polyushko polye, 2

Lâu lâu nghe lại những bài ca ưa thích quen thuộc, Polyushko-polye – Cánh đồng yêu thương… Cách dịch tiếng Việt làm thay đổi ngữ nghĩa “một tí”, khi người Nga nói “cánh đồng” tức là ý họ nói thảo nguyên bao la ấy, không phải mấy cái vuông ruộng con con…

KFC

Ngày xưa, họ lăn lộn nhiều năm, sống trong các làng bản xa xôi, ăn cùng, ngủ cùng người dân địa phương, trãi qua vài mối tình với các cô thôn nữ, hay như Phạm Duy, còn phải vài lần “hủ hoá” với các “công nông tử đệ”, rồi lâu về sau, mới đẻ ra được những giai điệu như thế. Ngày nay, “nhạc sĩ” đi chợ internet, tìm mua MIDI files, gì cũng có bán: bè trầm, bè nổi, hoà âm, tổng phổ… đem về xào xáo, đặt một cái tên…

Rồi bày ra một cái máy nghe đĩa Lenco, một bút máy Mont Blanc, gạt tàn, bản nhạc chép tay, chụp bức hình chứng minh lao tâm khổ tứ làm “nhạt sĩ”! Chỉ cần kết quả sau cùng, cách làm không quan trọng! Tuy nói là vậy, nhưng mọi người chắc cũng hiểu đôi khi là hoàn toàn ngược lại: gà đồi nướng mắc khén so với gà rán KFC hoàn toàn khác nhau! Tiếc là đám trẻ bây giờ chỉ biết KFC thôi, nhiều cái không thấy được sự khác biệt!

chính khí hướng thượng

Lại là phim thanh xuân Trung Quốc, vừa bước vào cổng trường (vâng, chính là ngôi trường trung học Chấn Hoa – 振华中学 nổi tiếng qua ít nhất 3 bộ phim thanh xuân khác nhau), đập ngay vào mắt là câu khẩu hiệu: Hảo vấn lập hành, Chính khí hướng thượng! Haiza, dĩ nhiên cũng chỉ là khẩu hiệu, nhưng nó cũng nói lên được nhiều vấn đề!

Lại đi trước Việt Nam, từ lâu đã bỏ những câu sáo rỗng, không có mấy giá trị thực tế, kiểu như Tiên học lễ, hậu học văn. Lễ không quá quan trọng, văn cũng chưa phải là quan trọng lắm đâu, quan trọng nhất là khí chất con người: chính trực, ngay thẳng, luôn tìm đường hướng đi lên, chứ không mãi lưu manh lặt vặt kéo cả lũ xuống dưới!

好问立行
正氣向上

cảnh cảnh tinh hà

Phải nói là TQ làm phim thanh xuân – coming-of-age rất hay. Không nên nhầm lẫn với thể loại ngôn tình, ngôn tình chỉ mới gần đây, thanh xuân đã có từ lâu, dù cũng có xu hướng hoà lẫn 2 thể loại. Ôi thanh xuân, ánh thiều quang xán lạn! Nhớ lại chính tôi năm lớp 8, cũng mượn giờ Văn, mượn Kiều để tỏ tình ngay giữa lớp, tỉnh như ruồi không biết ngượng: Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?! Đầu phim nghe tên nam & nữ chính: Cảnh Cảnh & Tinh Hà thấy quen quen, nghĩ một chút là nhớ ra mượn từ Trường hận ca – Bạch Cư Dị: Trì trì chung cổ sơ trường dạ, Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên.

Lời thoại chất lượng, mượn cổ văn khá nhiều, nói về kỳ thi ĐH: khảo thí bất nhân, dĩ học sinh vi sô cẩu – thi cử thật là bất nhân, xem học sinh như cỏ rác, nhại một câu trong Đạo đức kinh, Lão tử: Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu! Lồng ghép văn hoá cổ như thế, lứa tuổi HS chưa thể hiểu hết được, nhưng lớn lên từ từ sẽ hiểu, sẽ tìm lại những nội dung ẩn giấu trong đó, có những nội hàm làm phong phú cuộc sống về sau! Với khán giả VN thì không thể nào hiểu được, cùng lắm chỉ nắm được vài ngôn từ bề mặt! Nên suốt cả ngàn năm nay, không lúc nào mà VN không học TQ, nhưng rút cuộc, cũng chỉ học được mấy cái hời hợt!

danh chính ngôn thuận

Chuyện thấy được khi xem phim, vấn đề an ninh mạng TQ, dĩ nhiên có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có một điều rất căn bản: công khai danh tính! Các tài khoản mạng ở TQ hầu như đều phải xác minh nhân thân, như thế ai nấy đều phải suy nghĩ kỹ càng trước khi nói, chỉ cần có Báo cáo (Report) từ tài khoản “tíc xanh” là đã có thể bắt đầu chuỗi hành động pháp lý! Danh có chính thì ngôn mới thuận được, đây là chuyện đương nhiên! Về vấn đề quyền riêng tư, hiện tại, các tài khoản mạng ở TQ vẫn cho phép một mức độ “ẩn danh” (không xác minh) nhất định! Nhưng chỉ có khiếu nại, kiện cáo từ tài khoản “tíc xanh” thì mới được xem xét!

Còn loại kia chỉ mang tính chất thông tin. Khi đa số người dân trong cộng đồng đều “tíc xanh”, thì phát ngôn từ tài khoản “không tíc xanh” được xem là không “chính danh”, không có trọng lượng, có độ ưu tiên rất thấp! Về vấn đề tự do ngôn luận, điều này chỉ khả dĩ trong một xã hội dân trí cao, con người có lòng tự trọng và ý thức đạo đức, pháp luật! Còn trong một xã hội phức tạp, đầy rẫy “lưu manh vặt” như TQ và VN thì chỉ có đẩy tinh thần “pháp trị” tới cao độ, thậm chí là hà khắc, ác liệt thì mới có thể giáo dục, sửa đổi con người, ép họ phải “cẩn ngôn, thận hành”! Không thể ngồi đó mà trông chờ vào mấy câu “đạo đức” suông được!

tiêu sầu

Nhạc của Mao Bất Dịch vừa nghe là biết đơn giản, không xuất sắc lắm, nhưng ca từ thì chỉnh tề không chê vào đâu được: Một ly này kính cố hương, Một ly này kính viễn phương, Xin giữ tâm hồn này thiện lương, Xin cho tôi được trưởng thành. Cái gì mà “niệm niệm bất vong”, Cái gì là “sơn cao thuỷ trường”? Đến khi trời sáng, ai nói mình không say thì thật đúng hoang đường!

tiếng Việt có 8 thanh

Lâu về trước, một đêm khó ngủ, chui vô cái hang thỏ Alice – in – wonderland trên Internet và xem cái này, một người nước ngoài học tiếng Việt với cảm quan nhạy bén đã nhận ra tiếng Việt có 8 thay vì 6 thanh. Điều này có vẻ không được “đúng” cho lắm, vì nhìn từ hệ thống chữ Latin thì tiếng Việt chỉ có 6 thanh. Nhưng phân tích ngữ âm học, “sắc” và “nặng” có thể được chia thành 2 thanh con. Hơi khó để nhận ra với người đã quen chữ Quốc ngữ, nhưng với người “chưa biết gì” do mới học tiếng Việt thì lại nhìn ra được! Nếu đọc các tác giả cũ…

Như Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim sẽ thấy họ dùng cách phân loại xưa có nguồn gốc Trung Quốc là “Tứ thanh – 四声“. Tứ thanh bao gồm: bình – , thượng – , khứ – , nhập – . Mỗi thanh này lại chia thành 2 thanh con là: phù – & trầm – , nên tổ hợp lại sẽ có 4 x 2 = 8 thanh. Điều này… rất đáng ngạc nhiên, đi rất gần với các phân tích ngữ âm học hiện đại! Theo cách giải thích này thì tiếng Việt có 8 hoặc 7 thanh, 7 thanh là do “hỏi” và “ngã” đã nhập lại làm một. “Tứ thanh” là nền tảng quan trọng của thơ ca Đường, Tống.

Từ “Tứ thanh” phát triển thành hàng trăm niêm luật của Đường thi, hàng ngàn luật của Tống từ. Sang đến thời Nguyên, xã hội TQ có nhiều biến động lớn, các bộ tộc phương Bắc tràn xuống, ngôn ngữ mất bớt thanh điệu và còn lại 4 thanh như tiếng Quan thoại ngày nay. Từ đó, người TQ bắt đầu làm thơ… “sai luật”, sai khi đọc theo âm Hán-Việt nhưng vẫn “đúng” khi đọc theo âm Quan thoại! Đó là lý do tại sao người Việt đọc Đường thi, Tống từ thấy rất hay nhưng sang Nguyên khúc thì bắt đầu thấy hơi “lạc vận”, đến Minh, Thanh thì rất dễ nhận ra nhiều khi “âm luật” “sai” rất rõ ràng!

Trở lại vấn đề tiếng Việt có 6 thanh hay là 8 thanh, thực ra 6 hay 8 thanh, với đa số người học tiếng Việt không quá quan trọng. Nhưng cần hiểu sâu về hệ thống “âm luật cổ” để có hướng phát triển cho hệ thống ký âm Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ, một hệ thống chữ viết nhân tạo và có phần “hơi vội vàng, tạm bợ, hơi duy ý chí và áp đặt” đã khiến chúng ta có cái ấn tượng sai lạc là tiếng Việt chỉ có 6 (hoặc 5) thanh! Đúng hơn, về mặt ngữ âm học, cần phải nói rõ là tiếng Việt có 8 (hoặc 7) thanh, nhưng hệ thống chữ ký âm Quốc ngữ hiện tại chỉ sử dụng có 5 ký hiệu để biểu diễn thanh điệu!

lý tử thất

Rồi một hai ba năm, Danh thành, anh trở lại. Với em, anh chăn tằm, Với em, anh dệt vải. Anh và em sẽ sống, Trong một mái nhà tranh. Lấy trúc thưa làm cổng, Lấy tơ liễu làm mành… (Nguyễn Bính)

v put

Another beautiful rendition of the famous Soviet song that have been posted several times on my blog: В путь, Let’s go! There’re also Chinese, Vietnamese, DPRK and many other versions that could be found on youtube!

nhạc kinh

Lễ Kinh viết rằng: hàng năm, chư hầu phải triều cống thiên tử, và mỗi 5 năm một lần, thiên tử phải đi tuần thú thiên hạ, chỉ với mục đích duy nhất là lắng nghe dân ca, dân nhạc các vùng miền, để đoán biết lòng dân, phong vận, văn hoá thế nào… tiếc rằng trong 6 bộ kinh, Nhạc Kinh đã thất truyền, chỉ còn Ngũ Kinh nên chỉ còn biết như thế!

Lại tương truyền rằng Khổng Tử chu du thiên hạ, đến Giao Châu, thấy nhà nhà, người người mở loa kẹo kéo, hú hét như khỉ vượn, quá kinh hãi, vất cả đàn, kiếm mà chạy một mạch về Khúc Phụ, than ngắn thở dài mà nói rằng: đạo ta tàn rồi! Từ đó về sau đóng cửa không ra ngoài, chỉ chuyên chú san định kinh sách cho đến khi qua đời!

Caucasia

Từ Caucasia, lan toả đi cái gọi là Aryan, và trở thành Hy Lạp, La Mã, trở thành Byzantine, Iran, Iraq, Ấn Độ, etc… Một số thành phần văn hoá Châu Âu, một cách kín đáo, vì không muốn liên quan đến vấn đề quan điểm chủng tộc, vẫn hoài niệm và tự hào một cách mơ hồ về Scythia, Sarmatia, Parthia, India… những khởi nguồn xa xưa, trước cả Hy-La!

Album guitar “Nhạc dể dành cho người khó” – “Simple Music For Difficult People” (Bert Lams & Fabio Mittino), gồm những tác phẩm mang màu sắc tôn giáo của Gurdjieff & De Hartmann… Hơn mười lăm năm trước, nghe những bản này chuyển soạn cho piano, nhưng âm thanh của những nhạc cụ dây – gảy nghe có vẻ là thích hợp và nguyên bản hơn…

serenity – 1, p25

Kết thúc series đóng chiếc Serenity ở đây, cảm giác nói chung là hài lòng. Đóng một chiếc xuồng mới vẫn luôn là một quá trình khám phá rất thoả mãn, luôn học được, luôn nghĩ ra được nhiều điều mới, những ý tưởng thiết kế, kỹ thuật thi công…

Nhưng chính vì như thế nên chỉ bảo là “hài lòng”, chứ không bảo là “hoàn hảo”, tích tụ đủ những ý tưởng mới thì sẽ dồn nó vào chiếc sau! Tạm thời bây giờ hài lòng với cái đang có đã! Suy cho cùng, làm ra là để chèo, chứ đâu phải là người đóng xuồng chuyên nghiệp!

Không có gì thoải mái hơn là những ngày “đông” mát mẻ như thế này chèo thuyền trên sông, cảm giác thư thái vô cùng! Với một số người, ngồi một chỗ đôi khi cũng thư thái, những người đó quá giỏi, tôi ko làm được vậy! Chuẩn bị bước sang năm mới với nhiều “vận động” hơn nữa!

serenity – 1, p24

Cực kỳ lười quay video, nên chèo thì nhiều nhưng đến hôm nay mới làm tạm cái clip “1 minute of Serenity – 1 phút bình yên”, hy vọng là đủ siêng năng để làm clip “2 minutes of Serenity” tiếp theo! Đổi chất lượng hình ảnh sang HD, mang headphone vào và… enjoy!

Đã hết sức quen thuộc về cảm giác với chiếc xuồng, và nghĩ rằng đây là chiếc chịu đựng được sóng gió tốt nhất trong những chiếc đã đóng! Chưa thử nghiệm đầy tải (full-load test) nhưng nghĩ rằng xuồng sẽ ổn định nhiều hơn nữa nếu chất thêm đủ 25 ~ 30 kg hành lý!

Những ngày cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới này, thời tiết thật dể chịu, mát mẻ, thoải mái, rất phù hợp để làm những đường chèo dài! Nhưng cũng phải xem xét tình hình dịch bệnh Covid-19 như thế nào rồi mới có thể tính đến những hành trình xa hơn được!

10 pesen pobedy

Hèn gì thủ môn Đặng Văn Lâm, trong một phỏng vấn (bằng tiếng Nga) với một tờ báo Nga, trả lời câu hỏi: ấn tượng đầu tiên của anh khi trở về Việt Nam là gì? Anh ấy trả lời, rất thẳng thắn: ấn tượng đầu tiên khi về Việt Nam là mở TV lên nghe như loại âm nhạc của mấy thằng gay, bóng!

Đương nhiên chỉ thẳng thắn trong tiếng Nga thôi, chứ về Việt Nam rồi sẽ nói khác! Bản gốc của bài hát ở đây, sáng tác trong Thế chiến 2, nhưng mấy chục năm sau mới được biết đến rộng rãi qua bộ phim nổi tiếng: В бой идут одни «старики» – Chỉ có mấy “ông già” (lính cũ) ra trận – 1973…

Sven Yrvind

Người phát minh ra cái Bris Sextant, 81 tuổi, đang ở ngày thứ 78 xuyên Đại tây dương, “trong” cái “yellow submarine” – “tàu ngầm màu vàng”, kích thước 5.8×1.2m. Sven Yrvind bị chứng dyslexia, hội chứng khiến ông viết/đọc rất khó khăn, thế rồi dẫn đến vô số rắc rối khi hoà nhập xã hội.

Con người đọc/viết khó khăn, những kỹ năng rất cơ bản, 50 năm sau, có vô số phát minh và xuất bản 5 cuốn sách, lần nữa khẳng định “thông minh” đôi khi chẳng liên quan đến ngôn ngữ, và những người có chút kỹ năng “xào xáo ngôn từ” chẳng qua là tự họ cho rằng mình “thông minh” mà thôi!

surf boats

Xem mãi không chán, video của Ken Preston về những chiếc thuyền nan tre, be gỗ ở Xuân Hải, giáp ranh giữa Quy Nhơn và Sông Cầu, Phú Yên, thuyền chạy tốt trong sóng bờ cỡ 2 mét, hơn nữa thì chưa biết. Xem cái cách nó surf trên sóng thật mê ly. Có nhiều điều ngay trên chính quê hương VN mà ta chưa biết, những chiếc thuyền cong vút như “vầng trăng khuyết”, lần nữa khẳng định chính xác, mấy cái “đường cong” đó mới là chịu đựng sóng gió tốt! Anh nào cứu hộ, cứu nạn VN, cho ra đây học kỹ năng!

bên cầu biên giới

Dưới chân cầu Cốc Lếu, Lào Cai, nơi đầu nguồn sông Hồng, có một cô hàng nước. Người thường chả ai hiểu tại sao ở nơi thâm sơn cùng cốc, khỉ ho cò gáy như thế lại có cô gái xinh đẹp, học thức bày bán quán? Người hiểu thì biết cô ấy là một đầu mối điệp báo viên chuyên nghe ngóng tình hình phía bên kia biên giới. Phạm Duy có biết cô ấy là người của TC2 không, dĩ nhiên là biết, ấy thế mà vẫn cứ đâm đầu vào! Thế nên để lại cho hậu thế bài tình ca tuyệt tác!

Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi,
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi…
Ôi giấc mơ qua, mộng đời phiêu lãng giang hồ.
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu,
Hay là chết bên dòng sông Danube?

aviamarch

Chương trình âm nhạc cuối tuần – Hành khúc không quân – Aviamarch, bài hát có phần đơn giản, dể thuộc, dể hát nên được mượn trên khắp thế giới, có lời trong vô số ngôn ngữ, Anh, Nhật, Hàn… Thậm chí phát-xít Đức cũng lấy bài này đặt lời riêng để hát. Gaiza, thật ko có sĩ diện gì, oánh nhau thì chưa biết hơn thua, nhưng nhạc ai hay hơn thì đã rõ!

stalin artillery march

Chương trình âm nhạc… đầu tuần – Hành khúc pháo binh Stalin, thời gian trôi qua, nước Nga Putin đang đưa mọi thứ trở lại đúng bản chất, đúng sự thật lịch sử của nó! Bài hát được trình bày với lời gốc viết năm 1943, giữa WW2 khốc liệt, giọng nam siêu trầm – basso profondo Yuri Levitan đọc thông báo trên radio, cùng với những người lính khoác plash-palatka: Pháo binh, Stalin đã có lệnh! Pháo binh, quê hương đang kêu gọi! Với hàng ngàn nòng pháo, vì những giọt nước mắt của mẹ chúng ta, khai hoả!!!