kỷ sở bất dục

ột nền báo chí, dịch thuật và sách vở vay mượn, chắp vá, lôm côm và nham nhở! Dịch đa phần từ tiếng Anh sang thì câu văn trúc trắc, tối nghĩa, và phần lớn các trường hợp, cho thấy là cũng chẳng hiểu gì văn bản gốc. Kỹ năng tiếng Anh và tiếng Việt đều ở mức làm người đọc cảm thấy sợ hãi, vì thứ “cơm sống” đó ăn vào chắc chắn sẽ bị “sình bụng”. Nhưng đó chưa phải là điều nguy hiểm nhất, nguy hiểm nhất chính là la liếm, vay mượn, đem những vấn đề xa lạ ở đâu đâu về, rồi tự cho là mình giỏi! Tất cả không giấu được một thực tế chính là vì bản thân trống hoác, không tự suy nghĩ được gì, không tự tạo ra được nội dung riêng biệt, nên bạ đâu cũng vay, mượn, copy, xào xáo một cách thô thiển và sống sượng! Nhìn vào những gì thể hiện, có vẻ như đó là một sự khiếm khuyết và bất an về tri thức, nhưng thực ra không phải vậy! Sự khiếm khuyết và bất an… thực chất nằm ở tầng đạo đức cộng đồng! Lúc nào cũng phải “hoạt ngôn”, “bao biện”, “chống chế”, vì đã có điều gì đó sai, vì bên trong có điều không ổn! Nên cứ phải luôn “bao bọc” bản thân bằng ngôn từ, bằng những thông tin lảm nhảm!

Đó không phải là sự theo đuổi kiến thức đích thực mà chỉ là sự “loè người”, tìm cách “dẫn dắt” người khác bằng ngôn từ tào lao, vớ vẩn! Đó là sự “giấu dốt” bằng cách tung hoả mù thông tin, tương tự như việc chụp ảnh “loà sáng” để xoá hết mụn, nếp nhăn vậy! Về sách vở, không cần phải đọc quá nhiều, chỉ một vài quyển nhưng đọc kỹ có khi là cũng đã đủ rồi! XH vận hành bằng giá trị tin tưởng, tin cậy, chứ không phải bằng “trí thức giả danh”. Những chuyên môn “triết học”, “khoa học” là của các tạp chí chuyên ngành, không cần và không thể là “thức ăn đại chúng”! Tự nhìn vào bản thân, mọi suy nghĩ, nội dung đích thực đều xuất phát đều từ sự quán chiếu, quan sát chính mình và người khác! Tất cả bắt đầu bằng câu đơn giản: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – 己所不欲,勿施於人 – điều gì không thích (xảy ra với mình) thì đừng làm nó cho người khác! Một câu đơn giản, nhưng là điểm khởi đầu, cũng là điểm kết thúc của toàn bộ nền luân lý cộng đồng, một câu mà nếu hiểu cho rốt ráo thì xã hội đã không có những “thể loại hai mặt”, những kiểu “tiêu chuẩn kép” cùng những dạng “tri thức giả cầy” khác!