ngọc cẩm & nguyễn hữu thiết

ể về tình hình Tân nhạc tại miền Nam trước 1975 mà bỏ qua cặp vợ chồng song ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết thì quả là một thiếu sót. Người miền Nam bấy giờ rất mê nhạc, cải lương thì có Thanh Nga, tuồng cổ thì có Phùng Há, vọng cổ thì có cậu Út Trà Ôn… Tuy vậy lớp trẻ lại thích Tân nhạc hơn. Chính quái kiệt Trần văn Trạch là người cải tiến các show diễn. Ông đề nghị thêm phần biểu diễn Tân nhạc vào trước các buổi chiếu phim, về sau lại tổ chức các chương trình Đại nhạc hội. Cũng chính ông là người giới thiệu cặp “danh ca miền Trung” Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết trước công chúng Sài-gòn. Cặp danh ca này nổi tiếng với khán thính giả miền Nam từ đó, với các bản dân ca hay tình ca, trên các sân khấu nhạc hội hay qua làn sóng phát thanh. Những đĩa nhạc của họ bán chạy như tôm tươi và có sức lan tỏa rộng trong quần chúng nghe nhạc.

Gạo trắng trăng thanh 
Ai đi ngoài sương gió 

Với thế hệ cha mẹ tôi, nhạc và giọng ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết là điều gì gần gũi, rất “Vietnamese – native” như những món cơm hến, bún bò Huế. Thêm một chi tiết nữa là Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết chính là song thân của ca sĩ nổi tiếng Hồng Hạnh sau này. Mời các bạn thưởng thức hai giọng ca dân dã, tự nhiên mà truyền cảm này qua một bản “dân ca” Gạo trắng trăng thanh và một bản tình ca Ai đi ngoài sương gió (hai bài trong băng nhạc 18 tình khúc quê hương yêu dấu). Nhất là Gạo trắng trăng thanh là bản nhạc có mức độ phổ biến sâu rộng trong quần chúng thính giả, đến mức nó có một bản lời “chế” như sau: Ai đi qua trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần nilông… 😀

Một vài bìa nhạc Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết:

quái kiệt trần văn trạch

ăm thế hệ nhà họ Trần: ông sơ Trần Quang Thọ là nhạc sĩ cung đình Huế, ông cố Trần Quang Diệm được gởi đi Huế học đàn tỳ bà và sau đó nổi tiếng khắp miền Nam với ngón đàn này, ông nội Trần Quang Triều nổi tiếng trong giới cổ nhạc với ngón đàn kìm. Phía bên ngoại thì có ông cậu 5 Nguyễn Tri Khương (cháu nội Nguyễn Tri Phương) chuyên về sáo, và cậu 4 là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca. Đến thế hệ thứ 4 thì có anh cả GS Trần văn Khê, người không cần phải nhắc đến thì ai cũng biết là ai, người con thứ là Trần văn Trạch, một quái kiệt độc nhất vô nhị của Tân nhạc Việt Nam.

Cái đồng hồ tay 
Tai nạn tê-lê-phôn 
Chiều mưa biên giới 

Thế hệ thứ 5 của gia tộc này là TS âm nhạc Trần Quang Hải, người vẫn tiếp nối ông cha đóng góp cho nền cổ nhạc nước nhà. Trần văn Trạch được xem là hiện tượng độc nhất vô nhị trong làng Tân nhạc, chuyên sáng tác và biểu diễn nhạc hài, là nghệ sĩ hài “trí thức” duy nhất đương thời, hát tân nhạc, cổ nhạc, làm kịch, làm phim, tổ chức các chương trình Đại nhạc hội (bao gồm đầy đủ ca, vũ, nhạc, kịch, hài, tạp kỹ… trong một chương trình văn nghệ).

Lần đầu nghe Trần văn Trạch ca, tôi lập tức thích cái giọng ông, một giọng nói đặc sệt Nam bộ, tự nhiên, bình dân, không kiểu cách. Nó làm tôi nhớ đến “một thời đã xa”, khi mà những gì sáng tạo, mới mẻ đều khởi phát từ những gì tự nhiên bình thường nhất, không cần phải đi qua những lăng kính méo mó như thực trạng văn hóa, văn nghệ hiện tại. Bao nhiêu năm xây dựng XHCN đã làm suy đồi con người cũng như các nền tảng văn hóa nghệ thuật… Xin giới thiệu đến các bạn hai tác phẩm hài do nghệ sĩ Trần văn Trạch sáng tác và trình bày. Chúc các bạn những trận cười sảng khoái!

Tôi thường có cảm giác rằng những người hiểu sâu về sắc điệu thì không vướng chấp vào cái vỏ âm thanh bên ngoài và dể tiếp cận đến tầng âm nhạc. Đa số các ca sĩ hiện nay đều có những chất giọng vay mượn, không ai bằng lòng với cái âm sắc cha sinh mẹ đẻ của mình. Mời các bạn nghe Trần văn Trạch hát Chiều mưa biên giới, một ca khúc phổ biến trong giới bình dân ở miền Nam trước 1975, nghe để thấy được rằng giọng nói chúng ta bất kể nguồn gốc thế nào, tự nó đã là vốn thiên phú của chúng ta rồi, không cần phải học đòi gượng ép.

ban kích-động-nhạc avt

Lẳng lặng mà nghe họ chúc nhau,
Chúc nhau mạnh mẽ khỏe như trâu.
Chúc nhau tiền của giàu như nước,
Chúc đẻ vừa xong lại… có bầu.

(Chúc xuân – Lữ Liên – ban AVT)

rong các ban nhạc chơi theo trào lưu mới (nhạc Mỹ) ở miền Nam trước 75, có một ban rất đáng lưu ý gồm 3 thành viên: Anh Linh, Vân Sơn, Tuấn Đăng, do đó mà có cái tên AVT. AVT thường xuất hiện trong trang phục áo dài khăn đóng, chơi nhạc cụ Tây phương (guitar, trống…) hay nhạc cụ cổ truyền (đàn nhị, tỳ bà, đàn đoản…).

Được biết đến ban đầu với cái tên ban kích-động-nhạc AVT, về sau đổi thành Tam ca trào phúng AVT, AVT đã thu những đĩa riêng, và từ khi ở miền Nam bắt đầu có vô tuyến truyền hình, AVT thường xuất hiện trên các chương trình chúc xuân đầu năm.

Em tập vespa 
Ba bà mẹ chồng 

Nhạc của AVT rất đặc biệt, vừa rất mới, vừa rất cũ: mới vì hòa âm “rặt” Mỹ, cũ vì phần nội dung rất chi Lý Toét và Xã Xệ. Không như các ban kích-động-nhạc đương thời đều làm nhạc Trẻ, AVT là ban nhạc duy nhất có chủ đề, nội dung rất chi đại chúng: trào phúng, khôi hài, mà với trình độ âm nhạc cao.

Mời các bạn điểm qua 2 tác phẩm tiêu biểu của AVT, chắc rằng ai cũng sẽ có những trận cười no nê với Ba bà mẹ chồng kể chuyện ba bà mẹ Bắc, Trung, Nam ngồi nói xấu những nàng dâu và Em tập Vespa, kể chuyện một anh chàng kèm một em “tập đi xe Vespa”. Chúc các bạn những trận cười thoải mái!

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau đầu trước đón đầu sau.
Phen này nhiều kẻ xây cao ốc,
Thiên hạ bao nhiêu đứa nhảy lầu.
(TKXuyen’s version)

mal

Lúc chúng ta rĩ rã nhạc Pháp thì Christophe làm album có bài Mal này với tựa đề Anh

hớ lúc nhỏ, lũ nhóc cấp 2 chúng tôi luôn nghĩ ra những trò tiêu khiển giết thời gian thú vị. Tôi còn nhớ một trong những trò đó là ngồi tìm ra những từ tiếng Việt gốc Pháp, chẳng hạn như cái ba-ri-e (barrière) là cái rào chắn, hay ra-đi-a-tơ (radiateur) là bộ phận tản nhiệt của xe máy… Mặc dù chưa hề biết tiếng Pháp, lũ nhóc chúng tôi vẫn cãi nhau, lục tìm từ điển để minh chứng cho những ví dụ của mình. Bạn cu Bông (Quang Khải) hẳn còn nhớ trò chơi này.

Mal - Christophe 
Cơn đau tình ái - Elvis Phương 

Bây giờ thì tôi tìm ra một từ khác: Mal, như trong tiếng Việt, khi người ta nói: cái thằng đó hơi bị man man. Vốn gốc chỉ có nghĩa là đau, bệnh, qua tiếng Việt từ đó đã phái sinh một nghĩa mới: đau bệnh theo kiểu thần kinh. Ảnh hưởng của văn hóa Pháp lên văn hóa Việt thật sâu đậm, tìm thấy khắp trong ngôn ngữ, ca từ, ca khúc! Đôi lúc lại có cảm giác rằng chúng ta tiếp thu văn hóa nước ngoài không hẳn là thiếu chọn lọc, nhưng vẫn quá ư dễ dãi. Đến tận những năm 70, khi văn hóa Mỹ đã lan tràn khắp miền Nam Việt Nam, các phòng trà Sài-gòn vẫn rỉ rả những ca khúc Pháp. Trong trào lưu hát nhạc Pháp lời Việt này, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời cho hàng loạt ca khúc Pháp, mà bài này là một đơn cử.

Rồi những ban nhạc rock đầu tiên của Sài-gòn (lúc ấy không gọi là nhạc rock mà gọi là kích-động-nhạc) vẫn tiếp tục lấy những cái tên Pháp, đặt lời theo kiểu Pháp nhưng làm nhạc theo lối Mỹ. Đúng là một loại tranh collage sinh động. Tôi sẽ còn trở lại với chủ đề những ban “kích-động-nhạc” đầu tiên của Sài-gòn trong một bài khác, những Elvis Phương, Lê Hựu Hà, Tuấn Ngọc, những Trần văn Trạch (em ruột Trần văn Khê), Lữ Liên (ban kích-động-nhạc AVT)… những cậu ấm Sài-gòn gốc “Bắc cầy” đã tiếp tục làm nên những trào lưu nhạc mới. Điều đáng lưu ý là trong những trào lưu này dần xuất hiện những loại nhạc giải trí, nhạc tuýt, lần đầu tiên văn nghệ ở VN bước ra khỏi “tháp ngà hàn lâm” để mang hơi thở đời thường của cuộc sống.

Mal, bài hát này thích đã lâu, lúc này lại đúng là lúc để hát: Mal, au fond du coeur, oui j’ai mal (Đau! Từ đáy trái tim ta buồn đau!). Bài gốc có phần hòa âm thật hay, đúng tông yêu thích của tôi, còn bài lời Việt chỉ để nghe tham khảo!

chanson de solveig

ốn âm nhạc cổ điển chẳng có được mấy bài, chỉ biết và thích được một đôi bài ngăn ngắn, đại loại như một số serenade, polonaise, nocture, overture… Nhưng đặc biệt thích Chanson de Solveig này, từ nhỏ đã nghe qua tiếng hát Lê Dung, mà không biết rằng từ trước ở miền Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã có đặt một lời Việt khác hay đến như vậy: Một lần người đưa tiễn nhau, như vẫn cầu lời hứa năm nào, đằm thắm cho vui lòng nhau… Cuộc đời từ trong chiếc nôi, đã quay về cùng với gió bụi, về chốn không tên xa xôi. Càng thêm yêu bản nhạc vì cái lời đẹp vậy.

Khúc hát nàng Solveig - Lê Dung 
Chanson de Solveig - Edward Grieg 
Solveig's song - Sarah Brightman 

Thường cần nghe nhạc không lời, dể nắm được dáng nhạc, xong rồi thì hát lời Phạm Duy vậy. Lời tiếng Anh, hát đến líu lưỡi mà vẫn không ăn được cách ngắt câu nhả chữ của nó! Cái giai điệu đẹp một cách giản đơn, như muốn tự giới hạn mình trong một cảm xúc hẹp và cô đọng, nghe như tiếng gió Bắc phương thổi qua những fiord buồn bã của xứ Scandinavi. Những tình khúc đẹp thế này vẫn thường được dùng làm bài ca vĩnh biệt, như cái ám danh tiếng Pháp của nó (Chanson de l’adieu) đã chỉ rõ!

một thoáng hà nội



hỉ là một thoáng: hai ngày làm việc, vài cuốc đi dạo bộ trong phố cổ, một vài vòng hồ Gươm, một hai quán café, một người bạn 5 năm không gặp. Thế mà nhớ Hà-nội như nhớ một điều gì nửa lạ nửa quen, đã gặp và chưa gặp. Cách đây nhiều năm, Hà-nội không phải là một địa danh, Hà Nội chỉ là rượu cỏ, rượu phượng hoàng, chỉ là một thứ ngôn ngữ đơn âm đến cao độ, như khi ta nói rằng trong phố cổ, những con đường luôn “ùn” mà không “tắc”.

Bây giờ Hà-nội là café Bùi Xuân Phương, là phố Thuốc Bắc, nhà cũ họa sĩ Bùi Xuân Phái, là gánh bún chả Ô Quan Chưởng, là phở cuốn, phở chiên ven hồ Trúc Bạch, là phở gánh cạnh nhà thờ Chính Tòa, là chợ Đồng Xuân, bốt Hàng Đậu, là nem rán phố Hàng Bông, là café nhạc Trịnh trong một ngách nào đấy ở Cầu Giấy… Là một người bạn 5 năm không gặp, đã 5 năm trôi qua mà “vết dấu tình sầu” vẫn còn phảng phất đâu đấy trên khuôn mặt. Là hai tâm hồn gần chai sạn khổ đau ngồi “tám” chuyện đời với nhau.

Là sự khác biệt văn hóa, từ quan niệm đến ngôn từ, ngữ âm. Là cái giật mình về một con người xa xưa: con người “sạch” nhất trong một thế giới “bẩn” và “bẩn” nhất trong một thế giới “sạch”. Là một chút chung mơ hồ của những cá tính treo lơ lửng giữa trời, giữa ngũ cung và thất cung, không có gì là quá cao cũng như không có gì là quá thấp. Hẳn không cần vài tấm hình tháp Rùa, đền Ngọc Sơn… ai đã biết Hà Nội thì chỉ cần nhìn hình bạn Thảo là sẽ nhận ra Hà-nội ngay thôi 😀

trường ca Hòn vọng phu – 1

Đồng-đăng có phố Kỳ-lừa,
Có nàng Tô-thị họ vừa nung vôi.

(nhại ca dao)

Núi đá vôi “Hòn vọng phu” – Đồng-đăng, Kỳ-lừa, giống hệt một thiếu phụ ôm con đứng chờ chồng về. Ảnh lấy từ trang web phamduy.com

ừ lâu đã nhắc đến Trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương nhưng chưa post bản nhạc này một cách đầy đủ bao giờ. Đây là trường ca đầu tiên, báo hiệu bước trưởng thành của Tân nhạc. Bản nhạc được chia thành 3 phần. Phần 1: ngày ra đi: lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa ruổi theo lối sông… Phần 2: tâm tình người vợ ôm con chờ chồng về: trời đổ mưa trong tiết tháng ba, suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống Bà, hình hài người bế con nước chảy chan hòa… Phần 3: ngày người chinh phu trở về: chờ người con, chờ vợ đón, bao ước mong nét xưa hãy còn… Ba bài ca Hòn vọng phu là một ẩn dụ về những tâm tình biệt ly, đoàn tụ, về công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ.

Trường ca Hòn vọng phu (1, 2, 3) 
Thái Thanh và ban Thăng Long

Công cuộc Nam tiến ấy bắt đầu với việc gã Huyền Trần công chúa cho Chế Mân để đổi lấy châu Ô, châu Rí, với việc chúa Nguyễn vào Nam và gầy dựng nên đất Quảng-nam, rồi Sài-gòn, Gia-định, Đồng-nai, Hà-tiên… là những cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước… Và cho đến tận bây giờ, công cuộc Nam tiến ấy vẫn chưa kết thúc, lớp lớp người miền Bắc, miền Trung chúng ta vẫn đổ vào Nam, sinh sống, lập nghiệp, gầy dựng nên kinh tế phía Nam giàu mạnh.

Hòn vọng phu là trường ca đầu tiên tóm tắt nên tâm sự, nỗi niềm của lớp lớp bao người dân Việt, đã khái quát cả một chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, một bài trường ca của xiết bao u hoài xen lẫn tự hào: tâm sự của người vợ ôm con chờ chồng đi mở mang bờ cõi đã bao năm chưa thấy về, và tâm sự của người chinh phu ra đi, bên thì nợ nước chưa đền, bên thì nợ tình thâm chưa trả.

phạm duy – 9

Khi còn bé, Mẹ bảo:
lớn lên đi lính, con sẽ làm tướng,
lớn lên đi tu, con sẽ làm giáo chủ.
Ông đã soạn nhạc và trở thành Phạm Duy!

(phỏng theo Picasso)

ết thúc sêri 9 bài viết về nhạc sĩ PD này, có lẽ không thừa nếu nhắc lại rằng PD xứng đáng là nhạc sĩ vĩ đại nhất trong nền âm nhạc Việt Nam từ cổ chí kim, mà chưa một nhạc sĩ theo sau nào bén gót được. Không thừa khi hiện tại chỉ có khoảng vài chục ca khúc của ông là có trong danh sách những bản nhạc được phép lưu hành. Trong tình hình âm nhạc đã khá nghèo nàn hiện tại, việc cấm không phổ biến những ca khúc của ông là một tổn thất lớn cho công chúng yêu nhạc, khi họ chỉ được biết một Văn Cao chỉ với mười mấy ca khúc nổi bật, một Trịnh Công Sơn với rất nhiều ca khúc đáng yêu về ngôn từ nhưng không mấy phong phú về nhạc.

PD, tác giả một gia tài tạm gọi với cái tên Ngàn lời ca, là khoảng 1000 tác phẩm phong phú về âm nhạc, tân kỳ về ngôn từ, mang nhiều phong cách, nhiều mảng nội dung đa dạng khác nhau. Ngàn lời ca, đặc sắc nhất phải kể đến những bài “dân ca mới”, đem lại sự hồi sinh cho dân nhạc Việt Nam, không phải là những thứ “nhại dân ca” hay “tân cổ cưỡng duyên” như chúng ta có hiện nay. Đó là những bài nhạc hùng trong kháng chiến 9 năm, những bài tình ca quê hương tuyệt đẹp. Tiếp đến nữa là những bản nhạc tình bất hũ, nhiều bài chúng ta, vì đã nghe quá nhiều, quá quen tai: Cây đàn bỏ quên, Em bé quê… mà không biết đó là của ông, không biết chúng có giá trị như thế nào chăng? Đó là những bản du ca, tâm ca, tâm phẫn ca, đạo ca, rong ca, thiền ca, và những “bé ca”, những bài ca viết cho tuổi nhỏ… Đó là hai trường ca: Con đường cái quanMẹ Việt Nam, về sau tác giả còn có thêm một trường ca Hàn Mặc Tử. Đó là những tác phẩm Minh họa Kiều, Hương ca… sáng tác sau này.

Nhạc PD, với tôi không phải chỉ là những kỷ niệm âm nhạc lúc nhỏ, đó còn là một mảng khuất trong nền ca khúc VN không nhiều người biết đến giá trị. Nhạc PD là nơi tôi bắt đầu biết cách lắng nghe những giai điệu ngũ cung, những cái chính là bản chất con người Á Đông mình. Nhạc PD là ẩn dụ về những gia tài VN bị đánh mất, bị quên lãng vì những lý do chiến tranh, chính trị, xã hội… những lý do không đứng vững trước giá trị nghệ thuật trường cửu. Nhạc PD là ẩn dụ khác biệt, dằn vặt về những nghèo nàn và phong phú, tầm thường và sáng tạo, bao đồng và tinh tế…, cùng một lúc, trong tất cả những gì gọi là chúng ta, con người VN.

Cành hoa trắng - Thái Thanh 

Để kết lại sêri viết về nhạc sĩ PD, mời các bạn nghe một ẩn dụ bằng âm nhạc khác, ca khúc Cành hoa trắng, ca khúc kể chuyện nàng tiên vì tình yêu, làm huyên náo Thiên đường mà bị đầy xuống trần gian lạnh lẽo.

phạm duy – 8

Âm nhạc là một sự khải thị
lớn hơn mọi nền luân lý.

(Beethoven)

iết đến đây, khi cố gắng hệ thống hóa, “chia lô” những sáng tác của nhạc sĩ PD (sự phân chia này một phần dựa trên sự tự phân loại của tác giả), tôi mới nhận ra rằng làm như thế vô hình chung đã bỏ qua nhiều phần sáng tác quan trọng của nhạc sĩ. PD ông có nhiều sáng tác không đơn thuần có thể chia vào một hạng mục nào cụ thể, hơn nữa nhiều sáng tác lẻ lại có giá trị nghệ thuật quan trọng. Vì vậy ở phần này chúng ta lại “thập di”, đi tìm bổ khuyết những thiếu sót trong 7 bài viết vừa qua.

Có rất nhiều ca khúc nhạc ngoại quốc chúng ta đang hát có phần lời Việt do nghệ sĩ PD đặt, và nhiều khi chúng ta được biết phần lời Việt này trước khi được biết nguyên tác. Trong số những bài ca này có những bản nhạc cổ điển phương Tây: Dòng sông xanh (Le beau Danube bleu), Trở về mái nhà xưa (Retour à Soriento), Vũ nữ thân gầy (La Cumparsita), Dạ khúc (Serenade)… Một số là những bài dân ca các nước hay nhạc Pháp, Mỹ: Clémentine, Khi xưa ta bé (Bang bang), Em đẹp nhất đêm nay (La plus belle pour aller danser), Giàn thiên lý đã xa (Scaborough fair), If you go away (Ne me quitte pas), Hỡi người tình Lara (Chanson de Lara)… và rất nhiều những bài khác.

Áo anh sứt chỉ đường tà - Thái Thanh 
Quê nghèo - Thái Thanh 

Trong những ca khúc giai đoạn đầu của ông, những ca khúc “dân ca mới”, tôi đặc biệt lưu ý một số ít ca khúc có giai điệu rất cổ kính, nét tân kỳ ẩn tàng đi đâu mất. Trong số đó có Thu chiến trườngChinh phụ ca. Nghe những ca khúc này chúng ta có cảm giác được thưởng ngoạn lại những gia tài âm nhạc cũ đã thất truyền, không còn ai biết đến nữa. Cái biệt tài sáng tạo của nghệ sĩ PD là làm ra những cái mới chưa ai có, thì một biệt tài khác, trong những ca khúc này, là hình dung lại những cái cũ mà cũng không ai còn nhớ. Có lẽ đến một lúc nào đó, muốn có một hình dung về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chúng ta phải nhờ đến những bài như thế này chăng?

Chinh phụ ca - Hà Thanh 
Tiếng hát trên sông - Thái Thanh 

Trong số những ca khúc giai đoạn đầu của nhạc sĩ PD, có một ca khúc rất đáng để ý: Áo anh sứt chỉ đường tà phổ thơ bài thơ nổi tiếng Đồi tím hoa sim của Hữu Loan. Liên quan đến bài thơ này là một đời người đày đọa, Hữu Loan là một phần của vụ án Nhân văn giai phẩm ngày trước, hẳn phải có lúc nào lịch sử lật lại vụ án này, với những lời xin lỗi và công nhận chính thức. Riêng về ca khúc này, đây là một đỉnh cao trong nhạc thuật của PD, khi nhỏ, mỗi lần nghe ca khúc này là tôi lại có cảm giác gió rờn rợn trên mộ vàng… Có đến hơn 3, 4 ca khúc cùng phổ nhạc bài thơ này, nhưng chỉ mỗi bản nhạc của PD là đáng nhớ (những bản khác còn chưa thoát ra được thể loại boléro rẻ tiền, đàn ca nhạc nhậu.

Có một số bài hát hiện nay chúng ta được biết qua phần lời đã sửa chữa của chúng. Một số bài hát phần nhạc rất hay sáng tác trong kháng chiến 9 năm về sau bị nhạc sĩ PD sửa lại lời, phần nhiều là vì những lý do chính trị. Như Bao giờ anh lấy được đồn Tây thường được biết dưới cái tiêu đề Quê nghèo hay Tiếng hát trên sông Lô đã được đổi thành Tiếng hát trên sông. Tuy vậy, hai bài hát được giới thiệu ở đây đều có phần lới mới khá hay, nhất là bài Quê nghèo.

(Còn tiếp…)

phạm duy – 7

Chỉ có hiện tại là không dứt!
(Schrodinger)

hững ý tưởng sáng tạo luôn đến một cách bất chợt, cóp nhặt… để đến một lúc nó trở thành những thay đổi trong xu hướng, phong cách. Từ những năm 70 trở về sau, nhạc của PD chuyển theo một hướng mà không phải ai cũng hài lòng. Một số tự bảo rằng: Ồ, PD, ông ta đâu còn như trước!. Dĩ nhiên tôi cũng thích PD lúc trẻ hơn, nhất là những năm 60, khi nhạc thuật đã đạt đến chỗ chín muồi, và những phần hòa âm phối khí cũng đã được tinh luyện.

Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng - Thái Thanh 
Quán thế âm - Thái Thanh 

Đó là lúc ông còn chưa bị cuộc đời dằn vặt đến mức nhạc phải nhuốm màu suy tư triết lý. Nhưng từ những năm 70, âm nhạc của ông đã chuyển theo một hướng thâm trầm hơn, bác học hơn, và thể hiện đầy đủ hơn những gì được tích lũy, cóp nhặt là ông. Với những gì ông đã đạt được, việc bắt ông phải lặp lại chính mình, phải sáng tác những ca khúc đỉnh cao như lúc trước là điều không thể.

Nghìn thu - Thái Thanh 
Mẹ năm 2000 - Khánh Ly 

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là PD đã bế tắc, cạn nguồn trong nhạc hứng, chỉ có một điều nhạc của ông ngày càng ít cho công chúng, mà càng cho riêng bản thân ông. Phàm những cái đạt đến đỉnh cao thì tự quay vào chính mình vậy! Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc “cỡi ngựa xem hoa” để điểm qua Thập mục ngưu đồ – tức mười bài Đạo ca.

Về sau, nghệ sĩ PD còn tiếp tục làm giàu cho gia tài âm nhạc của mình bằng 10 bài Thiền ca, 10 bài Rong ca. Những ca khúc này được sáng tác khi ông đã định cư lâu năm ở Mỹ, nhiều bài thể hiện ước mơ hồi hương từ rất sớm như: Hẹn em năm 2000. Trước đây tôi chỉ được biết một phần nhỏ trong những ca khúc sáng tác sau này của ông.

Sau này nghe kỹ lại có thể thấy, những nguồn cảm hứng lớn cho các ca khúc này đã không còn nữa, các giai điệu phần lớn là những trò chơi âm thanh của riêng tác giả, một số rất đáng nghe, nhưng nhìn tổng thể những tác phẩm này không còn đạt đến đỉnh cao như trước.

(Còn tiếp…)