Kể về tình hình Tân nhạc tại miền Nam trước 1975 mà bỏ qua cặp vợ chồng song ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết thì quả là một thiếu sót. Người miền Nam bấy giờ rất mê nhạc, cải lương thì có Thanh Nga, tuồng cổ thì có Phùng Há, vọng cổ thì có cậu Út Trà Ôn… Tuy vậy lớp trẻ lại thích Tân nhạc hơn. Chính quái kiệt Trần văn Trạch là người cải tiến các show diễn. Ông đề nghị thêm phần biểu diễn Tân nhạc vào trước các buổi chiếu phim, về sau lại tổ chức các chương trình Đại nhạc hội. Cũng chính ông là người giới thiệu cặp “danh ca miền Trung” Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết trước công chúng Sài-gòn. Cặp danh ca này nổi tiếng với khán thính giả miền Nam từ đó, với các bản dân ca hay tình ca, trên các sân khấu nhạc hội hay qua làn sóng phát thanh. Những đĩa nhạc của họ bán chạy như tôm tươi và có sức lan tỏa rộng trong quần chúng nghe nhạc.
Với thế hệ cha mẹ tôi, nhạc và giọng ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết là điều gì gần gũi, rất “Vietnamese – native” như những món cơm hến, bún bò Huế. Thêm một chi tiết nữa là Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết chính là song thân của ca sĩ nổi tiếng Hồng Hạnh sau này. Mời các bạn thưởng thức hai giọng ca dân dã, tự nhiên mà truyền cảm này qua một bản “dân ca” Gạo trắng trăng thanh và một bản tình ca Ai đi ngoài sương gió (hai bài trong băng nhạc 18 tình khúc quê hương yêu dấu). Nhất là Gạo trắng trăng thanh là bản nhạc có mức độ phổ biến sâu rộng trong quần chúng thính giả, đến mức nó có một bản lời “chế” như sau: Ai đi qua trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần nilông…
😀
Một vài bìa nhạc Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết: