đại đồng

Ngồi nhớ nghĩ lung tung về những nơi đã đến, những vùng đất đã từng đi qua, những con người đã từng gặp! Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam, vùng quê trung du lâu đời. Cả cái tên Đại Đồng (大同) cũng gợi lên nhiều suy nghĩ sâu xa… Khắp các đô thị miền Nam trước 1975 từ Đà Nẵng, Nha Trang cho đến Sài Gòn đều có các đội biệt động thành, nhưng phần lớn chỉ biết đến “Biệt động Sài Gòn” nhờ bộ phim nổi tiếng cùng tên. Biệt động Sài Gòn tuyển dụng nhân viên như thế nào!?

Họ về những nơi như Đại Lộc, Tiên Phước, Quảng Nam, những vùng quê cách mạng lâu đời… Chọn ra một đứa bé tầm 13 ~ 15 tuổi, cha mẹ đứa bé, có khi là cả nhà, đều đã chết trong một trận càn của quân Mỹ , nên đứa bé nuôi cái ám ảnh phải báo thù! Chưa biết chữ, đi chân trần, chỉ qua một vài khóa huấn luyện, đào tạo ngắn, nó đóng vai thành đứa trẻ bán báo, đánh giày, bán vé số, lê la khắp các đường phố đô thị miền Nam làm công tác giao liên, nghe ngóng cho các đội biệt động!

đại điền

Facebook nhắc ngày này năm trước, nhà thờ xứ Cây Vông, năm đó lang thang nhiều ở vùng Diên Khánh, Nha Trang! Diên Khánh là tỉnh lỵ cũ của Nha Trang, cũng như Hội An là tỉnh lỵ cũ của Quảng Nam vậy, từ thời phong kiến xa xưa! Khi người Pháp đến, họ xây đô thị sát biển cho tiện việc giao thông, tạo ra Nha Trang, Đà Nẵng, những đô thị mới như ngày nay, còn trước đó các cụ nhà ta sợ biển lắm lắm, sống sâu trong đất liền!

Thành cổ Diên Khánh, tuy không lớn nhưng bố cục Vauban rõ ràng! Về hành chính, xã Đại Điền, từ ngã ba Thành (ngã 3 có 2 cây dầu) đi về tả ngạn sông Cái, qua cầu là tới, đây là vùng đất trù phú, giàu có từ xưa, đương nhiên chữ “giàu có” phải hiểu tương đối trong bối cảnh, nên từ xưa, Đại Điền trở thành mục tiêu tranh đoạt dữ dội giữa các phe phái, từ thời Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh cho đến sau này Việt Minh với Pháp!

hmong

Rảnh ngồi lục lại đống ảnh cũ chụp nhiều năm trước, dễ có đến nhiều ngàn tấm, đã chụp rất nhiều, nhiều góc cạnh khác nhau của cuộc sống miền biên viễn. Hai tấm hình chụp ở 2 năm, 2 lần đi Hà Giang và nằm ở 2 album khác nhau, trước đây không để ý, nhưng ngồi xem lại, cái “thuật toán nhận dạng – pattern recoginition” trong đầu mình cho biết đây chính là cùng một người, lại cùng một “pose – dáng chụp” nữa mới kỳ lạ!

Cứ như mỗi lần xuất hiện là em ấy chỉ có đúng kiểu dáng ấy vậy! Chừng này thông tin là đã đủ để tìm lại chính xác người nếu muốn! Về mặt luật, đây có thể là “vi phạm” (luật về post ảnh các nước vẫn quy định có những ngoại lệ), vì đã đăng hình ảnh, thông tin về một ” identifiable person – người có thể nhận diện được” lên mạng, nhưng biết làm sao được, đành phải nhân danh nhiếp ảnh, nhân danh cái đẹp vậy!

rú chá

Nhiều năm trước, thấy mọi người nói nhiều về Rú Chá, chụp ảnh thấy cũng đẹp, “khu rừng” ngập mặn, hệ sinh thái đầm phá ven biển Thừa Thiên. Nghe danh mà đến, trên đường chạy xe máy xuyên Việt, tôi ghé qua thử xem sao, ghé rồi mới chạy quanh vài phút thì hết mịa nó cái Rú Chá! Nói cho đúng, đó chỉ là mảnh đất rộng 5 hecta, trong khi một cái khu dân cư nho nhỏ ở SG có thể rộng đến hơn 50 hecta. Chưa đi thì cứ tượng tượng ra cả một khu rừng rộng lớn, nhưng tới rồi thấy một mảnh vườn con con! Nên MXH là tác nhân chính tạo ra những hình ảnh sai lệch về thực tại! Nhưng đó vẫn chưa phải là điều nguy hiểm nhất! Nguy hiểm nhất là MXH tạo ra những cái tôi méo mó về tính cách, lệch lạc về nhận thức! Nó tạo ra những “phiên bản thay thế”, các “hình ảnh đại diện”, những “bộ lọc lung linh”…

Toàn những thứ ảo giác giả tạo, để cho con người ta lạc vào đó, tự đánh mất chính mình lúc nào không hay! Đó chính là một sự “đánh tráo”, mà người ta dùng đến thủ thuật đánh tráo chỉ khi nào muốn lừa bịp hay cướp đoạt cái gì đó mà thôi! Con người ta sinh ra trong đời có hai mối kết nối quan trọng, cái đầu tiên là kết nối với tự nhiên, khi chỉ cần thảy ra một cây phượng, một cây vông “cô đơn” cho bà con bu vào chụp ảnh, là ta đã thấy nó rất kỳ cục, vô duyên rồi, họ không tắm rừng, tắm biển thực sự, tất cả những gì họ muốn là có cái hình post Facebook! Và cái kết nối thứ hai là giữa con người với nhau, một môi trường sống nơi người ta còn cảm nhận thấy sự chân thành, tử tế, dù chỉ là nhỏ nhoi, nhưng cái kết nối này cũng đã đứt gãy từ lâu! Khủng hoảng xã hội là điều không thể tránh khỏi!

chiều tây bắc

Nhớ năm đó chạy xe máy qua đèo Pha Đin – Sơn La – Điện Biên… con đường đèo mới vừa làm xong, tráng nhựa rộng rãi, phẳng phiu, chạy song song với con đường cũ! Xe thì mạnh và đường thì tốt, chạy cái vèo, mới có chút xíu đã qua hết con đèo. Giật mình vì kiểu “Trư Bát Giới ăn nhân sâm”, còn chưa kịp thưởng thức cái gì, chưa thấy được cảnh nào đẹp thì đã hết mịa nó con đèo. Bèn quay ngược xe lại, rẽ vào con đường cũ, đi chậm, thong thả, dừng xe, leo lên các ngọn đồi chụp ảnh, cứ như thế chạy qua đèo cả thảy 3 lần! Các đèo lớn ở miền Bắc thì mình đi hết cả rồi, nên Pha Đin cũng không phải là ấn tượng lắm, nhưng không phải vì thế mà nó không lớn!

Khi nhỏ ở Sơn Trà, Đà Nẵng, chỉ là mấy cục đá cao mấy chục mét, nhưng leo cũng trầy vi tróc vẩy chứ không đùa. Mà không leo mấy chục mét, thì làm sao hiểu được độ cao vài trăm mét, không leo vài trăm mét, thì làm sao hiểu được con số ngàn!? Giờ công nghệ hiện đại rồi, cơ giới hóa lớn, xe ủi, xe xúc, nên đường làm ra cứ gọi là rộng rãi, thông thoáng! Đám trẻ chạy xe hơi qua dừng lại dè bỉu: tưởng thế nào, chỉ có thế thôi à!? Nhưng sẽ là chuyện khác nếu như không có đường làm sẵn, cứ bắt gùi 30kg, vạch cây, bám đá mà đi, thì sẽ tự hiểu, tự ngộ ra được núi cao bao nhiêu ngay thôi! Tranh: Nhớ một chiều Tây Bắc – sơn mài – Phan Kế An – 1955.

sông son

Ngồi nhớ lại hồi đó… đi thuyền trên sông Son vào Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình. Phong Nha thì không phải là quá đẹp, nhất là sau khi đã phát hiện ra các hang động mới còn kỳ vĩ, huyền ảo hơn! Nhưng sông Son trong một ngày đông giá, mù sương thì giống như ở một thế giới khác vậy. Thật đúng là: Làn thu thủy, nét xuân sơn…

vịnh mốc

Tự dưng ngồi nhớ nghĩ linh tinh “hồi đó”, thời điểm là khoảng năm 2014, 2015, lang thang bằng xe máy xuyên Việt, là chuyến đi thứ 3, thứ 4 gì đó không nhớ rõ… nổi hứng ghé thăm địa đạo Vịnh Mốc. Khi chưa tới nghĩ rằng nó chắc cũng giống như địa đạo Củ Chi, nhưng thực ra lại hoàn toàn khác! Tuy quy mô không dài, rộng như Củ Chi, nhưng mang tính chất “pháo đài trong lòng đất”, hoàn chỉnh hơn nhiều! 3 tầng đào sâu vào đất đỏ bazalt, bên trong rộng rãi có thể đi lại thoải mái!

Có những góc riêng cho những hộ gia đình nhỏ có thể sống lâu dài, có hệ thống kho tàng hoàn thiện! Xung quanh khu địa đạo có các hệ thống hầm hào, và trận địa pháo bờ biển do các nữ dân quân vận hành để chống tàu Mỹ đổ bộ! Củ Chi mang tính “ẩn nấp” là chủ yếu, còn Vịnh Mốc thì giống như một căn cứ quân sự hoàn chỉnh, mang tính pháo đài kiên cố, làm ra là để đứng vững trước đối phương! Một vài bức ảnh không thấy được nhiều, phải đến tận nơi mới cảm nhận được lịch sử!

quỳnh lâm

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, hình chụp ở chùa Quỳnh Lâm, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Thoảng bên tai một tiếng chày kình, Khách tang hải… giật mình trong giấc mộng…

đà lạt

Rãnh rỗi, kể chút chuyện để bà con hiểu về những cái lề thói, tâm tính éo giống “con giáp” nào của người Việt… Hơn 10 năm trước, có lần đi Đà Lạt một mình vài ngày, lang thang khắp phố, chụp gần hết tất cả những kiến trúc biệt thự cổ Đà Lạt! Thời đó cứ ngầm định là ra bến xe Thành Bưởi, mua vé leo lên xe là đi thôi! Mua vé xong ngồi chờ xe, có một ku lạ hoắc đâu không biết cũng lại lân la làm quen, mà mình thì… éo bao giờ nói chuyện với người lạ! Đến giờ chạy, vác balo định nhảy lên xe thì có tiếng loa phóng thanh: “mời anh TKX trở lại phòng vé có việc”. Quay lại phòng vé, người bán vé nói cho biết: anh chàng kia nhất quyết đòi mua vé ngồi bên cạnh mình, nói là người quen các kiểu, nhà xe thì vẫn bán vé thôi, nhưng họ nghĩ đương nhiên là có chuyện không đúng, nên vào phút cuối, họ kêu ngược tôi trở lại, bố trí đi chiếc xe khác sau đó! Ku lưu manh nhảy lên xe rồi mà vẻ mặt vẫn còn tức tối, chưng hửng… éo biết đã chuẩn bị những mưu đồ gì!

Quay ngược lại vấn đề, cái thông tin tôi chuẩn bị đi Đà Lạt đó rò rỉ từ đâu ra, suy nghĩ một hồi thì biết là từ Facebook! Mà trên Facebook là chúng nó có nguyên hội rình mò, dò la, có cả đám “chuyên gia IT” làm game đố vui, các trò đố nhảm để đánh cắp thông tin. Mọi người nghĩ một lúc nữa là sẽ biết chúng nó là nguyên cả một đường dây, hoạt động có phân vai trò nhiệm vụ hẳn hoi, người đánh cắp thông tin, kẻ rình mò, người đóng vai cảnh sát (giả), người đóng vai nhà sư, linh mục (cũng giả), và vô số những thứ giả khác. Tâm địa Việt mà, luôn luôn “biết rồi”, luôn luôn muốn “chụp mũ”, luôn làm trò “lưu manh vặt”! Nhưng tiếc thay, như người ta thường nói, tâm địa như thế nào thì nhìn cuộc đời giống như thế, chúng nó chỉ nhìn thấy cái chúng nó muốn thấy mà thôi! Nhưng cũng phải nói, để mọi người thấy rõ thế nào là lưu manh có tổ chức! Kiểu ví dụ như (ví dụ thôi): có tạm giam cả nửa năm thì chúng nó cũng không khai ra người chủ mưu đằng sau đâu!

sep, 1st

Face nhắc những ngày này năm trước, hồi còn ham vi vu xê dịch lắm, mỗi chuyến xuyên Việt có khi kéo dài đến 2 tháng, đi từng nơi, trên từng cây số. Còn giờ thì, em đi ngủ…. wake me up, when September ends!

giãn cách, 6

Tiếc thay năm tháng triền miên,
Trách ta, thành kẻ than phiền vô công.
Vì sao, vì sao, chí tang bồng,
Thành thân cá chậu, chim lồng hỡi ai!

Face nhắc ngày này năm trước… Chúng ta không phải ở trên cùng một con thuyền (on the same boat), mà thực ra là trên những con thuyền riêng lẻ trong cùng một cơn bão, người chèo kayak, kẻ đi canoe, người giăng buồm, kẻ chạy máy… Đã qua “40 ngày chay tịnh” lần một, bắt đầu “40 ngày chay tịnh” lần hai, “mùa Chay” này e là sẽ còn dài…

đăng hoành sơn

Muôn dặm đường đi núi lẫn đồi,
Bên non cỏ nội tiễn đưa người.
Ai tài kéo nước nghìn năm lại?
Trăm trận còn tên một lũy thôi.
英雄莫挽千年國
征戰空存一壘名

Hình chụp ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Thành cổ Đồng Hới không lớn nhưng cấu trúc thành, hào vuông vắn theo kiểu Vauban vẫn còn được bảo vệ tốt…

trường tương tư

Chàng thì tận chốn đầu sông,
Thiếp nơi cuối bãi cũng dòng sông Tương.
Nhớ nhau không gặp lòng buồn,
Uống chung cùng một cội nguồn mà xa!

Hình chụp đâu đó ở Quảng Bình hay Hà Tĩnh, cũng không nhớ ra chính xác là chỗ nào… cảnh quang thật đúng là: Xanh xanh bãi mía bờ dâu, Ngô khoai biêng biếc…

vàm láng, 2021

Lại là một chuyến đi “đầu voi đuôi chuột”, như người ta hay nói, không có kết quả gì thì cũng có được kinh nghiệm! Kinh nghiệm thì có 2 chuyện đáng nhớ, một là chuyện đối đầu trực diện với dòng chảy ở ngã ba Vàm Cỏ đã nói trong một post trước, hai là kinh nghiệm chèo sóng lớn. Thú thật là vì tôi ở sâu trong đất liền nên kinh nghiệm chèo biển, chèo sóng to không có được nhiều. Khu vực “dữ” nhất là ngã 3 Bình Khánh, trong cơn giông gió đôi khi cũng có sóng lên đến 1m, nhưng cũng chỉ tới thế! Lần này, vừa chèo qua ngã ba Vàm Cỏ xong là cơn giông kéo đến, kéo dài suốt 2 tiếng!

Thời tiết điển hình của mùa mưa, từ khuya cho tới gần trưa, gió lặng, biển êm thuận lợi! Gần trưa, giông gió bắt đầu nổi lên, hoành hành vài tiếng đồng hồ, đến cuối giờ chiều, lại sóng yên biển lặng trở lại! Mẫu thời tiết cứ lặp đi lặp lại như thế, hầu như ngày nào cũng giống nhau! Nên quãng thời gian đầu giờ sáng là thời gian thuận lợi nhất để chèo được xa. Đã dự kiến là những hành trình như thế này phải dậy thật sớm, ăn uống chuẩn bị mọi thứ để 4h sáng là xuất phát! Thậm chí nếu cần thiết thì chèo đêm, dự kiến là như thế, nhưng cụ thể thế nào còn tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể!

Trong cơn giông, lúc đầu thấy hơi “khớp”, sóng gió càng lúc càng dữ, nhưng sau nghĩ, mình đã có “trang bị” mạnh, đã có “kỹ năng” mạnh, có gì phải sợ! Thế nên hăng hái chèo tới, sóng cao hơn 1.5m, đầu bạc trắng xoá, liên tục tràn qua! Cảm giác “khớp” lúc đầu nhanh chóng bị thay thế bằng cảm giác “hưng phấn”, rõ ràng nó không làm gì được mình, “tao ở đây nè, lại đây mà giết tao đi!” Sóng cuồn cuộn hết lớp này đến lớp khác, cảm giác như đang bị “luộc” trong nồi nước sôi, gió sóng đổi hướng 2, 3 lần khác nhau, bủa vây tứ phía! Nhưng chiếc Serenity điềm tĩnh vượt qua tất cả!

Đúng là một cảm giác “say sưa” đáng nhớ, 2 lần liên tiếp trãi qua khó khăn, rất hao tổn sức lực, đôi lúc cảm giác như 2 cánh tay sắp chuột rút đến nơi, phải giảm cường độ chèo, nhưng đến cuối ngày vẫn cảm thấy tràn đầy năng lượng. Bị một cái tai nạn ở trạm biên phòng, té từ trên bậc tam cấp trơn tuột đầy rêu xuống, mấy con hàu cào rách hết tay chân, rất nhiều vết thương, may là đầu và mặt không bị sao. Tối lên cơn sốt nhẹ, lại thêm mấy anh biên phòng “tuyên truyền, giáo dục” về Covid-19, nên sáng hôm sau quyết định dừng cuộc chơi, chở xe tải chiếc xuồng phút chốc về lại Nhà Bè!

early bird

Sáng hôm đó dậy thật sớm, lang thang ở vùng vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan… thật là phong cảnh hữu tình, trời mấy hôm đó cũng thật tuyệt! Phải đi sâu vào phía trong thì mới hiểu tại sao đầm Ô Loan từ xưa đã được gọi là danh thắng, chứ đứng ngoài QL1 sẽ không thấy được gì! Loay hoay cả thời gian dài, không quyết định được nên làm con chim dậy sớm (early bird) hay là nên làm con sâu dậy muộn (sleeping worm)…

nghiêm túc

Đôi khi tôi muốn có thời gian để suy nghĩ thật nghiêm túc, thật kỹ càng về cuộc đời mình: cuộc sống rồi sẽ đi về đâu, liệu có sự sống thông minh trong vũ trụ hay là không, con người ta sinh ra vốn dĩ là thiện hay là ác, Nhân sinh hà tại, tại thế như hà, hậu thế như hà, etc… những vấn đề như thế, suy nghĩ thật nghiêm túc, chắc chắn là như thế! Nhưng sự thực là, đến lúc này, tôi vẫn luôn không có thời gian để làm điều đó, bởi vì luôn bị xao nhãng bởi những điều rất nhỏ nhặt: ngọn gió, con sóng, hình dáng chiếc thuyền, mưa và cơn giông, etc…

Vâng, toàn những thứ linh tinh chả đâu vào đâu… Các hình bên: đứng trên cầu Thị Nại, Bình Định nhìn xuống dưới đầm, một vùng mây nước thật rộng lớn và bình yên! Những người ngư dân quay lưới thành nửa vòng tròn, chèo chiếc xuồng con, dùng cây sào đập trên mặt nước, tạo tiếng động lùa cá về phía lưới. Người Mỹ đến, đi và để lại Việt Nam một số đáng kể tấm nhôm lót sàn, vật liệu lý tưởng để làm xuồng: nhẹ, bền hàng chục năm, vật liệu thì khác nhưng vẫn là những kiểu dáng cong như trăng lưỡi liềm, kiểu hình… muôn năm cũ!

sapa – 3

Sáng hôm đó ở Sapa, quán cafe bàn bên cạnh, cô gái trẻ ôm cái máy ảnh, bắt chuyện với mình, “mở bài” rất Tây nhé: cái ngày đó sắp đến rồi anh à! Tôi ngạc nhiên hỏi lại: ngày gì hả em? Cô gái trả lời: cái ngày mà em sẽ chụp được một bức ảnh để đời về Sapa, sẽ nổi tiếng thế giới! Tôi “đứng hình” một lúc: ừ, em nói như thế thì anh phải tin thôi! Đến tận bây giờ vẫn phân vân, ko biết ra làm sao, trên Face nhìn cũng có vẻ xinh đẹp, học thức…

tiểu tư sản

Tất cả mùa xuân rộn rã đi,
Xa xôi người có nhớ thương gì?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,
Ta biết xuân nhau có một thì…

Sáng 4h30 thức dậy, chạy một vòng quanh hồ Xuân Hương, rồi về ghé cafe Tùng sau lưng chợ Đà Lạt. Bà chủ quán tinh ý, thấy mình vào là đổi sang nhạc Pháp: J’ai quitté mon pays, J’ai quitté ma maison các kiểu, ngồi một lúc là các thành phần tri thức, nghệ sĩ vườn của Đà Lạt sẽ tụ họp về đây, tám chuyện trên trời dưới đất! Haiza một thời tự thấy mình cũng “petite bourgeoisie” – tiểu tư sản kinh!!!

nam định

Chuyện chẳng “hay ho” gì, nên bây giờ mới kể… Năm đó, đi thăm nhà thờ Chính toà thành phố Nam Định xong, định đi tiếp về Phát Diệm gần đó, thấy có quán cafe nên tấp vào ngồi nghỉ một lát. Trong quán có 3 cô gái, 1 cô rất trẻ, xinh và ăn mặc rất thời trang (đây rõ ràng là một con “chim mồi”), hai cô kia trông có vẻ già dặn, trãi đời hơn tí. Ngồi một lúc, nói một vài câu là hiểu ngay họ định rủ mình đi đâu rồi!

Nhưng mà nhỏ nhẹ, lịch sự và khéo vô cùng, chèo kéo, nài nỉ, khéo và ngọt, ấy thế nên mình… lại không nỡ xẳng giọng. Sợ thì không sợ, nhưng thừa hiểu cái bẫy giăng ra có thể sập xuống bất cứ lúc nào! Đi thì bị níu lại, nhất định không cho đi, nên cũng đành phải nhỏ nhẹ, pha lẫn với khôi hài: Nàng buông vạt áo anh ra, Để anh đi chợ kẻo mà chợ trưa. Cô gái trẻ cười khì khì: em tha cho anh đấy! kaka

sapa – 2

Bữa sáng đầu tiên ở Sapa, chưa chụp được bức ảnh nào thì đã ngã dập mặt, bể cái ống kính! Lò mò tự tháo ra, bên trong gãy 2, 3 chi tiết, “tài lanh” một hồi (dùng keo con voi) ráp lại thì vẫn chụp được ảnh như này! Về SG, đem vô chính hãng, hãng bảo phải gởi đi Sing, tiền sửa + tiền ship = tiền ống kính mới, thôi để vậy xài luôn, vẫn xài tốt đến giờ, nhưng phải “hiểu” nó, phải có “mẹo” một chút…