rust

Những cái thuộc về ngôn ngữ, 10 năm là ít, 30 năm chưa phải là nhiều, thời gian để cho một ngôn ngữ trưởng thành, trở nên chính chắn, cẩn trọng từng câu, từng lời, bảo đảm mọi điều nói ra phải có nghĩa chính xác. Nhiều người bảo, chỉ là một tập cú pháp – syntax thôi mà, nói sao không được!? Không phải vậy, đã từng có vô số cú pháp “nhảm” bị đào thải sau vài năm, đơn cử như là C#, C# đã từng có vô số cú pháp nhảm, nhảm đến mức thiểu năng, ngu xuẩn! Và cũng đã có một số cú pháp kiểu “chữa lành – chảnh lừa” như async – await vẫn tiếp tục lừa người thêm độ chục năm, cho đến khi người ta nhận ra chẳng có lợi ích gì ngoài những câu chữ oang oang, trơn tuột! Và cũng đã có những ngôn ngữ đã dùng trên hai mươi năm nhưng rồi cuối cùng thì người ta quyết định: thôi, tốt hơn là… bỏ, không đi tiếp nữa, ví dụ như Obj-C, Flash, thậm chí có thể cả Java! Nhưng chừng đó năm cũng đủ cho người ta mường tượng ra được một ngôn ngữ “tốt” tương lai nó sẽ trông như thế nào!

Đầu tiên là nó phải giống ngôn ngữ C, điều này… đơn giản như chân lý vậy, cứ phải giống C thì mới tốt! Thứ hai, ngôn ngữ phải strong-type, có kiểu rõ ràng và kiểm tra kiểu khi biên dịch, không đợi đến khi chạy. Thứ ba, dù gọi tên gì: reference, optional, thì cũng phải làm cho người ta hiểu rằng đây là con trỏ – pointer, ở điểm này thì C thẳng thắn đến mức trần trụi! Thứ tư là quản lý bộ nhớ bằng reference counting và lần nữa, phải làm từ lúc biên dịch (compile time), đừng đợi đến đến lúc run-time, quên garbage collector và những thứ khác đi! Thứ năm là làm sao để lập trình concurrent, thread, process dễ hiểu hơn! Và cuối cùng, rất quan trọng, là dù thời đại đã đi tới mức zettabyte, nhưng một ngôn ngữ vẫn phải thật sự hiệu quả, hiểu theo nghĩa phải đếm từng bits khi cần. Xét những tiêu chí đó thì có lẽ Rust sẽ là ngôn ngữ phổ thông kế tiếp, dần thay thế C++! Đã nói rồi, phải cải tiến trước rồi hãy dùng, đừng dùng xong mới cải tiến, gọi là ++C có phải đã tốt rồi không!? 😀

Đương nhiên, đây là ngôn ngữ phổ thông (general purpose) ở mức thấp (low level), những lĩnh vực đặc thù vẫn sẽ có những ngôn ngữ riêng! Nhưng với một ngôn ngữ phổ thông cấp thấp, ưu tiên hàng đầu là performance, những thứ khác vẫn chỉ là phụ. Rust thậm chí còn chưa phải là một ngôn ngữ OOP – hướng đối tượng đúng nghĩa, theo nghĩa thường hiểu trong C++ hay Java. Nói cho đúng hơn là mô hình OOP của Rust được thiết kế ưu tiên cho performance, chứ không phải cho sự tiện lợi của người viết code! Thậm chí ta còn có thể đặt câu hỏi rằng, có thực sự cần OOP hay không, ví dụ như glibc chỉ dùng “struct” của C để biểu diễn “class” đó thôi! Nhưng qua đó cho thấy rằng, đã rất nhiều thế hệ khác nhau của C++ rồi, mà vẫn không giải quyết được bài toán vtable – gọi hàm hướng đối tượng làm sao cho hiệu quả. Nên Rust đành phải đổi một cách tiếp cận khác, mang tính chất lai lai, một nửa là OOP và nửa còn lại vẫn là functional theo kiểu C truyền thống!

Quá trình hình thành một ngôn ngữ thực chất phản ánh muôn mặt của cái cộng đồng làm ra và sử dụng nó. Đầu tiên là từ góc độ tương đối hàn lâm, ngôn ngữ phải thể hiện được tính đúng đắn và hiệu quả tính toán! Cái yếu tố “hiệu quả – performance” này là yếu tố quyết định, đôi khi nó phủ quyết (veto) tất cả những yếu tố khác. Tiếp nữa mới đến chuyện cú pháp rõ ràng, tiện lợi, thân thiện với lập trình viên. Kế đến nữa mới là chuyện tổ chức, lớp lang, các hệ thống thư viện phụ trợ để dễ dàng phát triển phần mềm! Phần lớn lập trình viên chỉ tranh luận phía trên bề mặt, cú pháp như thế này, lớp lang như thế kia, họ không hiểu rằng yếu tố tiên quyết của một ngôn ngữ là vấn đề hiệu suất (performance). Những ngôn ngữ bỏ lơ vấn đề này… đều có kết cục thê thảm!!! Như Objective-C, người ta bỏ vì nó đã trở thành một con quái vật, phức tạp đến mức vô lý, hay như một số code React – TypeScript, mới viết có cái app Hello-World là đã chiếm mất hơn 3GB đĩa cứng.

thành ý, chính tâm

Khi những chuyện đơn giản mà nói hoài không hiểu, những việc rất nhỏ mất hàng chục năm không làm được, đó chính thực là vấn đề… rất lớn! Thật ngạc nhiên khi chẳng ai dám nói ra nguyên nhân, bản chất thực bên dưới, chỉ lảm nhảm những cái hình thức trên bề mặt! Trộm vặt khắp nơi, từ sân bay cho tới bến xe, đinh rải đầy đường, ma tuý và thuốc lắc nhan nhản! Mạng xã hội thì hết hơn 8, 9 phần nội dung là đĩ điếm, lưu manh, xàm xí, xã hội thì tràn ngập không thiếu thứ tệ nạn nào! Báo chí cũng dần xem sự lưu manh trong xã hội là bình thường, thậm chí còn hùa theo! Khi bạn nhìn vào đó đủ kỹ, sẽ thấy chúng như 2 mặt của một đồng xu, tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2! Đầu óc trống rỗng và hoa ngôn xảo ngữ đi đôi với nhau, chính là mặt này, mặt kia vì nhau mà có, lặp lại như cái máy một số câu chữ tào lao, nhưng hiểu một từ cho kỹ, viết một câu cho đúng cũng không làm được!

Hai vấn đề tương sinh – tương diệt nữa: bản thân không tự định hình được niềm tin, giá trị gì, nhưng ai nói gì cũng tin, nói năng hùng hồn như đúng rồi luôn, nhưng bên trong không xác tín, không cố định được điều gì! Luôn ghen ghét vặt vãnh, tự ti và mặc cảm, nhưng lúc nào cũng “tôi biết, tôi đúng”, ai khác “tôi” là không được, đó cũng lại là 2 mặt tương sinh – tương diệt nữa! Không lớn về mặt tư cách, những “cái tôi” nhỏ nhoi suốt ngày đấu đá, tính kế nhau, không xây dựng được giá trị, ý thức cộng đồng, đó cũng là 2 mặt của cùng một vấn đề nữa. Thực chất, mọi chuyện đều là những biểu hiện, phản ánh từ cái “tâm” mà ra! Và cứ phải nói thẳng ra như thế, thực trạng XH Việt như ngày nay, chính là kết quả của những cái tâm bất thiện! Mọi lý do đều là lý trấu khi chưa nói đến đó: người Việt không thiếu sự “thông minh, chịu khó”, “chả thiếu thứ gì”, chỉ thiếu mỗi sự tử tế!

Không có sự tự tế nhỏ nhoi này thì không làm được việc gì cho ra hồn cả, làm gì cũng hỏng, càng làm càng đẻ thêm ra vấn đề! Chưa nói đến những đại sự “trị quốc, bình thiên hạ”, thậm chí còn chưa nói đến “tu thân, tề gia” nhé, vì trước “tu thân” vẫn còn mấy chữ: “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”, mà sao không thấy ai nói! Em biết nói ra như thế là sẽ ăn vô số gạch đá: mày là ai, mày đã làm được gì mà dám nói như thế… nhưng em cứ nói, chuyện rất đơn giản mà sao tổ chức hết hội nghị này đến nghiên cứu kia, tốn hết bao nhiêu giấy mực và nước bọt mà mấy chục năm rồi mà sao không ai nhìn ra!? Đừng đổ lỗi cho giáo dục, phe phái, ý thức hệ, tôn giáo, vùng miền, đừng tìm cách lấp liếm và nguỵ biện! Cứ nói thẳng ra như thế, mọi vấn đề của xã hội Việt, đều có cùng một lý do: “tâm địa bất chính”! Nói “tâm địa bất chính” đôi khi vẫn là “mỹ từ”, nói thẳng ra là đủ trò lưu manh vặt hạ cấp!

Biết là nói ra sẽ có người nhảy vào tìm cách xảo ngôn ngay, nên… em dự đoán trước một số tình huống mà một số người có thể sẽ nói: “cách vật” – tức là phải cách xa sự vật (chữ cách này là – suy xét, không phải – xa cách nhé), “tu thân” – “tu” theo Phật giáo phải là như thế này thế kia, khái niệm “tu thân” của Khổng tử chả liên quan gì tới Phật (phải hơn 500 năm sau nữa thì Phật giáo mới bắt đầu truyền đến TQ) mặc dù cũng dùng chung chữ “tu”: tu sửa, tu bổ, tu chính. Cứ như thế, người Việt sẽ dùng những mẹo chơi chữ “thiểu năng” để lấp liếm, lươn lẹo chứ không bao giờ chịu hiểu vào bản chất, cái “tôi” nó cứ đổi màu liên tục như con salamander vậy! TQ thì xem như đã bước vào giai đoạn “bình thiên hạ”, còn chúng ta vẫn còn mãi mắc ở khâu “chính tâm”! Nên tuy chỉ là một phàm phu tục tử, chả phải thánh nhân gì, đôi lúc cũng đành gượng gạo rằng: Hà lậu chi hữu – 何陋之有?! 😭

Homo Sovieticus

Kakaka, bài vui vui, những giả định về chiến tranh tương lai, khi phần lớn con người đã trở thành zombie – xác sống, rút cáp mạng là chết phần hồn, cắt wifi là thành thực vật. Nói không xa, tại các đô thị Việt Nam, những thành phần “xác sống” nhiều vô số, suốt ngày tranh cãi ngôn từ hình thức lảm nhảm, ai nói gì cũng tin, chỉ cần đánh vào “cái tôi” là chuyện gì cũng làm! Nguy hiểm hơn cả là họ trở thành vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của chính mình, của cái “tâm” vọng động, hoang tưởng!

Cuộc sống của những thể loại cosplay, chỉ có cái mã ngoài chứ nội tâm bên trong trống hoác! Theo em, cứ bắt hết mấy thể loại này cho vào gulag, đem đi cải tạo lao động cưỡng bức, đem trở lại với thực tế! Thế giới chưa bao giờ là “phẳng” cả… Dự là sau vụ này, Liên bang Nga sẽ thành lập nước Nga xanh (Siniy rus), bên cạnh nước Nga trắng (Bela rus) và nước Nga vốn có (chính là nước Nga đỏ – Krasno rus) cho đủ với 3 màu trên lá cờ! Rồi sau đó sẽ tạo ra một giống loài mới gọi là Homo Sovieticus… 😀😀

nhân quả

Một trong vô số vấn đề của xã hội Việt… Đôi khi ta cứ phải đứng nhìn sự việc xảy ra như thế, vì nhiều lý do khác nhau: nói trước không ai tin, người ta còn cho rằng mình đạo đức giả. Và cũng phải xem xem, nhiều chuyện không phải nói là được, con người mà, không có “định lực”, không có “giá trị” bên trong nâng đỡ, rồi cũng như đám bầy nhầy ngoài kia! Chúng nó sẽ không từ một mánh khoé nào kéo bạn xuống bằng những trò lưu manh, cho ngang với chúng nó! Và cũng phải có thời gian để cho “nghiệp” nó tích tụ và hình thành…

Dù chỉ bằng suy nghĩ trong đầu thôi cũng đã trở thành “ý nghiệp” rồi! Có nhiều việc mà sự “thiện ý” đôi khi hoàn toàn bất lực, vì cái tâm vô minh của con người nó hoạt động theo một cách hoàn toàn khác biệt, không dễ thay đổi, và đôi khi cách duy nhất để là để mặc cho sự việc diễn tiến như thế! Yêu ai thì để cho họ sống theo cách mà họ muốn, mà ghét ai thì… cũng để cho họ sống theo cách mà họ muốn! Cứ để tự nhiên cho “nhân quả” hoàn thành vai trò của mình! Chỉ mượn một chuyện để nói, nhưng tất cả những chuyện khác cũng tương tự như thế!

chatgpt

Nhân chuyện ChatGPT và các thể loại AI xôn xao dư luận gần đây. Có nhiều cách nhận định khác nhau, đương nhiên không nên đánh giá thấp vai trò của trí tuệ nhân tạo và ứng dụng của nó, nhưng bảo máy móc có trí tuệ thì chắc chắn là không! Nói ngắn gọn thế này: sáng tạo là đặc quyền của con người (hay đúng hơn là của một số người), là khả năng đi vào những vùng chưa biết, những lỗ đen kiến thức, khai phá, lập thuyết, chứng minh, etc… Chừng nào mà AI nó chứng minh được Bổ đề cơ bản, ví dụ như thế, thì tôi mới tin là máy có trí tuệ. Còn lại, máy nó chỉ lặp lại những kiến thức thu thập được, càng ngày càng nhiều, dùng khả năng siêu tốc độ của mình để xử lý, tối ưu, và trình bày ra dưới một dạng khôn khéo mà thôi! Mấy ông già “biết tuốt” VN chắc khoái con ChatGPT này lắm, cái gì cũng biết…

Có người đưa các ví dụ AI có thể tối ưu hoá những đoạn code, rồi vẽ ra viễn cảnh máy có thể code được! Chuyện này theo tôi vẫn còn xa, xa lắm! Máy nó chỉ lặp lại một số “bài” được học thôi, vì học quá nhiều nên đôi khi còn có vẻ “giỏi” hơn cả coder – con người! Và thực ra cũng có một số coder giống như thế (giống máy): rất giỏi logic, test IQ, giỏi xử lý các “câu đố” được đưa ra, nhưng kỳ lạ thay, không code được, hoặc code nhưng không giỏi, tại sao thế? Tại vì cái anh chàng “thông minh” đó thực ra chỉ “thuộc bài”, phỏng vấn các vòng đều rất ấn tượng, và cũng đôi khi là “thông minh” thật, giỏi “làm tính, giỏi logic”! Nhưng code, hiểu theo nghĩa rộng, là đi giải một bài toán thực tế, mà giải quyết vấn đề thực tế thì đôi khi “thông minh” chưa đủ, như trên đã nói, “phát minh, sáng tạo” là đặc quyền của con người.

Việc lặp lại “như vẹt” một số kiến thức đã biết chỉ tạo ra được sự “thông minh”, hay “có vẻ thông minh”, chứ không tạo ra được “phát minh, sáng kiến”, không tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận đúng, tìm ra giải pháp hữu ích giữa những cái “hỗn mang, vô tri, bất định”. Cuộc đời của mỗi con người đều giống như “Miếng da lừa” (tiểu thuyết của Honoré de Balzac), có bao nhiêu sinh lực dành để nhớ những kiến thức không thực sự cần thiết, những thông tin vụn vặt cốt chỉ để “loè người” hay để theo đuổi những mục đích “bất chính, bất thiện” thì đương nhiên không còn năng lực để theo đuổi những tri thức hữu ích đích thực. Thông tin thì càng ngày càng nhiều, “Hằng hà sa số” như thế, làm sao mà nhớ hết nổi?! Chuyện học “nhồi nhét kiến thức” đã nói rồi, chuyện “trọc phú tri thức” cũng bàn rồi…

Nhưng tiếc thay, lại sa đà vào mớ trừu tượng “kiến thức nguyên bản” một cách vô bổ, không đưa ra được kết luận gì hữu ích. Nhưng không ai nói cho rõ “kiến thức thật sự, kiến thức có thể sáng tạo” nó là như thế nào, bắt nguồn từ đâu, làm sao để có. Tôi cũng không hiểu lắm, nhưng cho rằng nó liên quan mật thiết đến cảm hứng sống, đến động cơ, mục đích của con người, đến sự can đảm đối diện với bản thân, và có lẽ là, từ trong sâu thẳm, liên quan đến bản chất “hướng thiện” của mỗi người! Trở lại chuyện ứng dụng ChatGPT, chuyện chẳng có gì to tát, các bác cứ làm quá lên! Chỉ là một cỗ máy thuộc bài, lặp lại như vẹt mà thôi! Nói cho đúng là một phần lớn báo chí và cư dân MXH VN về dân trí cũng cỡ đó, như cái thùng rỗng vọng lại những thứ người ta dội vào, viết tiếng Việt thì trúc trắc đọc không được…

Dịch tiếng Anh thì ngô nghê, tối nghĩa, trình ngôn ngữ e là chưa bằng máy! Và chính vì dân trí đang là như thế… nên ChatGPT rồi cũng là công cụ như Wikipedia mà thôi, ý tôi tức là một công cụ… nô dịch tư tưởng! Ví như đám lưu manh trên mạng, mỗi lần có tranh cãi gì là chăm chăm đi sửa Wiki theo hướng có lợi cho mình! Không thể phủ nhận Wiki cũng là nguồn thông tin hữu ích, nhưng nó cũng chỉ là “cái chợ” của con người, có đủ thứ “thượng vàng hạ cám” ở trên đó. ChatGPT rồi cũng sẽ được dùng như một công cụ “nô dịch tư tưởng”, dùng cho những loại óc “bã đậu”, chuyển giao “thông tin” dưới dạng “mì ăn liền”, cái “thông tin” đó được nguỵ trang là “kiến thức”, “tri thức”, là “chân lý”. Nếu có sợ là sợ cho những thành phần dân trí quá thấp, nói gì cũng nghe, chứ ai lại đi sợ cái máy!?

Ai cũng biết, sự học thuộc lòng (dù nhồi nhét) chính là điểm khởi đầu của giáo dục, trẻ con đâu có biết gì nên cứ phải ép nó học thuộc một số “nguyên liệu thô” ban đầu, kiểu như: Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận… ChatGPT, tôi xem như đứa trẻ 3, 4 tuổi, bắt đầu bi bô những kiến thức đầu tiên. Và kệ mịa nó nói gì, lớn lên rồi thì nhiều người sẽ dễ dàng đồng ý là: Nhân chi sơ, tính bản ác! Trở lại với ChatGPT, tôi vẫn xem nó là “con vẹt” học tiếng người, thấy con chuột đến giả tiếng mèo để đuổi chuột đi, thấy con mèo tới giả tiếng người nạt nộ để đuổi mèo đi. Nếu là vẹt thì người ta kêu là nó thông minh, nhưng nếu là người, mà suốt ngày lặp lại mãi một số ngôn từ vay mượn, máy móc, vô nghĩa, chả có tí nội hàm, nội tâm nào, cứ mãi “giả tiếng”… thì người ta kêu bằng: “thiểu năng trí tuệ”.

thiên kinh vạn quyển

Phật giáo tóm tắt qua những con số, khởi đầu trực tiếp từ số 2 (không tính từ 1, từ 1 lên 2 bỏ qua, không trả lời những thứ siêu hình, những phạm trù “bất khả tư nghì”, không thể hiểu được với người-trần mắt-thịt). Kinh Phật chứa đầy những danh sách và con số, chúng thường mang ý nghĩa tập hợp và biểu tượng, ví dụ như 8 vạn 4 ngàn (84.000) là biểu trưng cho một đại lượng rất lớn, vì đương thời chưa có khái niệm, ký hiệu “inf – vô tận”. Một vài con số cơ bản: 2. Nhân quả và duyên khởi, 3. Tam pháp ấn, 4. Tứ diệu đế, 5. Ngũ uẩn, 6. Lục căn, 7. Thất tình, 8. Bát chính đạo, etc…

Đi sâu vào là cả một hệ thống “ma trận” chằng chịt các khái niệm phức tạp về tâm lý và nhận thức! Người mới đọc Phật thường choáng vì không biết bắt đầu từ đâu, vì sách vở Phật giáo đúng nghĩa là “thiên kinh vạn quyển”, hiểu theo đúng nghĩa đen, số lượng kinh văn hiện còn lại qua những biến động lịch sử là trên 1 ngàn (!!!), ngắn thì vài chục dòng, kinh dài thì… vài chục ngàn dòng. Không một tôn giáo nào khác có khối lượng văn bản đồ sộ đến như vậy, chỉ nói loanh quanh về một chữ “tâm”. Nên nói Phật giáo không phải là tôn giáo, mà là “cognitive science – khoa học nhận thức” là như thế!

tathāgata

Tathāgata… trong các kinh Phật, thường thấy xuất hiện chữ Tathāgata – 如來 – Như Lai, chữ này là đại từ nhân xưng tự thân, do đức Phật tự gọi mình, chứ không phải do người khác gọi! Hiểu như thế đọc kinh văn sẽ thấy dễ hiểu hơn. Tatha: do đó, như thế, và gata: đã vượt qua. Có một chút nhập nhằng chỗ này, vì “Tathāgata” (tatha + gata) cũng có thể được chiết tự thành “tatha” và “agata”, mà “agata” là phản nghĩa của “gata”, tức là đến, chứ không phải là đi, Hoa văn hiểu như thế nên dịch thành “lai” (Như Lai). Có nhiều cách hiểu: đã đến hay đã đi, hay đã vượt qua, là vượt qua cái gì? Thật ra ngôn ngữ Phật giáo chỉ trở nên trừu tượng và đầy tính lý luận trong các kinh điển về sau!

Đương thời, Phật dùng từ một cách bình dân, có tính vừa gợi mở, vừa thực tế, tránh các câu hỏi siêu hình hay lý luận hình thức! Một tên hiệu thường gặp nữa của Phật là “Sugata”, ở đây ta bắt gặp cái động từ mà đức Phật rất “thích” dùng: “gate – tiếng Anh: to go”, đi, vượt qua, tiếng Hoa thường dịch “Sugata” thành “Thiện thệ – 善逝” hay “Hảo khứ – 好去”, dịch khá hay, nhưng “lai” hay “khứ” đều không thể hiện chính xác lắm, nên có một chút hàm ý chủ động trong đó! Tathāgata theo tôi, nên hiểu là: người đã vượt qua đến bờ bên kia (của bể khổ)! Về chữ “khổ” – Duḥkha, nó không mang nghĩa “khổ đau, bất hạnh” như chúng ta thường nghĩ, sẽ đề cập đến trong 1 post khác!

shakya

Về cái mà tôi hay gọi là “sự diễn dịch, phân tích lịch sử theo chiều ngược”, một “lỗi tư duy” phổ biến của 99% con người, tìm cách mô tả lại sự việc từ vị trí mình đang đứng, hay rất thường khi, diễn dịch lại quá khứ theo cách có thể đáp ứng (có lợi cho) các nhu cầu của cuộc sống hiện tại! Đó là một lỗi tư duy phổ biến, cố hữu, và hết sức nguy hiểm! Về đức Thích-ca Mâu-ni, thường được xem là “hoàng-tử” của dòng họ, “vương-quốc” Thích-ca (Shakya). Nhiều ý kiến cho rằng Shakya chính là Scythia, một nhánh người Aryan cổ! Theo các nghiên cứu hiện đại, thể chế chính trị của Shakya là Cộng-hoà (Republic) và nghị-viện, chứ không phải là Phong-kiến quân-chủ.

Cũng như nhiều quốc gia khác đương thời, hình thức chính quyền là Cộng-hoà, y hệt như La Mã trước thời Caesar, từ sau Caesar mới là đế chế, Caesar là Hoàng-đế đầu tiên! Trong tiếng Sanskrit, chữ Raja (Royal) chỉ người đứng đầu, người cầm quyền, chứ không mang nghĩa Hoàng-gia như sau này! Thực tế, thể chế phong kiến đầu tiên ở Ấn Độ cổ chỉ bắt đầu với Maurya, Bindusara và Ashoka, những Hoàng-đế mãi hơn 300 năm sau thời của đức Phật. Chính vì không có kiến thức về các thể chế Cộng-hoà thời cổ đại nên các sử gia (phong kiến) đời sau lần ngược trở lại, giải thích lịch sử “từ vị trí mình đang đứng”: Shakya trở thành vương-quốc và đức Phật trở thành hoàng-tử!

pali

Về Pali, và các ngôn ngữ khác của kinh Phật như: Sanskrit, chữ Phạn, etc… Sinh thời, đức Phật thuyết giảng bằng tiếng Prakrit, người anh em “bình dân” của Sanskrit. Vốn gốc đều là chung một ngôn ngữ, nhưng Prakrit là phần dễ hơn, bình dân hơn, phổ biến rộng rãi trong đại chúng, trong khi Sanskrit được ngữ pháp hoá chặt chẽ bằng các quy luật và trở thành ngôn ngữ chính xác của “tầng lớp trên”. Tuy vậy nhiều nghiên cứu cho rằng 2 nhánh ngôn ngữ này thông hiểu được với nhau chứ chưa đến mức trở thành các ngôn ngữ riêng biệt như sau này! Đã có lúc, có đệ tử đề nghị đức Phật truyền dạy giáo pháp bằng Sanskrit, nhưng đức Phật kiên quyết phản bác, đơn giản ông ấy muốn nói bằng thứ ngôn ngữ bình dân mà đại chúng có thể nghe và hiểu được! Càng về sau, Sanskrit càng trở nên chuẩn hoá, hàn lâm hoá, được dùng trong các nghi lễ tôn giáo Hinduism, Jainism, và Phật giáo!

Những lời dạy của đức Phật vốn được thể hiện bằng ngôn ngữ Prakrit! Vậy còn Pali là cái gì!? Cái tên Pali nhằm mô tả loại ngôn ngữ được sử dụng trong các kinh văn Theravada – Phật giáo nguyên thuỷ, nhưng cái tên đó chưa từng bao giờ được lịch sử ghi nhận! Người ta biết đến Pali, gọi bằng tên Pali thực chất chỉ qua các kinh văn của Theravada. Pali với Sanskrit có một mối liên hệ tương đối gần, tập từ vựng gần như tương đương, nhưng ngữ pháp Pali đơn giản hơn! Hiểu nôm na, Pali chính là một cái “hoá thạch”! Hoá thạch của một sinh vật cổ thực ra là cục đá mang hình dạng con sinh vật đó, chứ bản thân cục đá đó không phải là sinh vật! Tương tự như vậy, Pali chính là Prakrit thời kỳ đức Phật hoằng pháp, nhưng trong khi Prakrit tiếp tục phát triển, trở thành nhiều ngôn ngữ khác (sinh ngữ), còn Pali dừng lại, bất động với thời gian (tử ngữ), trở thành một ngôn ngữ kinh viện để lưu truyền hậu thế!

ananda

Về A-nan, người thị giả của đức Phật… khi Phật đã bắt đầu có tuổi, người muốn chọn một người hầu cận gần gũi phục vụ cho các công việc hàng ngày, lo ăn uống, sinh hoạt, lo tổ chức và truyền đạt các chỉ dạy cho Tăng-đoàn. Ca Diếp (và nhiều người khác) là các đại đệ tử của đức Phật, về học vấn đứng vào hàng đầu, nhưng lúc đó cũng đã có tuổi, người được chọn là A-nan vì nhiều lý do khác nhau. A-nan là em họ của đức Phật, bố của A-nan là anh em với bố của đức Phật, về quan hệ họ hàng là gần gũi. Kế đến nữa là A-nan còn trẻ, nhanh nhẹn phù hợp với công việc. A-nan với đức Phật một lòng tôn sùng, thành kính, chu đáo, và đặc biệt A-nan nổi tiếng với khả năng ghi nhớ siêu phàm, hàng vạn lời đức Phật nói ra, nói lúc nào, ở đâu, nói như thế nào, A-nan có thể lặp lại không sai sót.

Đại hội Kết-tập lần thứ nhất sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử họp lại để “chuẩn hoá” những lời dạy, hội nghị này do Ca Diếp tổ chức! Hội nghị phụ thuộc rất nhiều vào A-nan, vì cái trí nhớ siêu phàm của ông ấy! Các kinh điển Phật giáo thường bắt đầu bằng câu: Evaṃ mayā śrūtaṃ, 如是我聞, Như thị ngã văn, Tôi nghe như vầy…, được cho là lời thuật của A-nan, A-nan thuật lại từng lời một, nếu tất cả 500 vị A-la-hán của Tăng-đoàn đều đồng ý thì lời đó trở thành kinh văn chính thức! Nhưng có một điều, A-nan là người duy nhất, trong số 500 thành viên hội đồng chưa… đắc quả A-la-hán! Chính bởi cái trí nhớ siêu phàm, cái gì cũng nhớ đó nên A-nan chưa thể đắc pháp, ít nhất là cho đến sau khi đức Phật khứ thế, những người khác, vì ít vướng bận vào ngôn ngữ, nên lại dễ thành công hơn!