Ornithopter

Ornithopter là thiết bị bay vỗ cánh như chim, trong clip là kỷ lục thế giới thiết lập bởi một nhóm nghiên cứu ĐH Bắc Hàng TQ, “con chim” bay liên tục 1h 31′! Thực tế trên thị trường từ 2, 3 năm qua đã xuất hiện loại đồ chơi “RC Bird” – Chim điều khiển từ xa, vỗ cánh bay y như chim thật! Kiểu này mà ứng dụng vào quân sự thì các hệ thống AI, nhận dạng sử dụng hình ảnh là bó tay, không thể phân biệt được đâu thật, đâu giả!

clay movable type

That’s how they did it, type – setting with… clay movable types. When I first read about it, as how it was first done in China around 1000 years ago, I can’t totally imagine how this could be done! But the video explains every details clearly, they use a very fine clay, almost ceramics, to ensure the sharpness of the printed characters. Imagine the work load, having everything prepared for a typical set of 5000~6000 of commonly-used Chinese characters!

As I was watching the clip, I realize that clay movable type is a natural continuation of woodblock printing, since they used woodblock carving as mold to produce negative clay mold, then use this negative mold to produce the final positive types used for printing! That’s how it was done before the invention of metal movable types in Korea 2 centuries later. You can see in the clip, he was printing the very first pages of the Book of Poetry (Shih-ching)!

the good, the bad…

Làm nhớ đến một đoạn thoại trong bộ phim nổi tiếng “Thiện, Ác, Tà – The good, the bad, the ugly”: Bạn thấy không, thế giới này có 2 loại người, 1 loại súng đã nạp đạn, và loại kia thì đào (mồ) – You see, in this world, there’re two kinds of people, my friend: those with loaded guns and those who dig. You dig!!! dantri.com.vn – Chiến sự Ukraine 19/7: Rộ tin Nga đã thọc sâu vào trung tâm Chasov Yar

reverse polish notation

Trời mưa lâm thâm, kết thúc vòng đạp xe 50km cuối tuần như thường lệ, quán ven đường vọng ra bản nhạc, phải mất một phút mới nhớ ra được đây là nhạc của Scorpions: I climb the stage again this night, ‘Cause the place seems still alive, When the smoke is going down… Nhạc điệu có tâm trạng hồi tưởng rõ rệt: “When the smoke is going down”, smoke – khói này là nói về các hiệu ứng khói lửa, pháo hoa, hỏa thuật – pyrotechnic thường được dùng trên sân khấu trình diễn. Vâng, và khi lửa khói đã lắng xuống, sau những màn tung hô vạn tuế, vạn năng, và nhất là khi đã ra IPO (lên sàn Chứng khoán) thành công, thì Trí tuệ nhân tạo – AI, như chúng ta thấy hiện nay, còn chưa làm được toán lớp 1. Để biết được 9.9 hay 9.11 ai lớn hơn ai, thì phải lượng giá (evaluate) được biểu thức 9.9 – 9.11 > 0 có giá trị Đúng hay Sai, một điều mà máy tính làm được với Ký pháp Ba Lan ngược – Reverse Polish notation – RPN, đây là kỷ niệm khó quên của thời sinh viên.

Bài tập cuối môn CTDL1, điểm 10 tròn trịa hiếm hoi, vẫn là viết bằng Borland C++ 3.1, từ dấu nhắc lệnh, bạn gõ một biểu thức có độ phức tạp bất kỳ: (a + b) * (c – d) ^ e / ((f % g) * sqrt(h))… thì máy vẫn tính ra được kết quả đúng! Ký pháp Ba Lan ngược theo tôi, chỉ ở mức trung bình (thậm chí còn chưa tới mức trung bình) nếu nói về độ khó, nhưng ở mức rất cao về tầm quan trọng, nếu bạn muốn hiểu về cấu trúc dữ liệu, về cách sử dụng stack và heap… và về giao diện giao tiếp người-máy – human-machine interface nói chung. Nói một cách dễ hiểu thì, với con người, chúng ta nói “a nhân b”, nhưng để cho máy tính hiểu, thì ta phải nói “a b nhân”, đây là điều rất quan trọng, thứ tự các toán tử (operator) và toán hạng (operands). Nên các loại AI – LLM – Large language models, chúng chỉ lặp lại như con vẹt, một số quan hệ có tính thống kê giữa các cụm từ, thậm chí còn chưa có khả năng hiểu được cấu trúc ngôn ngữ đúng nghĩa!

tar and feather

17/7/1944 sau chiến dịch Bagration, Hồng quân Liên Xô phản công chiếm lại được Belarus và một phần Ba Lan, Romania… họ bắt hơn 150 ngàn tù binh Đức với thương vong chưa đến 1/5 của đối phương! Thắng lợi là rất rõ ràng, nhưng Anh, Mỹ và một số nước Đồng Minh lúc bấy giờ công khai bày tỏ nghi ngờ, con số 150K lớn quá, có khi nào là xạo!? Không còn cách nào khác, Stalin đành phải tìm cách chứng minh!

57 ngàn tù binh khỏe mạnh, còn khả năng đi lại được chọn ra, cứ như thế đi bộ qua các đường phố Moscow trước sự chứng kiến của báo chí quốc tế! Theo tiêu chuẩn đạo đức của ngày nay, theo công ước Geneva 1949, thì những kiểu sỉ nhục công khai như thế này đã bị cấm! Nhưng vậy vẫn còn tốt chán so với thời Miền Tây hoang dã (wide wild west) ở Mỹ, tội nhân bị trét hắc ín và lông chim đem đi diễu phố!

3D printing

Chụp ảnh đề lưu giữ kỷ niệm là xưa rồi, giờ phải là in mô hình 3D! Gia đình, vợ chồng, cặp đôi, bạn bè, etc… có thể đứng vào máy cho nó quét 3D rồi in ra cái mô hình mini nhìn sống động như thật, từ chi tiết, màu sắc cho đến cả… hình xăm! Công nghệ đang bùng nổ ở TQ, Hàn, Mỹ và nhiều nước khác. Chắc chắn nhu cầu về kiểu tạo hình này là rất lớn, dù giá cả còn hơi mắc! Chuyện quét hình 3D thì rất dễ, nhưng có nơi dùng công nghệ in 3D không màu, in xong tô màu lên, còn TQ không hiểu làm cách gì, hình như không phải in mà là đúc, mẫu tạo ra có màu sẵn!

tcotlt456@ctkmbbct789

Từ gần 20 năm trước, tôi đã làm việc trên những ứng dụng webcam theo dõi các cử động 3D của khuôn mặt, và phủ lên đó những lớp skin, mask, avatar, và làm hoạt hình 3D dùng DirectX mô phỏng các cử động, cảm xúc như thật của khuôn mặt! Đó là chuyện của 20 năm trước, giờ đã tiến bộ hơn không biết bao nhiêu lần! Nên qua mặt FaceID không phải là chuyện khó, chỉ cần 2, 3 tấm ảnh và một tay designer dùng Autodesk Maya loại khá là có thể phục dựng mô hình 3D khuôn mặt của một ai đó, thậm chí có thể animate cái mô hình nói năng như thật!

FaceID, phiên bản của Apple làm có thể xem là khá an toàn, là do iPhone / iPad có cảm biến LIDAR có thể dựng mô hình 3D của khuôn mặt rất chi tiết! Nhưng những loại FaceID khác, do những hãng khác hay do các bank tự làm thì chưa chắc nhé! Nói thật, tôi hoàn toàn không có lòng tin vào các loại FaceID. Nói thế này cho dễ hiểu: tôi thà đặt lòng tin vào một thứ ở trong đầu tôi (mật khẩu) là cái tôi biết, nó hiện diện vô hình, vô ảnh trong tâm trí tôi, còn hơn là đặt lòng tin vào những cái hữu hình mà ai ai cũng thấy, và vô cùng dễ làm giả!

Nên cứ để cho chúng nó, những loại thiểu năng cứ ưa tỏ ra nguy hiểm, thử dùng “độc tâm thuật” đọc mật khẩu trong đầu tôi xem có được không?! Việc tạo ra mật khẩu an toàn nhưng dễ nhớ không khó như mọi người nghĩ, dưới đây là một cái mẹo, giả sử bạn nhớ 1 câu thơ: Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, thì lúc đó mật khẩu sẽ đặt ví dụ như: Tcotlt456@Ctkmbbct789, là chữ viết tắt của các từ trong câu thơ, thêm vào đó một số chữ số, chữ viết hoa hay ký tự đặc biệt tùy ý! Như thế sẽ có mật khẩu an toàn nhưng dễ nhớ!

Mà cái câu thơ tôi dùng để làm mật khẩu đó, trừ khi bạn đi đến Thư viện quốc gia, tìm đúng cuốn sách cổ đó, lật đúng trang đó, và bạn phải đọc được chữ Hán nữa, thì sẽ thấy nó nằm ở đó, chứ tìm khắp trên internet không có đâu! Nói dài dòng chút về quản lý mật khẩu, thực sự tôi cũng không có lòng tin với những thứ như LastPass, 1Password, ai đời lại lưu pass của mình ở trên cloud, có ai còn nhớ vụ rò rỉ dữ liệu của LastPass cách đây 2 năm!? Một cách khá hay là dùng công nghệ open – source đã được kiểm chứng kỹ là KeePassX để lưu mật khẩu!

Một phương pháp hiện đại phổ biến những năm gần đây là FIDO – Passkey, dùng khóa bí mật lưu trữ trên thiết bị. Đây là cách mới hứa hẹn rất tiện lợi, bạn thậm chí không cần phải nhớ gì cả! Nhưng một lần nữa, nếu thiết bị – nơi lưu passkey (usb-key, điện thoại) bị mất thì phải làm sao!? Không có giải pháp nào khác là phải có một cái nữa để dự phòng, một cái treo ở móc chìa khóa, một cái… bỏ trong két sắt ngân hàng! Nói tới nói lui, tôi chẳng tin cái gì khác ngoài cái thứ “lai vô ảnh, khứ vô hình” nằm trong đầu tôi, đó chính là… mật khẩu!

tôn hành giả, giả hành tôn…

Trong vùng núi Bỉ Duệ (比叡山 – Hiei) Nhật Bản, có một nhánh Phật giáo Thiên Thai tông mang tên Hồi Phong Hành (回峰行 – Kaihōgyō). Họ có hình thức tu tập rất độc đáo: trong 7 năm, các “hành giả – người đi” sẽ phải làm 1000 ngày hành trình vòng quanh núi, 40 km mỗi ngày trong 100 ngày với năm đầu tiên, tăng dần lên 84 km mỗi ngày trong 100 ngày ở năm cuối cùng. Điều đáng nói là hành trình đi qua những vùng núi non hiểm trở, không phải 84 km trên đất bằng, trong mọi điều kiện thời tiết! Các hành giả không chỉ có đi mà vẫn phải tham gia hoạt động trong chùa, làm việc, học kinh sách, với chế độ ăn uống đạm bạc.

Đến năm cuối cùng, cuộc marathon trường kỳ này tăng lên đến mức chỉ có thể ngủ khoảng 2 tiếng mỗi ngày, liên tục như thế 100 ngày! Tổng hành trình hơn 40 ngàn km, hơn một vòng quanh quả đất! Người tham gia sẽ phải tự ép mình đến giới hạn của thể chất… Chạm đến ranh giới giữa sự sống và cái chết! 100 ngày đầu tiên, hành giả có quyền bỏ cuộc, nhưng kể từ ngày 101 trở đi, những ai bỏ cuộc, theo luật sẽ phải tự sát. Dọc theo con đường mà các hành giả đã đi trong suốt mấy trăm năm, rải rác hàng chục ngôi mộ những người đã tham gia nhưng thất bại, không thể kết thúc hành trình! Và họ cứ đi như thế, trên người dắt sẵn một con dao và một dải lụa trắng, chọn kết thúc theo cách nào là tùy ý!

Mãi đến sau này, một sắc lệnh Hoàng gia mới chấm dứt cái giới luật tự sát khắc nghiệt đó. Cho đến ngày nay, có chưa đến 50 người đã hoàn tất thử thách 1000 ngày này! Nên các nhà sư Phật giáo trên thế giới (và cả VN, như Thích Quảng Đức) đã từng làm nhiều chuyện vượt qua sự tưởng tượng của con người, đi bộ vài ngàn km đã là gì!? Nên khi ta thấy cái Báo Bồn Cầu – BBC bỗng dưng xưng tụng nhảm nhí “là người được chọn” này nọ… Ta lại bỗng thấy nó giống hệt như ngày xưa, mấy chục năm trước, tờ Times giật tít: “Thích Trí Quang, người làm rung chuyển thế giới”, v.v. và v.v. thì ta biết rằng chúng nó lại đang tìm cách ném ra một cái “bánh vẽ”!

Có những nỗ lực của đám truyền thông bẩn, sự giật dây của các thành phần tuyên truyền nước ngoài tìm cách biến một sự việc, một hoạt động mang tính cá nhân bình thường trở thành dậy sóng, siêu phàm, được khuếch đại lên qua cái lăng kính của sự vô minh, của dân trí thấp lè tè! Xưng tụng giả tạo, hão huyền là chúng nó, rồi tìm cách vấy bẩn, dàn cảnh, gán ghép, chụp mũ… cũng chính là chúng nó, cũng một đám, tự phân chia thành các “vai” chứ không ai khác! Ở đây ta sẽ thấy có đủ các thể loại “hành giả”: Tôn hành giả, Hành giả tôn, Giả hành tôn, Hành tôn giả, .v.v. truyện Tây du ký, đoạn viết về các loại “hành giả” này thật là thú vị!

Czardas – Monti

Khi đã bước qua ngưỡng 4x, những khoảnh khắc như vầy… sẽ không còn tới nhiều nữa, những điều rất thường gặp khi ta 20 và bớt dần theo năm tháng, khi mà mức năng lượng nội sinh của bạn bỗng dưng chợt nhảy lên một quỹ đạo mới, mọi thứ bỗng trở nên tuôn chảy, nhẹ nhàng, tự nhiên, tươi sáng. Khi mà người khác nhìn vào bạn mà cứ tưởng như người mất trí…

Đang nhìn xa xăm, cười vô lý, dường như vẫn đang ở đây, hay là đã ở chỗ nào khác?! Nên âm nhạc thực chất là sự vận động, âm nhạc không tách rời âm thanh, nhưng âm nhạc éo phải là âm thanh, cũng như tình yêu không tách rời tình dục, mà tình yêu éo phải là tình dục. Khi nhạc trưởng chỉ tay vào đồng hồ, nghĩa là thời gian đang hết, phải chảy nhanh hơn nữa!

test loa

Bản nhạc test loa… Mỗi khi có cái headphone / loa mới (chưa có cái nào công suất quá 15W) là tôi lại dùng một số bản nhạc để test, đầu tiên phải là bản này, âm thanh phần nhiều mid-range, tiếng bass phong phú. Nếu test kỹ thì phải dùng đến nhiều loại âm thanh khác nữa, chủ yếu vẫn là acoustic và cổ điển, từ cello cho đến flute.

Nhưng phải qua được bước đầu tiên đã, phải đúng là bản ghi âm do NSUT Đức Thuyết trình bày, đài Tiếng nói VN thu âm cách đây đã rất lâu. Âm nhạc không tách rời âm thanh, nhưng âm nhạc éo phải là âm thanh, ấy thế mà rất nhiều người vẫn hay lẫn! Tiếng trống Paranưng, luôn là một bản nhạc lôi cuốn và bí ẩn…

telecentric

Mỗi ngày biết thêm một tí, trong video là một loại ống kính rất đặc biệt – telecentric lens, vật thể nằm trong trường nhìn của nó có kích thước giống nhau dù ở xa hay gần! Tức nó không tạo ra một phép chiếu phối cảnh (perspective projection) mà kỳ lạ thay, có thể tạo ra một phép chiếu đẳng cấu (isometric projection)! Điều này có vẻ khá là khó tin nhưng phép chiếu đẳng cấu thực ra không xa lạ như mọi người nghĩ! Thậm chí tôi còn cho rằng, bản năng đầu tiên của chúng ta khi diễn họa cấu trúc một vật thể là đẳng cấu chứ không phải phối cảnh. Xem thêm về một bức tranh vẽ trong không gian đẳng cấu ở đây!

Nhưng cụ thể, ống kính này được dùng để làm gì? Nó được dùng trong các ứng dụng đo lường, kiểm định, các ứng dụng computer vision, pattern recognition, etc.. sẽ tránh được nhiều lỗi sai về kích thước, vì dù có chụp gần hay chụp xa thì kích thước vẫn y như thế, xem như đã chuẩn hóa đầu vào! Một ví dụ khác là in vi mạch bằng phương pháp quang khắc đều dùng loại ống kính này để tránh sai số! Một chút suy luận là sẽ thấy ngay, ống kính không thể nhìn thấy được vật thể to hơn nó (lớn hơn đường kính ống), nên quên chuyện dùng để chụp phong cảnh đi, chỉ dùng để chụp những vật thể nhỏ và macro mà thôi!

thôi thủ

Facebook nhắc lại ngày này năm trước… Không phải là lười xuống nước, nhưng đúng là gần một năm qua cảm thấy thiếu ý tưởng và thiếu cả động lực, cảm thấy không tìm ra được ý tưởng gì mới. Mùa mưa coi như là đã về đi, chuẩn bị khởi động lại chương trình ra sông tập luyện! Một trong những điều cốt yếu của brace và roll là sự tự nhiên, mềm dẻo…

Cơ thể mà căng cứng, lo sợ là sẽ không làm được! Nói theo một nghĩa nào đó thì như bạn đang “thôi thủ – 推手 – pushing hands” với nước vậy, mà nước thì vô cùng mềm dẻo! Không biết “thôi thủ” là gì thì tìm xem một vài phim tài liệu về Thái cực quyền, các cao thủ chỉ cần chạm nhẹ cánh tay vào nhau là đã biết đối phương cao thấp thế nào!

parade

Thông lệ hàng năm, 9 tháng Năm là ngày Gấu Nga trình diễn, khoe cơ bắp! Xem mãi các cuộc diễu binh cũng chán, mời các bạn xem trích đoạn bộ phim Người thợ hớt tóc ở Siberia, đoạn Sa-hoàng Alexander-3 dự lễ tốt nghiệp của các sĩ quan. Phim dựng lại theo đúng lịch sử, Alexander-3 là người to lớn, vạm vỡ với sức mạnh phi thường, cầm nguyên bộ bài Tây 54 quân, ông ta xé nó thành 2 mảnh. Hay đang ăn với chiếc đĩa bạc, ông ta dùng tay cuộn tròn cái đĩa lại như người ta cuộn bánh tráng vậy! Cái trò dùng tay cuộn đĩa kim loại này, đã có nhiều đời Sa-hoàng biểu diễn trên các bàn tiệc ngoại giao như một cách… hù đối phương!

Phim có đoạn Sa-hoàng Alexander-3 trò chuyện với hoàng hậu Maria Feodorovna bằng tiếng Anh: – Em còn phải lặp đi lặp lại bao nhiêu lần nữa, tại sao anh không bao giờ nghe em, Michael còn quá nhỏ, nó rất dễ bị kích động bởi các cuộc diễu binh cũng như các trò chơi quân sự. Alexander 3 trả lời rất hóm hỉnh, cũng bằng tiếng Anh: – Nếu tôi mà nghe theo em á, thì đến tận giờ chúng ta còn chưa có con được đâu! Haiza, xem phim để thấy rằng, đây đúng là một dân tộc kiêu hãnh và mạnh bạo, một nền văn hóa đầy màu sắc, một loại âm nhạc sinh động, tuôn chảy, phức tạp! Luôn tràn đầy sức sống, luôn tiến về phía trước!

nông trại

Tốt nghiệp xong, về làm việc tại trung tâm máy tính, ĐH KHTN, rồi trung tâm máy tính ĐH Quốc gia TPHCM. Cái trung tâm mới xây, đúng là thiên đường cho những ai đam mê, chuỗi (cluster) 64 máy con hàng xịn, cộng với những con server hàng khủng, và nhiều loại thiết bị mà tôi còn chưa nhìn thấy bao giờ, chưa biết là cái gì, tất cả được đặt trong phòng riêng, cùng với nhiều cục lưu điện – UPS to hơn cái tủ lạnh 200 lít. Nếu cúp điện thì những cục UPS này vẫn đủ khả năng giữ cho toàn hệ thống chạy suốt hơn nửa ngày, và khi lượng điện trong UPS xuống dưới một mức nào đó, thì do đã được lập trình sẵn, hệ thống sẽ tự khởi động cái máy phát đặt ở phòng kế bên, cấp điện cho toàn hệ thống, tất cả chạy hoàn toàn tự động!

Và đồng thời hệ thống cũng gởi tin nhắn qua điện thoại về tình hình hiện tại của các loại máy móc đến cho quản trị viên – admin, thường là đang đi uống cafe ở đâu đó biết để còn chạy về xử lý nếu cần! Vâng, giai đoạn khá là ngu ngơ, nhiệt huyết và lý tưởng, từ chối những “lời mời gọi tình yêu” của một số em gái, về đó nghiên cứu grid – computing, mà bây giờ người ta hay gọi là computing – farm – nông trại tính toán! Và vâng, đi vòng quanh, vòng quanh cái nông trang tập thể, năng lực tính toán thì có thừa, chỉ thiếu… bài toán cho nó giải quyết mà thôi! Hơn 25 năm sau, chuyện làm “nông trại” bây giờ thật quá dễ dàng, và cũng không thiếu bài toán cho nó giải quyết… Ekh, yedem my, yedem, Yedem, a krugom kolkhozy…

aquarium pc, phần 9

Lắp cái mạch điều khiển tốc độ quạt quay vào phía sau (rất tiếc không để lên bảng điều khiển phía trước được vì nó hơi to). Chạy đầy tải – stress-test 6 tiếng, nhiệt độ dầu ổn định ở mức 40°C, nhiệt độ CPU loanh quanh 60°C toàn thời gian, mà quạt chỉ mới chạy 50% công suất, tiếng ồn tương đương với cây quạt đứng trong phòng, kết quả này là đã tốt hơn dùng tản nhiệt nước nhiều! Nếu không chạy đầy tải mà chỉ dùng máy tính bình thường, nghe nhạc, xem phim, mở vài chục trang web cùng lúc, thì chỉnh quạt về cỡ 25% công suất, tiếng ồn lúc này rất nhỏ, thậm chí nếu chỉ xài máy tính trong vài tiếng thì không cần phải bật cả quạt, vì dầu có nhiệt dung khá lớn, vẫn có thể chịu được! Quạt có công suất khá lớn đến 120W, nên nếu chỉnh tốc độ cao hơn thì hệ thống sẽ còn mát hơn nữa, nhưng việc này không cần thiết, vì thứ nhất là ồn, thứ nhì là nhiệt độ CPU đã dưới 60°C, không cần phải giảm thêm!

Hệ thống hoàn toàn có thể chạy heavy – duty liên tục thời gian dài, nhưng phải chấp nhận có chút tiếng ồn! Còn với nhu cầu sử dụng bình thường hàng ngày thì khá im lặng! Ngồi chỉnh sửa cái video này bằng phần mềm Blender trên Debian, dùng ngay con Aquarium-PC này, vì chưa rành Blender nên chỉ sửa video ở mức đơn giản. Render video 1080 mà nhiệt độ CPU vẫn chưa qua mức 52°C, đương nhiên đây chỉ là một đoạn video ngắn! Đến đây thì xem như hoàn thành, cái “bể cá” cố định một bên trên bàn làm việc, sẵn sàng cho những công việc hàng ngày, cũng như các nhiệm vụ heavy – duty, các tác vụ cần “hiệu năng tính toán cao” khác! Tản nhiệt dầu nói cho đúng có rất nhiều điểm bất lợi: hệ thống cồng kềnh, nặng nề, khó sửa chữa nâng cấp, dầu mà rò rỉ ra ngoài là rất phiền, nhưng cũng có những ưu điểm nhất định, có thể giử nhiệt toàn hệ thống ở mức thấp sẽ khiến máy “thọ” hơn!

Nó tản nhiệt cho toàn hệ thống, cả nguồn, mainboard, RAM, SDD, GPU, tất tần tật… (chứ không phải riêng mỗi con CPU). Có nhiều điều nhận ra trong quá trình thực hiện cái Aquarium-PC – máy tính – bể cá này! Nó kiểu giống như cái… “bánh mì gà”, khi nhỏ, thèm ăn bánh mì gà lắm, ngon vô cùng, nhưng khi lớn rồi tìm lại thì thấy… nó không ngon như ngày xưa nữa! Khi xưa thích cái khái niệm “máy tính – bể cá” này lắm, nhưng đến khi làm được rồi thì lại thấy nó bình thường, chẳng có gì quá hấp dẫn nữa! Nhưng nói vậy không có nghĩa là toàn bộ quá trình làm đều vô nghĩa. Ít ra nó cũng tạo ra một vật xài được, và cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình làm! Nếu phải làm lại cái Aquarium-PC này, tôi sẽ có những phương cách khác, sẽ áp dụng những giải pháp khác, hiệu quả và gọn gàng hơn, hoặc tiến tới làm tản nhiệt 2-pha đúng nghĩa, thay vì chỉ tản nhiệt đơn giản 1-pha cổ điển!

trên núi đồi Mãn Châu

Trên núi đồi Mãn Châu – On the hills of Manchuria! Trở lại một chút cái cái mood nhạc Nga, nếu nghe kỹ (và đọc lời) thì mới thấy rằng, bài ca là sự than khóc, cầu nguyện được ngụy trang (a mourning and praying in disguise), tác giả bài hát, nhạc sĩ Ilya Alekseevich Shatrov, đã có mặt ở đó, đã chứng kiến tất cả… là thành viên của băng nhạc Trung đoàn Mokshansky trong trận Phụng Dương (Mukden) với quân Nhật!

Chỉ 700 trong số 4000 người ban đầu của Trung đoàn còn sống sót sau trận chiến phá vòng vây, và băng nhạc thì… chơi nhạc để động viên tinh thần binh sĩ trong suốt thời gian chiến trận đó! Bài ca được viết sau đó để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống! Chiến tranh cũng đồng nghĩa là chết chóc, thương đau, chỉ là anh đối diện với nỗi đau như thế nào mà thôi… Bài ca trên nền clip phim Anna Karenina (2017).

putin

Tình hình là ku Nga đang bầu cử, truyền hình Nga chiếu cảnh những cư dân Cộng hòa Buryat cỡi ngựa đi bầu, cũng gần giống như tham dự “Kurultai – Đại hội bỏ phiếu bầu Khả Hãn”, như thời Mông Cổ cả ngàn năm trước vậy, vẫn lối sống du mục trên lưng ngựa khỏe mạnh, không độc hại! Buryat thực ra chính là hậu duệ trực tiếp, là cánh Bắc của người Mông Cổ xưa. Nó làm nhớ đến câu: cách đây hơn trăm năm, ai cũng có ngựa, chỉ người giàu mới có xe hơi, còn giờ đây ai cũng có xe hơi, chỉ người giàu mới có ngựa! Vì sao lại có sự đảo ngược tréo ngoe đó!?

Không có gì ngạc nhiên khi Putin lại đắc cử, đơn giản đó là người được lịch sử lựa chọn, không phải vì ông ta quá tài giỏi, mà vì ông ấy biết cách một tay nắm tóc, một tay quất roi vào mông, đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc như trước! Vừa bước vào cuộc họp với các quan chức, Putin phang ngay một câu: Khi thấy tôi đến, các người chạy như gián! Ở nước khác có lẽ đã có người bỏ phòng họp bước ra ngoài, nhưng dĩ nhiên không phải ở Nga! Tiếng Nga nó có những cách diễn đạt rất đắt, rất điển hình như thế, khác hẳn các ngôn ngữ khác!

từ điệu

Nhiều ngàn năm trước thời không thể nói rõ, nhưng độ một ngàn năm đổ lại (kể từ thời Tống) thì trình độ thưởng thức âm nhạc của dân chúng (chính xác hơn là của tầng lớp văn nhân, tri thức, có học) dừng ở mức “từ điệu”. Như thế nào là một “từ điệu”, đó là những khúc ca có nhạc điệu cố định, được truyền lại qua nhạc phổ hay được giảng dạy tại các nhạc phường! Những điệu nhạc này thường có tên, ví dụ như: Bốc toán tử, Giá cô thiên, Niệm nô kiều, Hoán khê sa, Điệp luyến hoa, Giang thành tử, Thu phố ca, Đạp sa hành, Thái tang tử, Lãng đào sa, Ngọc lâu xuân, Bồ tát man, Thiếu niên du, Vũ lâm linh, Định phong ba, v.v… Chỉ có các ca nương được đào tạo tại các nhạc phường mới rành rẽ về các ca điệu này. Còn giới văn nhân, trừ một vài ngoại lệ, do quá trình giáo dục, đa số cũng chỉ biết rõ phần “lời – chữ” chứ không tường tận phần “âm – nhạc”! Hình thức nó gần giống như ca trù vậy (thực chất đây có lẽ chính là thủy tổ của ca trù). Mỗi khi giới văn nhân tụ tập lại với nhau, họ thường làm “từ”.

Từ là một thể thơ đời Tống mà âm luật tự do hơn, để ráp vào các điệu ca cho dễ! Như thế, các văn nhân “phụ trách” phần lời, các ca nương “phụ trách” phần nhạc, và các bài từ được đặt tên theo tên điệu hát là như thế! Hình thức này có ảnh hưởng sâu đậm về sau, đến tận thời của “cải lương”, ví dụ như có vô số bài, nhạc điệu thì chỉ có một, nhưng có nhiều lời ca khác nhau được đặt ra để hát theo điệu đó. Mọi thứ nó là như thế, cho đến khi tiếp xúc với văn minh và âm nhạc phương Tây, người ta mới biết đến những loại âm nhạc phong phú và phức tạp hơn, còn trước đó, “nhạc” và “lời” được truyền tải qua những “format” cứng như vậy! Cũng vì trình độ của “đại chúng” đang ở mức đó, cứ phải lặp đi lặp lại những “định dạng” cố định! Xem ra “tân nhạc và thơ mới” đã trăm năm có dư rồi, mà trình thưởng thức âm nhạc của một bộ phận lớn thính giả Việt vẫn như ngàn năm trước, cứ phải vin vào những hình thức cố định và giản đơn thì mới hiểu nổi! Clip, từ điệu: Đãn nguyện nhân trường cữu – Vương Phi.

3M Novec

Làm mát bằng nước hay bằng dầu khoáng (mineral oil) là xưa rồi… giờ họ làm mát bằng dung dịch “3M Novec xxxx” (có bán đầy ở ngoài thị trường). Thực ra, kỹ thuật này đã được dùng với siêu máy tính Cray-2 từ năm… 1985, nhưng chỉ phổ biến trong thị trường máy tính dân dụng vài năm gần đây! Toàn bộ board mạch máy tính được nhúng ngập trong “3M Novec”, loại chất lỏng không dẫn điện, sôi ở 56 độ C, có thể hạ tiếp nhiệt độ sôi bằng cách rút bớt không khí ra khỏi case, tạo môi trường áp thấp, như ta biết, nhiệt độ sôi phụ thuộc vào áp suất! Sau khi hấp thu nhiệt, bốc hơi thành thể khí, khí này chạy qua bộ phận làm mát, ngưng tụ (condenser) với các lá kim loại tản nhiệt và quạt gió ở phía trên, lại hóa thành thể lỏng và rơi xuống dưới trở lại!

Giống như là mây – mưa vậy, cứ thế tuần hoàn! Kỹ thuật này giúp tăng mật độ thiết bị điện tử lên cả chục lần mà vẫn bảo đảm vấn đề tản nhiệt! Và quan trọng là có thể thực hiện tương đối dễ dàng, cho cả quy mô cá nhân (như PC) lẫn quy mô công nghiệp (như data-center). Cũng gần gần giống như cách làm các trạm biến áp xưa, toàn bộ thiết bị được bỏ trong container kim loại chứa ngập dầu khoáng, dùng dầu làm chất dẫn nhiệt! Nhiều người đã làm dàn máy tính cá nhân sử dụng tản nhiệt bằng “3M Novec” kiểu aquarium, trông giống như cái bể cá thủy sinh thật sự, nhìn rất đẹp mắt! Rất thích tự build một cái workstation thế này, nhưng trước tiên là… phải đi kiếm những bài toán cần đến năng lực tính khủng như thế đã!

nam lai bắc vãng – 2

Chê trước để khen sau, đầu tiên là không khó nhặt ra vài hạt sạn, một số tình huống thắt nút hơi bị cường điệu, chưa hợp lý về logic, chưa thật sự thuyết phục! Nhưng xem đến hết 36 tập phim mới thấy đây là một phim cực hay! Mà cái hay trước tiên là xây dựng nhân vật nào ra nhân vật nấy, diễn xuất thuyết phục, từ ông già mù ăn xin, lang thang vật vạ trên tàu suốt hơn 30 năm đi tìm con gái bị bắt cóc, cho đến những nhân vật lưu manh móc túi, du côn trấn lột, lừa gạt buôn người, từ động tác cho đến tâm lý đều xây dựng công phu! Nhưng đạt nhất chính là nhân vật Giả Kim Long, một người xuất thân chỉ là buôn chuyến nhỏ lẻ trên tàu hỏa, 20 năm sau trở thành ông chủ lớn.

Người này làm quen với hai anh cảnh sát đường tàu, qua lại, ăn uống, chuyện trò, xem như người thân quen! Anh này từng có một số lần “lập công” giúp tìm người bị bắt cóc, thậm chí cưới một cô gái nhân viên hỏa xa làm vợ! Đến cuối mấy chục tập phim mới hiện nguyên hình là trùm ma túy, không cái vỏ bọc nào được xây dựng tốt hơn, kỳ công hơn thế! Làm phim công phu, cho thấy sự thay đổi của bối cảnh xã hội qua nhiều thập kỷ, từ xe đạp, radio, TV, tủ lạnh, máy nhắn tin, điện thoại… đều đúng với trình tự thời gian! Nghĩ lại thấy chán cho phim VN (thực ra chính là phản ánh đúng xã hội VN), lưu manh mà mới nhìn qua, mới nói có 2 câu đã biết tỏng là lưu manh rồi, chả thú vị gì!