bài thơ đầu tiên

Bài thơ đầu tiên tôi thuộc, một cái học thuộc lòng “cưỡng bức”, trước khi biết đọc, biết viết. Ngay cả trước khi biết nói cho rành mạch, rõ ràng thì tôi đã nằm lòng hơn trăm câu của Chế Lan Viên này. Đơn giản là từ lúc nằm nôi thì tôi đã được (bị) ru bằng bài thơ này mỗi ngày, đến nỗi thuộc như cháo lúc nào không hay, ví dụ như: Ôi Trường Sơn vĩ đại của ta ơi, Ta tựa vào ngươi kéo pháo lên đồi… hoặc là: Ôi thương thay những thế kỷ thiếu anh hùng, Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận…

Bản dưới đây là chép lại theo trí nhớ của tôi nên có đôi chỗ khác biệt với bản hiện đang phổ biến lưu hành. Đó là chuyện của một thời (một thế hệ) đầy lý tưởng (ảo tưởng!?), còn đây là chuyện của thời bây giờ, đề thi Văn năm nay nên ra như thế này:

Hãy điền chữ còn thiếu vào đoạn thơ sau
(liệu hồn mà điền cho đúng):

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm,
Tổ quốc có bao giờ …… thế này chăng?

😬

Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng – Chế Lan Viên

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?
Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất,
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành Văn.
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.

Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả,
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn.
Trái cây rơi vào áo người hứng quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn.

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa.
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời,
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ,
Văn Chiêu Hồn từng thấm giọt mưa rơi!

Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại chậm?
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút giây này.
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng,
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ.
Thịt xương ta, giặc phơi ngoài bãi bắn.
Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ.

Không ai có thể ngủ yên trong đời chật,
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng.
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm.
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng.

Ôi Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
Ta tựa vào ngươi, kéo pháo lên đồi.
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát,
Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ-cát.
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất,
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác
Chim cu gù, chim cu gáy xa xa.
Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cách,
Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt,
Lúa hên mùa xin lúa chín về quê ta.

Rồi với đôi bàn tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê…
Đảng làm nên công nghiệp.
Điện trời ta là sóng nước sông Hồng.
An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép,
Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?
Ong bay nhà khu tỉnh ủy Hưng Yên,
Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em,
Cây xanh ngắt đất bạc mầu Vĩnh Phúc.

Ôi cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc,
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên?
Ôi cái buổi sinh thành và tái tạo,
Khi thiếu súng, khi thì thiếu gạo,
Nhưng phù sa này đẻ ra những Cà Mau,
Thịnh vượng mai sau.

Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu,
Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau?
Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!
Ôi thương thay những thế kỷ thiếu anh hùng,
Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận,
Nhà thơ sinh đồng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn.
Cả đất nước trắng một màu mây trắng,
Ai biết mây trên trời buồn hơn hay thơ mặt đất buồn hơn?

Chọn thời mà sống chăng? Ta phải chọn vào năm nào đây nhỉ?
Cho tôi sinh ra vào giữa buổi Đảng dựng xây đời,
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể,
Ta với mẻ thép gang đầu làm đứa trẻ sinh đôi,
Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười.
Cho tôi sinh ra giữa những ngày diệt Mỹ,
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy,
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.

tình ca – 2

…Tiếng nước tôi,
bốn ngàn năm ròng rã buồn vui,
khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!

Lâu lâu nghe lại những bản nhạc kinh điển một chút. Cách đây vài năm trên Wikipedia tiếng Việt còn tranh cãi Tình ca nào phải của NS Phạm Duy, mà là của NS Hoàng Việt 😬. Nếu Tình ca Hoàng Việt là một tình khúc “đỏ” rất hay thì Tình ca Phạm Duy, ở một mức độ phổ quát hơn, là bản tuyên ngôn tuyệt vời nhất cho cái gọi là bản sắc Việt! Trình bày của Thái Thanh dưới đây có tempo khá chậm, những ai muốn một thể hiện hiện đại hơn có thể nghe Mỹ Linh bên đây.

Tình ca - Thái Thanh - 1969 
Tình ca - Thái Thanh 
Tình ca - Mỹ Linh 
Tình ca - Nguyễn Đình Nghĩa 

Hàng chục năm trở về trước, khi tôi giới thiệu bài này với bạn bè mình, họ đã không hiểu được phần nhạc và cả phần lời của bài này, nhìn nó với con mắt lạ lẫm, nghi hoặc. 😢 Sau khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước, sau khi nhiều đài, báo đã cho âm nhạc Phạm Duy một sự “bảo đảm” nhất định, thì họ có vẻ “hiểu” bài này hơn. Nên dĩ nhiên đến tận bây giờ tôi vẫn không cho là như thế!! 😢

Tình ca – Phạm Duy

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi, tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi. Tôi yêu tiếng ngang trời, những câu hò giận hờn không nguôi. Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi, vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

Một yêu câu hát truyện Kiều lẳng lơ, như tiếng sáo diều (diều) làng ta. Và yêu cô gái bên nhà miệng xinh, ăn nói mặn mà (mà) có duyên.

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình, nhìn trùng dương hát câu no lành. Đất nước tôi, dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn. Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi. Đất nước tôi, núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng. Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.

Tôi yêu những sông trường. Biết ái tình ở dòng sông Hương. Sống no đầy là nhờ Cửu Long. Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

Người yêu thế giới mịt mùng cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam. Làm sao chắp cánh chim ngàn, nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (là hàng) mến nhau.

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu. Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo. Mình đồng da sắt không phai mầu. Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao, những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao, dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi.

Tôi yêu biết bao người, Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa, những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi, ngày xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca. Ruộng xanh tươi tốt quê nhà, lòng tôi đã nở như là (là) đóa hoa.

cq – 88

Bức tranh này do cậu bé TKXuyên vẽ năm 1988, màu nước trên giấy, hiện vẫn treo trong phòng làm việc của mình (mọi người đừng cười một người chưa bao giờ có khiếu vẽ vời gì dù chỉ là một chút xíu). Dĩ nhiên là tôi còn nhớ rất rõ là vẽ vì những lý do gì, trong bối cảnh như thế nào. Mọi người hẳn chưa thể nào quên sự kiện CQ – 88 mà ngay cả một cậu bé 9 tuổi là tôi lúc bấy giờ cũng từng ngày dõi theo. Nghĩ mà buồn, đến nay hơn 20 năm rồi mà mọi chuyện vẫn thế. Dòng chữ đề trong bức tranh: Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ, Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong, cụ Nguyễn Công Trứ có sống lại mà nhìn bối cảnh bây giờ… 😢

thôi

Ôi cuộc đời, đầy phong ba giữa lòng người…
Ly rượu này, đầy thương đau tấm hình hài…

Khi xưa thích bài này, nhưng có lẽ là do giọng ca Thái Thanh mà thôi…

Báo Thanh Niên gần đây có loạt bài là lạ: Những bóng hồng trong thơ nhạc, đầu tiên là về ca khúc Ngày xưa Hoàng thị, về những bài thơ của Phạm Thiên Thư đã được NS Phạm Duy phổ nhạc, tiếp theo đó là bài viết về ca sĩ Thanh Thúy, một trường hợp rất đặc biệt trong làng nhạc cũ. Chờ xem bài tiếp theo trong serie là về ai! Cá nhân tôi thì không ấn tượng đặc biệt lắm với giọng ca cũng như thể loại nhạc của ca sĩ Thanh Thúy (dù rất cảm cái chân thành, tự nhiên, “mộc” đến mức… “liêu trai” của bà).

Thôi – Thái Thanh 

Ca sĩ Thanh Thúy được gọi là “tình yêu của nguyên cả một thế hệ”, “người trong mộng” của không biết bao nhiêu là nhân vật trong giới văn nghệ sĩ đương thời: Trúc Phương, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Nguyễn Long… danh sách những người chết mê chết mệt, thần tượng, tôn thờ, hay đơn giản là thầm yêu trộm nhớ bà còn dài, dài lắm. Quanh Thanh Thúy, có không biết bao nhiêu là tác phẩm thơ văn, âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, phim ảnh… được thành hình, mà ca khúc phổ biến bên đây chỉ là một ví dụ.

hq – 011





Ảnh 1: HQ – 011 trong lễ thượng kỳ, Ảnh 2: sea – trial ở biển Baltic, Ảnh 3: cạnh 2 chiếc Molnya tại Cam Ranh, Ảnh 4: HQ – 012 chuẩn bị về VN, Ảnh 5: 1 chiếc Molnya và 1 Svetlyak ở Trường Sa.

Cái này thì mọi người đều biết cả rồi, Gepard – class light frigate đầu tiên về tới cảng Cam Ranh tháng 3 vừa rồi, chính thức thuộc biên chế HQND VN với số hiệu HQ – 011 và tên Đinh Tiên Hoàng, chiếc Gepard thứ hai HQ – 012, Lý Thái Tổ sẽ về tới VN trong hơn một tháng nữa. Đây là hai chiến hạm “lớn” đầu tiên, thuộc loại được mang tên chứ không phải chỉ có số hiệu như các Molnya covrette. Trước sức ép của tình hình thực tế, các bác ấy đã bay sang Nga và ký biên bản nghiệm thu tàu trước một tháng so với lộ trình! Và cũng chưa bao giờ khẩn trương như thế khi nhà máy Ba Son cùng một lúc đóng mới 10 chiếc Molnya đã mua bản quyền từ Nga.

Việc nghiên cứu, đầu tư và làm chủ công nghệ không phải là điều dễ dàng, nhưng với cách làm mất (lưỡi) bò mới lo làm chuồng thế này thì chúng ta sẽ đi được tới đâu? Ai cũng hiểu là tàu thì cũng đã bắt đầu có rồi, nhưng cũng chỉ để “trưng” cho vui chứ chưa dùng được. Hệ thống huấn luyện điện tử giả lập (cho phép hơn 50 sĩ quan cùng một lúc thực hành trong điều kiện giống như chiến trận thật) mới về VN tháng 5 vừa qua, dĩ nhiên là không như chơi game, phải tập luyện 3 ~ 5 năm nữa thì số tàu kia mới bắt đầu có đôi chút giá trị, trọng lượng thực tế (riêng huấn luyện tàu ngầm thậm chí còn lâu hơn). Con bài chủ yếu để “mua thời gian” lúc này chính là không quân!

Nhưng vài chục chiếc máy bay hiện đại ở sân bay Thành Sơn và Đà Nẵng chưa phải là tất cả vấn đề, máy bay bây giờ hầu như đâu có ném bom nữa! Về vũ khí, VN có cái gì thì dĩ nhiên TQ cũng có cái đó: Switchblade (Ural – E), Termit (P – 20), Sunburn (Moskit)… nên cũng đành bỏ ra 300 M nữa để sở hữu công nghệ chế tạo Yakhont (Onyx), loại tên lửa Nga không bán cho TQ, chỉ bán cho Ấn Độ và VN. Chủ động được vũ khí riêng, vẫn còn một bước cuối: dàn phóng và điều khiển bắn cho Yakhont từ tàu chiến, máy bay hay tàu ngầm, cái này vẫn chưa làm được. Thế nên ngay lúc này chỉ có cách đặt hỏa tiễn trên bờ (Bastion – P) đợi “tàu lạ” vào gần chút thì may ra bắn trúng mà thôi!

Vấn đề không nằm ở công nghệ hay chiến lược, chiến thuật, và cũng không hẳn là chuyện tiền nong. Nếu mỗi chiếc Đinh Tiên Hoàng như thế này có giá khoảng 125 ~ 150 M thì riêng một vụ Vinashin đã ăn hết 25 ~ 30 đời vua Đinh rồi, chưa kể hàng loạt những vụ khác. Nghe giống như chuyện Từ Hi thái hậu dùng ngân sách tu bổ, nâng cấp Bắc Dương hạm đội để xây Di Hòa viên, dẫn đến việc hạm đội này trở nên lạc hậu và thất bại thảm hại trước hải quân Nhật Bản 10 năm sau đó. Nếu từng chuyện nhỏ đã không đúng thì chuyện lớn chẳng thể nào đúng được, mà thực tế văn hóa, xã hội VN như hiện tại là đang ở trong tình trạng: không có gì đúng cả, từ chuyện nhỏ đến việc lớn!