GMO

Nói chuyện ăn uống, tuy thô nhưng mà… thật! Xuất phát từ thực tế là… hôm nào mà em đi nhậu thịt chó về là… code nó hiệu quả hẳn ra, suy nghĩ nó rành mạch, rõ ràng hơn hẳn! 😀 Tình hình chung mà mọi người dễ dàng nhận thấy là thức ăn công nghiệp giờ không có đủ hàm lượng dinh dưỡng: gà, heo, bò, cá, tôm, etc… những loại nuôi bằng các phương pháp và thức ăn công nghiệp chỉ được cái mã bên ngoài và cân nặng lớn mà thôi, đem về nấu xong “ngót” lại còn có một tí! Đó là chưa kể các thủ thuật của chợ, siêu thị bây giờ, ngâm nước, ngâm hoá chất, tăng cân nặng!

Một số hôm đạp xe về các miền quê như Tây Ninh, Long An, Bà Rịa… ăn uống ở các chợ quê thì nhận thấy heo, bò tự nhiên, cảm nhận mùi vị và dinh dưỡng hoàn toàn khác các loại bán trong siêu thị thành phố! Nên ăn uống thì đủ đầy nhưng năng lượng không đủ, các thành phần vi chất thiếu hụt! Từ nhiều năm trước Nga đã ra luật cấm tất cả các loại thực phẩm biến đổi gene, mặc dù không/chưa thể cấm các quy cách nuôi công nghiệp được! “You are what you eat”, thực sự là như thế, một xã hội máy móc của những con người yếu ớt, giản đơn, dễ thao túng và điều khiển!

Smuglyanka

Chiều chiều vẫn đạp xe, dù tần suất ít hơn trước, đạp và quan sát ánh sáng thời gian, thời gian những ngày cuối năm sao mà trôi vội vã! Quán café ven đường vọng ra lời hát, nhận ra ngay bài Don’t cry (2) của Guns n’ Roses: If we could see tomorrow, what of your plans, Times that you took in stride, they’re back in demand… Vầng, chính là thế: Nếu thấy được tương lai, thì chúng ta tính toán, kế hoạch để làm gì? Những quãng thời gian bạn đã “ngó lơ” sẽ quay trở lại “báo hại” bạn một lúc nào đó… Thực ra từ rất lâu rồi đã “ngấy” thứ âm nhạc lắp ghép và kiểu triết lý nửa mùa của Guns n’ Roses, Metallica, etc.. Về nhà mở nhạc lên, dẹp ba cái thứ Guns n’ Roses, Metallica qua bên, chọn nghe đúng bài này, Smuglyanka, bài ca quen thuộc, trình bày mới mẻ!

Nhạc này thì các thể loại rock phải gọi bằng… cụ! 😀 Smuglyanka, bài ca nói về các đội du kích – partisan Liên Xô cũ. Có sự khác biệt rất lớn giữa du kích Việt Nam và du kích Nga! Du kích VN thường chỉ tổ chức cao nhất đến mức vài chục, vài trăm người, thường chỉ hoạt động loanh quanh khu vực quê nhà, hiếm khi đi xa quá vài chục km, phần lớn là vì nhớ vợ, con và nhớ mồi, nhậu! Du kích Nga như trong WW2 được tổ chức đến mức cả quân đoàn, bao gồm nhiều chục ngàn quân, tổ chức thành căn cứ hoàn chỉnh, kiểm soát những vùng rộng lớn, có pháo binh, thậm chí cả máy bay, họ làm những chiến dịch dài, đi xa nhiều ngàn cây số! Nên tuy cùng gọi là “du kích” nhưng tầm vóc, phạm vi hoạt động, mức độ ảnh hưởng hoàn toàn khác biệt!

a fleet to be

Ngược dòng lịch sử, hải chiến Falkland, 1982. Ít nhất 4 chiến hạm hiện đại của Anh quốc bị một nước tương đối lạc hậu như Argentine đánh chìm, mà đánh chìm bằng cách rất “sơ khai”, dùng máy bay, bay sát mặt nước biển rồi ném bom! Nên chuyện chiến hạm bị đánh chìm là thường xuyên, do từ lúc chế tạo, cho đến lúc thực chiến không có cơ hội thử lửa! Trừ khi chiến tranh lớn, kéo dài như WW1, WW2 thì người ta mới có cơ hội nghiên cứu, cải tiến, chứ đưa nó vào vị trí bất lợi gần bờ là luôn có khả năng bị đối phương tìm ra điểm yếu. Như các tàu Arleigh-Burke hiện đại của Mỹ cũng không an toàn, mới là tên lửa hành trình cận âm, chưa tấn công bão hoà mà đã như thế!

Thì các tàu Nga cũng không khá hơn, Hạm đội biển Đen đến giờ cũng đã thiệt hại kha khá, dù vẫn chưa ảnh hưởng đến sức mạnh cốt lõi. Về bản chất, đầu tư Hạm đội là một kiểu đầu tư mạo hiểm: chi phí lớn, rủi ro cao! Nhiều nước không có nguồn lực Hải quân quá mạnh như Ý, Đức… thì họ có chiến lược dùng hải quân rất rõ ràng gọi là “a-fleet-to-be”, mà tôi tạm dịch là “hạm-đội-để-đó (để ngó)” 😀 ! Tức là xây hạm đội khá mạnh, nhưng tránh tối đa khả năng đụng độ, thiệt hại! Mục tiêu là phòng vệ vùng biển nhà, “để đó” là phòng trường hợp đối phương muốn công thì sẽ phải trả giá, nhưng ngược lại, hiếm khi chủ động công người khác nếu không có lợi thế!

rẽ phải

Trước gặp những chuyện như vậy vài lần! Ví dụ như: dừng đèn đỏ chắn lối, người phía sau không rẽ phải được, nên họ càm ràm! Về luật, Việt Nam đúng là có quy định phải nhường đường cho người rẽ phải! Nhưng lấy căn cớ nào để xác định là “đã nhường” hay “chưa nhường”, vì trên đường thường khi là không có ô, vạch nào để phân biệt cả! Đó là chưa kể nhiều tình huống giao thông phức tạp, muốn nhường cũng không nhường được! Nên những cái luật như “rẽ phải” đó tạm gọi là luật vô hiệu, đặt ra cho có mà thôi, vì không có cách chính xác nào để xác minh hay cưỡng chế thi hành!

Cũng tương tự với vấn đề dao kiếm, người dân tộc họ mang đi rừng như phương tiện cá nhân tối cần thiết, không cách nào cấm được! Thay vì cấm, chỉ nên tìm cách hạn chế nó, một cách thiết thực, ví dụ như ở một số nước, công dân được quyền mang súng ra đường, nhưng phải mang công khai, không được giấu (conceal) trong người! Tương tự như vậy, có thể quy định: dao tất cả các cỡ (kể cả dao gọt trái cây, dao nhỏ) khi ở nơi công cộng đều phải có bao dao màu đỏ (quy định luôn cái mã màu cho nó bắt mắt), phải để ở nơi dễ dàng nhìn thấy, không được giấu trong người!

ethernet

Tương lai của hệ thống kết nối mạng trên các thuyền nhỏ, thuyền buồm có lẽ là đến từ một cái rất cũ, đó chính là cáp mạng Ethernet truyền thống (nôm na là cổng kết nối RJ-45)… Họ đã thử nghiệm rất nhiều thứ những nói tới nói lui, vẫn không có gì tốt hơn mạng Ethernet 10 / 100 / 1000. Nên nhớ rằng các chuẩn Ethernet được thiết kế để vừa truyền dữ liệu, vừa có thể cấp nguồn (công suất nhỏ) cho thiết bị được!

Có 2 chuẩn cấp nguồn khác nhau, chuẩn đầu cỡ 15 Watt, và chuẩn sau cỡ 30 Watt, như thế là đủ để chạy các loại IP – camera, máy đo gió, máy đo sâu, các thiết bị định vị, AIS, radar loại nhỏ và các loại laptop, máy tính trung tâm dạng mini, micro, vô số thiết bị IoT, etc… Chỉ một điểm nhỏ là đầu nối RJ-45 được thiết kế lại để chống thấm nước và để bền bỉ hơn, chịu đựng được môi trường khắc nghiệt của biển cả!

từ của năm

Những ngày cuối năm tương đối nhàn nhã, suy nghĩ lung tung… Báo chí phương Tây thường có chuyện bầu chọn “từ” điển hình của năm. Ngôn ngữ mà, luôn thay đổi, luôn nghĩ ra từ mới để phản ánh thực tế biến động! Nếu có bầu chọn từ điển hình trong năm của VN, tôi nghĩ nó sẽ là từ “tượng”, với định nghĩa: 1 tượng = 1 ngàn tỷ! Đây theo tôi là một từ rất hay, rất đắt, vô cùng… Vietic! Như chữ Hán cổ thì sẽ là: 萬,億,兆,京,垓,秭,穰,溝,澗,正,載,極 – vạn ức triệu kinh cai tỷ nhương câu giản chính tái cực. Nhưng tiếng Việt hiện đại không có từ nên đành phải đặt ra từ mới thôi!

Chứ suốt 4 ngàn năm lịch sử dân tộc, chưa bao giờ, chưa từng có khi nào có nhu cầu phải dùng con số lớn đến như vậy! Và dùng số lớn quá, trăm ngàn tỷ này nọ sẽ gây ra nhiều bất tiện khi ghi chép, lại rất khó hình dung về độ lớn! Nói vụ Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại chỉ có hơn 300 tượng à, nghe có phải là nhỏ nhắn và nhẹ nhàng hơn nhiều không?! Tương tự, các con số đầu tư, đề án này nọ cũng như thế, những dự án 350 tượng, 500 tượng, nghe nó nhẹ hẫng như thinh không vậy! Năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến, cùng với những sự hoang đường ngày càng khổng lồ hơn! 🙁

bolero

Các ku Bolero xứ Vịt bắt đầu tung hô, tôi cũng là “bolero” nhé! Mịa, éo tự luận ra được ngu chỗ nào mà lúc nào cũng bám lấy cái danh hão, nhạc thì như đống cxx, nội dung rỗng tuếch, toàn những loại “ốc mượn hồn”, ăn cắp, vay mượn lung tung, nhận càng nhận vơ, chẳng có cái nội dung gì cho nên thân, toàn thứ lảm nhảm, xàm xí, thiểu năng!

Thế rồi lên wiki cả tiếng Anh, tiếng Việt, bịa ra một thứ như “đúng rồi”! Chắc là chưa nghe “bolero” của người khác bao giờ, hoặc cũng có nghe nhưng không có khả năng nhìn ra được sự khác biệt! Chả trách cố sống cố chết bám víu vào mớ ngôn từ nhảm nhí, chả trách ai đưa cái cxx gì cũng nghe, cũng tin, dân trí nó đang ở tầm như thế!

… hiện thực

Viết tiếp post trước để nói rõ hơn về kỹ thuật và công nghệ! Công nghệ là quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là tập hợp các giải pháp kỹ thuật từ nhỏ đến lớn trong đó! Không thể bỏ lơ công nghệ, nhưng muốn hiểu nó kỹ càng là phải đi từ đầu, tức là hiểu kỹ thuật, hiểu những nguyên tắc vận hành cơ bản bên dưới! Nên ai đó mà bảo rành công nghệ mà không rành kỹ thuật, điều đó tôi không tin, không hiểu chuyện nhỏ, làm sao hiểu chuyện lớn?! Chính những người không làm được chuyện nhỏ, nên cứ lấy chuyện lớn để khoả lấp, vung vít lên! Ngày xưa thì là các ngôn ngữ Visual, nào là XML, SOAP, etc… ngày nay thì AI, Blockchain, ChatGPT, etc… Cứ lặp đi lặp lại nhưng kiểu thiểu năng thấy phát chán, họ nghĩ rằng người ta không biết công phu của họ tới đâu hay sao!? Chán nhất là những thể loại AI thế này thế kia… nói mãi mà chẳng có gì cụ thể cả! Cụ thể ví dụ như: thuật toán nhận dạng khuôn mặt của tôi có độ chính xác 99.9%! Hay AI của tôi giúp giảm 10% thời gian hàng hoá lưu kho, tiết kiệm chừng này chi phí logistics. Hay AI của tôi giúp tối ưu lộ trình shipper giao hàng, tiết kiệm chừng này thời gian, chừng này xăng dầu!

Nó phải đi vào từng bài toán cụ thể, chả ai lặp đi lặp lại mãi những từ AI – Trí tuệ nhân tạo mà éo nói được nội dung gì! Nói có thể mọi người không tin, nhưng em đã từng gặp rất nhiều coder VN, toán cộng trừ nhân chia đơn giản không làm được, chưa nói thuật toán gì cao siêu, làm cái vòng lặp tính tổng cũng chưa được: bảng cân đối trong ngày có 50 giao dịch con, mỗi giao dịch con lợi nhuận 1, 2%… tổng lợi nhuận trong ngày = 1 + 2 + … = 50% (!!!) tính kiểu này thì thành tỷ phú hết! Hoàn toàn không có một chút khái niệm toán cấp 1 nào trong đầu, viết đoạn code 5 ~ 10 dòng không được, nhưng công nghệ nào cũng biết cả đấy! 🙁 Cái giáo dục nào đã tạo ra những loại như thế, giờ báo chí bắt đầu rên rỉ, nào là VN không tự sản xuất được, không tạo ra được sản phẩm gì! Nói thì mọi người bảo là xỉa xói, cực đoan nhưng nhìn kỹ lại sẽ thấy: tất cả đều là nhân – quả hiển nhiên, khi bỏ lơ những điều nhỏ nhoi nhưng căn bản tất nhiên sẽ dẫn đến thảm trạng như vậy! Mà căn bản nhất của giáo dục chính là dạy cách làm người! Đương nhiên, thủ phạm không hoàn toàn là giáo dục, giáo dục thực ra cũng là nạn nhân của một xã hội suy đồi mà thôi!

mơ mộng …

Nghĩ lại thời còn đi học ở ĐH KHTN, mặc dù tôi học hành dạng không quá xuất sắc, nhưng nghĩ lại cái thời đó vẫn xem là một điểm sáng! Cái suy nghĩ cho rằng cần phải học công nghệ, “đi tắt đón đầu”, học các ngành có thể ứng dụng thực tế ngay, đó là một kiểu suy nghĩ không hoàn toàn đúng, cũng có thể nói là có nhiều sai lầm! Trị trường cần cái gì thì dạy cái đó, nó chỉ là một nửa của vấn đề! Một nửa còn lại là học hành cũng chính là không gian rộng mở đề phát triển cá nhân, để mơ mộng, chính vì thế nên học Bách khoa ra thì gọi là Bachelor of Science, mà học Tự nhiên ra thì gọi là Bachelor of Art, vì Art là nó… trên tầm Science, ít nhất trên danh định là như thế! 🙂 Tôi thường nói là giáo dục là phải mơ mộng và tưởng tượng! Nhưng như thế nào là giáo dục kiểu “mơ mộng”?! Đương nhiên đây là kiểu từ ngữ không chính xác, nhưng ý muốn nói rằng: học không nhất thiết chỉ nhắm vào các ngành cần ứng dụng ngay, không nhất thiết phải quá nặng về công nghệ! Chỉ cần dạy thật kỹ về Toán Tin và về kỹ thuật lập trình, những lớp bài toán kinh điển, còn dùng ngôn ngữ công nghệ gì, thực chất không quá quan trọng.

Sinh viên mới ra trường thường choáng ngợp với số lượng tài liệu về công nghệ, cần phải có thời gian làm quen, cần phải có kỹ năng ngôn ngữ tốt! Nhưng khi đã hiểu rồi thì sẽ thấy nó lại quay về những điều rất cơ bản! Thực ra, “công nghệ” chính là một cách “nô dịch”, người ta làm ra công nghệ để cho những nơi có trình độ kém hơn xài, còn bản thân nơi kém hơn đó… không tự tạo ra được công nghệ! Muốn tự tạo ra được công nghệ thì phải có công phu, mà công phu đầu tiên là nắm cho thật kỹ kiến thức nền tảng và cách áp dụng nó! Nên cái thực trạng SV công nghệ VN hiện tại, cái gì cũng biết, công nghệ nào cũng rành, nhưng làm việc thực tế, giải quyết những bài toán thực tế thì… như gà mắc tóc! Điều nguy hiểm là họ sa đà vào một mớ ngôn từ “đao to búa lớn” mà không hiểu thực chất bên dưới, để hiểu thực chất bên dưới cần phải có quá trình, cần nhất là dẹp ngay những thứ ngôn từ vô nghĩa lảm nhảm trên bề mặt và đi vào tìm hiểu bản chất, đi lại từ đầu những vấn đề đơn giản, cơ bản nhất! Giống như kiểu học võ: bài bản nào cũng biết, chiêu thức nào cũng hay, chỉ có điều… đứng tấn không vững! 😀

ốc mượn hồn

Em mà nhìn vào thấy chính tả viết sai chi chít, “Founder” viết thành “Fouder”, “bộ môn” viết thành “bổ môn” là em đập ngay vào mặt chứ không có lèn èn gì! Giờ những thể loại “ốc mượn hồn” như thế này rất nhiều, ăn cắp nguyên CV, đóng giả thành một vai khác! Bấy lâu va chạm với toàn “người trong ngành” mà không bị phát hiện sớm, kể cũng lạ! Chuyện này em nghĩ các giáo viên chân chính chỉ cần hỏi mấy câu là phát hiện ra ngay, nhưng có dám tố giác từ sớm hay không mà thôi! VN thì vẫn bị cái bị bệnh cả nể, ngại va chạm, không biết ku này có ai chống lưng, kiểu như thế! Đến khi hiểu ra rồi thì sẽ biết nó chỉ là một ku lưu manh đứng giữa mọi người, dùng người này đánh người kia, anh A đã nói thế này, đồng chí B nói thế kia…

Chúng nó sống được bằng sự nhiễu nhương, vô minh của xã hội, của nền tảng dân trí quá thấp! Nói thực ra, học rồi lặp lại một vài “bài” phổ thông, xạo xạo với mọi người, thậm chí “đứng lớp” giảng dạy không quá khó! Nhưng chỉ cần hỏi vài câu, bài bản thì như thế nhưng áp dụng, biến hoá như thế nào là sẽ lòi ngay cái dốt thôi, vì chữ nó chưa kịp dính vào người! Còn thẩm tra trình độ trí tuệ lên đến mức sáng tạo, nghĩ ra được cái mới hay không thì bố nó cũng không giả được! Thời đại mà cái dốt, cái ác lộng hành, không ai dám làm gì… Các nhà giáo, nhà nghiên cứu chân chính cũng nên dần bước khỏi “tháp ngà” của mình, làm những việc thực tế, hữu ích, mà đầu tiên… là góp sức phân định rõ ràng “chân – nguỵ”, “ngay – gian”, “thật – giả”…