aquarium – pc, phần 9

ắp cái mạch điều khiển tốc độ quạt quay vào phía sau (rất tiếc không để lên bảng điều khiển phía trước được vì nó hơi to). Chạy đầy tải – stress-test 6 tiếng, nhiệt độ dầu ổn định ở mức 40°C, nhiệt độ CPU loanh quanh 60°C toàn thời gian, mà quạt chỉ mới chạy 50% công suất, tiếng ồn tương đương với cây quạt đứng trong phòng, kết quả này là đã tốt hơn dùng tản nhiệt nước nhiều! Nếu không chạy đầy tải mà chỉ dùng máy tính bình thường, nghe nhạc, xem phim, mở vài chục trang web cùng lúc, thì chỉnh quạt về cỡ 25% công suất, tiếng ồn lúc này rất nhỏ, thậm chí nếu chỉ xài máy tính trong vài tiếng thì không cần phải bật cả quạt, vì dầu có nhiệt dung khá lớn, vẫn có thể chịu được! Quạt có công suất khá lớn đến 120W, nên nếu chỉnh tốc độ cao hơn thì hệ thống sẽ còn mát hơn nữa, nhưng việc này không cần thiết, vì thứ nhất là ồn, thứ nhì là nhiệt độ CPU đã dưới 60°C, không cần phải giảm thêm!

Hệ thống hoàn toàn có thể chạy heavy – duty liên tục thời gian dài được, nhưng phải chấp nhận có chút tiếng ồn! Còn với nhu cầu sử dụng bình thường hàng ngày thì khá im lặng! Ngồi chỉnh sửa cái video này bằng phần mềm Blender trên Debian, dùng ngay cái Aquarium-PC này, vì chưa rành Blender nên chỉ sửa video ở mức đơn giản. Render video 1080 mà nhiệt độ CPU vẫn chưa qua mức 52°C, đương nhiên đây chỉ là một đoạn video ngắn! Đến đây thì xem như hoàn thành công việc, cái “bể cá” cố định một bên trên bàn làm việc, sẵn sàng cho những công việc hàng ngày, cũng như các nhiệm vụ heavy – duty, các tác vụ cần “hiệu năng tính toán cao” khác! Tản nhiệt dầu nói cho đúng có rất nhiều điểm bất lợi: hệ thống cồng kềnh, nặng nề, khó sửa chữa nâng cấp, dầu mà rò rỉ ra ngoài là rất phiền, nhưng cũng có những ưu điểm nhất định, có thể giử nhiệt toàn hệ thống ở mức thấp sẽ khiến máy “thọ” hơn!

Nó tản nhiệt cho toàn hệ thống, cả nguồn, mainboard, RAM, SDD, GPU, tất tần tật… (chứ không phải riêng mỗi con CPU). Có nhiều điều nhận ra trong quá trình thực hiện cái Aquarium-PC – máy tính – bể cá này! Nó kiểu giống như cái… “bánh mì gà”, khi nhỏ, thèm ăn bánh mì gà lắm, ngon vô cùng, nhưng khi lớn rồi tìm lại thì thấy… nó không ngon như ngày xưa nữa! Khi xưa thích cái khái niệm “máy tính – bể cá” này lắm, nhưng đến khi làm được rồi thì lại thấy nó bình thường, chẳng có gì quá hấp dẫn nữa! Nhưng nói vậy không có nghĩa là toàn bộ quá trình làm đều vô nghĩa. Ít ra nó cũng tạo ra một vật xài được, và cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình làm! Nếu phải làm lại cái Aquarium-PC này, tôi sẽ có những phương cách khác, sẽ áp dụng những giải pháp kỹ thuật khác, hiệu quả và gọn gàng hơn, hoặc tiến tới làm tản nhiệt 2-pha đúng nghĩa, thay vì chỉ tản nhiệt đơn giản 1-pha cổ điển!

trên núi đồi Mãn Châu

rên núi đồi Mãn Châu – On the hills of Manchuria! Trở lại một chút cái cái mood nhạc Nga, nếu nghe kỹ (và đọc lời) thì mới thấy rằng, bài ca là sự than khóc, cầu nguyện được ngụy trang (a mourning and praying in disguise), tác giả bài hát, nhạc sĩ Ilya Alekseevich Shatrov, đã có mặt ở đó, đã chứng kiến tất cả… là thành viên của băng nhạc Trung đoàn Mokshansky trong trận Phụng Dương (Mukden) với quân Nhật!

Chỉ 700 trong số 4000 người ban đầu của Trung đoàn còn sống sót sau trận chiến phá vòng vây, và băng nhạc thì… chơi nhạc để động viên tinh thần binh sĩ trong suốt thời gian chiến trận đó! Bài ca được viết sau đó để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống! Chiến tranh cũng đồng nghĩa là chết chóc, thương đau, chỉ là anh đối diện với nỗi đau như thế nào mà thôi… Bài ca trên nền clip phim Anna Karenina (2017).

aquarium – pc, phần 8

ể cho nó chạy chục ngày, lúc này dầu bắt đầu loang màu và mờ đục, không còn trong như trước, dù muốn dù không, các thành phần, vật liệu cấu thành nên cái “hồ cá” đều có sự “ô nhiễm” nhất định. Phát hiện quan trọng nhất là loại keo nến (silicone) dùng để gắn kết, cố định các chi tiết bắt đầu… tan ra trong dầu khoáng, điều phi lý hết sức, vì dầu khoáng là chất tương đối “trơ – inert” ở nhiệt độ thông thường! Nhưng đó là sự phi lý bạn phải chịu khi làm một cái gì đó ở VN, các loại vật liệu, hóa chất đều bị “độn”, bị “pha”, trở nên không đúng với thuộc tính ban đầu! Vì silicone tan ra nên làm cho dầu khá đục, phải tháo dầu ra! Suy nghĩ ban đầu là có thể lọc dầu cho nó trong trở lại, nhưng nghĩ kỹ thì thấy không đúng, các phần tử màu đa số đều có kích thước tới nanomet, các loại lưới lọc micromet không thể làm gì được! Thế là đành phải… thay dầu, hy vọng là chỉ phải thay một lần này mà thôi!

Cũng nhân lúc xả dầu ra này mà chỉnh trang lại hệ thống chút đỉnh, thay cái máy bơm mới công suất nhỏ hơn chỉ 25W (ban đầu mua bơm đến 50W, tính hơi dư), cái bơm mới là hiệu Channing! Chúng ta gọi đó là “hàng Trung Quốc”, nhưng chuyện nó không giống như trước đây đâu, hàng TQ cũng có vô số chủng loại, phân khúc, bơm hiệu Channing được xem như là cấp chất lượng cao nhất trong làng “thủy sinh, cá cảnh” rồi, cao hơn cả bơm chuyên dùng cho máy tính! Chỉnh tốc độ ở mức vừa phải, bơm chạy không hề gây ra bất kỳ một tiếng động nào! Trục máy bơm làm bằng gốm sứ, không bị ăn mòn như thép, cộng với việc đặt chìm trong dầu xem như chất bôi trơn, nên có chạy liên tục nhiều năm cũng không sao! Chỉnh trang lại ngoại thất / nội thất cái “bể cá” lại một tí, không dám xài keo nến nữa, phải xài epoxy! Đem cái khung gỗ chà nhám, ra đi thêm một lớp epoxy nữa cho nó đều màu!

Thay cái bảng điều khiển mới, bỏ các công tắc điện “đểu”, đi dây lại cho gọn gàng hơn! Nhìn nó chạy cỡ một chục ngày qua mà suy nghĩ mãi về vấn đề tản nhiệt! Tản nhiệt không dùng quạt rất khó, vẫn có thể làm được nhưng khi đó cái tháp tản nhiệt nó sẽ to bằng hay hơn cái máy tính, còn dùng quạt thì lại quá dễ dàng! Cái máy tính nguyên gốc rất ồn vì nó có đến 8 cái quạt, mỗi cái có công suất, tốc độ, và chất lượng khác nhau, 8 cái quạt chạy cùng lúc tạo thành bản “hợp xướng âm thanh” vô cùng khó chịu, nếu giảm xuống chỉ còn một cái quạt, nhưng chất lượng tốt thì tiếng ồn tuy vẫn còn nhưng sẽ giảm đáng kể! Thế là đặt mua cái quạt 36 x 36cm, và mạch điều chỉnh công suất thay đổi tốc độ quạt quay, lắp vào phía sau tản nhiệt như trong hình! Lắp ráp tất cả vào, và lại stress-test – thử đầy tải, kết quả mỹ mãn, có thể chạy các tác vụ heavy-duty liên tục nhiều ngày, sẽ nói rõ hơn ở phần sau!

aquarium – pc, phần 7

ừ console Linux, gõ một lệnh là chương trình stress-test – thử đầy tải bắt đầu chạy, các con CPU đều sử dụng hết 100% công suất, chạy liên tục 6 tiếng. Kết quả là nhiệt độ CPU bị đẩy lên đến 70~75°C, và nhiệt độ dầu lên đến ~55°C! Trong các hình, nếu tinh mắt sẽ nhận ra một cái nhiệt kế điện tử dùng để đo nhiệt độ của môi trường dầu, và nhiệt độ dầu luôn thấp hơn nhiệt độ CPU khoảng 15~20°! Trở lại với stress-test, kết quả này là tệ hơn so với việc dùng tản nhiệt nước, khi dùng tản nhiệt nước, nhiệt độ CPU luôn dưới 65°C trong các bài kiểm tra đầy tải, nhưng thực ra, điều này đã nằm trong dự tính từ trước khi bắt đầu bắt tay vào làm con Aquarium-PC này! Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhiệt độ, đầu tiên là dầu khoáng tải nhiệt của toàn hệ thống: CPU, GPU, SSD, RAM, main, và cả cục nguồn (đây vốn là nguồn sinh nhiệt nhiều nhất), còn tản nhiệt nước chỉ dùng cho mỗi con CPU mà thôi!

Điều đáng nói là nhiệt độ của toàn hệ thống vẫn luôn được giữ ở mức thấp: RAM, SSD, GPU… luôn dưới 55°C! Còn nhiệt CPU tuy khá cao, nhưng vẫn chưa chạm mức nguy hiểm (85+°C). Yếu tố thứ hai là do tản nhiệt không dùng đến quạt gió, và tôi nhất quyết không dùng quạt để không gây ra tiếng ồn, để hệ thống chạy hầu như hoàn toàn im lặng! Và điều thứ ba nữa là thiết kế của tản nhiệt là tối ưu cho các quạt gió (forced air cooling) chứ không tối ưu cho tản nhiệt tự nhiên, và thứ tư nữa là có thể kích thước cục tản nhiệt chưa đủ lớn! Điểm đáng lưu ý là dầu khoáng có nhiệt dung riêng (specific heat capacity) khá lớn, lớn hơn nước rất nhiều (đó cũng là lý do tại sao bỏng dầu luôn nghiêm trọng hơn bỏng nước sôi, vì dầu có khả năng mang nhiệt lượng lớn hơn nhiều), cái nhiệt dung riêng này làm trễ các kết quả đo, cần phải thực sự stress-test nhiều giờ mới đọc được các con số có ý nghĩa!

Kết luận: hệ thống hoạt động như mong đợi, tải nhiệt tốt với các ngữ cảnh sử dụng thông thường, hoặc tải nặng trong vài giờ, nhưng tôi nghĩ, chưa tản nhiệt tốt đến mức có thể dùng cho các tác vụ heavy – duty, chạy 100% công suất liên tục 24/24, ví dụ như dùng để đào “coin”, mặc dù dùng máy không phải cho mục đích đào tiền ảo, mà dùng để phân tích và xử lý số liệu, lên đến hàng trăm GB! Thường là như thế, khởi đầu một công việc gì đó thì chưa đâu, nhưng có khi, ngay khi vừa kết thúc nó xong, là tự ngộ ra được chỗ ngu rồi! Từ đây, có 3 khả năng phát triển tiếp: #1: không làm gì cả, hệ thống đã đủ tốt cho các công việc phổ biến thông thường! #2: Tìm một cái tản nhiệt có kích thước & thiết kế tốt hơn cho việc tản nhiệt tự nhiên, và #3: lắp các quạt gió phía sau tản nhiệt, và lập trình điều khiển quạt gió quay với tốc độ tỷ lệ với nhiệt độ cảm biến (chỉ xài đến quạt khi chạy tải nặng thời gian dài)! 🙂

torii gate

ổng Torii thường thấy trong các công trình kiến trúc cổ Nhật Bản là một kiểu kiến trúc rất kỳ lạ! Để đánh dấu, phân biệt về địa giới, khu vực, như cổng Tam quan của VN, cổng Bài Phường của TQ, trong hầu hết các trường hợp, chính là đánh dấu một ranh giới rất rõ ràng! Nhưng cổng Torii đôi khi được xây ở những nơi rất “trời ơi đất hỡi”…

Nó đôi khi chẳng đánh dấu một ranh giới địa lý nào rõ ràng, xuất hiện “in the middle of nowhere”, như ở giữa khoảng không trống rỗng vậy! Nên, thay vì gợi ý sự dịch chuyển trong không gian vật lý, địa lý, cổng Torii tạo nên ẩn dụ rằng sự dịch chuyển, biến chuyển này không nằm trong thế giới vật chất, mà nằm ở trong… tâm! 🙂

aquarium – pc, phần 6

uối cùng là khâu hoàn thiện và lắp đặt… quét hai lớp epoxy pha loãng với màu cánh gián, nửa chừng thì… hết màu, lười chạy đi mua, đành chấp nhận để cái màu hơi nâu nâu, không được thật nâu bóng như vậy! Ráp cái hồ cá vào vị trí bên trong khung gỗ, cố định lại bằng 4 con vít tại các mấu làm sẵn, rồi đi các dây nối lên bảng điều khiển, các mối nối đều được hàn chì và bọc nhựa và bọc keo nến lại chắc chắn, kiểm tra kỹ vài lần xem có sai sót gì không! Mấy cái công tắc điện mua trên Shoppee về lắp vào, cắm điện vào bật lên nghe nổ cái kịch… một cái công tắc cháy, may mà mình đã cẩn thận, phòng xa lắp sẵn một cái cầu chì bảo vệ! Khả năng đi dây lỗi hầu như không có, gì chứ đi dây, hàn chì là mình có nghề lắm! Xem xét một hồi kết luận là các công tắc này là dùng cho điện một chiều, miễn cưỡng dùng cho điện xoay chiều vẫn được, nhưng các bóng đèn LED đều không chịu nổi điện thế và… cháy!

Thế là đành chấp nhận sự không hoàn hảo thứ hai, các nút nguồn không có đèn LED chiếu sáng, mặc dù vẫn bật tắt được! Tiếp đó phát hiện ra trong 5 cái công tắc có 1 cái không chịu chạy, mịa, thế là tính năng bơm khí, sủi bọt tạm thời chưa làm việc, đành để đó sửa sau vậy! Rất bực với hàng mua trên các trang thương mại điện tử, đôi khi thực sự rất phiêu, không có cách nào kiểm tra quy cách và chất lượng, gây mất nhiều công sức và thời gian chỉ để đi sửa sai! Lắp tản nhiệt vào phía sau, rồi nối hai đầu ống máy bơm và xiết lại bằng cổ-dê (hose clamps). Đến đây là xem như việc chế tạo cơ bản hoàn tất! Tiếp theo là “giây phút của sự thật – the moment of truth”, mở nắp đậy ở phía sau và đổ vào 10 lít dầu khoáng, khởi động máy bơm cho dầu luân chuyển bớt sang phía bên cái tản nhiệt, rồi đổ tiếp vào thêm 8 lít nữa là vừa đầy! Rồi vừa chắp tay cầu nguyện, vừa bấm nút nguồn khởi động máy tính!

Máy khởi động vào màn hình đăng nhập của hệ điều hành Debian, mừng hết lớn, thế là đã chạy được! Chạy êm ru không một tiếng động, ngồi bên cạnh không nghe thấy gì, chỉ áp tai vào thùng máy mới nghe tiếng máy bơm rì rì, be bé! Kiểm tra sơ qua xem có rỏ rì dầu chỗ nào không dọc theo đường ống, có vẻ như tất cả đều hoạt động tốt! Như thế là coi như qua được phần wet–smoke-test – bài kiểm tra ướt! Máy rất nặng, cân đến 37kg, trong đó có khoảng 17 kg dầu, không hiểu phần còn lại sao khối lượng lớn thế! Theo dõi nhiệt độ của 2 con CPU thấy thường xuyên ở mức 45 ~ 50 độ C! Đương nhiên, chạy với tải nhẹ thì nhiệt độ như thế chưa nói lên điều gì, phải stress – test – thử đầy tải nhiều tiếng đồng hồ liên tục rồi mới có thể có kết luận được! Nhưng đó sẽ là nội dung của phần sau, còn giờ thì châm điếu thuốc, xoa tay hài lòng ngồi ngắm thành quả lao động lấp lánh, lung linh đã! 🙂

aquarium – pc, phần 5

ùng mũi phay (router) để tạo cái đường viền (phào chỉ) kiểu khung tranh, bao quanh cái khung hồ cá, vừa tạo ra một điểm nhấn, vừa giúp giấu đi một số “phốt” trên mặt kính acrylic gần ngay các mối nối. Tranh thủ làm luôn cái khung cho con iPad cũ, biến nó thành bức tranh treo tường và đồng hồ báo thức (chắc phải viết cái app nhỏ, kết hợp báo thức, ảnh nền, nhắc lịch, chơi nhạc, và vô số những việc linh tinh khác cho “bức tranh treo tường”, nhưng đó sẽ là một project DIY khác kế tiếp)! Phần khá phức tạp là tạo cái “bảng điều khiển”, bao gồm các nút: nguồn tổng, nguồn máy bơm, nguồn máy tính, các lỗ cắm USB và audio! 25 năm trước, loay hoay hoài mà không cắm được dây power / reset của máy tính, 25 năm sau vẫn phải lên mạng tra cách đấu dây. Nói chút về nút reset, đây là một tính năng đã rất lạc hậu, máy tính giờ hiếm khi xài đến nút reset, mà ngay cả nếu cần reset thì chỉ cần tắt nguồn bật lại!

Nên rút jumper reset ra khỏi mainboard, cắm vào bộ điều khiển đèn LED, lúc này nút reset mang công năng mới, trở thành nút điều khiển LED, bật, tắt, chuyển qua lại giữa các chế độ chiếu sáng khác nhau! Khi cần tập trung làm việc thì chỉ nhấn một cái là tắt hết các thể loại nhấp nháy xanh đỏ, tím vàng kia đi cho bớt xao nhãng. Làm mộc cực kỳ bụi và bẩn, nhất là những ngày chuẩn bị nắng nóng này, có rất nhiều việc vô danh, linh tinh, không kể hết ra ở đây được, nhưng làm cái Aquarium-PC này tốn một số ngày công đáng kể! Ví dụ như làm 2 cái tay nắm bên trên, nhìn đơn giản như vậy, nhưng bên trong phải gia cố bằng 1 thanh sắt tròn + 2 con vít lớn, vì Aquarium-PC này rất nặng (có thể sẽ lên đến 25 ~ 30 kg), tay nắm bằng gỗ thông thường sẽ không chịu nổi sức nặng khi bưng bê cái máy đi, lại phải đem cái máy hàn que ra, việc mà tôi rất ghét vì kỹ năng hàn của tôi dở tệ, luôn nham nhở như chó liếm!

Cái tản nhiệt cũng phải chế độ lại chút xíu, cắt bớt đi những phần không cần thiết để lắp vào trong khung gỗ được gọn gàng hơn! Các đầu nối ống của dàn tản nhiệt cũng phải chế lại để việc lắp ống dẫn dầu dễ dàng thuận tiện hơn, bớt đi các “khúc co” không cần thiết để dòng chảy chất lỏng bên trong được suôn sẻ, bớt cản trở! Cái két tản nhiệt này có một cửa xả đáy, dùng trong trường hợp cần phải rút dầu ra ngoài, đây cũng là tính năng ít khi xài tới nhưng thực ra cũng khá cần thiết, vì cũng có khả năng là sau một thời gian chạy, các thiết bị, chi tiết máy móc điện tử sẽ… loang màu và các màu này sẽ làm dầu khoáng không trong, không đẹp nữa, phải thay dầu, hoặc cũng có thể cần xả dầu để tháo máy ra sửa chữa nâng cấp. Vẫn còn khá nhiều việc phải làm để hoàn tất cái Aquarium-PC này, nhưng chỉ cuối tuần mới làm nhiều được, trong tuần chỉ có thể làm 1, 2 tiếng / ngày nên tiến độ rất chậm! 🙁

aquarium – pc, phần 4

ói chút về các loại tản nhiệt máy tính: tản nhiệt nước vốn đã rất hiệu quả, nhưng chỉ áp dụng được với các thành phần chủ yếu như CPU, GPU, không dùng cho toàn hệ thống được. Tản nhiệt khí tuy cũng khá hiệu quả nhưng phải dùng đến các quạt thổi, mát nhưng ồn ào. Muốn loại bỏ quạt (forced air cooling) thì buộc phải làm cái tản nhiệt thật lớn và dựa vào trao đổi nhiệt tự nhiên với môi trường! Đó cũng là lý do cái Aquarium-PC này xài cái tản nhiệt đến 40×50 cm, mà tôi vẫn cảm thấy là… chưa đủ (nếu mà không đủ nữa thì ta… xách cái quạt để sau lưng máy tính! 😀 ) Nhiều người đã làm cả cái cooling-tower to… hơn cái máy tính, không xài đến quạt, chỉ gồm các lá tản nhiệt! Lắp các thiết bị vào rồi nhìn tới nhìn lui vẫn không hài lòng, lại tháo ra, bố trí cho hợp lý hơn về sử dụng không gian, có quá nhiều dây nhợ, 2 sợi cáp mạng, 2 sợi cáp audio, 4 sợi cáp USB, 2 sợi cáp màn hình, và vô số cáp điện!

Tiếp theo là công đoạn smoke test – đương nhiên chỉ mới test khô chứ chưa phải là test ướt thật sự với dầu khoáng! Khởi động máy tính vài phút, kiểm tra mọi thứ có làm việc tốt hay không, rà soát lại kỹ càng bởi cho vào “bể cá” rồi là sẽ khó thay đổi, sửa chữa, mặc dù vẫn làm được. Rồi lại sắp các vật trang trí vào, lúc này mới để ý thấy loại sỏi trắng rải nền… hơi “ướt”. Trừ một số loại đá như magma rất đậm đặc, khô ráo, nhiều loại khác vẫn có chút tính “xốp” và chứa một lượng nước nhất định, nước này dù ít mà cho vào hệ thống máy tính là không được! Thế là đem đống đá bỏ vào lò vi sóng, quay tới quay lui một hồi cho đến khi nó khô hẳn thì thôi! Tiếp theo đi lại hệ thống dây điện cho gọn gàng, có đến 3 hệ thống điện riêng, điện cho máy tính, điện cho các loại đèn, và điện cho máy bơm + máy thổi khí. Đến đây phần “hồ cá” cơ bản là hoàn thành, quay lại với công việc yêu thích là… làm mộc!

Đóng một cái khung gỗ bao ngoài hồ cá, có khiêng cái hồ làm bằng nhựa acrylic trên tay, trong chứa 20 lít nước (test xem có rò rỉ chỗ nào không) mới thấy hồ cá dù sao cũng khá là mong manh dễ vỡ, cần phải có thêm một lớp bảo vệ bên ngoài, cái thùng gỗ này cũng chứa luôn cái két tản nhiệt ở phía sau! Từ khi bắt đầu làm mộc đóng thuyền đến nay đã chục năm có dư, nhưng luôn làm mọi thứ theo kiểu… để chạy được – functional mà thôi, chưa bao giờ quá quan tâm trau chuốt hình thức bên ngoài! Nhưng cái Aquarium-PC này là ngoại lệ, tuy cũng không công phu gì, nhưng lần đầu tiên có sự chú ý để cho nó mang dáng vẻ “đồ nội thất”, bo viền, bo góc, đánh véc-ni màu gỗ… Đến đây mới nghĩ lại, nếu 15 năm trước mà mình làm cái Aquarium-PC này thì thất bại là chắc chắn, vì… tay nghề vụng về, kỹ năng không có, những năm đóng xuồng ít ra cũng đào tạo mình trở thành một con người khác!

aquarium – pc, phần 3

an đầu định đi hệ ống ống dẫn cứng, trông có vẻ nghiêm chỉnh hơn, nhưng sau thấy các mối nối khá phức tạp, khó tìm phụ tùng, và cũng khó sửa chữa, nên chuyển sang đi ống mềm: linh hoạt, dễ sửa chữa, và quan trọng nhất là có thể đi ống liền không nối, thẳng một đường từ máy bơm ra tản nhiệt, không thêm mối nối nào, tức là giảm bớt cơ hội rò rỉ! Tình trạng vô số các loại ống khác nhau trên thị trường, cộng với thói quen đo lường tùy tiện, không chính xác ở VN, nên kết cục mua về mà ráp vào vẫn lệch nhau đến 1 ly là thường xảy ra! Phải quấn băng keo non và dùng keo PVC, nhưng như thế vẫn chưa bảo đảm trám hết kẻ hở! Có một cách rất hay là lấy một ít acetone, cắt những mẩu nhựa PVC nhỏ bỏ vào đó, qua một đêm acetone sẽ hòa tan nhựa thành một hỗn hợp sền sệt! Dùng loại keo tự chế này trám vào các kẻ hở, đắp thêm vào các chỗ thiếu, acetone bay hơi sẽ tạo nên lớp nhựa mới cứng!

Ban đầu định đi ống nhựa trong acrylic loại chuyên cho hồ cá cho nó đẹp, nhưng sau chuyển qua ống nước PVC thông thường, đơn giản vì dễ mua hàng hơn, cứ chạy thẳng ra đầu ngõ. Bốn ngõ ống: 1 đầu vào và 1 đầu ra của máy bơm, 1 cột bơm khí, và 1 cửa để tra dầu. Hồ được gia cố rất cẩn thận, các chỗ nối được tráng epoxy phía bên trong, và bồi thêm một nẹp nhựa acrylic bên ngoài. Bên trong hồ cá gắn 2 đoạn dây LED RGB trang trí và 2 cái đèn LED trắng chiếu sáng từ trên cao rọi xuống! Đã là hồ cá thì đương nhiên phải có ánh sáng lung linh một tí rồi! Lắp cả một cái máy bơm khí nhỏ xíu công suất 1W cấp nguồn qua cổng USB, nó tạo ra nhiều bọt khí nổi lên từ dưới đáy hồ, như vậy nhìn nó mới giống bể cá thủy sinh thật! Máy bơm khí này được đặt trong một ống nhựa PVC kín, dìm chìm xuống dưới lớp dầu, xài chất lỏng như một hiệu ứng đệm giảm chấn (damping) để triệt tiêu tiếng ồn!

Các sợi cáp máy tính chui ra khỏi hồ cá qua hai lỗ tròn ớ phía trên, những lỗ này sau đó bịt lại bằng silicone tạo ra một bình chứa kín khí! Như vậy là tạm xong phần “bể”, ta làm làm tiếp phần “cá”! Các phụ kiện thủy sinh, cá, cây cảnh (đương nhiên đều là hàng giả làm bằng nhựa) được đặt vào và cố định lại bằng epoxy! Ban đầu định rải một lớp cát trắng dưới đáy hồ, nhưng ngay sau đó tự nhận ra cái sự “ngu”: cát này nếu không đổ keo cố định lại thì chỉ một thời gian là nó làm tắc máy bơm ngay, nên bỏ ngay ý định dùng cát, chuyển qua dùng sỏi trắng, loại hơi lớn một chút! Một vài bụi cây, vài con cá, mấy con sò, ốc, sao biển, thêm cả một cái mô hình cổng Torri Nhật Bản mà mình rất thích nữa. Hôm nay, những phụ kiện cuối cùng đã giao tới, 20 lít dầu khoáng, và cái tản nhiệt, đây là loại tản nhiệt xài cho xe hơi Suzuki Wagon, lý do vì sao phải xài hàng khủng như vậy sẽ nói rõ ở phần sau!

lá xanh mùa hạ

hững ngày gặt hái vừa xong, Là thời gian để gieo trồng lại đây. Lá xanh mùa hạ trổ đầy, Nghe lòng réo gọi tôi quay về nhà. Một thời thơ trẻ hát ca, Vào mùa vui thú nhẩn nha trên đồng. Khi đàn cá nhảy long tong, Như bay vào chốn mênh mông bầu trời. Mùa về gieo cấy nơi nơi, Vào thời gian để đất khơi luống cày.

Thời gian để nhủ vào tai, Một người con gái lòng này đã yêu. Một thời son trẻ mơ nhiều, Giờ gần với đất vẫn yêu thương đầy. Đứng bên người bạn sánh vai, Là thời điểm để thoát thai cuộc tình. Một thời gặt hái mộng xinh, Một thời gieo giống qua tình yêu thương. Một thời ta sống đầy hương…