Năm thế hệ nhà họ Trần: ông sơ Trần Quang Thọ là nhạc sĩ cung đình Huế, ông cố Trần Quang Diệm được gởi đi Huế học đàn tỳ bà và sau đó nổi tiếng khắp miền Nam với ngón đàn này, ông nội Trần Quang Triều nổi tiếng trong giới cổ nhạc với ngón đàn kìm. Phía bên ngoại thì có ông cậu 5 Nguyễn Tri Khương (cháu nội Nguyễn Tri Phương) chuyên về sáo, và cậu 4 là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca. Đến thế hệ thứ 4 thì có anh cả GS Trần văn Khê, người không cần phải nhắc đến thì ai cũng biết là ai, người con thứ là Trần văn Trạch, một quái kiệt độc nhất vô nhị của Tân nhạc Việt Nam.
Thế hệ thứ 5 của gia tộc này là TS âm nhạc Trần Quang Hải, người vẫn tiếp nối ông cha đóng góp cho nền cổ nhạc nước nhà. Trần văn Trạch được xem là hiện tượng độc nhất vô nhị trong làng Tân nhạc, chuyên sáng tác và biểu diễn nhạc hài, là nghệ sĩ hài “trí thức” duy nhất đương thời, hát tân nhạc, cổ nhạc, làm kịch, làm phim, tổ chức các chương trình Đại nhạc hội (bao gồm đầy đủ ca, vũ, nhạc, kịch, hài, tạp kỹ… trong một chương trình văn nghệ).
Lần đầu nghe Trần văn Trạch ca, tôi lập tức thích cái giọng ông, một giọng nói đặc sệt Nam bộ, tự nhiên, bình dân, không kiểu cách. Nó làm tôi nhớ đến “một thời đã xa”, khi mà những gì sáng tạo, mới mẻ đều khởi phát từ những gì tự nhiên bình thường nhất, không cần phải đi qua những lăng kính méo mó như thực trạng văn hóa, văn nghệ hiện tại. Bao nhiêu năm xây dựng XHCN đã làm suy đồi con người cũng như các nền tảng văn hóa nghệ thuật… Xin giới thiệu đến các bạn hai tác phẩm hài do nghệ sĩ Trần văn Trạch sáng tác và trình bày. Chúc các bạn những trận cười sảng khoái!
Tôi thường có cảm giác rằng những người hiểu sâu về sắc điệu thì không vướng chấp vào cái vỏ âm thanh bên ngoài và dể tiếp cận đến tầng âm nhạc. Đa số các ca sĩ hiện nay đều có những chất giọng vay mượn, không ai bằng lòng với cái âm sắc cha sinh mẹ đẻ của mình. Mời các bạn nghe Trần văn Trạch hát Chiều mưa biên giới, một ca khúc phổ biến trong giới bình dân ở miền Nam trước 1975, nghe để thấy được rằng giọng nói chúng ta bất kể nguồn gốc thế nào, tự nó đã là vốn thiên phú của chúng ta rồi, không cần phải học đòi gượng ép.