amur waves

Chương trình âm nhạc cuối tuần, tiếp tục với những giai điệu đến từ nước Nga, điệu valse rất nổi tiếng: Sóng sông Amur (sông Hắc Long Giang, biên giới giữa Nga và TQ), lần này qua một trình bày bằng tiếng Hoa. Không như trong tiếng Việt, việc đặt lời hơi khó khăn… Người Trung Quốc cover lại hầu hết những bài ca Xô – viết, gần như không sót bài nào… Văn hoá Nga, đó là cái gì đó phóng khoáng và rộng rãi, mơ mộng và liều lĩnh, dữ dội và tàn bạo, nói như Trump: nước Nga sẽ luôn là người bạn tốt, vì anh ấy có hơn 1500 đầu đạn hạt nhân!

Uletay na kryl’yakh vetra

Đến hẹn lại lên, chương trình âm nhạc Nga – Xô cuối tuần… Chỉ là một video clip đẹp với vô số cảnh quan thiên nhiên, công trình nhân tạo ở Nga, trên nền bài hát “Bay đi xa trên đôi cánh gió” – Улетай на крыльях ветра, nhạc phim “Hoàng tử Igor”, 1969. Không cần xem phim gốc, chỉ cần nghe những dấu vết ngũ cung trong bản nhạc này cũng có thể từ từ lần mò hiểu ra được, có một nửa dòng máu Viking trong cái gọi là người Nga ngày nay, và chữ “Rus” nguyên gốc đơn giản có nghĩa là: “người chèo thuyền”…

song of the volga boatmen

Đến hẹn lại lên, cuối tuần mới có thời gian để lên Face… tiếp tục chương trình âm nhạc Nga – Xô! Khi nhỏ, đã xem bức tranh rất nổi tiếng của Ilya Repin: Người kéo thuyền trên sông Volga, rất đẹp, rất chi tiết, trong một tập sách ảnh siêu đẹp ở nhà! Và cũng đã nghe phần nhạc, qua lời Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng thú thật, không ấn tượng cho lắm, cho đến sau này nghe nguyên bản tiếng Nga, là một bài dân ca cổ, xưa cũ và lâu đời, dữ dội và hoành tráng, như chính lịch sử, văn hoá nước Nga vậy!

Volga, con sông dài hơn 3500km, ngày nay, cùng với hệ thống kênh đào, nối liền Nam – Bắc nước Nga, có thể thông từ biển Baltic xuống tận biển Đen. Ngay từ xưa là tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng, giúp hàng hoá lưu thông, điều phối lực lượng, lúc thì xuôi Nam, khi thì ngược Bắc! Từ thời Sa-hoàng Peter-the-great, các tàu chiến đóng ở trên sông, thường phải được kéo qua các vùng nước cạn, ra ngoài cửa sông rồi mới lắp súng và chất đầy tải… nên từ đó xuất hiện nghề kéo thuyền trên sông Volga.

prekrasnoe daleko

Chương trình âm nhạc Xô-viết cuối tuần. Chuyện cổ tích của các nước phương Tây thường bắt đầu như thế này: Ngày xửa, ngày xưa, đã từng có một xxx…, còn chuyện cổ tích Liên Xô lại thường bắt đầu như thế này: Đến một ngày, trong tương lai, sẽ có một yyy…

Nhạc phim thiếu nhi Tương lai xa xôi tuyệt vời, 1983, bài ca thật tuyệt, trong trẻo, thanh thoát, bay bổng, đã được dịch ra vô số ngôn ngữ khác nhau. Tuy chỉ là phim và nhạc cho trẻ con, nhưng người lớn nghe sẽ biết “Tương lai xa xôi tuyệt vời” chính là bài ca nói về quá khứ!

foam

Foam – nôm na hay gọi là xốp, thực ra có muôn ngàn chủng loại khác nhau, từ những loại fire – proof (chống cháy hoàn toàn, dùng đèn khò cũng không cháy) cho đến fire – retardant (bén cháy, nhưng không cháy lan và tự tắt), như trong thử nghiệm dưới đây… những loại này đã có từ lâu! Chẳng qua là không bắt buộc thành quy chuẩn mà thôi!

Mấy lần đi chợ Kim Biên mua “foam” đúng nghĩa là khổ sở trần ai, dùng tiếng Anh không hiểu, dùng công thức hoá học cũng không hiểu, mà tiếng Việt thì không có từ, mà mã chủng loại hàng thì cũng không có nốt! Có nhiều thứ không thể chỉ đưa cái hình mà chọn đúng được, nhìn hình thì đều giống hệt nhau, chỉ qua lửa rồi mới biết khác thế nào!

tail wagging the dog

Alexander Dugin nói về “dân chủ phương Tây”, về “chủ nghĩa tiêu dùng” và “truyền thông, mạng xã hội” hiện đại bằng một thành ngữ rất hay: “cái đuôi vẫy con chó – tail wagging the dog”, chứ không phải là: con chó vẫy cái đuôi! Tiêu dùng và truyền thông đã biến con người thành những cỗ máy tiêu thụ, ăn cái gì, xem cái gì, đều do hệ thống máy tính điều khiển, và từ đó vẽ ra ảo ảnh về một thế giới “tự do”…

tiếng cười

Chương trình âm nhạc cuối tuần, bài ca LX một thời quen thuộc với nhiều thính giả thiếu niên, thiếu nhi Việt Nam, Улыбка – Ulybka – Tiếng cười: Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười. Cầu vồng thêm lung linh bao ánh sáng lên ở khắp trời. Nụ cười tươi, chúng ta cùng chung niềm vui, Trong cuộc sống đầm ấm yêu thương ta cùng cất tiếng cười. Để làn mây không bay đi xa, Những giọt mưa bay bay quanh ta, Để dòng nước từ con suối xinh thành dòng sông sóng xô.

Tiếng cười sẽ luôn luôn bên ta, tiếng cười là bạn thân mến yêu của tuổi niên thiếu ta… Cho trời sáng lên và áng mây tươi hồng. Đẩy lùi xa bao nhiêu u ám gió mưa và bão bùng. Rừng âm u đã thức dậy đón ngày mới. Trong làn nắng lộng gió ban mai vang bài ca yêu đời. Tiếng cười sẽ luôn luôn bên ta. Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa. Tiếng cười là bạn đường tháng năm không thể nào xoá nhoà. Tiếng cười là bạn đường tháng năm vẫn tràn ngập lòng ta!

the second waltz

Chương trình âm nhạc cuối tuần: “Điệu valse số 2” – nhạc phim Liên Xô 1955, “Thê đội số 1” (The first echelon). Đang tìm hiểu một chút về Dmitri Shostakovich, một thể loại âm nhạc phức tạp như chính thời đại ông ta sống: hoành tráng nhưng sa đà vào quá nhiều chi tiết, lãng mạng và say mê nhưng đôi khi vụng về, thô kệch một cách cố ý!

iron maiden

Nhớ lại một quãng thời tuổi trẻ, một khoảng không gian ám đầy mùi chanh-rhum (không phải mình uống) và khói cần-sa (cũng không phải do mình hút), nhưng lại có đầy đủ nhạc rock các thể loại! Cảm xúc lẫn lộn, tuổi trẻ mà, cần phải có cái gì đó hơi phá cách, hơi nổi loạn một tí, nhưng cũng phải có gì cái gì đó rút ra được, học được từ đó!

20 năm sau nhìn lại, cái người ta cho là kỳ quái, lập dị, dữ dội đó thực ra lại khá dễ thương, đột nhiên khi bạn nghĩ lại về nó, nét nhạc sáng sủa, câu cú chỉnh tề, hoàn toàn tươi sáng (hay ít ra là phần nào đó là như thế), mặc dù vẽ rồng vẽ rắn, xăm trổ, lời nhạc kỳ cục… nhưng âm nhạc rất sáng nhé, rất “sáng” và rất “trưởng”, chả bi luỵ, lầy lội tí nào!

games

Thực ra viết con game để chơi là phụ, chính yếu vẫn là muốn thử nghiệm các kỹ thuật khác nhau với “lambda function – anonymous function – hàm không tên”!

Tự viết con game Solitaire này mấy năm trước, nhưng lười, không bỏ lên AppStore. Game mà tôi tự viết để tự chơi thì cũng khá nhiều, viết vì kiếm không được game tương tự đúng ý, cái thì quảng cáo quá nhiều, cái thì đồ hoạ quá xấu, cái thì nặng nề, tốc độ quá chậm, chạy không mượt, mà tôi chơi Solitaire, mấy ngón tay bấm liên hồi như đánh piano vậy! Trò Solitaire chuẩn chơi trên máy Windows tối đa chỉ 24K điểm, nhưng cầm cái iPad mà chơi thì trên 30K điểm là chuyện thường! Game này viết chỉ một source code, chạy trên tất cả các nền Apple (Mac, iPhone, iPad…), làm cái engine sẵn, đọc game rules từ file lên, hiện tại hỗ trợ đến 99 biến thể (variant) Solitaire khác nhau!

Nhớ lại đợt Sài Gòn giãn cách XH vì Covid-19, suốt ngày chỉ có chơi game giải trí, hoặc làm mộc, cưa bào, đục đẽo để vận động tay chân! Nói về chơi game, căn bản đó không phải là chuyện gì xấu, nhưng tôi thường chỉ chơi game logic đơn giản, mỗi ngày chơi 15 ~ 30 phút tối đa, không chơi các game có kịch bản hay những game mất quá nhiều thời gian! Tác hại của game đối với giới trẻ không cần phải nói, nhưng lỗi không nằm ở game, lỗi ở xã hội và giáo dục, tạo ra cho chúng nó một môi trường nghèo nàn, một tâm hồn trống rỗng, như cái lỗ đen sâu hoắm, nên ngoài những thứ vớ vẩn, nhảm nhí ra, chúng nó không còn biết điều gì khác, riết rồi thành thần kinh, bệnh hoạn và tệ nạn!

a yesli povezet

Chương trình âm nhạc cuối tuần… post nhân ngày truyền thống Hải quân Nga, 31/7, năm nay tổ chức nhỏ hơn mọi năm! Bài hát: А Если Повезет – Nếu bạn may mắn… một cái tựa đề theo tôi là có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, và không nên đặt một cái tựa như vậy!

Hải quân Nga nổi tiếng với nhiều khí tài độc lạ, khác biệt, nhưng cũng nổi tiếng vì tạo ra kha khá “widow-maker”. Họ vẫn còn thiếu chút gì đó mà hy vọng tương lai, với sự kỹ càng của thế hệ kế tục sẽ khắc phục được! Clip hoạt hình bên dưới cũng phần nào nói lên nội dung này!

team building

Hoạt động team-building mang tên: Thép đã tôi như thế đấy! được tổ chức thường niên ở “hành tinh Nga ngố”! Hoạt động đúng nghĩa thật chất, team áo đen thi đấu với team áo vàng, thể thao giải trí lành mạnh, hoàn toàn không gây phản cảm! Haiza, nghĩ lại cái xứ Vịt! :-(

hoả tuyến

Chương trình phim ảnh Xô-viết cuối tuần… có người hỏi tại sao mình lại thích phim ảnh LX cũ và Nga mới… đương nhiên ngoài các yếu tố lịch sử, văn hoá, xã hội, âm nhạc… kể ra thì nhiều lắm, nhưng trước hết, phim ảnh cũ cho mình cái cảm giác, từ dùng như người ta hay nói là: sense-of-purpose, một cảm giác sống có mục đích.

https://www.youtube.com/watch?v=8ptU1Jvca9c

Nhớ lại một thời cuộc sống khó khăn hơn bây giờ nhiều, nhưng chính vì thế mà con người ta tập trung tâm trí vào những việc quan trọng, không có thời gian, không có phương tiện để mà “rửng mỡ” như XH hiện đại, một đám lao nhao nhiễu sự, một lũ lau chau ngoài “cái tôi” vật vã và thiển cận ra chẳng còn tự thấy được cái gì khác…

chiến tranh và hoà bình

Tiếp tục chương trình điện ảnh Xô-viết, 3 tập, tổng cộng 6h của bộ phim kinh điển: Chiến tranh và Hoà bình – Mosfilm! Đến tận giờ, vẫn có chút nuối tiếc vì ngày trẻ không đọc nhiều văn học Nga lắm. Lại ghét những gì suy nghĩ cao siêu, chỉ thích cái gì thực tế, cụ thể (kiểu như Pie đệ nhất)! Không như con em gái tôi, nó thì: Chiến tranh và Hoà bình, Tội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm, Anna Karenina, Anh em nhà Karamazov, Eugene Onegin… cái gì cũng đọc!

Hàng chục ngàn trang, từ nhỏ nó đã nổi tiếng là con mọt sách trong nhà! Còn thằng anh nó vẫn luôn nhìn sách vở bằng thái độ nước đôi, hai mặt, vì đã thấy vô số thử bị “quỷ ám” do “đọc sách” mà ra! Thế nên không thấm Lev (Tolstoy) nổi, mà chỉ thích Alexei (Tolstoy). Nói về tính cách, tâm hồn Nga, chỉ cần đọc 4 tựa sách bên trên là đủ biết họ quan tâm những điều gì rồi: Chiến tranh và Hoà bình, Tội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm, Anna Karenina!

Sergei Aleshkov

Chương trình điện ảnh Xô – viết cuối tuần… post trước là phim về người chiến sĩ Hồng quân già nhất, hôm nay là phim về người chiến sĩ Hồng quân trẻ nhất, cả hai đều là những nhân vật lịch sử có thật! Cậu bé 6 tuổi Sergei Aleshkov, toàn bộ gia đình đã bị Phát – xít Đức sát hại, hoảng loạn đi lang thang trong rừng và được các chiến sĩ Trung đoàn Cận vệ 142 nhận nuôi!

Như người ta hay nói, tức là son – of – the – regiment, cậu bé hoạt động như một thành viên trung đoàn, làm nhiệm vụ liên lạc, tham gia cứu thương và góp phần tạo nên nhiều chiến công. Về sau, được tướng Chuikov tặng một khẩu Browning và gởi đi học trường thiếu sinh quân Suvorov. Trong thành phần QĐND VN cũng không thiếu các “con – trai – của – trung – đoàn” như thế!


Nikolai Morozov

Hóng xem đủ các tập phim Ded Morozov, phim dựa trên một nhân vật lịch sử có thật, Nikolai Alexandrovich Morozov, gốc gác từ một gia đình đại địa chủ, suốt đời hoạt động lật đổ chế độ Sa-hoàng! Tổng cộng ông ta ngồi tù 25 năm, nhưng cũng nhờ thời gian ở trong tù đó mà trở thành nhà bác học, tự học 11 ngôn ngữ, xuất bản nhiều công trình sách vở, và trở thành viên danh dự Hội hàn lâm Xô-viết, mặc dù chưa bao giờ gia nhập Đảng cộng sản.

Năm 1942, ở tuổi 88, Nikolai Mozorov tình nguyện nhập ngũ tại Leningrad, đây có thể là người lính Xô-viết già nhất lịch sử. Người ta không cho ông già gân ra trận, nhưng ông cứ cương quyết, thậm chí doạ kiện lên Stalin! Cuối cùng thì người ta cũng cho ổng được ra trận thử… một tháng! Một tháng với vai trò lính bắn tỉa, tiêu diệt hơn một chục quân địch! Ông vẫn tiếp tục sống để chứng kiến Phát xít Đức sụp đổ, và chỉ qua đời sau đó, năm 1946 ở tuổi 92!

trung đoàn tiêm kích

Coi nhiều đến độ học được một chút ngôn ngữ luôn, phim ảnh Nga – Xô-viết có mấy từ rất dễ nhận biết, 2 từ thường được nghe thấy nhiều nhất là: Davai (давай, let’s go) – đi thôi, và Zamnoy (За мной, follow me) – theo tôi! Haiza, những dân tộc không biết ngừng nghỉ… đôi khi cũng thật đáng sợ! Bộ phim truyền hình 24 tập khá kinh điển: Trung đoàn tiêm kích, đã có phụ đề tiếng Việt!

mã tộc

Tưởng tượng một ngày kia, WW3 – thế chiến lần thứ 3 nổ ra, nhân loại có lẽ sẽ bị chia thành 2 phe: “thuỷ tộc” (水族) và “mã tộc” (马族)… Thuỷ tộc đương nhiên mạnh về thuyền, sở hữu cả hơn 10 chiếc tàu sân bay, thỉnh thoảng cũng nhảy lên đánh bộ. Còn Mã tộc đương nhiên mạnh về ngựa, chiến xa có hàng chục ngàn cỗ, nhưng cần thuỷ chiến cũng không phải là tệ!

Thuỷ tộc mềm dẻo như nước, lấy lòng tham của con người, lấy kinh tế thị trường và chủ nghĩa tiêu dùng hàng hoá vô tội vạ làm ý tưởng chủ đạo. Còn Mã tộc cứng rắn như sắt, nhiều lần thực hiện biến pháp cải cách xã hội, nỗ lực cứu lấy tâm hồn và hạn chế lòng tham của con người! Đáng lo ngại nhất vẫn chỉ là cái xứ sở: bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền kia mà thôi…

Katya

Tiếp tục chương trình âm nhạc Nga – Xô-viết, bài ca: Cô gái cossack mắt đen: và từ độ ấy, mỗi lần phi ngựa trên thảo nguyên, tôi lại thầm nhắc tên em, Katya, Katya, và dù bây giờ đã ở bên người yêu mới, nhưng thật ngu ngốc tôi ơi, từ sâu thẳm bên trong vẫn không quên được em…

Tính cách Nga, được cái là thật, có gì nói nấy, họ nhìn thực tế như nó là thế, và đôi khi là hài hước một cách chua cay, tàn nhẫn! Đây chính là thứ “nhạc” của dân tộc trên lưng ngựa… trôi chảy, sống động, không như ở cái xứ nhiệt đới nào đó, toàn loại “nhẽo”, chảy nước, thảm hại!

cừu đen

Chương trình phim ảnh cuối tuần… Tháng 6, 1941, nước Đức Phát-xít tiến hành chiến dịch Barbarossa đưa quân vào lãnh thổ Xô-Viết, quân đội Liên Xô thiếu chuẩn bị, nhanh chóng gặp nhiều thất bại và liên tục buộc phải rút lui, lần lượt phải bỏ cả Kiev, bỏ Kharkov (Ukraine bây giờ)… một trại giam được lệnh sơ tán về tuyến sau.

Trong trại toàn thành phần bất hảo, như người ta thường nói, các con “cừu đen” giữa bầy cừu trắng! Trong khung cảnh hỗn loạn của chiến tranh, một số tù nhân vượt ngục, họ bị kẹp giữa 2 bên: một bên là NKVD truy lùng tội phạm, và bên kia là quân Đức xâm lược! Những “cừu đen” này sẽ hành động như thế nào trước thời cuộc!?