mách qué

Hồi đó cứ lang thang quanh quẩn ở mấy tiệm sách cũ quanh khu chợ Bà Chiểu và góc đường Trần Huy Liệu… bắt gặp cuốn thơ Cao Bá Quát bản in chữ viết tay siêu đẹp, chủ quán nhìn mặt kêu giá 500K, mà học sinh làm éo gì có tiền, đành tiếc mãi thôi! Đương nhiên quá trình lớn lên và học hỏi cũng có đọc ít nhiều Thơ mới, thơ VN, nhưng mà sâu từ trong nhận thức, chỉ có “chữ Hán”, chỉ có Đường thi mới là thơ. Còn “Nôm na là cha mách qué”, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ “mách qué – không đứng đắn”! Một lũ từ ngữ trơn tuột, cưỡng từ đoạt lý, giảo hoạt, nói cho lấy có lấy được, cứ ưa hơn người bằng cách lấp liếm, hoa ngôn xảo ngữ, chứ không thực sự nhắm đến nội dung bên trong!

Học “cổ văn”, cái đầu tiên là phải kiên nhẫn suy nghĩ xem ý tứ nó ra làm sao, không phải nghe có nửa câu đã nhảy vào miệng người ta ngồi: “ah ta biết rồi, nó là như thế này, thế kia!” Bởi đa số người Việt vẫn chỉ biết: “Cầm đao chém nước chảy cuồng, Tiêu sầu nâng chén càng buồn thêm thôi!”, nhưng có ai chịu khó đọc tiếp mấy câu sau: “Trần gian chưa thoã ý người, Sớm mai xoã tóc rong chơi với thuyền”!? Tiếp sau luôn luôn có những cái “ý tại ngôn ngoại”, viện dẫn sự tích, điển cố, làm cho ngữ nghĩa nó thâm trầm, bao quát! Nói thẳng muôn đời vẫn là một kiểu dân tộc tính khó sửa, học một ông “thầy Tàu” nào đó nhưng vì bản chất nó “đoản” nên lúc nào cũng chỉ học được… một nửa câu!

stand up for faith, Russian land!

Tính cách Nga mà, khó ai đoán được, kể cả người trong cuộc như Mỹ với đầy đủ tin tức tình báo: lúc đầu nhận định kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Nga thất bại, tiếp theo nhận định Nga gặp khó khăn hậu cần, triển khai lực lượng! Kế đến lại nhận định Nga muốn tiến chậm, đánh chắc… Thực ra Nga đang cố tình phô diễn lực lượng, và cho thấy ý định tiến hành một cuộc chiến kiềm chế, mong Ukraine thấy khó mà lui, ngồi vào bàn đàm phán! Nhưng anh U cá tính nhỏ nhặt lặt vặt muôn đời, không đánh mạnh thì chưa tỉnh ra đâu!

Nhân đây cũng nói rõ, sự ủng hộ “từ trong vô thức” của tôi dành cho dân tộc Nga, bất chấp quan điểm chính trị, bất chấp tình hình thực tế, cái “ủng hộ” này, thực ra có gốc gác sâu xa từ tầng… văn hoá! Khi bạn hiểu một dân tộc đủ sâu, đủ rộng thì sự đồng cảm, thông hiểu tự dưng xuất hiện! Tính cách Nga, y hệt như trong lời bài hát này vậy: Stand up for faith Russian land! Do not show mercy, neither for enermies nor yourself! Hãy đứng lên vì đức tin, vì nước Nga! Không cần phải thương xót ai, dù cho là kẻ thù hay chính bản thân mình…

đăng hoành sơn

Muôn dặm đường đi núi lẫn đồi,
Bên non cỏ nội tiễn đưa người.
Ai tài kéo nước nghìn năm lại?
Trăm trận còn tên một lũy thôi.
英雄莫挽千年國
征戰空存一壘名

Hình chụp ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Thành cổ Đồng Hới không lớn nhưng cấu trúc thành, hào vuông vắn theo kiểu Vauban vẫn còn được bảo vệ tốt…

tự cựu hồng

Ven sông lầu gác trập trùng,
Đồn quân, dinh tướng tây đông mấy tòa,
Thịnh suy bốn chục năm qua,
Riêng sen vẫn giữ màu hoa thắm hồng.

高伯适 – 香江雜詠

一帶沿江甲第雄
五軍開府照西東
榮枯四十餘年事
惟有荷花似舊紅

Hình chụp trong chuyến đi về ba tỉnh Bình – Trị – Thiên năm 2013, Thịnh suy bốn chục năm qua… có cảm giác rằng tâm sự thơ của Chu Thần Cao Bá Quát vẫn không cũ, vẫn có điều gì mang tính thời sự.

cổ lai danh lợi nhân

Một chiều trên tỉnh lộ 206 từ Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng (thác Bản Giốc) chạy về thị trấn Phục Hoà, giáp ranh TQ. Con đường rất đẹp đi qua vùng biên giới hoang vắng, hiếm hoi lắm mới thấy được một mái nhà, một bóng người. Đã hơn 5h chiều, khu dân cư gần nhất vẫn còn cách tầm 50 km, trời rét dưới 10 độ, bụng đói cồn cào. Đang không hy vọng gì có được một bữa tối êm ấm, thì qua một khúc quanh, bỗng đâu xuất hiện một quán… heo quay. Tin nổi không, một quán heo quay lá mắc mật nằm trơ trọi giữa núi rừng. Vội ghé vào, chủ quán là người Tày, trong bộ áo quần lĩnh đen truyền thống, đầu chít khăn mỏ quạ cũng đen nốt, bất giác cảm thấy như đang ở trong một phim cổ trang nào đó. Thật đúng là:

Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung,
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng!

Trích từ trong bài thơ Sa hành đoản ca của Cao Chu Thần – Cao Bá Quát đã đăng cách đây rất nhiều năm. Gọi thầm trong bụng: Tiểu nhị, cho 2 cân thịt và 1 vò rượu! Trời lạnh cóng thế này, không có gì khoái khẩu hơn những món ăn nhiều mỡ, làm liền một lúc 3 lạng heo quay, vẫn còn thòm thèm! Chủ quán đem rượu Táo mèo ra mời, ngồi nói chuyện lai rai, không tiện từ chối, làm chừng 3 ly nhỏ để cho ấm cơ thể! Thầm nghĩ trong đầu, hết chỗ rượu thịt này, chủ quán mà kêu lên: 1, 2, 3, đổ này, đổ này! thì nguy to, có khi sắp trở thành bánh bao đến nơi! :D Nghĩ vậy thôi, chứ thực ra, chưa bao giờ gặp được một nữ chủ quán dễ thương, có giọng nói ngọt ngào, êm dịu đến thế giữa núi rừng Đông Bắc!

Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu trên đường đời.
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả, hỏi tỉnh được mấy người?

miền sâu khói sóng

Thế sự thăng trầm người chớ hỏi, Miền sâu khói sóng chiếc thuyền câu. Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu, So giấc mộng với thân ta… y hệt! Duy chỉ có thanh phong, minh nguyệt,
 Của trời chung mà vô tận riêng mình. 
Sự bại thành để mặc u linh, 
Người đô hội, kẻ vui miền rừng rú. 
Tay gõ nhịp, hát câu Tương tiến tửu:
 Anh có thấy dòng Hoàng hà? 
Con sông vĩ đại nước sa lưng trời! 
Làm chi cho mệt một đời!?

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 5 & 6

Lòng ôm muôn dặm núi non,
Mênh mông bãi cát, sao còn đứng đây!?

Sáng ngày thứ 5, từ lúc còn đang mơ màng ngái ngủ, là đã cảm thấy thời tiết khác hẳn mọi ngày. Tiếng gió rít rất gắt ngoài kia, hé cửa lều nhìn ra, biển một màu trắng đục. Sóng không lớn, nhưng tiếng gió thổi nghe chừng rất gấp! Thu xếp ăn sáng xong, nhảy xuống biển bơi ra khoảng 100m, kéo chiếc xuồng vào sát bờ, chất hành lý vào khoang rồi lại chèo đi! Một trong những điều quan trọng khi cắm trại trên những bờ biển này là vấn đề neo đậu thuyền. Thuỷ triều thường rút rất xa, có khi hàng cây số, nên nhiều khi phải kiếm một cục đá to làm neo, phòng khi nước lên.

Thêm một bài học kinh nghiệm, lần sau nên mang theo cái kayak – cart (xe đẩy nhỏ 2 bánh) để kéo chiếc xuồng lên gần nơi cắm trại, vừa an tâm được gần chiếc thuyền của mình, mà đến khi hạ thuỷ đi tiếp cũng lại dễ dàng. Nhưng cái kayak – cart tự đóng khá nặng và cồng kềnh, nên ngại mang đi, vì toàn bộ hành lý đồ đoàn đã là một khối lượng kha khá. Ấy thế nên mỗi ngày lại phí thêm một khoảng thời gian và công sức cho việc neo đậu… Cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu, hai cửa nhập lại thành một trước khi đổ ra biển, từ bên này sang bên kia khoảng 8, 9 km.

Nhận định thời tiết chưa thể diễn biến xấu ngay, tôi chọn con đường băng qua xuôi về phía Nam một chút đến Trường Long Hoà, băng luôn qua sông Láng Chim, khoảng cách chừng hơn 15 km, quãng vượt xa hơn, nhưng lại lợi trên đường dài. Thời tiết trở mưa nặng hạt, gió lớn quần quật thổi, sóng cũng khá cao, nên không dám lơ là nữa, hết sức tập trung vào việc chèo chống vượt qua quãng đường 15 km này. Một số thuyền ngư dân đánh cá đi ngang qua, mọi câu hỏi đều thể hiện sự e ngại không biết cái vỏ hạt đậu bé tí này có vô nước không, có chịu được sóng gió không.

Việc giữ hướng trên quãng đường dài là một điểm yếu của chiếc kayak Serene – 1 này! Là người thiết kế ra nó, tôi hiểu rất rõ điều đó, thuyền có một khiếm khuyết quan trọng, cái “directional stability”, khả năng ổn định hướng đi trên quãng dài không tốt lắm. Và thực ra cũng đã nghĩ đến những cách cải tiến, khắc phục điều đó, sẽ thực hiện khi đóng chiếc thuyền sau, Serene – 2 một lúc nào đó! Nhưng đó là việc của tương lai, ngay lúc này đây, quan trọng là nhịp thở, nhịp chèo, sự tập trung tinh tấn để tiến tới, không có thời gian cho sự mệt mỏi hay chán nản.

Vừa qua đến bờ bên kia thì thời tiết xấu đã chuyển hẳn thành một cơn dông lớn, những “breaking waves” – sóng bạc đầu xuất hiện mỗi lúc mỗi nhiều. Nói về sóng, đó là những khối nước có hình dạng hình học nhất định, và có khả năng nâng đỡ thuyền nhất định. Nhưng khi sóng “vỡ” (break), hình dạng hình học đó mất đi, và khả năng “nâng đỡ” thuyền do đó cũng trở nên không dự đoán được, chỉ còn khả năng “xô đẩy”, điều nguy hiểm nằm ở chỗ đó. Tôi vội chèo thuyền ra xa bờ, tránh những con sóng bạc đầu, ngoài khơi, sóng ít lớn hơn, và cũng ít nguy hiểm hơn.

Qua hết cả hai cửa sông đến sát bờ bên kia, nhác trông thấy một chiếc thuyền composite nhỏ đang lật phơi bụng trắng hếu lên trời, một người ngư dân già đang loay hoay bám vào đó, tìm cách lật lại thuyền. Nhìn xung quanh không thấy ai hỗ trợ, tôi chèo vội vào bờ, rồi bơi ra cùng người đàn ông nọ kéo chiếc thuyền lật úp vào, khoảng cách không xa, chỉ chừng 50 ~ 70 m, nhưng đúng là một cực hình mệt mỏi, chiếc thuyền cá đúc bằng nhựa BK (theo cách gọi của người dân địa phương), tuy nhỏ nhưng siêu nặng, loay hoay mãi mới kéo được thuyền lên bờ.

Ngồi bệt trên bờ thở dốc, mệt mỏi, loay hoay tìm thuốc hút, thì mới phát hiện ra cái hộp thuốc Lào mang theo đã mất tự lúc nào 😢, ngoài kia cơn dông đang phô bày hết khả năng cuồng nộ của nó. 3 lần tôi thử tìm cách đưa chiếc kayak qua khỏi biển sóng bạc đầu kia để đi tiếp, cả 3 lần đều thất bại, sức sóng quá mạnh! Chán nản, tôi ngồi trên bãi biển suốt hơn 3 tiếng đồng hồ đợi cơn dông qua đi, trời càng lúc càng về chiều! Đến khoảng 4h hơn thì thành công, chèo tiếp con thuyền đến khu du lịch Ba Động, điểm đã dự tính trước là nơi mua thêm đồ ăn & nước uống cho hành trình!

Ở lại khu du lịch Ba Động, tỉnh Trà Vinh này 2 đêm cho sức khoẻ hồi phục, được tắm giặt một cách đàng hoàng, ăn uống cũng tươm tất đầy đủ hơn, ngủ ngáy cũng có phần khá tiện nghi! Gọi là khu du lịch, nhưng thực ra chỉ là một nhà hàng nhỏ, đồ ăn uống cũng chỉ là cơm lẩu đơn giản, và một số phòng khách sạn loại 1, 2 sao. Nhưng với kẻ chèo thuyền này, như thế đã là quá tốt rồi. Tranh thủ sửa lại cái kayak – skeg hay bị kẹt, gia cố cái spray – skirt bằng epoxy mang theo cho đỡ thấm nước vào, mua thêm bánh mì, trái cây và nước uống chất lên thuyền…

hiểu quá hương giang

十載掄交求古劍
一生低首拜梅花

 

高伯適 – 曉過香江

萬嶂如奔繞綠田
長江如劍立青天
數行漁艇連聲棹
兩個沙禽屈足眠
塵路悠悠雙倦眼
遠情浩浩一歸鞭
橋頭車馬非吾事
頗愛南風角枕便

Lâu không trở lại chủ đề thơ chữ Hán của Cao Chu Thần. Con người ông tính khí ngang tàng, tư tưởng xã hội chính trị không có gì mới lạ, nhưng văn tài thì đúng là lạ lùng. Một trường hợp nổi bật hiếm hoi trong cổ văn Việt Nam. Đôi câu thơ giáo đầu ở trên: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Mười năm giao du tìm bạn tri âm, khó như tìm cổ kiếm, Cả một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai) vẫn thường được truyền tụng như chính cốt cách con người Mẫn Hiên – Cúc Đường vậy!

Hiểu quá Hương Giang

Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền,
Trường giang như kiếm lập thanh thiên.
Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo,
Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên.
Trần lộ du du song quyện nhãn,
Viễn tình hạo hạo nhất qui tiên.
Kiều đầu xa mã phi ngô sự,
Phả ái nam phong giác chẩm biền.

Xin đọc thêm về thơ Cao Bá Quát trong những post trước của tôi: Trà giang thu nguyệt ca, Sa hành đoản ca, Trệ vũ chung dạ cảm tác.

trà giang thu nguyệt ca

Một kiệt tác khác trong nền văn chương cổ điển Việt Nam: Trà giang thu nguyệt caBài ca trăng mùa thu trên sông Trà. Ít người nhận ra rằng, nếu có những án thơ hùng vĩ, hào sảng nhất mà văn học cổ điển Việt Nam có thể sản sinh, thì đó phải là những tác phẩm của Cao Chu Thần – Cao Bá Quát: Trăng sông Trà đêm nay vì ai mà trăng sáng? Muôn dặm quan san trắng xóa một màu! Khắp nơi vương vấn tình người xa nhau!

高伯適 – 茶江秋月歌

茶江月今夜為誰清
關山萬里皓一色
何處不繫離人情
舉杯試邀月
月入杯中行
含杯欲咽更飛去
隻有人影將縱橫
停杯且復置
又見孤光生
問君何事孌孌不忍舍
我是竹林窮途之步兵
江頭此夕逢秋節
酒滿須傾為君說
沱門舊侶存真翁
勤海鳴鞭曉相別
昨夜金風下天闕
白露清霜搜侵骨
人生會遇安可常
有酒且飲茶江月
茶江月如鏡下銀流
丈夫按劍去便去
歧路無為兒女愁

Trà giang thu nguyệt ca

Trà Giang nguyệt, kim dạ vị thùy thanh?
Quan san vạn lý hạo nhất sắc
Hà xứ bất hệ ly nhân tình?
Cử bôi thí yêu nguyệt,
Nguyệt nhập bôi trung hành.
Hàm bôi dục yết cánh phi khứ,
Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành.
Đình bôi thả phục trí,
Hựu kiến cô quang sinh.
Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả,
Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh.
Giang đầu thử tịch phùng thu tiết,
Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết.
Đà môn cựu lữ Tồn Chân ông,
Cần hải minh tiên hiểu tương biệt.
Tạc dạ kim phong há kim khuyết,
Bạch lộ thanh sương sảo xâm cốt.
Nhân sinh hội ngộ an khả thường,
Hữu tửu thả ẩm Trà Giang nguyệt!
Trà Giang nguyệt, như kính hạ ngân lưu.
Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ,
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu.