cơ giới, ô-tô thì phải điều động hàng vạn thanh niên xung phong đi làm đường, và hàng ngàn bộ đội để bảo vệ con đường đó. Tính hết tuyến đường phải sử dụng nhân lực lên đến nhiều vạn người, đi ròng rã nhiều tháng! Mà đường với quy mô như thế thì không thể che giấu trong thời gian dài. Nhưng cũng 100 tấn đó, chỉ một con tàu nhỏ với đội thủy thủ chưa đến 10 người, trong chưa tới 10 ngày có thể đi 1000km chuyển hàng tới đích, lai vô ảnh, khứ vô hình, không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Cũng có người lý luận rằng, đó chỉ là chi phí cố định ban đầu để làm đường, thực ra nếu tính tất cả các loại chi phí, ví dụ như chi phí biên (marginal cost), thì vận tải thủy vẫn có lợi thế hơn nhiều. Vận tải bộ phải dùng đến nhiều ngàn xe tải, nhiều ngàn người lái, hệ thống tiếp vận nhiên liệu, hệ thống xưởng sửa chữa bảo dưỡng, tất cả cộng lại khiến cho chí phí cao hơn vận tải thủy hàng trăm lần! Tất nhiên vận tải thủy không phải là “vạn năng”, nhưng ở chỗ mà nó có thể dùng được thì lại vô cùng hiệu quả!

catamaran, 2

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều…

Về kết cấu thuyền 2 thân (catamaran) thì đã có thể khẳng định chắc chắn! Cái gọi là “lưỡng phúc thuyền”, thuyền 2 “bụng” như ghi chép trong lịch sử chính là nói về thuyền 2 thân! Về niên đại, khả năng cao đây là thuyền thời Trần, đây là giai đoạn mà VN đóng nhiều thuyền nhất. Về phương án bảo tồn, đưa lên khỏi mặt đất, đem vào viện bảo tàng trưng bày thực ra không quá khó. Đầu tiên đào hết phần lớn đất bên trong và ngoài đi, làm mái che tạm chờ cho gỗ khô! Sau đó gia cố gỗ bằng keo epoxy pha loãng!

Quét nhiều lần, ít nhất 4, 5 lớp, đầu tiên quét keo loãng cho dễ thấm sâu vào gỗ, sau đó chỉnh hàm lượng dung môi để keo đậm dần! Có thể cố định các mối nối bằng epoxy pha dày (fillet), nhưng tránh làm quá lộ liễu. Việc này tuy có thay đổi vật liệu gỗ và màu sắt chút ít, nhưng giúp làm cứng gỗ! Luồn vào dưới đáy một giá đỡ bằng sắt thép, giá này gồm nhiều phần rời ghép lại với nhau, mỗi lần ghép một khúc, làm thêm các kết cấu tạm giữ ván thuyền ở nguyên vị trí, rồi cẩu nguyên khối ra khỏi hiện trường.

Một hiện vật quan trọng như vậy mà lại tính đến phương án “bảo tồn tại chỗ” là không thể nào chấp nhận được! Cái gọi là “bảo tồn tại chỗ” thực chất là đào lên, quay phim chụp ảnh, đo đạc dựng mô hình, xong rồi lấp đất, chôn trở lại vĩnh viễn, trên cắm một tấm bia đề: Ici repose – Nơi đây yên nghỉ… khác gì hủy hoại luôn chứng tích?! Trong khi địa chất khu vực khai quật khảo cổ hoàn toàn không có gì khó khăn, quy mô cũng chẳng có gì to lớn, chút vấn đề kỹ thuật cỏn con không dám nghĩ dám làm!

Jacquard loom, 2

Mấy năm trước, có viết một đoạn về Jacquard loom, tiền thân của các loại máy dệt tự động hóa hiện đại, dùng bìa đục lỗ (punched card) để mã hóa thông tin hoa văn trên vải dệt. Thay một cái bìa là nó sẽ dệt ra một kiểu hoa văn mới, hoàn toàn tự động. Mới nghe thì có vẻ không có liên quan gì, nhưng máy dệt Jackquard có thể được xem là “sơ tổ” của các loại máy tính hiện đại. Nói thêm một chút về số phận của Joseph Jacquard, người phát minh ra cái máy dệt này. Hôm nay, ta hãy ngồi vào cỗ máy thời gian, thời điểm là năm 1802, điểm đến là tp. Lyon nước Pháp! Allez-y, maintenant!

Jacquard cầm cố tài sản đến mức khánh kiệt để chế tạo ra cái máy dệt đi trước thời đại này! Kết quả là… các công nhân dệt sợ máy cướp hết công việc nên đã tập hợp lại, đập phá cái máy, Jacquard bị ném xuống sông, may mà không chết! Ở Đức, tình hình còn phát triển đến mức cực đoan hơn, công nhân biểu tình phản đối, bạo động tràn lan, chính quyền phải ra lệnh tử hình đối với những người phát minh ra các loại máy dệt mới để trấn an dân chúng! Nên chuyện trí tuệ nhân tạo – AI hiện đại thực ra không phải là vấn đề gì mới, chỉ là lịch sử lặp lại chính nó mà thôi!

CMT11

Một cuộc cách mạng mới đã được manh nha ngay từ bây giờ, đã được trước đặt tên là “Cách mạng tháng 11”! Cái vòng xoáy như vậy, trí tuệ nhân tạo, máy móc ngày càng thay thế con người trong càng nhiều công việc, mà con người thì kỹ năng, trí tuệ có hạn, không theo kịp với máy móc, cái “tâm” lại nhiễu loạn không ngừng, sinh ra không biết bao nhiêu tệ nạn!

Cái vòng xoáy đó cứ quay càng lúc càng nhanh, đến một lúc không thể tự thoát ra được nữa thì một là tự hũy diệt, hai là… như mấy trăm năm trước, lại phải đi đập phá máy dệt thôi! Bấm nút RESET làm lại mọi thứ từ đầu, phân chia lại tài nguyên và tư liệu sản xuất. Cái vòng quay “hũy diệt và tái tạo” cứ thế luân hồi! Một bài ca, một niềm cảm hứng bất tận…

vauban

Nhớ lại năm đó trên đường xuyên Việt, dừng xe ngồi uống cafe bên bờ hào phía Nam của Hạc thành (Thanh Hóa), tòa thành được xây năm 1804 thời Gia Long, kiến trúc kiểu Vauban hình lục giác. Tử tước Vauban (Sébastien Le Prestre) là một kiến trúc sư quân sự người Pháp sống ở thế kỷ 17, người đã thiết kế các công trình phòng thủ dạng hình ngôi sao (Bastion fort, star fort) đầy góc cạnh, nhiều răng cưa như thế là để không có một góc chết nào dọc theo tường thành. Bất kỳ vị trí nào dọc theo tường thành cũng có thể bị bắn bởi cung tên hay súng từ một vị trí khác!

Kiểu kiến trúc này tạo ra lợi thế rất lớn cho bên phòng thủ! Đã từng có một thời, Việt Nam đã từng rất mở cửa, học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, từ đóng thuyền cho đến xây thành, đúc pháo, làm đường, etc… Thế rồi đùng một cái, không biết vì sao lại trở nên bế quan tỏa cảng, có lẽ là vì “Thố tử cẩu phanh, Điểu tận cung tàng兎死狗烹鸟尽弓藏“!!! Chiến thuyền kéo lên bờ, bỏ vào trong những nhà kho có mái che, năm nào cũng đem ra sơn son thếp vàng, càng sơn son thếp vàng càng không che giấu được các ván gỗ dần mục nát theo thời gian!

catamaran, 1

Hai thân thuyền: đều dài khoảng 16m, một rộng 1.95m và một rộng 2.05m, nhưng đây chỉ là số đo sau khi đã bị vùi lấp và biến đổi theo thời gian! Từ quan điểm của một người có kinh nghiệm đóng xuồng, với độ sâu đáy đến 1.8m và mạn thuyền dốc như vậy thì độ ổn định sẽ rất thấp nếu đứng riêng lẻ. Hơn nữa tỷ lệ rộng / dài lên đến 1/8, dài khá là bất thường, lại có dấu vết đấu nối ở 2 mũi thuyền. Tổng hợp chừng đó thông tin lại, ta có thể khẳng định hầu như chắc chắn…

Đây là 2 thân của một chiếc catamaran, được liên kết lại với nhau để bảo đảm độ ổn định tổng thể! Nếu có một chiếc buồm càng cua – crab-claw sail nữa thì sẽ có thêm bằng chứng Vịt tộc thực sự có một phần nguồn gốc Austronesian, tộc người đi khắp Thái Bình Dương với đặc trưng là thuyền nhiều thân và buồm càng cua! Phần còn lại, các bạn có thể tự tưởng tượng ra, chàng Lạc Long Quân cao – to – đen – hôi đã gặp nàng bạch – phú – mỹ Âu Cơ như thế nào nhé! :D

công nghệ quốc phòng

Thử nhìn lại 2 sự kiện: năm 1858 – 1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng với 3000 quân, đội tàu 14 chiếc, soái hạm là chiếc Némésis tải trọng 2300 tấn, 50 pháo! Quân triều đình có khoảng 7 ngàn người, nhìn chung là đã phòng thủ hiệu quả, khiến cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha chịu thiệt hại và phải rút lui. 15 năm sau, 1873, chỉ với 180 lính (!!!) do viên trung úy Francis Garnier chỉ huy cùng hai tàu pháo (tàu nhỏ, còn chưa được gọi là chiến hạm) tấn công thành Hà Nội, khoảng 7000 quân triều đình tan vỡ, tháo chạy! Có điều gì rất “không đúng” khi so sánh hai trận đánh cách nhau 15 năm này, dù cả hai trận, bên phía VN đều có cùng một người chỉ huy là Nguyễn Tri Phương! Điều gì khiến cho một bên chỉ có 180 lính lại dám tấn công một bên có đến 7 ngàn quân!?

Điều “không đúng” đó chính là… công nghệ! Năm 1858, tuy tàu Pháp to, pháo lớn, nhưng đa số vẫn là loại bắn đạn gang tròn, nạp từ phía trước, công nghệ cơ bản gần giống như thứ nhà Nguyễn sở hữu! Tại thời điểm 1873, đó đã là các loại hải pháo cỡ nòng lớn, nạp đạn đằng sau, dùng đạn trái phá (đạn có nhồi thuốc nổ)! Sau vài loạt đạn đầu tiên, với sức công phá khủng khiếp của nó thì bên phòng thủ đã kinh hoàng bỏ chạy hết cả! Đạn trái phá được người Nga dùng lần đầu tiên trong Hải chiến Sinop, 1853, nhưng phải mất một thời gian để công nghệ này trở nên phổ biến! Nửa cuối TK 19 chứng kiến sự thay đổi đến chóng mặt về công nghệ quốc phòng: tàu buồm vỏ gỗ (ship of the line), rồi tàu buồm vỏ gỗ có dùng phụ thêm động cơ hơi nước (paddle steamer, screw steamer)…

Rồi tàu buồm vỏ gỗ bọc sắt dùng động cơ hơi nước và đạn trái phá (ironclad), rồi tiến dần lên tàu vỏ sắt / thép dùng động cơ steam – turbine, không xài buồm nữa (Dreadnought), kèm theo đó là công nghệ súng đạn mới, tất cả thay đổi nhanh đến chóng mặt, một con tàu mới đóng ra chưa đến 10 năm đã thành lạc hậu. Nên nhiều khi chúng ta học lịch sử theo kiểu chỉ lặp lại một số sự kiện chứ không thật sự hiểu được các yếu tố kỹ thuật, công nghệ nền tảng bên dưới! Cũng trong thời gian đó, nhà Thanh ở Trung Quốc quả thực đã có nỗ lực cải cách, họ đã tự sản xuất được súng trường hiện đại và một vài loại pháo nhỏ, nhưng rút cuộc vẫn không thể cứu vãn được thời cuộc, vì cái sự thua sút về kỹ thuật công nghệ này quá lớn, phải mất nhiều thế hệ để vượt qua.

Winchester 1866

“Cơm vua áo chúa hưởng bấy lâu, Đến khi có giặc phải thuê Tàu…” Câu thơ của Ông Ích Khiêm đó là nói về đội quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, “đánh thuê” cho nhà Nguyễn để chống lại thực dân Pháp! Mà cái yếu tố duy nhất khiến quân Cờ đen có thể đối chọi lại với người Pháp chính là… khẩu súng trường Winchester. Được xem là khẩu súng của miền viễn Tây, thường thấy trong các phim cao bồi Mỹ, có thể nạp đến 7 viên đạn trong một ống chạy song song dưới nòng súng, loại súng mà sự xuất hiện của nó khiến người ta phải thốt lên: nó bắn từ Thứ hai cho đến Chủ nhật!!!

Là ám chỉ cái khả năng nạp 7 viên đạn của nó, vô cùng tiên tiến nếu so với các loại súng hỏa mai mất cả phút vẫn chưa nhồi xong một viên đạn, chưa nạp xong đạn thì bên kia đã bắn 7 phát rồi! Nhưng vẫn chưa rõ phiên bản Winchester mà quân Cờ đen xài là loại đạn vỏ giấy, hay đã là loại đạn vỏ đồng hiện đại! Nhà Nguyễn trả lương cho quân Cờ đen, để họ cùng phối hợp chống Pháp! Nhưng hầu như chỉ có quân Cờ đen đánh thật mà thôi, lính VN… ở phía sau hò reo trợ chiến là chính, đơn giản là không thể tham chiến khi chỉ có đao kiếm và một ít súng hỏa mai cổ lỗ sĩ được.

Sự nhanh nhạy cộng với khả năng giao thương bằng thuyền buồm rộng khắp khiến cho người TQ mua được nhiều vũ khí hiện đại! Tuy không thể có thuyền to, pháo lớn như người Pháp, nhưng so với súng trường Chassepot của Pháp thì Winchester vẫn cùng một thế hệ, vẫn “bám thắt lưng địch mà đánh”, vẫn ở thế có thể cầm cự được! Nên phải hiểu các yếu tố kỹ thuật đóng một vai trò sống còn, khi thành Ninh Bình do 1700 quân Việt giữ lại… đầu hàng một nhóm lính Pháp chỉ có… 7 người, chiếm cả đồng bằng Bắc bộ, người Pháp dùng chưa đến 300 quân!

kiểm soát vũ khí

Xem phim cổ trang TQ, một vị hoàng đế mặc thường phục vi hành… Trong ảnh có thể thấy mấy người thị vệ cầm đoản đao, dài chưa đến 5 tấc kể cả cán. Nghĩ bụng cẩm y vệ mà không sắm được trường đao cho nó đàng hoàng hay sao!? Nhưng nghĩ lại, đây là thời Tống, vũ khí được kiểm soát chặt chẽ!

Mang trường đao thì khác nào tự để lộ thân phận lính triều đình!? Thời Tống, xã hội dân sự phát triển cao, nhiều quy định kiểm soát vũ khí rõ ràng! Ví dụ quy định dân thường được xài đao dài tới bao nhiêu, quy cách thế nào!? Ấy thế mà thời hiện đại, chờ mãi cũng chưa thấy quy cách nào!

sở hữu yếu

Xem phim lịch sử, cổ trang Trung Quốc thấy được vài điều… Điều gì khiến cho triều Thanh trở nên mạnh mẽ, chiếm được “thiên hạ” và hoàn toàn khác biệt so với các triều đại khác của TQ? Nếu chỉ xem lướt lướt các phim thì có vẻ như triều đại phong kiến nào cũng giống nhau! Nhưng thực ra, so với thể chế chính trị cực kỳ hủ bại và tàn ác của triều Minh trước đó, thì triều Thanh “ngoại tộc” thực sự có những yếu tố mới mẻ và lấy được lòng dân! Ít nhất là ở giai đoạn đầu, yếu tố cơ bản khiến Thanh triều khác biệt chính là cái mà tôi gọi là “quyền sở hữu yếu” của nó.

Nhưng như thế nào là “quyền sở hữu yếu”!? Đầu tiên, vì gốc gác là dân tộc du mục, người Mãn không có khái niệm sở hữu đất đai, không phân phong cho ai quyền cai quản đất đai vĩnh viễn. Nên dùng chữ “phong kiến” ở đây chỉ đúng một nữa, vì tuy có “phong vị” nhưng lại không có “kiến địa”. Xã hội Mãn châu nguyên thủy được tổ chức thành các đơn vị cơ bản, một mô hình dân – quân hợp nhất gọi là “Tá lĩnh”, mỗi Tá lĩnh bao gồm khoảng 300 chiến binh cùng với gia đình, vợ con, cha mẹ của họ. Toàn Thanh triều lúc cực thịnh có tổng cộng khoảng 664 Tá lĩnh.

Một người có thể được giao cho quản lý một hoặc nhiều Tá lĩnh, tùy theo địa vị, công trạng, nhưng quyền quản lý này có thể bị thu hồi thông qua quyết định của một hội đồng, hay qua mệnh lệnh trực tiếp từ Khả Hãn. Việc thế tập (cha truyền con nối) là phổ biến, nhưng không phải là hiển nhiên, các thế hệ sau muốn duy trì quyền kiểm soát này thì phải cố gắng tạo dựng công trạng! Như xem trong các phim cổ trang thì các Kỳ nhân đều xưng hô với Kỳ chủ là “nô tài” này nọ, thực chất đó chỉ là khiêm xưng, bản thân Kỳ nhân hoàn toàn không phải là nô tài, nô tì.

Họ là những lương nhân tự do, chỉ bị ràng buộc với Chủ từ qua các quan hệ lao động. Những Kỳ nhân này làm việc cho Chủ tử theo những chế độ lương, thưởng được quy định rõ ràng! Và các Kỳ nhân cũng được luật pháp bảo vệ, Chủ tử không thể giết hại họ tùy ý được! Trong thực tế, điều này hiếm khi xảy ra, và nếu xảy ra thì Chủ tử sẽ bị truy cứu trách nhiệm nghiêm khắc! Như thế, “sở hữu” một Tá lĩnh thực chất không phải là quyền sở hữu đất đai, cũng không phải là quyền sở hữu con người (nông nô, nô lệ), mà gần như chỉ là quyền “quản lý” tài sản và lao động!

Luật pháp Thanh triều quy định phân biệt rõ ràng giữa tài sản riêng và tài sản chung. Như xem trong các phim cung đấu thì khi một phi tần được sủng ái, họ sẽ được ban cho cung điện, châu báu, tài sản, người hầu hạ này nọ. Nhìn thì có vẻ xông xênh, ra ngoài được khiêng kiệu, che lọng, tiền hô hậu ủng, nhưng tất cả những “tài sản” đó đều chỉ là… cho mượn, khi bị giáng vị, thăng vị, huyền vị… thì toàn bộ đều phải trả lại! Thế nên mới có tình huống hoàng đế, vì sủng ái một vị thê tử nào đó, mới xuất tiền túi ra cho riêng, để vị nương nương này có chỗ dựa khi về già!

Quý tộc thế tập thời Thanh, dù vẫn là cha truyền con nối, nhưng đa số là “Thế tập đệ giáng”: qua một đời thì giáng xuống một cấp, như Trấn quốc công thì giáng thành Phụ quốc công, và cứ thế tiếp tục, điều này giúp làm giảm gánh nặng kinh tế xã hội. Vì quyền thừa kế không phải là nguyên vẹn và vĩnh viễn, nên con cháu đời sau vẫn phải cố gắng nếu muốn duy trì gia tộc hưng thịnh! Những điều này dần thay đổi khi Mãn tộc chung sống và bị đồng hóa bởi người Hán, nhưng ít nhất ở giai đoạn đầu, “sở hữu yếu – không có gì là vĩnh viễn” là ưu điểm rất lớn của thể chế!

như nguyện

Ca khúc: Như nguyện – Vương Phi, nhạc nền của phim “Tôi và cha ông chúng ta” (我和我的父輩 – Ngã hòa ngã đích phụ bối), 2021, phim nặng tính tuyên truyền, thích hay không thì tùy mỗi người. Phim tóm tắt một quá trình kéo dài 3 thế hệ, từ những ngày đầu “chinh chiến sa trường”, cho đến thế hệ con cháu, Trung Quốc chuyển mình từ một nước lạc hậu nhất…

Lên tầm hiện đại, lớn mạnh nhất thế giới! Truyền thông TQ đã bắt đầu dùng chữ “thịnh thế – 盛世“, như xưa từng nói “Khang – Càn thịnh thế”, thời đại thịnh trị của Khang Hy, Càn Long vậy. Không có con đường tắt nào, trừ khi tính cách quyết liệt đến mức điên cuồng như ku Nga, còn không thì “đi tắt, đón đầu” chỉ là ngôn từ của phường cường đạo!

trà mã cổ đạo

Trong Minh Lan Truyện, Thịnh lão thái thái có một câu thoại: ở đời nếu chỉ nói đằng mồm mà được, thì Yên Vân thập lục châu đã lấy lại được lâu rồi! Yên Vân thập lục châu – Mười sáu châu Yên Vân là vùng đất rộng lớn, ngày nay thuộc các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây và một phần Nội Mông, đất đã mất từ cuối thời Đường, các triều Tống, Minh nhiều lần tìm cách lấy lại nhưng chưa bao giờ thành công. Không chỉ có tài nguyên phong phú, đây còn là vùng thảo nguyên rộng lớn, cần thiết để nuôi ngựa, mà ngựa là phần vô cùng quan trọng của quân đội, xuyên suốt lịch sử, chưa bao giờ TQ có đủ lực lượng kỵ binh để đối chọi lại với các bộ tộc phương Bắc. Nên một trong những mối quan tâm hàng đầu của các triều đại TQ là… ngựa!

Ngựa Trung Nguyên vừa thiếu lại vừa yếu, chỉ những giống ngựa sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt mới mạnh mẽ, lì lợm, mới sử dụng được trong chiến tranh! Để có được ngựa tốt, họ mua bán trao đổi với Tây Tạng! Tây Tạng là vùng cao nguyên, khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt, không trồng được rau quả, mà dân thì sống theo lối du mục, khẩu phần ăn bao gồm thịt, sữa là chủ yếu nên thiếu rau nghiêm trọng, từ chuyện thiếu rau đâm ra… nghiện trà, vì trà bổ sung một lượng vitamin đáng kể! Nắm được điều đó, người TQ đem trà đổi ngựa, tạo nên mạng lưới đường sá giao thương kéo dài hàng ngàn cây số! Từ xưa, họ đã viết nhiều cuốn sách khảo cứu, chỉ chuyên về đề tài thương mại Trà – Mã, làm sao đổi trà lấy ngựa!