bạch lạp truyền kỳ

Ngay từ thời Đường, Trung Quốc đã có “công nghệ” sản xuất nến với sản lượng thường niên đạt hàng chục ngàn, thậm chí có thể đã lên đến hàng trăm ngàn tấn, tạo nên một ngành kinh doanh lớn! Mọi người thường nghĩ nến làm từ sáp ong, nhưng bao nhiêu ong, bao nhiêu sáp cho đủ!? Cũng gần tương tự như trồng dâu nuôi tằm, thu hoạch kén tằm để ươm tơ dệt lụa vậy! Họ trồng một thứ cây, và nuôi một loại côn trùng giống như rận trên cây đó, côn trùng này sinh trưởng và tạo kén trên thân cây! Thu hoạch kén này sẽ có sáp trắng làm nến trắng! Và sau đó là xây dựng thành nông trại lớn, sản xuất ở quy mô công nghiệp!

Có cơm ăn, áo mặc rồi, lại có nến để ban đêm đọc sách, “thập niên đăng hoả – 十年燈火” thời gian dài như thế thì dân trí nó mới lên được. Có thể sản xuất với số lượng lớn, giá thành rẻ thì mới tạo ra được hiệu ứng làm thay đổi xã hội: có thêm nhiều người thắp đèn đọc sách (hoặc thêm nhiều người thức đêm đánh bạc 😀 ). Về chủng loại cây, nguồn phương Tây ghi nhận: privet – nữ trinh – 女贞, nguồn Trung Quốc ghi nhận hai loại cây đều có thể dùng: một là nữ trinh, hai là tần bì (ash). Mà tần bì có tên tiếng Hoa là: Bạch lạp thụ – 白蜡树, riêng cái tên “Bạch lạp – sáp trắng” cũng đã nói lên việc cây trồng chủ yếu để làm gì!

dân tộc tính, 2

Và thế là, cái “dân tộc tính” cố hữu đó, theo chân các đợt di cư của người Việt, lan toả ra khắp nơi và trở thành một “thương hiệu toàn cầu”! Vì lịch sự người ta không nói thẳng ra thôi, chứ ai ai cũng thấy, ai ai cũng hiểu rõ, một sắc dân gì đâu mà vừa không hiểu chuyện, vừa chẳng làm được việc gì cho ra hồn, hay nhiễu sự những chuyện nhảm nhí, thường có những yêu cầu rất vô lý, và cứ hở ra là giở trò lưu manh vặt! Em biết nói như thế sẽ bị ăn vô số gạch đá, nhưng em cứ phải nói, vì số đông nó như thế, dĩ nhiên phải loại trừ, vẫn có một số ít khác! Ngay như trong ngành IT, phần mềm, cứ nói người Việt là người ta nghĩ ngay đến lừa đảo, trong top đầu của thế giới về các trò lừa gạt trên internet, đến độ nhiều khi không dám nhận mình là người Việt, và em nghĩ các ngành nghề khác cũng y như vậy! Đã đến lúc phải nhìn cho rõ cái “dân tộc tính” ấy, về bản chất, là một sự sợ hãi lớn lao!

Cái nỗi sợ “không bằng người” sâu thẳm bên trong ấy khiến con người bị “co cứng, xơ cứng” lại, không chịu nhìn ra bức tranh rộng lớn, không chịu thấy sự phong phú của cuộc sống! Cái sợ ấy khiến họ không dám, không muốn chấp nhận bất kỳ điều gì khác biệt! Chính vì sợ nên mới xây dựng một vẻ ngoài hùng hổ, tự tin, nói năng như đúng rồi, luôn luôn có ngôn từ để ứng đối, nhưng kỳ lạ thay, vì chỉ giả vờ thế thôi chứ bên trong trống hoác nên ai nói gì cũng nghe, ai đưa gì cũng tin! Bất kỳ điều gì đánh vào cái “tôi”, cho họ một chút tự hào, tự mãn hão huyền là vơ lấy, cố sống cố chết bám vào đó! Vì “sợ hãi” nên “co cứng”, vì “co cứng” nên thành ra “cố chấp”, từ “cố chấp” trở thành “cố cùng”… Nhiều người không dám nói ra điều đó, chứ em đã gặp quá nhiều rồi, nhiều đến mức nhàm chán! Nhìn thẳng vào cái tâm, đó chẳng qua là một sự sợ hãi to lớn và thảm hại! 😢😢

streltsy

Post trước đã nói về phái đoàn của Sa-hoàng Peter đi thăm các nước phương Tây, một hành trình mà khởi đầu đã làm chết vài chục người, và khi kết thúc, số người chết sẽ lên đến hàng ngàn! Trước khi để trống ngai vàng và xuất ngoại, điều chưa từng xảy ra ở nước Nga trung cổ, Peter đã sắp xếp cho Lev Naryshkin, cậu ruột của mình làm nhiếp chính, người cai quản nước Nga khi ông vắng mặt. Naryshkin là một dòng họ danh giá ở Nga, có lẽ có gốc gác Tatar xa xưa. Điều thường thấy trong lịch sử Nga là các dòng họ tranh đấu, các bà vợ của Sa-hoàng đấu đá, nhưng hầu như không xảy ra tình trạng “họ ngoại” chiếm quyền như trong lịch sử TQ, ít ra điều đó chưa bao giờ xảy ra suốt lịch sử nhà Romanov. Lev Naryshkin, như người ta hay nói: trung thành như một con chó, điều hành bộ máy cảnh sát mật vụ, là tay trấn áp sắt máu, chính là đóng vai ác, để cho Peter đóng vai… thiện! Nhưng nói Peter đóng vai thiện thì… cũng chẳng ai tin.

Sau khi đi qua nhiều nước châu Âu, Peter phải cắt ngắn chuyến đi, tin từ nhà cho biết, đám Streltsy lại nổi loạn. Streltsy là hình thức quân đội Nga cũ, lực lượng đóng vai trò lớn trong đời sống chính trị lúc bấy giờ! Peter rất ghét Streltsy, khi ông còn nhỏ, họ đã nổi loạn một lần và giết chết một người cậu của ông. Biến cố lúc nhỏ này khiến Peter bị bệnh động kinh, một chứng thỉnh thoảng vẫn tái phát! Bạo loạn bị dẹp từ sớm bởi Lev Naryshkin và các tướng lĩnh trước khi Peter về đến Nga! Nhưng Sa-hoàng vẫn không hài lòng, ông đem vụ án ra xử lại, tự tay mình cầm rìu chặt đầu các nạn nhân, hàng ngàn người bị treo cổ, và tiếp tục truy cứu đến 10 năm về sau! Ngoài nguyên nhân là nỗi sợ từ thời thơ ấu, có một lý do thực tế hơn mà Sa-hoàng nhắm đến trong hành động thanh trừng đẫm máu này: nhân dịp giải tán toàn bộ lực lượng Streltsy và tổ chức lại quân đội dưới hình thức tuyển mộ nông dân và huấn luyện, trang bị hiện đại theo kiểu Tây phương.

minh kính

Bồ đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài…
菩提本無樹,明鏡亦非臺。。。

Hiểu theo một nghĩa nào đó, sách là một tấm gương, người ta đọc sách chẳng qua là một hình thức tự phản chiếu tâm hồn mình! Cách nói: “một tấm gương để noi theo” là sai hoàn toàn về ngữ nghĩa, vì khi soi gương, người ta chỉ thấy chính mình trong đó mà thôi! Có nhiều người cũng có đọc, có soi đấy, nhưng không có sự vận động, biến đổi nội tâm, rút cuộc cũng chỉ trở thành một dạng máy photocopy! Nếu hiểu theo nghĩa đó, soi một tấm gương xấu, gương méo có thể gây ảo giác, loạn thị, loạn thần! Và khoe nhà có hàng ngàn cuốn sách cũng giống như kiểu nói rằng: tôi đẹp là vì trong nhà có hàng ngàn cái gương vậy!

Thực chất, bạn chỉ cần 1, 2 cái mà thôi, có khi chả cần cái nào! Ấy nhưng thời buổi tiêu dùng, chúng nó cố gắng bơm vào đầu bạn cái suy nghĩ rằng mua càng nhiều gương càng tốt! Đã có rất nhiều người mua thật nhiều gương và sau đó tìm cách… chịu đựng nó, tìm cách vẽ ra vô số khuôn mặt biến ảo và phản chiếu lấp lánh trong đó! Đến lúc chịu đựng hết nổi rồi thì sẽ biết là… đập mịa nó gương đi sẽ tốt hơn, nhất là tình trạng hàm lởm, hàng chợ, hàng độc hại, nhảm nhí tràn lan như hiện nay! Ảnh: đến tận giờ tôi vẫn đọc, chủ yếu là trên Kindle cho đỡ hại mắt, và mỗi năm chỉ đọc 1, 2 cuốn thôi, không nhiều hơn!

peter the great, tv series

Tháng 3, 1697, phái đoàn ngoại giao Nga bắt đầu chuyến thăm qua nhiều nước châu Âu, dẫn đầu bởi đại sứ Franz Lefort, trong đoàn có anh đánh xe ngựa mang tên Peter Mikhailov, chính là Sa-hoàng giả danh, nhưng với chiều cao 2.03m của mình, đi đâu người ta cũng biết đó là ai! Lúc này, nước Nga hãy còn lạc hậu lắm, các thế lực bảo thủ, nhất là nhà thờ Chính thống giáo, không muốn Sa-hoàng của mình chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi văn minh phương Tây. Một đoàn đông đảo dẫn đầu bởi các giáo sĩ chặn đường nhà vua, đứng đầy trên một cây cầu bắt ngang sông Moskva, họ thỉnh cầu Peter đừng xuất ngoại.

Việc một Sa-hoàng để trống ngai vàng, đi ra nước ngoài là điều chưa bao giờ xảy ra ở nước Nga trung cổ. Viên chỉ huy ngự lâm quân quay lại hỏi ý kiến và nhận được lệnh cán qua đoàn biểu tình! Hàng trăm con ngựa phi nước đại càn qua cầu, đè chết vài chục người và làm hàng trăm người bị thương khi cố nhảy từ trên cầu xuống sông! Ngồi chung xe với Sa-hoàng, người hầu Menshikov (sau này là Tể tướng) còn kịp ngoái lại để nhìn thấy chính cha ruột của mình, một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình, kịp nhảy xuống sông thoát thân! Nước Nga đã bước ra khỏi đêm dài Trung cổ để văn minh hoá, hiện đại hoá như thế đó!

Đôi khi tôi thật sự ngạc nhiên về văn minh Anglo – Saxon, làm tài liệu, tư liệu giỏi nhất thế giới chính là họ. Chịu khó thu thập hiện vật lịch sử, xây nên các bảo tàng rộng lớn chính là họ! Bỏ công sức đi khắp nơi nơi, nghiên cứu các nền văn hoá, biên soạn ra vô vàn sách vở, phim ảnh cũng là họ! Và xào xáo các tư liệu đó, trình bày nó theo cách có lợi cho mình, dùng chính những thông tin thu thập được để nhào nặn, suy diễn, áp đặt, vẽ nên những hình ảnh khác, theo một cách vừa láo toét vừa khéo léo, tuỳ thời điểm, tuỳ bối cảnh, cố tình chụp mũ, gán nhãn, định danh, “ta đây biết rồi, nó là như thế này thế kia”, cũng lại chính là họ!

kỷ sở bất dục

Một nền báo chí, dịch thuật và sách vở vay mượn, chắp vá, lôm côm và nham nhở! Dịch đa phần từ tiếng Anh sang thì câu văn trúc trắc, tối nghĩa, và phần lớn các trường hợp, cho thấy là cũng chẳng hiểu gì văn bản gốc. Kỹ năng tiếng Anh và tiếng Việt đều ở mức làm người đọc cảm thấy sợ hãi, vì thứ “cơm sống” đó ăn vào chắc chắn sẽ bị “sình bụng”. Nhưng đó chưa phải là điều nguy hiểm nhất, nguy hiểm nhất chính là la liếm, vay mượn, đem những vấn đề xa lạ ở đâu đâu về, rồi tự cho là mình giỏi! Tất cả không giấu được một thực tế chính là vì bản thân trống hoác, không tự suy nghĩ được gì, không tự tạo ra được nội dung riêng biệt, nên bạ đâu cũng vay, mượn, copy, xào xáo một cách thô thiển và sống sượng! Nhìn vào những gì thể hiện, có vẻ như đó là một sự khiếm khuyết và bất an về tri thức, nhưng thực ra không phải vậy! Sự khiếm khuyết và bất an… thực chất nằm ở tầng đạo đức cộng đồng! Lúc nào cũng phải “hoạt ngôn”, “bao biện”, “chống chế”, vì đã có điều gì đó sai, vì bên trong có điều không ổn! Nên cứ phải luôn “bao bọc” bản thân bằng ngôn từ, bằng những thông tin lảm nhảm!

Đó không phải là sự theo đuổi kiến thức đích thực, chỉ là “loè người”, tìm cách “dẫn dắt” người khác bằng ngôn từ tào lao! Đó là sự “giấu dốt” bằng cách tung hoả mù thông tin, tương tự như việc chụp ảnh “loà sáng” để xoá hết mụn, nếp nhăn vậy! Về sách vở, không cần phải đọc quá nhiều, chỉ một vài quyển nhưng đọc kỹ có khi là cũng đã đủ rồi! XH vận hành bằng giá trị tin tưởng, tin cậy, chứ không phải bằng “trí thức giả danh”. Những chuyên môn “triết học”, “khoa học” là của các tạp chí chuyên ngành, không cần và không thể là “thức ăn đại chúng”! Tự nhìn vào bản thân, mọi suy nghĩ, nội dung đích thực đều xuất phát đều từ sự quán chiếu, quan sát chính mình và người khác! Tất cả bắt đầu bằng câu đơn giản: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – 己所不欲,勿施於人 – điều gì không thích (xảy ra với mình) thì đừng làm nó cho người khác! Một câu đơn giản, nhưng là điểm khởi đầu, cũng là điểm kết thúc của toàn bộ nền luân lý cộng đồng, một câu mà nếu hiểu cho rốt ráo thì xã hội đã không có những “thể loại hai mặt”, những kiểu “tiêu chuẩn kép” cùng những dạng “tri thức giả cầy” khác!

phim ảnh

Ngứa mồm nói chơi, hơn 30 năm nay không xem TV, gần như không biết gì về phim ảnh nước nhà! Nhưng những lần hiếm hoi có xem thì thấy kiểu: camera lia qua nhân vật thứ nhất, người này nói một câu, rồi camera lia qua nhân vật thứ hai, người này nói tiếp một câu, rồi camera quay trở lại nhân vật một, nói tiếp câu nữa… Cứ thế, cảnh quay máy móc, từng khung giật cục, chả có sáng tạo gì, cứ như là đọc từng dòng từ kịch bản ra vậy! Mà xem 10 phim là đã hết 9 như thế, các bạn mở TV lên kiểm tra xem có đúng thế không nhé?! Một cảnh quay “sống động” phải cho thấy không gian có nhiều nhân vật, hoạt động và lời thoại, có khi là chồng lấn, tiếp diễn, và tương tác phức tạp, không phải phân khúc đơ cứng, máy móc như thế!

Ngày xưa lúc trẻ thì nghĩ, ah, là do trình mình kém, chưa theo kịp người ta, chưa có kỹ thuật làm phim tốt! Nhưng già rồi thì ngộ ra một điều, là do “văn hoá, tâm hồn, sự tự nhận thức” mà thôi! Họ nhận thức về thế giới như thế nào thì họ làm phim như thế, điện ảnh chính là cái gương phản ánh cuộc sống, toàn những con người đơ cứng, cạn cợt, không thấy được cái gì khác ngoài cái “tâm” “trống hoác”, “nghèo nàn” và “máy móc” của họ! Nên trước có đọc một bài báo nói rất đúng: hãy cứ sống thực đi, rồi mới mong có giáo dục thực chất, hãy có một tâm hồn phong phú, thấu hiểu đi, rồi mới mong có điện ảnh hay! Con người thì như thế, nhưng những trò lưu manh lặt vặt, tài lanh, “ta đây biết rồi” thì lại rất rất nhanh, đúng là quái lạ!

thời xa vắng

Lâu lắm rồi mới cầm lại cuốn sách này, tác giả của nó vừa mới ra đi hôm qua. Phải lật cẩn thận, vì sách đã rất cũ, cuốn này xuất bản năm 1986, giấy vừa đen vừa xấu, các trang sách như muốn rời vụn ra từng mảnh. Nói chung, sức đọc của em khá là lớn, và cũng từng thích đọc rất nhiều thể loại khác nhau, nhưng giờ có tuổi chút rồi, ai mà nói đến chuyện “đọc sách” là em cứ “chửi phủ đầu” cái đã 😃 mọi người thông cảm…

Nói cho ngay, sách vở không phải là thứ gì “tốt đẹp”!!! Em đã từng chứng kiến vô số người “tẩu hoả nhập ma” vì sách, huyên thuyên một mớ từ ngữ tào lao, vô nghĩa, sáo rỗng mà lại cứ cho rằng mình hay. Ở một khía cạnh khác, tất cả những thứ thuộc về thức ăn tinh thần, âm nhạc, sách vở, etc… là chuyện rất cá nhân, người ta lẳng lặng đọc, lẳng lặng nghe, éo có cái học thức nào oang oang như “bolero” và ầm ĩ như mạng xã hội!

song of the volga boatmen

Đến hẹn lại lên, cuối tuần mới có thời gian để lên Face… tiếp tục chương trình âm nhạc Nga – Xô! 🙂 Khi nhỏ, đã xem bức tranh rất nổi tiếng của Ilya Repin: Người kéo thuyền trên sông Volga, rất đẹp, rất chi tiết, trong một tập sách ảnh siêu đẹp ở nhà! Và cũng đã nghe phần nhạc, qua lời Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng thú thật, không ấn tượng cho lắm, cho đến sau này nghe nguyên bản tiếng Nga, là một bài dân ca cổ, xưa cũ và lâu đời, dữ dội và hoành tráng, như chính lịch sử, văn hoá nước Nga vậy!

Volga, con sông dài hơn 3500km, ngày nay, cùng với hệ thống kênh đào, nối liền Nam – Bắc nước Nga, có thể thông từ biển Baltic xuống tận biển Đen. Ngay từ ngày xưa là tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng, giúp hàng hoá lưu thông, điều phối lực lượng, lúc thì xuôi Nam, khi thì ngược Bắc! Ngay từ thời Sa-hoàng Peter-the-great, các tàu chiến đóng ở trên sông, thường phải được kéo qua các vùng nước cạn, ra ngoài cửa sông rồi mới lắp súng và chất đầy tải… nên từ đó xuất hiện nghề kéo thuyền trên sông Volga.

prekrasnoe daleko

Chương trình âm nhạc Xô-viết cuối tuần. Chuyện cổ tích của các nước phương Tây thường bắt đầu như thế này: Ngày xửa, ngày xưa, đã từng có một xxx…, còn chuyện cổ tích Liên Xô lại thường bắt đầu như thế này: Đến một ngày, trong tương lai, sẽ có một yyy… 😃

Nhạc phim thiếu nhi Tương lai xa xôi tuyệt vời, 1983, bài ca thật tuyệt, trong trẻo, thanh thoát, bay bổng, đã được dịch ra vô số ngôn ngữ khác nhau. Tuy chỉ là phim và nhạc cho trẻ con, nhưng người lớn nghe sẽ biết “Tương lai xa xôi tuyệt vời” chính là bài ca nói về quá khứ!