oktavist

hương trình âm nhạc cuối tuần… Âm nhạc, như là phương tiện để phụng sự, tôn vinh các tình cảm thiêng liêng, đi loanh quanh một lúc thế nào cũng quay về âm nhạc giáo đường! Như trong một số bản nhạc LX thì cái dấu vết âm nhạc nhà thờ không giấu đi đâu được. Sử dụng rất nhiều các oktavist – loại giọng nam siêu trầm, còn thấp hơn cả basso – profondo! Ngay đoạn đầu trong clip, phát thanh viên Yuri Levitan đọc tuyên bố chiến thắng 1945 cũng là một basso – profondo: Vnimanie, govorit Moskva… – Chú ý, đây là tiếng nói Moskva…

Ca khúc được viết những 30 năm sau chiến tranh, hầu hết nhạc chúng ta nghe ngày nay là hồi tưởng và viết lại, chứ đương thời, ngay lúc sự kiện đang xảy ra thì chẳng ai có thời gian đâu mà viết nhạc! Bài hát trở nên nổi tiếng và phổ biến nhờ cái air nhẹ nhàng vui vẻ của nó, và đan xen cùng lúc là cái mood trang nghiêm, kính cẩn! …Không phải ai trong chúng con cũng trở về, Mẹ ơi, con thèm lại được bước đi chân trần qua vạt cỏ đẫm sương… Cho dù là “Russophilia” hay “Russophobia” thì bạn cũng phải thừa nhận âm nhạc Nga rất đặc sắc và tràn đầy sức sống!

petro primo

à bức tượng do nữ hoàng Catherine-2 ra lệnh tạo tác, mất 14 năm mới hoàn thành, tạo hình Peter-1 cỡi trên lưng ngựa! Peter, người đã ra lệnh xây dựng thành phố St. Petersburg, thủ đô mới của nước Nga, và cũng là hải cảng quan trọng đầu tiên thông thương với thế giới! Dưới bệ đá có dòng chữ Latin: “Petro primo Catharina secunda”, ý nói được tạo tác bởi Catherine-2 nhằm tưởng nhớ Peter-1 nhưng cũng ngầm khẳng định vị thế kế thừa đại nghiệp: “Peter thứ nhất, Catherine thứ hai” của bà nữ hoàng! “Kỵ sĩ đồng”, Pushkin, được xem là bài thơ vĩ đại nhất của văn học Nga, chính là nói về bức tượng này! Bài thơ tưởng tượng ra nhân vật Evgenii và người yêu của anh ta là Parasha! Thành phố St. Petersburg nằm ở vùng đầm lầy cửa sông!

Vị trị thấp nên thường bị ngập lụt. Parasha chết trong một trận lụt như thế, còn Evgenii trong cơn đau khổ và tuyệt vọng, đã nguyền rủa bức tượng đồng, người đã cho xây dựng thành phố tại vị trí bất lợi! Đột nhiên, bức tượng đồng sống dậy và truy đuổi Evgenii khắp nơi! Kết bài thơ không nói rõ, chỉ ám chỉ một điều sau đó, Evgenii được tìm thấy đã chết! Chỉ là câu chuyện “đơn giản” như vậy, nhưng đằng sau nó là nỗi ám ảnh lớn lao đã giày vò nước Nga và tầng lớp tư tưởng của nó suốt mấy trăm năm qua, ngay từ thời các Sa-hoàng! Chính là mâu thuẫn muôn đời giữa “tôi và chúng ta”, giữa “cá thể và cộng đồng”, giữa “hạnh phúc cá nhân và lợi ích xã hội”. Có thể nói, lịch sử nước Nga suốt vài thế kỷ qua chỉ xoay quanh vấn đề này, và những cách thức giải quyết nó!

scarlet sails

a hoàng từ phía chiếc tàu bước nhanh tới; nhà vua mặc quần chẽn bằng nhung kiểu Hà Lan ngắn tới đầu gối, áo sơ-mi vải thô, ống tay xắn lên, đội mũ tròn bằng vải sơn, hất ra đằng sau. Sa hoàng dừng lại trước bục, kính cẩn bỏ mũ ra trước viên đô đốc Golovin to béo, đầu đội một bộ tóc giả to sù, tay cầm một cốc rượu nho Hungary: – Thưa ngài đô đốc, tôi hân hạnh được chào ngài! – Chào thợ cả Piotr Alekseevich, – Golovin nghiêm trang trả lời. – Thưa ngài đô đốc, tàu đã sẵn sàng hạ thuỷ. Ngài cho phép rút đòn kê. – Cầu Chúa phù hộ, làm đi! Ông quận công, ngừng xoắn bộ ria mép, kinh ngạc nhìn Sa hoàng: không khác gì một người thợ mộc bình thường, một người dòng dõi thấp kém! Nhà vua cúi chào viên đô đốc, đội mũ vào rồi hấp tấp bỏ đi, chân dẫm lên đống vỏ bào.

Rất nhiều tài liệu, thư từ, giấy tờ lịch sử còn lưu lại chứng thực điều này: Peter đóng rất nhiều vai trong cuộc đời mình, và diễn như thật! Với các tướng lĩnh, đô đốc, Peter vừa là Sa-hoàng, vừa là anh binh bét! Khi còn là một đứa trẻ chơi trận giả, Peter đã như thế, nhưng khi đã trưởng thành cũng vẫn như thế, xem cuộc sống như là sự tiếp diễn của những trò chơi lúc nhỏ! Người chỉ đọc thoáng qua thì sẽ nghĩ rằng Sa-hoàng là một kiểu… “đa nhân cách”, luân phiên diễn những vai rất khác nhau: có nhưng vai ngang bằng với lính tráng, uống rượu, cãi cọ, ẩu đả, nhưng cũng có những vai học thức, trầm ngâm trước các bản thiết kế, lại có những vai thực sự là Sa-hoàng tàn bạo, tự tay cầm rìu chặt đầu những kẻ nổi loạn… Ảnh: con tàu Rossiya (brig) tại lễ hội Cánh buồm đỏ thắm!

poltava, 1712

oltava, 1712, được đặt tên theo trận đại thắng tại Poltava, Ukraine chỉ mới 3 năm trước đó! Con tàu 1200 tấn, 54 súng này cũng do Peter trực tiếp giám sát thi công và trong một vài dịp, làm thuyền trưởng. Những chiến hạm của nước Nga đương thời thường chỉ 50 ~ 60 súng, mãi hơn 50 năm sau mới bắt đầu đóng những chiến hạm hạng nhất 100 ~ 120 súng! Không phải vì họ không đóng được tàu lớn hơn mà đơn giản vì những vùng như biển Đen, biển Baltic thường cạn, địa hình đáy biển phức tạp, thời tiết thất thường, những chiến hạm quá lớn không hoạt động hiệu quả, và trong tác chiến, điển hình như trận Hải chiến Gangut, rất dễ bị các tàu galley chèo tay, nhỏ, yếu nhưng đông hơn và linh hoạt hơn đánh bại!

Cần phải nói về các “vai diễn” khác nhau mà Peter đóng trong lục quân và hải quân, đôi khi ông ấy đóng vai thuỷ thủ, đôi khi pháo thủ, đôi khi là thuyền trưởng! Điều này được những người thân cận với Peter như đô đốc Fyodor Apraksin tận dụng triệt để! Nếu thảo luận với thuỷ-thủ-Peter về thiết kế tàu, về chiến thuật trên biển thì Apraksin sẽ bảo vệ quan điểm của mình, cãi nhau đỏ mặt tía tai! Nhưng nếu bàn bạc với Sa-hoàng-Peter thì Apraksin sẽ ngoan ngoãn chấp hành! Cũng phải nói thêm rằng, Peter luân chuyển giữa những “vai” khác nhau, và “diễn” như thật: từ y phục, cách xưng hô cho đến ngôn từ trên giấy tờ, tất cả đều theo đúng “chức vụ & cấp bậc”! Điều này thường chỉ thấy ở “thiên tài” hoặc “điên loạn”! 😅

peter

hải đặt mọi chuyện trong bối cảnh của nó mới hiểu được bản chất ý nghĩa thật! Nước Nga Trung Cổ, 2 gia tộc Miloslavsky và Naryshkin của hai người vợ Sa hoàng Alexis đấu đá nhau, rất nhiều âm mưu, thủ đoạn hậu cung, từ đầu độc cho đến ám sát! Giới lãnh chúa, tăng lữ, chủ nô cùng với những lề thói in sâu cả nghìn đời không muốn thay đổi! Để khiến nước Nga thay đổi, để bãi bỏ những thói quen ngàn năm, để cất nhắc một người không dựa trên xuất thân mà chỉ dựa trên công trạng, cần phải có cái ý chí sắt đá như Peter mới làm được!

Phải một tay nắm tóc, một tay quất roi vào mông mới có thể kéo nước Nga – “vừa đi vừa khóc” thoát ra khỏi đêm trường Trung Cổ! Nếu nói về mức độ khốc liệt của những mâu thuẫn và vận động xã hội, của đấu đá chính trị, bè phái cung đình thì phim cung đấu TQ so ra, đúng là vô vị và nhạt nhẽo! Lịch sử thật sự của nước Nga còn ác liệt gấp trăm lần hơn thế! Nên chẳng cần phải xem phim đâu, hãy đọc lại lịch sử, quốc gia nào cũng có những chương thú vị riêng, nhưng riêng ku Nga thì mức độ khốc liệt có thể nói là lên đến gần như điên loạn! 😅

menshikov

enshikov vốn là một cậu bé bán bánh rán dạo trên đường phố Moscow. Một lần, vị Sa-hoàng nhỏ tuổi Peter trốn khỏi hoàng cung đi chơi gặp được, Menshikov dạy cho Peter những mánh khoé của lưu manh đường phố, ví dụ như làm thế nào để “hô biến” một đồng xu. Peter mê tít những “trò chơi” đó, và thế là Menshikov trở thành người hầu, ngủ dưới chân giường của nhà vua! Cũng giống như Hoà Thân với Càn Long vậy, Menshikov trở thành người giàu thứ nhì toàn Nga nhờ vào mối quan hệ thân thiết với Sa hoàng. Peter biết rõ Menshikov tham nhũng, nhưng vì tình bạn thủa niên thiếu của hai người nên đã nhiều lần bỏ qua!

Menshikov còn thừa nhận thẳng thắn: bệ hạ biết rõ thần lớn lên trên đường phố, từ nhỏ thần đã ăn cắp, nên suốt đời thần ăn cắp! Nhưng khác với Hoà Thân chỉ biết nịnh bợ, Menshikov là người có năng lực tổ chức và làm được rất nhiều việc! Là một trong số ít những người thân cận với Peter lăn lộn trên công trường, đóng chiến thuyền, cùng lội bùn kéo pháo như một người lính bình thường nhất! Triều đại của Peter để lại vô số những chuyện “hoang đường” chưa từng có trong lịch sử: một cô gái nông dân mù chữ nhặt được trên đống rơm trở thành Hoàng hậu, một cậu bé bán hàng rong vớ được trên đường phố trở thành Tể tướng… 😅

alexis

ính cách Nga có một sự phân hoá lưỡng cực, tương phản giữa kỷ luật và phóng túng, kiên nhẫn và hấp tấp, nhẹ nhàng và mạnh bạo, tốt bụng và độc ác… một sự phân hoá mà người ngoài khó lòng hiểu được nếu không tìm hiểu kỹ về văn hoá, lịch sử nước Nga! Tính cách ấy do quá trình đấu tranh sinh tồn hàng ngàn năm mà tạo thành! Một ví dụ điển hình là Sa-hoàng Alexis-1, bố của Peter-the-great! Là người to lớn, khoẻ mạnh, điển trai, tính tình được mô tả là mềm mỏng, lịch sự, một nhân vật mà công hay tội cho đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi!

Có lần, đám đông dân chúng tập trung kiến nghị với Sa-hoàng Alexis về chính sách đúc tiền không hợp lý gây ra lạm phát! Nhà vua kiên nhẫn ngồi nghe người dân phản ánh, vui vẻ tiếp nhận đơn kiến nghị của họ, nhẹ nhàng hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề! Đám đông được thể, càng lúc càng tập trung đông, hò hét phản đối, dùng lời lẽ khó nghe… Alexis sau đó vẫy tay nhẹ một phát, đội ngự lâm quân xông vào, chỉ trong phút chốc, 2000 (hai ngàn !!!) người bị tàn sát, không ai sống sót! 😅 Tính cách phân hoá lưỡng cực nên ai yêu thì rất yêu, mà ai ghét thì cũng rất ghét!

trịnh quốc cừ

ăm 247 TCN, Doanh Chính lên ngôi Tần vương, nước Tần bắt đầu kế hoạch Đông-xuất, tiến quân về phía đông qua ải Hàm Cốc, tiêu diệt 6 nước, thống nhất Trung Quốc! Nước Hàn nằm giữa, là nước nhỏ và yếu nhất trong số lục quốc, khi ấy bắt đầu một kế hoạch phá hoại, ly gián nước Tần bằng cách gởi một kỹ sư thuỷ lợi tài năng tên là Trịnh Quốc đến Tần, thuyết phục Tần vương cho xây dựng một con kênh đào lớn. Công trình sẽ mất hơn chục năm mới hoàn thành, phải huy động hàng chục vạn dân phu, binh lính và tiêu tốn vô số tiền bạc, của cải! Với kế hoạch này, nước Hàn hy vọng phần lớn nhân lực, tài nguyên nước Tần sẽ bị lôi cuốn, hao phí vào đại công trình thuỷ lợi mà chậm trễ các hoạt động quân sự! Kế hoạch “thành công”, hay ít nhất trên phương diện nào đó cũng tạm gọi là như thế!

Ngay từ đầu, Lý Tư (lúc đó vẫn chưa lên đến chức Thừa tướng nước Tần) biết rõ Trịnh Quốc là gián điệp nhưng vẫn ủng hộ xây dựng công trình! Công việc tiến triển được 5 năm thì Tần vương biết được sự thật, bèn triệu tới hỏi chuyện, Trịnh Quốc đáp rằng: vốn dĩ là gián điệp nước Hàn, kế hoạch thuỷ công có thể giúp nước Hàn yên ổn thêm vài năm, nhưng sẽ giúp nước Tần hùng mạnh vạn đại! Tần vương cân nhắc và cho tiếp tục xây dựng con kênh dài 150 km này, sau khi hoàn thành thậm chí còn đặt tên là “kênh Trịnh Quốc”, hệ thống thuỷ lợi đã giúp tưới tiêu cho hàng triệu mẫu ruộng, giúp nước Tần có đủ lương thực để thực hiện kế hoạch tiêu diệt 6 nước, thống nhất thiên hạ! Đến ngày nay, kênh Trịnh Quốc chỉ là một trong số những công trình xây dựng vĩ đại mà Tần thuỷ hoàng lưu lại cho hậu thế!

dân tộc tính, 1

ì vài đồng bạc lẻ mà bỏ độc vào trà, hại người là chuyện nhỏ, cầm đá tự ghè chân mình mới là chuyện lớn! Tâm địa lưu manh lặt vặt, là tự mình hại chính mình, đừng đổ lỗi cho ai khác! Thế nên mới bảo “mãi không chịu lớn”, ai nói gì cũng nghe, ai xúi gì cũng làm! “Giá trị cộng đồng” bao gồm rất nhiều thứ, nhưng căn bản, sau cùng vẫn quay về “đạo đức cá nhân”! Mà không phải chỉ “ít học” mới thế, các thành phần “học nhiều” cũng y như thế, bất kể trình độ văn hoá, học vấn, bất kể vùng miền, xu hướng tôn giáo, chính trị…

Cả những loại đã ở nước ngoài 30, 40 năm, thấy biết bao chuyện hay của thiên hạ rồi mà tâm địa không hề thấy biến chuyển, thay đổi gì! Từ “đạo đức cá nhân”, biết phân biệt đúng sai cơ bản, cho đến “đạo đức nghề nghiệp”, biết quý trọng điều mình làm ra, thảy đều là một khoảng không trống hoác! Lại thêm thói “hoa ngôn xảo ngữ” lâu ngày thành quen, nên cái gì cũng “biết”, mà rút cuộc không “biết” được cái gì cho ra hồn! Thế nên mới bảo: người ta không thể hiểu cái bên trong họ không có, vì nó đã trở thành một thứ dân tộc tính cố hữu! 😢

poltava

ói về lịch sử, “chủ nhân” của vùng Đông – Nam Ukraine ngày nay không phải là người Nga, cũng chẳng phải người Ukraine mà là những người Tatar! Hãn quốc Crimea đương thời chiếm một vùng rộng lớn, lớn hơn Crimea ngày nay nhiều, phía Bắc đến Ba Lan, phía Nam đến Thổ, phía Tây bao gồm cả vùng Rostov-on-Don của nước Nga bây giờ, nếu truy phả hệ thì Hãn quốc Crimea quay về người con trai trưởng của Thành Cát Tư Hãn. Nước Nga lúc đó chia thành hai bộ phận, phần phía bắc là nền nông nghiệp định cư, có năng lực sản xuất lớn, cùng với đó là mâu thuẫn xã hội tích tụ do cuộc sống cố định mà hình thành. Phía nam là những người Nga – cossack, cuộc sống bán du mục, tự do hơn, nhưng phụ thuộc vào phần phía Bắc về văn hoá, kỹ thuật, chính trị và cả kinh tế!

Người Tatar nhiều lần mở những cuộc đột kích vào Nga, có lần đánh đến tận thủ đô Moscow, nên suốt các thế kỷ 16, 17, người Nga nhiều lần Nam chinh đánh đuổi người Tatar! Hãn quốc Crimea cũng giống như vương quốc Champa (đã diệt vong), Ukraine thì giống… Campuchia, còn Ba Lan ở đây đóng vai Thái Lan, dĩ nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng! 😃 Quay trở lại cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Sa hoàng Peter-I lúc này còn đang mãi chơi trận giả, những cuộc tập trận của ông vua con có cả ngàn người tham gia! Trong thực tế, vương hầu Vasily Golitsyn (cố vấn kiêm người tình của nhiếp chính Sophia, chị cùng cha khác mẹ của Peter) nắm quyền, cả hai lần dẫn quân Nam chinh đều thất bại, bộ binh và pháo binh phần lớn là người Nga, kỵ binh phần lớn là người Nga Cossack!

Khi Peter-I đủ 17 tuổi, gạt nhiếp chính Sophia qua một bên, trực tiếp nắm quyền, tiếp tục Nam chinh! Trận Poltava (miền trung Ukraine, gần Kharkov) là dấu mốc lịch sử, Peter đánh bại quân đội Thuỵ Điển của Charles-XII! Chỉ số ít người Ukraine Cossack cầm đầu bởi Ivan Mazepa đứng về phía Thuỵ Điển, số đông đứng bên phía Nga! Trận Poltava mở ra một chương mới, nước Nga mở rộng về phía Tây Nam, cũng giống như Việt Nam, một chương mà hơn 300 năm vẫn chưa viết xong! Ước mơ của Peter-I không phải chỉ là Ukraine mà là kiểm soát các eo biển Dardanelles và Bosphorus của Đế-chế Ottoman (rộng lớn hơn ngày nay rất nhiều), tìm đường từ biển Đen ra Địa Trung Hải! Cũng gần giống như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, nếu như không có Poltava thì cũng sẽ chẳng có cái là Ukraine ngày nay!

Một không gian địa chính trị quá rộng lớn và siêu phức tạp bao gồm rất nhiều bên có liên quan, từ Liên minh phương Bắc do Thuỵ Điển cầm đầu, đến Đế chế Ottoman ở phía Nam, Peter-I gây chiến suốt từ Nam đến Bắc, cùng lúc đối đầu gần như với cả châu Âu! Cho đến ngày nay, hai con đường ra biển, một phía Bắc và một phía Nam: phía Bắc đứng chân tại Kaliningrad (chính là Königsberg, nổi tiếng trong giới Computer Science với bài toán 7 cây cầu – travelling salesman, đây cũng là quê hương của Immanuel Kant), phía Nam dùng Crimea làm bàn đạp, tiếp tục gây sức ép với Thổ, chưa thông được từ biển Đen ra Địa Trung Hải, hai đầu Địa Trung Hải là Gibraltar và kênh đào Suez vẫn do Anh (và bây giờ là NATO) kiểm soát! Xem ra, bài ca “Đất phương Nam” này vẫn sẽ còn tiếp tục thêm rất rất lâu nữa… 😅