phạm duy – 8

Âm nhạc là một sự khải thị
lớn hơn mọi nền luân lý.

(Beethoven)

iết đến đây, khi cố gắng hệ thống hóa, “chia lô” những sáng tác của nhạc sĩ PD (sự phân chia này một phần dựa trên sự tự phân loại của tác giả), tôi mới nhận ra rằng làm như thế vô hình chung đã bỏ qua nhiều phần sáng tác quan trọng của nhạc sĩ. PD ông có nhiều sáng tác không đơn thuần có thể chia vào một hạng mục nào cụ thể, hơn nữa nhiều sáng tác lẻ lại có giá trị nghệ thuật quan trọng. Vì vậy ở phần này chúng ta lại “thập di”, đi tìm bổ khuyết những thiếu sót trong 7 bài viết vừa qua.

Có rất nhiều ca khúc nhạc ngoại quốc chúng ta đang hát có phần lời Việt do nghệ sĩ PD đặt, và nhiều khi chúng ta được biết phần lời Việt này trước khi được biết nguyên tác. Trong số những bài ca này có những bản nhạc cổ điển phương Tây: Dòng sông xanh (Le beau Danube bleu), Trở về mái nhà xưa (Retour à Soriento), Vũ nữ thân gầy (La Cumparsita), Dạ khúc (Serenade)… Một số là những bài dân ca các nước hay nhạc Pháp, Mỹ: Clémentine, Khi xưa ta bé (Bang bang), Em đẹp nhất đêm nay (La plus belle pour aller danser), Giàn thiên lý đã xa (Scaborough fair), If you go away (Ne me quitte pas), Hỡi người tình Lara (Chanson de Lara)… và rất nhiều những bài khác.

Áo anh sứt chỉ đường tà - Thái Thanh 
Quê nghèo - Thái Thanh 

Trong những ca khúc giai đoạn đầu của ông, những ca khúc “dân ca mới”, tôi đặc biệt lưu ý một số ít ca khúc có giai điệu rất cổ kính, nét tân kỳ ẩn tàng đi đâu mất. Trong số đó có Thu chiến trườngChinh phụ ca. Nghe những ca khúc này chúng ta có cảm giác được thưởng ngoạn lại những gia tài âm nhạc cũ đã thất truyền, không còn ai biết đến nữa. Cái biệt tài sáng tạo của nghệ sĩ PD là làm ra những cái mới chưa ai có, thì một biệt tài khác, trong những ca khúc này, là hình dung lại những cái cũ mà cũng không ai còn nhớ. Có lẽ đến một lúc nào đó, muốn có một hình dung về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chúng ta phải nhờ đến những bài như thế này chăng?

Chinh phụ ca - Hà Thanh 
Tiếng hát trên sông - Thái Thanh 

Trong số những ca khúc giai đoạn đầu của nhạc sĩ PD, có một ca khúc rất đáng để ý: Áo anh sứt chỉ đường tà phổ thơ bài thơ nổi tiếng Đồi tím hoa sim của Hữu Loan. Liên quan đến bài thơ này là một đời người đày đọa, Hữu Loan là một phần của vụ án Nhân văn giai phẩm ngày trước, hẳn phải có lúc nào lịch sử lật lại vụ án này, với những lời xin lỗi và công nhận chính thức. Riêng về ca khúc này, đây là một đỉnh cao trong nhạc thuật của PD, khi nhỏ, mỗi lần nghe ca khúc này là tôi lại có cảm giác gió rờn rợn trên mộ vàng… Có đến hơn 3, 4 ca khúc cùng phổ nhạc bài thơ này, nhưng chỉ mỗi bản nhạc của PD là đáng nhớ (những bản khác còn chưa thoát ra được thể loại boléro rẻ tiền, đàn ca nhạc nhậu.

Có một số bài hát hiện nay chúng ta được biết qua phần lời đã sửa chữa của chúng. Một số bài hát phần nhạc rất hay sáng tác trong kháng chiến 9 năm về sau bị nhạc sĩ PD sửa lại lời, phần nhiều là vì những lý do chính trị. Như Bao giờ anh lấy được đồn Tây thường được biết dưới cái tiêu đề Quê nghèo hay Tiếng hát trên sông Lô đã được đổi thành Tiếng hát trên sông. Tuy vậy, hai bài hát được giới thiệu ở đây đều có phần lới mới khá hay, nhất là bài Quê nghèo.

(Còn tiếp…)