Berberin

Haiza, thời nào cũng có vấn đề riêng của thời đó… Có ai còn nhớ cái tên thuốc Berberin “huyền thoại”? Đọc link dưới đây để biết, những năm 70, lịch sử nghiên cứu, sản xuất thuốc dịch tả Berberin đã diễn ra như thế nào, loại thuốc rẻ tiền đã cứu hàng triệu sinh mạng!

Chỉ thế hệ rất trẻ mới ko biết, chứ ký ức dịch bệnh đủ kiểu, phức tạp trên diện rộng ở VN kéo dài mãi đến những năm cuối 80 mới dần được kiểm soát… cafef.vn – Chuyện ít biết về TS Phan Kinh Quốc và quá trình sáng chế viên thuốc Berberin “huyền thoại”

biết tuốt để làm gì!?

Viết nhân đọc được bài hiếm hoi đề cập đúng bản chất vấn đề. Vì tôi đã từng là một thằng “biết tuốt”. Hồi học lớp 6~9, trường cấp 2 Trưng Vương, tôi đã là kiểu “ngôi sao biết tuốt” của trường, chuyên đi thi Toán, tham gia các kiểu “Đố vui để học” phát sóng trên truyền hình. Thành phố bé tí có 4, 5 trường phổ thông thi với nhau, gần như năm nào Trưng Vương cũng đoạt giải nhất. Tả lại chút cho mọi người hiểu về cuộc thi, “format” này thực sự không mới, đã làm trên sóng truyền hình miền Nam VN trước 75.

Hai đội, mỗi đội 3 người, ngồi 2 cái bàn riêng biệt, tay đặt lên nút chuông, giám khảo đưa ra câu hỏi xong thì ai bấm chuông trước được quyền trả lời, đúng được cộng, nhưng sai thì bị trừ điểm. Có lần đang thu hình thì… cúp điện, trong lúc chờ máy phát điện hoạt động thì ông thầy Bùi Thế Mỹ đi qua đi lại doạ nạt: em trả lời sai rồi, nhưng tôi khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Điện có trở lại, tiếp tục ghi hình, giám khảo đành phải cho tôi điểm vì trả lời đúng, năm đó, Trưng Vương lại về nhất!

Cái thời đói kém, sách vở, thông tin thiếu thốn, nên những trò chơi như thế cũng tương đối vui. Nhưng ngay từ những ngày đó, lũ học sinh chúng tôi đã nhận ra rằng biết nhiều như thế cũng ko để làm gì, cũng kiểu con vẹt, tỏ ra ta đây hiểu biết, ta đây hơn người mà thôi. Rất may là ngoài những kiểu “biết tuốt” như thế, tôi còn biết thêm rất nhiều thứ khác nữa: biết bơi hơn 10km, biết leo núi, băng rừng, cắm trại, biết dùng “trăm phương ngàn kế” để cưa gái .v.v. đó mới là những kỹ năng hữu ích!

Vâng, biết cưa gái, một cách sáng tạo và đứng đắn, đó cũng là một kỹ năng, thời bây giờ gọi là “kỹ năng mềm” ấy! Nhớ lại cái thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, bạn tôi viết thư tình cho gái thế này (thời đó chỉ có thư giấy thôi, chưa có di động, tin nhắn đâu): em à, ở đây muỗi nhiều lắm, mở ngoặc, dùng hồ dán một con muỗi chết vào đó, đóng ngoặc, chấm! Chính những cái “joie de vivre” (tiếng Pháp: niềm vui sống) như thế mới là những động lực để con người ta phấn đấu, cố gắng lâu dài trong cuộc đời.

Những con người / thế hệ ít vận động thực tế cứ nghĩ rằng càng biết nhiều là càng tốt! Biết thì đã sao mà không biết thì đã sao!? Chưa kể thời nào cũng thế, sách vở, chữ nghĩa cũng đầy rẫy loại “đạo tặc”, đọc nhiều những thứ “trít học” vô bổ nó ám vào người, đẻ ra những kiểu “lơ lơ lửng lửng”, gì cũng biết nhưng ko biết được gì! Quan trọng nhất là hao phí sinh lực tuổi trẻ vào những điều ko thiết thực, cốt chỉ để thoả mãn cái mong muốn tỏ ra hơn người. Ngay từ gốc, động cơ của việc học là đã sai!

Thời đại bùng nổ thông tin, hàng tỷ tỷ gigabytes dữ liệu, làm sao mà nhớ hết, và nhớ để làm cái gì!? Càng nhớ nhiều, đầu óc càng mụ mẫm đi, kiểu như con vẹt, chỉ biết “tụng niệm, giáo điều” chứ thực ko có tư duy sáng tạo. Rất nhiều thứ bây giờ người ta ngỡ là “kiến thức”, thực ra mới chỉ là “thông tin”, thậm chí thông tin còn chưa biết chất lượng thế nào! Trong sự phát triển của tư duy con người, có rất nhiều “level” khác nhau, phải phân biệt rất rõ ràng giữa thông tin, kiến thức và tri thức!

nguyễn văn bảy

Không nhiều người biết đây là phi công chiến đấu số một Việt Nam mọi thời kỳ! Nổi tiếng với lối áp sát bắn ở cự ly 200, 300 mét, khoảng cách đó trên không cũng giống như dưới mặt đất, bộ binh bắn ở khoảng cách 2, 3 mét vậy, không thể nào mà trật được! Về công danh nhiều người hơn ông, ví dụ như: Nước này còn lắm gian truân, Việc gì phải phóng Phạm Tuân lên trời, về thành tích cũng nhiều người hơn, vì sau khi hạ 7 chiếc máy bay Mỹ thì bác Hồ lệnh ko cho ông Bảy bay nữa, sợ mất một người anh hùng. Nhưng về bản lĩnh chiến đấu – dogfight, thì Nguyễn Văn Bảy là số một!

cao khảo

Cao khảo – 高考, giống kỳ thi ĐH ở VN (âm Bắc Kinh hiện đại, hai từ cao & khảo đọc gần giống hệt nhau). Là một sự thách đố, làm khó các bạn trẻ giai đoạn đầu đời mà chẳng cần lý do vì sao. Một năm trước khi kỳ thi diễn ra, thầy cô chủ nhiệm họp phụ huynh và đề nghị: nếu muốn ly hôn, phá sản, cưới vợ lẻ, hay muốn qua đời vâng vâng… thì nên hoãn đến sau khi kỳ thi kết thúc, để con em tập trung ôn thi!

Mình chưa bao giờ biết cảm giác đó là thế nào: không đi học thêm, không giải bộ đề, cũng vẫn tự ôn thi nhưng túc tắc một cách cầm chừng nhỏ giọt, kết quả không cao không thấp, 27.5/30 điểm. Vẫn luôn có những cách để các bạn trẻ thoát ra được những định kiến, lề thói, ràng buộc của xã hội để mà chọn hướng đi cho riêng mình, hay ít ra vẫn luôn có cách để giữ cho tâm hồn mình được tự do, thanh thản, mạnh khoẻ!

con quay hồi chuyển

Báo chí VN tràn ngập những kiểu thông tin như thế: con quay hồi chuyển giúp loại bỏ 90% tròng trành của thuyền. Những tay “nhà báo” chuyên la liếm các trang tin nước ngoài rồi copy lại mà không có tẹo suy nghĩ! Trước hết, đúng là thiết bị này có một số ứng dụng thực tế chứ không phải là không. Những “gyroscopic device” thế này đã được phát minh ít nhất cách đây hơn… 100 năm, nhưng tại sao đến bây giờ vẫn không phổ biến!?

Thứ nhất là khối lượng của con quay hồi chuyển phải khá lớn mới có thể cân thuyền, điều này làm giảm trọng tải hữu ích, chưa kể năng lượng hao phí để giữ cái “gyroscopic device” đó quay liên tục ở tốc độ rất cao hàng ngàn vòng / phút. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều: giúp cho thuyền có ổn định ở vị trí bình thường cũng có nghĩa là giúp thuyền có “ổn định” ở mọi vị trí, hiểu theo nghĩa: khó nghiêng, nhưng khi nghiêng cũng rất lâu quay lại vị trí cân bằng.

Khi sóng gió nhỏ, thuyền có vẻ như bớt lắc, nhưng trong sóng to gió lớn, thuyền rất lâu quay về vị trí cân bằng, điều này tạo nên cảm giác “say sóng” cực kỳ khó chịu, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Những thí nghiệm cách đây gần 100 năm cho thấy: đúng là thuyền bớt lắc trong sóng gió nhỏ, nhưng nó cũng có xu hướng cứ giữ mãi tư thế nghiêng trong sóng to gió lớn, chính là vì con quay hồi chuyển giúp ổn định vật thể ở *trạng thái hiện tại*!

USS Henderson là con tàu đầu tiên được trang bị thiết bị ổn định con quay hồi chuyển (1917). Nhưng chính nhà sản xuất thiết bị cũng khuyến cáo chỉ dùng trong điều kiện sóng nhỏ, nếu sóng lớn thì nên “tắt” thiết bị này đi (!!??). Trãi qua hơn 100 năm phát triển, người ta thấy rằng, trên tàu biển, con quay hồi chuyển vừa nặng nề, vừa phức tạp, lại không hữu ích bằng “stabalizing fins”, các “vây, cánh” ổn định.

Có lúc, ai cũng nói, ai cũng nhắc: “con quay hồi chuyển”, xem nó như “thiết bị vạn năng”, “công nghệ toàn năng” giải quyết được mọi vấn đề. Tôi thì đơn giản nghĩ là sự lặp lại như con vẹt những khái niệm hình thức mà không thực sự hiểu nội dung, nội hàm của nó, điều đó chỉ phản ánh sự “thiểu năng trí tuệ” của người nói, nói mà không hiểu mình nói cái gì, đơn giản chỉ vì mọi người ai cũng đang “nói” về cái đó! Tập tính bầy đàn cố hữu của người Việt!

age of space

Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc, các chàng trai giã từ vũ khí và trở về nhà. Đa số về lại làm cao – bồi, đi chăn bò, tiếp tục cưỡi ngựa trên đồng cỏ. Số khác vào làm việc trong những nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… Những tưởng cuộc sống sẽ quay trở lại nhịp điệu yên bình như trước. Nhưng không, vốn dĩ có “một vài gã Nga ngố”, rặt gốc “nông dân” từ nhiều ngàn năm nay, những người suốt ngày “gãi đầu, gãi tai”, “nhìn xa xăm và cười vô lý”.

Những kẻ mộng mơ về những vì sao, mơ về khoảng không vũ trụ bao la, về cái “outer space” sâu thẳm rộng lớn ở ngoài kia. Từ cuối thế kỷ 19, đã có một “gã ngố” Konstantin Tsiolkovsky, người xuất bản hơn 500 công trình, xây dựng nền tảng lý thuyết của tên lửa nhiều tầng (multi – stage rocket). Ý tưởng căn bản là: vật thể phải dần bỏ lại đằng sau khối lượng của chính nó thì mới thắng được lực hút của quả đất!

Nhưng phải đến chờ đến gần 100 năm sau, có thêm một “gã siêu ngố” Sergei Korolev nữa, người cuối cùng biến ý tưởng thành hiện thực. Suốt những năm tháng chết chóc của WW2 và The-great-purge, ông ta vẫn ngước lên trời, cũng mơ về khoảng không gian vô tận ngoài kia. Người ta tìm thấy trong kho tài liệu của Wernher von Braun một cuốn sách do Konstantin Tsiolkovsky là tác giả. Bên lề các trang sách, Braun ghi chi chít những chú thích, suy nghĩ.

Braun là người thiết kế đồng thời cả V2 (Đức quốc xã) và cả Saturn (NASA) giúp đưa con người lên Mặt trăng. Những con người “đầy năng lượng”, “không nghỉ ngơi” ấy làm cho thế giới trở nên “không yên ổn”. Chiến tranh lạnh, các siêu cường tranh nhau vị trí dẫn đầu về KHKT, gay cấn nhất là cuộc đua hướng về các vì sao! Ngày nay, cuộc đua vẫn tiếp diễn, dưới hình thức này hay hình thức khác…

xăm, 2019

Cách mạng 4.0 chính là đây, thánh thần cũng sẽ được tự động hoá, điện khí hoá! Máy xin xăm tự động giống kiểu máy chơi game ở siêu thị, bỏ xu vào sẽ nhả quẻ ra! Sáng cafe đọc báo thấy bài này, nhớ ra năm nay chưa xin quẻ đầu năm, bèn về lật 100 xăm đã chuẩn bị năm ngoái, ngẫu nhiên được số 66, phán thế này, hãy chờ xem…

thế hệ từ khoá, thế hệ vô hồn

Tiếp tục series những post trước, một kỹ thuật nguỵ biện hàm hồ là bịa ra những khái niệm trống rỗng (kiểu như “bolero”, “phượt thủ”, etc…) để dẫn dắt dư luận, “chụp mũ”, đánh đồng tất cả tốt xấu, đây có thể xem là những hành động “bất lương” của một đám gọi là “nhà báo”! Người ta đi du lịch chẳng ai giống ai… anh hoạ sĩ đi tìm chất liệu sáng tác, anh nhiếp ảnh đi tìm khung hình đẹp, người đi tìm hình dáng kiến trúc, văn hoá dân gian, các bạn trẻ cũng đi để “check-in” một phát, khoe với bạn bè, thoải mái đầu óc, việc đó cũng chẳng có gì sai cả! Dĩ nhiên không loại trừ vài cá nhân có những hành động chưa được đẹp!

Thế nhưng cái đám “nhà báo – chuyên gia mạng” suốt ngày la liếm chuyện “trong nhà ngoài ngõ” trên mạng thì nhất quyết phải chụp mũ cho bằng được, bằng một khái niệm gọi là “phượt thủ”, kéo tất cả những ai đi du lịch vào đó, phải tạo ra một “cái tên”, một “danh từ”, một “từ khoá” có thể search Google được, bắt người khác tin vào đó, gieo rắc tâm lý phán xét bầy đàn. Cái tâm lý muốn được phán xét, được tỏ ra hiểu biết thực ra cực kỳ mạnh mẽ: à, ta đã biết rồi, anh A là như thế này (abc), thằng B là như thế kia (xyz), nhưng thực ra A, B là ai thì không ai biết, mà abc, xyz là như thế nào cũng chẳng ai hiểu! Cái sự vô minh, vô hồn của đám đông, dưới sự dẫn dắt của truyền thông, mạng xã hội, dần dần trở thành tội ác!

Nó đẻ ra những con người tách rời với thực tế, hoàn toàn không hiểu tự nhiên vận động như thế nào, tất cả chỉ quay cuồng trong những suy nghĩ hời hợt, nhảm nhí, ghen ăn tức ở lặt vặt. Công bằng mà nói, không phải chỉ thời buổi Internet mới đẻ ra những con người như vậy, mà thực sự đã có rất lâu từ trước, những ông già đọc sách “triết học cao siêu” khi đất nước đang chìm trong khói bom đạn! Một cá nhân lành mạnh chỉ quan tâm đến nội dung công việc anh ta làm, chẳng hơi đâu tranh luận những “khái niệm” rỗng tuếch! Tôi nói đó là những kiểu “nguỵ biện” mà đám “báo chí bất lương” hay sử dụng: nào là “bolero”, nào là “4.0”, nào là “phượt thủ”, nào là “thế giới phẳng” etc… Bao giờ thì em suy nghĩ mới có được tí nội dung, hả em!?

hiệu điện thế

Tại sao đi người không dưới đường dây cao thế thì không có vấn đề gì? Tại sao cầm bóng đèn neon đi dưới đường dây cao thế thì đèn có thể phát sáng? Tại sao tiếp xúc với vật dẫn diện dài (dây, ống) gần đường dây cao thế có thể bị điện giật chết, vật càng dài càng dễ chết? Gợi ý: giả sử có một con rắn dài 20 mét bò qua dưới đường dây cao thế thì con rắn có thể bị điện giật chết, còn con người cao 2 mét thì không!

Haizza, mấy cái vấn đề vật lý cấp 2 này, thằng học sinh thông minh nào cũng sẽ hiểu! Và phải hiểu kỹ càng từng từ, từng khái niệm một, thế nào là: “điện trường”, “điện thế” và “hiệu điện thế”. Quan trọng ở đây là chữ “hiệu”… nên dây càng dài càng dễ chết! Chỉ tại thằng kỹ sư không hiểu dẫn đến 4 mạng chết oan! Túm lại đơn giản là không kéo dây, vác ống, không chạm vào các vật dẫn dài gần đường cao thế nếu chưa cắt điện…

nước mắt cá sấu

Một bài viết rất hay! Lại cái thói trí trá lặt vặt, muôn đời của người Việt, cứ hay lấy những giá trị cực đoan, cực hạn ra để thách đố người khác! Giáo dục là hướng con người đến những hành động đúng đắn, trong những tình huống bình thường hàng ngày, hướng đến một sự tiến bộ từ từ và thiết thực. Chứ không phải vẽ ra những mẫu hình đạo đức cao siêu không tưởng, thường chỉ xảy ra ở những tình huống cực đoan trong cuộc sống! Riết như thế một lúc sẽ trở thành những trò đạo đức giả!

Học sinh học cách khóc “nước mắt cá sấu” khi cần phải “diễn”, học cách vẽ ra những hình tượng đạo đức gương mẫu, nhưng thực tế thì ngược lại, sẵn sàng làm những trò lưu manh không nháy mắt trong các tình huống thực của cuộc sống! Thêm một bằng chứng về thói “đĩ miệng” và “lưu manh vặt” của người Việt, hai cái đó thường đi đôi với nhau! XH Việt vẫn luôn như thế, đa số vẫn bị lôi cuốn bởi những chuyện đạo đức giả đầy nước mắt cá sấu mà quên đi cách nhìn vào cốt lõi của vấn đề.

Ngay từ lúc còn rất nhỏ, cái bản chất bướng bỉnh của tôi vẫn luôn nhìn ra những chuyện như thế. Nói nghe có vẻ bất hiếu hay vô lễ, nhưng thực ra, chúng ta đang sống trong một xã hội mà cha mẹ không thực sự yêu con cái, họ chỉ yêu cái “vai” làm cha mẹ, thầy cô cũng không yêu học trò, họ chỉ yêu cái “vai” làm thầy, cô mà họ phải diễn. Tác hại của những điều ấy tưởng vô hình, khó thấy, nhưng thực rất khủng khiếp, nó đẻ ra những thế hệ mất niềm tin, nhưng lại rất giỏi diễn kịch!

Rút cuộc trở thành một cuộc thi ai “kể chuyện” hay hơn, ai lấy được nhiều nước mắt hơn, còn hơn cả… một lũ bán hàng đa cấp! Nguy hại là những điều ấy xâm nhập trường cấp 1, 2, tiêm nhiễm những đầu óc còn non nớt! Sự đổ vỡ tâm hồn là hậu quả hiển nhiên tất yếu, khi con người ta bị dồn nén mãi bởi những điều “có vẻ tốt đẹp nhưng lại không có thực”, nó phải tự giải thoát theo chiều hướng ngược lại: lưu manh, xảo trá, càng nguy hiểm hơn dưới những vỏ bọc “tốt đẹp” nguỵ tạo như đã nói trên!

cỏ hồng

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối, rước em lên đồi, hẹn với bình minh. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép, hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm. Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền. Giọt sương đêm còn trinh nguyên, nằm mê man chờ nắng sớm lên…

Cỏ hồng - Thái Thanh 
Cỏ hồng - Quỳnh Giao 

dantri.com.vn – Đồi cỏ hồng đẹp như tranh ở Đà Lạt hút khách ngày đầu đông.

binary chemical weapon

Haizzza, đây chẳng phải chính là loại độc dược 2 thành phần (binary chemical weapon) mà năm đó, tại Lục Liễu sơn trang, Triệu Mẫn quận chúa đã dùng để ám toán (không thành công) Trương giáo chủ Vô Kỵ ca ca và các huynh đệ Minh giáo đó sao!? Thủ pháp thật là vi diệu, 2 thành phần để riêng lẻ thì không có độc tính, không thể dò tìm ra được, lúc phối hợp lại với nhau mới phát tác. Muốn biết sự tình sao lại có thể xảo diệu đến như thế, xin hãy đọc Ỷ Thiên Đồ Long ký, chương 41 & 42 sẽ rõ!!!

phí & giá

Dĩ nhiên không nên đổi “học phí” thành “học giá”. Về mặt từ nguyên mà nói: giá (): giá cả, hầu như là quy thành tiền, phí (): khoản hao tổn, không nhất thiết có thể quy thành tiền. Ngày xưa, đi học chữ với thầy, ít khi phải trả bằng tiền, thầy thời xưa thường được đền đáp bằng tiền, gạo và nhiều dạng lễ vật khác, vì nhiều lý do khác nhau. Một mặt, người ta không muốn biến nó thành một giao dịch thương mại thẳng thừng.

Mặt khác, muốn biến nó thành một món nợ ân tình, mà tình nghĩa thì có cách hoàn trả khác biệt. Ngày nay, đi học chữ với thầy, không nhất thiết chỉ cần tiền. Còn phải nói ngon nói ngọt, dẫn thầy đi nhậu, vận động từ hành lang cho tới tận đâu, hao phí rất nhiều công sức! Nên nói “phí” nó nặng hơn “giá”, không thể quy thành tiền được. Dù là hiểu theo nghĩa nào, xưa hay nay, thì “phí” nó vẫn khác với “giá”, đâu cần phải đổi!?

đoạn trường tân thanh

Haizzaa… ngày xưa, cụ Nguyễn Du chỉ vì say mê cuốn tiểu thuyết “ngôn tình” Đoạn trường tân thanh, loại “dâm thư” có tiếng của Tàu, mà viết nên Truyện Kiều, hậu bối ngày nay xem là áng văn chương tuyệt tác. Khá khen cho biết bao nhiêu thế hệ tài tử, văn nhân, cũng vì trí lực, ngôn năng có hạn mà đành phải vin vào loại thi ca nhàm chán đó. Chữ nghĩa tuy có đôi phần tài hoa, bay bướm, nhưng ý tưởng, thần thái, tựu trung than thân trách phận, yếm thế não tình, quả thật bỏ thì thương, vương thì tội!

nguyễn văn minh

Chuyện về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (PXA) thì nhiều người đã biết và biết khá nhiều rồi. Nhưng có 1 câu chuyện khác, 1 nhân vật khác cũng ly kỳ không kém, theo một đường hướng hoàn toàn khác.

PXA là 1 điệp viên hạng nhất, điều đó không có gì phải bàn cãi. Sinh ra trong 1 gia đình công chức thuộc địa cao cấp, 1 địa chủ giàu có, được ăn học đàng hoàng. Tham gia CM năm 45, kết nạp Đảng năm 53 bởi chính Lê Đức Thọ, ông trùm nội chính VN, được hướng dẫn bởi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, 1 nhân sĩ được ông Hồ hết sức yêu mến và tin tưởng, được hỗ trợ và chỉ đạo từ Mười Hương, Tư Cang… những nhân vật tình báo chuyên nghiệp (chuyên nghiệp hiểu trong ngữ cảnh VN, chứ chưa thể so với CIA hay KGB được). PXA là 1 điệp viên hạng nhất trên mọi phương diện, định hướng hoạt động tình báo chiến lược từ sớm, được tổ chức gởi đi Mỹ học, làm việc cho những thông tấn xã hàng đầu thế giới như Time và Reuter, có quan hệ với tất cả những nhân vật tinh hoa, chóp bu của giới quân sự và chính quyền miền Nam, các nhân vật tình báo hàng đầu của tất cả các bên như William Colby, Edward Lansdale, Lucien Conein, Bs. Trần Kim Tuyến…

Còn Nguyễn Văn Minh (Ba Minh – NVM) sinh ra trong một gia đình nghèo khó đông con, chỉ mới học hết lớp 5, gia cảnh khó khăn và sức khoẻ kém, đã từng muốn vào chiến khu tham gia CM nhưng không thực hiện được (cũng vì lý do sức khoẻ). Cho đến năm 54, cái gọi là “hoạt động CM” của ông chỉ dừng lại ở mức “cảm tình viên” ở cấp quận, huyện, chủ yếu là cung cấp những tin tức thuộc loại làng nhàng. Hoạt động tố Cộng, diệt Cộng của Ngô Đình Diệm những năm 55, 56 làm nhiều tổ chức, đường dây bị vỡ, NVM mất liên lạc suốt gần 10 năm. Một số lần đường dây được nối lại, nhưng rồi lại đứt. Những hoạt động của ông giai đoạn đầu chưa thể xem là tình báo, chỉ mới ở mức độ thông tin cấp thấp. Năm 55, ông học đánh máy chữ, chủ động bán nhà lấy tiền hối lộ để được vào làm nhân viên đánh máy ở Bộ tổng tham mưu chế độ cũ, hàm “thượng sĩ nhất”. Đây là bước đi đầu tiên chứng tỏ ông có một kế hoạch, một bài bản để làm tình báo chuyên nghiệp.

Trong suốt 18 năm, từ 1955 đến 1973, NVM tìm cách nối lại đường dây liên lạc với tổ chức, nhiều lần không thành công. Một số lần thành công thì cái vị trí, cấp bậc quá thấp của những người trong đường dây làm cho những tin tức của ông không được đánh giá đúng, mặc dù theo như lời NVM, ông đang “ngồi trên một núi vàng”, vì rõ ràng cái vị trí dù chỉ là nhân viên đánh máy trong Bộ tổng Tham mưu cho phép NVM tiếp cận với những thông tin thuộc loại tối mật. Không mất kiên nhẫn, trong suốt 18 năm đằng đẵng, NVM tìm cách liên hệ và chờ đợi cái ngày mà người ta đánh giá đúng những thông tin mà ông có thể cung cấp! Không biết chắc là vì những lý do gì, nhưng mãi cho đến cuối năm 1973, mạng lưới điệp báo A.3 mới chính thức được thành lập, và 1 dòng chảy thông tin trực tiếp từ Bộ tổng Tham mưu được hình thành. Người ta bắt đầu đánh giá đúng về giá trị của tình báo viên NVM, dù chỉ trong khoảng 1 năm rưỡi cuối cùng của cuộc chiến.

Nhà nghèo với 10 đứa con, lương của một “thượng sĩ nhất” không đủ nuôi chừng đó miệng ăn. Nhưng ngày nào ông cũng làm việc 15, 16 tiếng chép tay lại toàn bộ thông tin để đưa ra ngoài. NVM học thêm tiếng Anh chừng 1 năm để có thể copy được tài liệu tiếng Anh, và như ông có nói: tôi ít học, không đủ trình độ để phân tích, đánh giá thông tin, tôi chỉ làm 1 việc nhỏ nhoi, nhưng làm rất tốt! Có lần, tổ chức đưa 200 000 để ông mua chiếc xe máy để tiện cho việc đi lại, liên lạc. NVM mua chiếc xe Honda 67 hết hơn 100 000, trả phần còn lại! Sau này được hỏi về hành động đó, sao không giữ lại tiền mà nuôi 10 đứa con, ông trả lời: “tôi không bán tin, tôi cũng làm CM như các anh thôi!” Cách trả lời cho thấy ông ấy hoàn toàn ý thức về vai trò cũng như giá trị của một điệp viên hạng nhất! Chất lượng của những thông tin ông ấy cung cấp không phải bàn cãi, khi sau 75, người ta thăng anh “thượng sĩ” lên đại tá, và trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Tóm tắt về nhân vật, để thấy rằng NVM không có những gì PXA có: không sinh ra trong 1 gia đình truyền thống giàu có, không được học hành đầy đủ, thậm chí không có được sức khoẻ tốt! Không được “giác ngộ cách mạng” với những nhân vật lão thành hàng đầu như Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, không được hỗ trợ bởi 1 đội ngũ điệp báo hạng nhất như Mười Hương, Tư Cang, không được định hướng và đào tạo về hoạt động tình báo bài bản từ sớm như PXA. NVM khởi đầu chỉ là một “cảm tình viên” cấp quận, huyện, và hầu như không có một tiếp xúc, định hướng, huấn luyện nào về nghiệp vụ tình báo! Đôi lúc có cảm tưởng rằng, mọi đường đi nước bước là tự ông ấy tính toán lấy, từ việc vào làm ở Bộ Tổng tham mưu, cho đến việc móc nối, chờ đợi 18 năm để người ta có thể hiểu đúng giá trị của mình! Và thậm chí có cảm giác rằng, trong nhiều năm, người ta không tin tưởng NVM, có thể vì ông ấy không nằm trong diện được đào tạo, được “quy hoạch”.

Sự thực là suốt 20 năm hoạt động tình báo, NVM chưa bao giờ là Đảng viên, ông chỉ gia nhập đảng CS sau 1975, 1 bước “thủ tục” cần thiết để có thể thăng ông ấy lên đại tá và trao tặng danh hiệu Anh hùng. Nhiều sự việc nằm ngoài hiểu biết của tôi, hay có điều gì “một nửa sự thật” mà ngành tình báo đến giờ vẫn không thể nói ra!? Trong suy nghĩ của tôi, điều đó gần như là không thể, khi con 1 nhà lao động nghèo ít học, không có được bất kỳ tiếp xúc gì với các thành phần “lý tưởng”, “tinh hoa CM”, gần như không được hướng dẫn, hỗ trợ bởi một tổ chức! Gần như là đơn phương, đơn tuyến, tự mình vạch ra đường đi nước bước, tự mình liên hệ và chờ đợi để người ta hiểu đúng về giá trị của những thông tin mà mình cung cấp! Lòng yêu nước “thuần thành” hay còn điều gì khác!? PXA đã là 1 câu chuyện ly kỳ, NVM là 1 điều kỳ diệu! Dân tộc VN tồn tại được qua nhiều biến động của lịch sử vì có những điều kỳ diệu chưa thể được lý giải đầy đủ như thế!

CMT10

Vài trăm năm trước, Marx đã vẽ ra một cơn “ác mộng” về cuộc sống dưới chế độ TBCN, nơi mọi thứ sản xuất ra là để mua bán, đổi chác. Năng lực sáng tạo của con người bị biến thành một thứ hàng hoá. Sản phẩm và người làm ra sản phẩm rút cuộc cũng đều là một thứ hàng hoá, và cuộc sống hàng ngày bị biến thành một vòng xoáy bất tận.

Vòng xoáy của những zombie – xác sống, vật chất trở nên nửa – sống, còn con người trở nên nửa – chết! Thị trường chứng khoán vận hành như một thế lực độc lập, tự nó quyết định nhà máy nào sẽ mở/đóng cửa, người nào sẽ đi làm/nghỉ ngơi. Tiền thì sống, người thì chết, sắt thép mềm như da, còn da mặt cứng hơn sắt thép! Một vài suy nghĩ của ông ấy vẫn còn tính thời sự!

sputnik

Ngày này, cách đây 60 năm… Từ một động cơ “kép”, vừa để thể hiện sức mạnh khoa học kỹ thuật của “Moguchiy Sovetskiy Soyuz – Liên bang Xô viết hùng mạnh”, vừa phát triển công nghệ quốc phòng; đã khởi đầu cho kỷ nguyên không gian, nhờ đó mà bây giờ chúng ta có GPS, có điện thoại vệ tinh, có vệ tinh thời tiết, và vô số những thành tựu khác. Đưa được vệ tinh vào quỹ đạo cũng có nghĩa là người Nga đã có loại tên lửa đưa được đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ nơi đâu trên toàn cầu! Nước Mỹ không còn an toàn như trước!

Nó cũng tạo ra “ấn tượng” rằng, trình độ KHKT của Liên bang Xô viết đã vượt qua phương Tây! Chiến tranh lạnh cũng có mặt tích cực của nó, KHKT được ưu tiên phát triển! Cuộc chạy đua vào không gian bắt đầu! Một năm sau, bố tôi về nhà thông báo với ông nội rằng người Mỹ vừa đặt chân lên mặt trăng! Ông nội lắc đầu hoài nghi, hoàn toàn không tin, kiên quyết phản đối. Không thể nào cái vầng trăng tuyệt mỹ, thiêng liêng như trong thơ Đường của ông lại có thể bị “xâm hại” như thế được! Chuyện ấy đơn giản là không thể, tuyệt đối không thể…