trường ca Hòn vọng phu – 1

Đồng-đăng có phố Kỳ-lừa,
Có nàng Tô-thị họ vừa nung vôi.

(nhại ca dao)

Núi đá vôi “Hòn vọng phu” – Đồng-đăng, Kỳ-lừa, giống hệt một thiếu phụ ôm con đứng chờ chồng về. Ảnh lấy từ trang web phamduy.com

ừ lâu đã nhắc đến Trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương nhưng chưa post bản nhạc này một cách đầy đủ bao giờ. Đây là trường ca đầu tiên, báo hiệu bước trưởng thành của Tân nhạc. Bản nhạc được chia thành 3 phần. Phần 1: ngày ra đi: lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa ruổi theo lối sông… Phần 2: tâm tình người vợ ôm con chờ chồng về: trời đổ mưa trong tiết tháng ba, suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống Bà, hình hài người bế con nước chảy chan hòa… Phần 3: ngày người chinh phu trở về: chờ người con, chờ vợ đón, bao ước mong nét xưa hãy còn… Ba bài ca Hòn vọng phu là một ẩn dụ về những tâm tình biệt ly, đoàn tụ, về công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ.

Trường ca Hòn vọng phu (1, 2, 3) 
Thái Thanh và ban Thăng Long

Công cuộc Nam tiến ấy bắt đầu với việc gã Huyền Trần công chúa cho Chế Mân để đổi lấy châu Ô, châu Rí, với việc chúa Nguyễn vào Nam và gầy dựng nên đất Quảng-nam, rồi Sài-gòn, Gia-định, Đồng-nai, Hà-tiên… là những cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước… Và cho đến tận bây giờ, công cuộc Nam tiến ấy vẫn chưa kết thúc, lớp lớp người miền Bắc, miền Trung chúng ta vẫn đổ vào Nam, sinh sống, lập nghiệp, gầy dựng nên kinh tế phía Nam giàu mạnh.

Hòn vọng phu là trường ca đầu tiên tóm tắt nên tâm sự, nỗi niềm của lớp lớp bao người dân Việt, đã khái quát cả một chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, một bài trường ca của xiết bao u hoài xen lẫn tự hào: tâm sự của người vợ ôm con chờ chồng đi mở mang bờ cõi đã bao năm chưa thấy về, và tâm sự của người chinh phu ra đi, bên thì nợ nước chưa đền, bên thì nợ tình thâm chưa trả.