Tôi đã nghe nhạc của Lê Uyên Phương từ lâu, những câu nhạc quen thuộc, cứ hát nhưng không biết là nhạc của ai: em ơi, xin em, xin em nói yêu đương đậm đà, để rồi ngày mai cách xa
, như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân
… Mãi về sau khi một người bạn hát cho nghe bài Dạ khúc cho tình nhân, tôi thấy rất hay bèn hỏi là nhạc của ai, bạn tôi trả lời… của Tuấn Ngọc 😀. Bắt đầu tìm hiểu về Lê Uyên Phương từ đó, những album, bài hát, từ cái tiêu đề, ca từ cho đến nhạc, nhất là nhạc, đã phảng phất vẻ khác người, đứng riêng một đôi trai gái thắm thiết yêu nhau trên bầu trời ca nhạc.
Dạ khúc cho tình nhân ►
Hãy ngồi xuống đây ►
Vũng lầy của chúng ta ►
Những tên album: Khi loài thú xa nhau, Tình như mây cõi lạ, Nỗi buồn dâng hiến…, những tên bài hát: Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta, Ngồi lại trên đồi, Bài ca hạnh ngộ, Loài hươu đa cảm, Tình khúc cho em… phảng phất nét hiện sinh chủ nghĩa phổ biến trong giới văn nghệ sĩ trước 1975, mà vẫn có nét ái tình, u buồn, khát khao riêng biệt. Nếu như miền Nam lúc đó, đã có một Phạm Duy & Thái Thanh, với gốc gác Hà Nội xưa, đã có một Trịnh Công Sơn & Khánh Ly mang màu sắc Huế trầm mặc, hai phong cách lớn trên khung trời âm nhạc, thì bỗng dưng xuất hiện một đôi trai gái yêu nhau, họ đã mang khí trời Đà Lạt thổi vào đời sống văn nghệ lúc đó.
Về tầm vóc, thật khó so sánh Lê Uyên Phương với Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy. Trịnh Công Sơn có một khối lượng tác phẩm lớn với ngôn từ uyên áo. Phạm Duy có một lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú và sáng tạo hơn nhiều về mặt âm nhạc. Lê Uyên & Phương thì chỉ có những bài hát về cuộc tình của họ, dường như ngoài hai con người yêu nhau kia ra, chẳng gì khác tồn tại: chiến tranh, chết chóc, cuộc sống khốn cùng… Nhưng xét từ một khía cạnh khác, Lê Uyên Phương có chỗ đứng ngang hàng với những “đại gia” âm nhạc kể trên. Nếu như nhạc Phạm Duy không tách rời cái số nhà 54 Hàng Dầu, nơi tác giả sinh ra: Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, Số nhà năm bốn đứng đầu… du côn
, không tách rời các làn điệu ngũ cung ba miền đất nước; nhạc Trịnh (phải nói là khá đơn điệu) là nhạc thất cung (ảnh hưởng nặng nề của giáo dục âm nhạc Pháp), thì Lê Uyên Phương, có lẽ là người đầu tiên tiếp nhận ảnh hưởng rock, blue, jazz Mỹ mà đem vào âm nhạc của chính mình, biến nó thành của mình không có chút nào ngượng ngập, khiên cưỡng.
Nhạc Lê Uyên Phương trong khổ đau chân thực vẫn luôn tiềm ẩn sức sống và khát vọng rất riêng, như chính một lời hát: trong đau đớn điên cuồng đó, vun kiếp sống không ngơi
. Họ sinh ra là để yêu nhau và ca hát, như mỗi lần từ Sài Gòn (nơi họ biểu diễn để kiếm sống), trở về Đà Lạt, để tiếp tục bên nhau và có những sáng tác mới về cuộc tình của chính mình. Xin gửi đến các bạn ba bài hát trong album Khi loài thú xa nhau, album ghi dấu cuộc tình lãng mạn Lê Uyên & Phương. Có nhiều bản thu âm (của những ca sĩ khác) có thể ấn tượng hơn, nhưng nhạc của Lê Uyên Phương, xin nghe trình bày từ chính Lê Uyên & Phương.
Một cuộc tình như thế cuối cùng lại có một kết cục (theo tôi) là tầm thường. Âu cũng là số phận và căn cơ con người chỉ đến thế, cũng là một bài học về cái cơ địa (đáng buồn) của nhiều (đa số) người Việt chúng ta, cũng là một dạng định mệnh, đến và đi, không thể khác được. Nhưng ít nhất họ cũng đã có 15 năm chung sống, một tình yêu thật đẹp, và một sự nghiệp âm nhạc đầy mầu sắc, họ chẳng có gì để tiếc nuối.