Đôi khi tôi cũng muốn nói sâu xa một chút, tới những khía cạnh “triết học” của chèo thuyền. Anh nói gì vậy, chèo thuyền cũng có “triết học” ư!? Nói cho đúng hơn, nó là một số vấn đề tâm lý học mang màu sắc gần gũi với nhà Phật. Giả sử có một vị đại gia, trong giây phút bốc đồng, “nhón tay làm phúc”, cho đi 10 tỷ để làm từ thiện. Và có một người khác, tuy không giàu có để giúp được gì nhiều cho người khó, nhưng luôn nhìn người khác bằng con mắt của sự quan tâm, cảm thông, đầy lòng trắc ẩn.
Dĩ nhiên là về mặt xã hội (social impact), vị đại gia kia tạo ra được một sự khác biệt, đặc biệt có ý nghĩa dưới con mắt người ngoài nhìn vào. Nhưng từ góc độ tâm lý học, nếu đại gia đó không làm điều đó bằng động cơ của lòng trắc ẩn thật sự (mà chỉ là vì sự bốc đồng, sự hám danh, sự bù trừ, hay một động cơ nào đó khác), thì mặc dù ông ấy có thể tạo ra một tác động nào đó lên xã hội, ông ấy chẳng gây được một “impact” gì cho tâm hồn của chính ông ta cả, đường đời càng dài thì điều ấy càng thể hiện rõ.
Phàm người ta làm bất kỳ hành động gì, thì cái động cơ căn bản cũng là vì chính mình, cái mục tiêu đầu tiên là thay đổi chính bản ngã của mình. Xã hội hiện đại đầy rẫy những con người với những “động cơ cao đẹp”, họ chỉ muốn tạo ra những hình ảnh trong mắt người khác, họ lải nhải những ngôn từ có cánh về đạo đức. Họ luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, họ chỉ thiếu quan tâm đến… chính tâm hồn họ mà thôi, để cho nó nổi trôi, lạc lỏng vô vọng khi “đu bám” những điều nghe có vẻ cao đẹp ấy.
Nói nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng trên một con đường dài như cuộc đời, tôi không quan tâm đến việc một người làm được gì cho xã hội hay cho người khác, chỉ quan tâm đến cách họ đối xử với tâm hồn mình như thế nào. Cái đó, nhìn vào bản chất một con người, anh không thể nào dối trá hay che giấu được. Vì bản ngã, chân tướng của mỗi con người là một con quái vật không dễ gì đương đầu với nó, cần phải có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, cần sự tinh tấn, tu chính không mệt mỏi, không ngừng nghỉ.
Nhưng điều đó thì có liên quan gì đến việc chèo thuyền!? Chèo thuyền, nó chỉ là một bài tập, để một người thực hành cái tự quan tâm đến chính mình, thực sự cảm cái bồng bềnh của sóng, cái phiêu phỏng của gió, cái âm thầm của nước triều dâng, để cảm được những khó khăn của tự nhiên và nỗ lực của bản thân. Đó là một cơ hội để mỗi người tự nhìn vào mình, và biết rũ bỏ đi những “loại tốt đẹp giả cầy”, “những kiểu giá trị vớ vẩn, nhảm nhí” mà xã hội bao nhiêu năm qua đã tiêm nhiễm vào họ!