tt, đặng thế phong

Ai nức nở thương đời,
châu buông mau, dương thế bao la sầu…

trừ bài cuối có chất lượng âm thanh hơi kém, hai ca khúc đầu thể hiện rõ chất giọng Thái Thanh, người đọc lời dẫn là ca sĩ Quỳnh Giao. Ba ca khúc ít ỏi còn sót lại: Đêm thu, Con thuyền không bến và nhất là Giọt mưa thu, hay như cái tên ban đầu của nó: Vạn cổ sầu, dường đã khóc trước cho số phận của người nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh này!

Đêm thu, Con thuyền không bến & Giọt mưa thu - Thái Thanh 

Khi nhạc sĩ Phạm Duy theo chân gánh hát Đức Huy đến Nam Định thì Đặng Thế Phong đã qua đời được vài năm, khi mới 24 tuổi, ông (PD) chỉ còn biết tìm lại người xưa qua những nét nhạc… và cũng chỉ có ông mới nhìn ra những nét dân ca VN (sa mạc, bồng mạc) trong thể loại âm nhạc tưởng chừng như là thuần “thất cung”, thuần Tây phương của Đặng Thế Phong…

cỏ hồng

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối, rước em lên đồi, hẹn với bình minh. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép, hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm. Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền. Giọt sương đêm còn trinh nguyên, nằm mê man chờ nắng sớm lên…

Cỏ hồng - Thái Thanh 
Cỏ hồng - Quỳnh Giao 

dantri.com.vn – Đồi cỏ hồng đẹp như tranh ở Đà Lạt hút khách ngày đầu đông.

chiều về trên sông – 1

Chiều buông trên dòng sông cuốn mau, thương đời thương lẫn nhau trong chiều. Về đây bọt bèo muôn khắp nơi, vui buồn cho có đôi không nhiều…

Cách đã vài tháng, có dịp thử cái “máng heo” – thuyền buồm nhỏ Optimist này trên một đoạn sông Sài Gòn gần An Phú Đông, quận 9. Một chiều gió rất nhẹ, vừa đủ để chiếc xuồng nhẹ nhàng chậm rãi lướt đi…

Chiều về trên sông - Thái Thanh 
Chiều về trên sông - Quỳnh Giao 

cổ kính – tàn y

Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi!

M ột bài thơ cổ, tương truyền là của Ôn Như hầu – Nguyễn Gia Thiều, theo thể Thất ngôn Đường luật, tác giả thương khóc người vợ đã mất, trong đó có hai câu luận rất “đắt”: Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại, để dành hơi. Tác giả muốn đập vỡ kính (gương) ra, để tìm bóng người yêu từng soi trong đó, rồi đành xếp manh áo lại, để giữ chút hương xưa còn sót của người đã khuất. Cổ thi mà ngôn từ, ý tứ như thế quả thật là quá mới lạ, táo bạo và cũng rất lãng mạn. Dù lời văn nghe có vẻ xưa cũ, “thơ tình” như thế này, ngay cả thời hiện đại dễ gì sánh được!?

Tình hoài hương - Thái Thanh 
Tình ca - Thái Thanh 
Cành hoa trắng - Quỳnh Giao 
Quê nghèo - Quỳnh Giao 
Nhớ người thương binh - Mai Hương 
Nương chiều - Mai Hương 
Thu chiến trường - Kim Tước 
Dạ lai hương - Kim Tước 
Chinh phụ ca - Hà Thanh 

Nhạc của Phạm Duy, với tôi cũng giống như là “cổ kính” và “tàn y”! “Dân ca VN”, xem như là một thứ đã mất, một người đã khuất, không mấy ai còn biết bóng dáng thế nào! Âm nhạc của Phạm Duy cũng giống như “cổ kính” – chiếc gương còn lưu giữ lại bóng dáng của người đẹp, cũng giống như “tàn y” – manh áo cũ còn lưu lại chút hương thơm của giai nhân, âm nhạc Phạm Duy còn lưu lại phảng phất hình bóng dân ca Việt. Về sau, muốn tìm lại bản sắc, e rằng cũng phải làm những việc “đập kính – xếp áo”, tìm lại sự phản chiếu trong âm nhạc của Phạm Duy vậy!

100 ca khúc quỳnh giao

C hất giọng đẹp xếp ngay sau Thái Thanh, có lẽ là Quỳnh Giao, trong một số bản thu âm, thậm chí có phần còn ấn tượng hơn, có lẽ là nhờ kỹ thuật thu âm hiện đại. Và mặc dù đây đó, một số chỗ không hẳn là đã thực sự đạt đến mức tuyệt mỹ để có thể khiến cho ai ai cũng phải hài lòng, nhưng phải thừa nhận rằng Quỳnh Giao có một chất giọng sang trọng, tinh tế không sao tả xiết, phải chăng cũng là một chút dư âm, “vang bóng” cuối cùng mà dòng dõi Hoàng tộc Việt Nam còn lưu lại đến ngày nay!?


tiếng đàn tôi

Mênh mông lả ơi, người về xoã tóc không lời.
Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi.
Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp không lời.
Khoan khoan hò ơi, lạnh lùng em đã rời tôi.

Ghi ra đây một chuyện thú vị trong chuyến xuyên Việt vừa qua. Thoáng nghe một bà lão (chừng trên 70 tuổi) vừa rửa chén bát, vừa hát bài này ở thành phố Điện Biên Phủ. Dừng xe lại, đúng vào cái khúc: mênh mông lả ơi ấy, và giả vờ hỏi: cụ ơi, cụ đang hát bài gì thế ạ!?, thì nhận được câu trả lời: tôi cũng không nhớ đâu, chỉ hát chơi thế thôi!

Tiếng đàn tôi - Quỳnh Giao 
Tiếng đàn tôi - Thái Hiền 

Cái thú vị là ở chỗ, nghe được một điệu dân ca rất xa xưa, lồng trong một ca khúc cũng đã khá xa xưa, được hát bởi một người cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Và người trình diễn cũng chỉ nhớ và hát nó hoàn toàn tình cờ, thậm chí không còn biết đến tựa đề hay tác giả. Cái sự đi vào lòng người, thấm vào trong tiềm thức, thành công của âm nhạc chính là ở chỗ đó.

Tôi cũng không biết là bài này được phát triển từ điệu dân ca nào, nhưng NS Phạm Duy hẳn là sẽ mỉm cười khi biết chuyện thế này! Nghe thêm cụ Phạm Ngọc Lân đàn và hát bài này dưới đây, và hát đầy đủ cả 2 lời của ca khúc. Còn có thêm một lời ca nữa: Xuân Hương nàng ơi, thuyền về tới bến mê rồi, nhưng lời đó thì chỉ có NS Phạm Duy mới biết mà thôi! 😀

Tiện nói luôn, lặp lại một số điệu phổ biến, kiểu: tình tang nọn tàng tinh, tính tang nọn tang tình (Lý ngựa ô Huế) mà gọi là hiểu dân ca thì… nực cười lắm, cái đó mới gọi là học vẹt thôi. Hiểu thực sự là nắm được những thể phát triển từ dân ca, lần theo được những biến hoá tinh vi của nó. Đó cũng là lý do tại sao các nhạc sĩ hiện đại không sáng tác được dân ca (học vẹt).

Tiếng đàn tôi – Phạm Duy

Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt, với bao tiếng tơ xót thương người. Vì cuộc tình đã chết một đêm nao, lúc trăng hãy còn thơ ấu.

Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi, vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời. Lúc bao nhiêu tiếng cười, rộn ràng chảy về xuôi.

1. Mênh mông lả ơi, thuyền về tới bến mê rồi, khoan khoan hò ơi, dặt dìu trong tiếng đàn tôi. Mênh mông lả ơi, thuyền về bát ngát hương trời, khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi!

Buồm về dội nắng trên khơi, bao nhiêu hoàng hôn đến cho êm vui người ơi! Có tiếng hát theo đàn tôi, như ru như thương linh hồn đắm đuối. Mênh mông lả ơi, thuyền chờ mong gió lên trời, mang theo đàn tôi chảy về đậu bến ngày mai.

2. Mênh mông lả ơi, đường về dương thế xa vời. Khoan khoan hò ơi, lệ sầu rụng xuống đàn tôi. Mênh mông lả ơi, người về xoã tóc không lời. Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi.

Buồm về dội nắng trên khơi, bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi, người ơi! Có tiếng hát theo đàn tôi, như ru như thương linh hồn đắm đuối. Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp không lời. Khoan khoan hò ơi, lạnh lùng em đã rời tôi.

người đi qua đời tôi

Thích nghe chữ gió thứ hai trong bài này, không phải chỉ ngũ cung mới có sự luyến láy, non một chút, già một chút… So chất giọng với phần đông ca sĩ bây giờ, khác nào đem âm thanh đàn organ điện tử so với cây đại phong cầm (pipe organ, không phân biệt được âm thanh của organ và pipe organ thì xin mời ra quán nhậu hát nhạc boléro kẹo kéo!)

Người đi qua đời tôi - Thái Thanh 
Người đi qua đời tôi - Quỳnh Giao 

Thực ra tôi cũng thích nghe Thái Thanh hát nhạc Trịnh Công Sơn 😀, ví như: Tuổi đá buồn, Ca dao me… (nghe trong post trước về Thái Thanh của tôi). Lẽ đương nhiên, “thích” có vô vàn sắc thái, góc độ khác nhau, cũng có vô vàn ẩn ý, ngữ nghĩa khác nhau, ví như tôi cũng thích nghe boléro, ví dụ như bài này.

bắc hành – 2015, phần 9

Này áng mây chiều,
Thuyền mây ơi trôi đi đừng vấn vương,
Về phương xa nhắn ai khuây tơ lòng,
Là nam nhi chí trai tang bồng.

Áng mây chiều - Dương Thiệu Tước - Quỳnh Giao 

Chặng 9: Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng và các vùng lân cận

Sài gòn ⇔ Hà nội 2015
Sơn Tây 2015
Yên Bái 2015
Lào Cai 2015
Hà Giang 2015
Đồng Văn 2015
Mèo Vạc 2015

Hầu hết chúng ta nghĩ về người Mông, Dao, Tày, Thái… như những sắc dân kém phát triển. Trên đường đi tôi thấy nhiều, những người dân tộc vì đói nghèo, vì hôn nhân cận huyết, vì cả những tệ nạn của cuộc sống hiện đại… làm cho suy kiệt. Nhưng vẫn còn nhiều người mà khi tiếp xúc với họ, ta có được cảm giác vững vàng, tự tin, ta vẫn đọc được trong họ nét riêng, chiều sâu trong cách sống. Họ như những cây thông, cây tùng đầu núi, dù thế nào vẫn vững chãi xanh tươi.

Đôi khi tôi nghĩ có lẽ là ngược lại, những “người dân tộc thiểu số” đó văn minh hơn người Kinh chúng ta hiện nay, trên nhiều mặt. Khách sạn tôi ở có một cây đào cổ thụ rất đẹp trước cổng, du khách Việt đa số chẳng thèm bận tâm đến cây đào, cũng chỉ là một trong hàng triệu cây đào khác. Những người Mông, Dao… đi qua, hầu như ai cũng dừng lại ngắm nhìn và trầm trồ khen hoa đẹp. Trong họ có một mối liên hệ gắn bó máu thịt với rừng núi, với cây cỏ, với môi trường sống chung quanh.

Và còn nhiều điều khác không thể nói hết trong những post chơi chơi, ngắn gọn như thế này. Có một điều rõ ràng, những con người ấy cho tôi thấy một chút giá trị tự thân của cá nhân và cộng đồng, chứ không phải những chiêu trò vụn vặt rẻ tiền sẽ chẳng đi đến đâu của cái xã hội người Việt hiện tại. Nói như Tản Đà: Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con! Rời Đồng Văn về tp. Hà Giang qua đèo Mã Pí Lèng và Mèo Vạc, kết thúc những chặng chính của hành trình.

ngọc lan

Ngọc lan, bản nhạc hoàn hảo trên mọi góc độ, từ giai điệu, ca từ cho đến trình bày, hòa âm… Khi xưa nhà có một băng nhạc (loại Maxell màu nhũ vàng) mà ai đó đã khéo léo sắp bài này chung với: Nguyệt cầm, Tiếng dương cầm, Hương xưa, Hoài cảm, Đêm ngắn tình dài… tạo nên một không khí rất chi thanh tân, cổ điển cho suốt 90 phút nghe. Giờ thì biết là cũng chỉ loanh quanh trong những tác giả như: Vũ Thành, Văn Phụng, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước…

Ngọc lan - Thái Thanh 
Ngọc lan - Quỳnh Giao 

Ai đã trót mê Thái Thanh thì khó có thể thấy ai hát hay hơn bà (dù Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước đôi khi có những trình diễn thật sự rất riêng biệt). Nhưng những năm gần đây, chẳng mấy khi nghe bài này mà thấy hay… một dấu hiệu xuống cấp của cái tai nhạc 😢.

chiều về trên sông

Chiều buông trên dòng sông cuốn mau,
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều.
Về đây bọt bèo muôn khắp nơi,
Vui buồn cho có đôi không nhiều…

Dù từ nhỏ đã không xa lạ gì với nhạc Phạm Duy nhưng đôi khi, nhiều ca khúc của ông vẫn gây cho tôi cảm giác sửng sờ đến kinh ngạc. Nhạc Phạm Duy và giọng ca Thái Thanh, một composer, một performer mà trăm năm trước, nhiều trăm năm sau nhạc Việt sẽ không thể nào có lại được!

Chiều về trên sông không hẳn là tác phẩm hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng là một giai điệu rất dể đồng cảm: nửa Tây phương, nửa Đông phương, gây nên cảm giác u buồn nhưng thanh thản, lửng lơ, yểu điệu (đúng như ca từ bài hát).

Chiều về trên sông - Thái Thanh 
Chiều về trên sông - Quỳnh Giao 

Cũng như thế, tiếng hát Thái Thanh không hẳn là một giọng ca gần gũi dễ nghe (“tiếng hát trên trời”), nên Quỳnh Giao sẽ dể đi vào lòng thính giả hơn với ca khúc này.