taras bulba

Taras Bulba, hầu như ai trong chúng ta cũng nhớ, nằm trong chương trình Ngữ văn cấp 3, hình như là lớp 11! Nikolay Gogol, tác gia người Nga gốc Ukraine, viết bằng tiếng Nga về người Cossack sống ở vùng đất mà ngày nay là Ukraine. Mà Cossack, giống dân vốn dĩ là du mục đó, là Nga hay là Ukraine, thật không thể nói cho rõ ràng được! Phiên bản tiểu thuyết sau cùng của Gogol cổ vũ cho một tinh thần “đại Nga” mà không nói một chữ Ukraine nào! Cho đến ngày nay, cả hai phía vẫn còn “giành giật” nhân vật tiểu thuyết tưởng tượng này!

Dĩ nhiên, lúc học văn ở ghế nhà trường thì cũng chỉ là những văn bản chữ nghĩa khô khan mà thôi, đâu có hiểu được rằng thực tế, lịch sử, dân tộc, văn hoá nó lại phức tạp đến như vậy! Nhưng ngày nay chúng ta biết được có một một Taras Bulba sống động, hoành tráng với âm thanh và hình ảnh! Và lại là bài ca “Poliushko Polie”, giọng ca Ivan Rebroff (một người Đức chẳng dính gì đến Nga ngoài chữ Ivan). Đương nhiên không hay và ấn tượng như trình bày của dàn nhạc Alexandrov, nhưng qua đó cũng cho thấy một phần gốc gác dân ca xa xưa của bản nhạc này!

chiếc khăn xanh

Người hiện đại, cáp mạng RJ45 và Wifi đã cắm vào đầu rồi, liên tục phải có kích thích, cập nhật, rút dây ra là chết não ngay (cắm dây vào thì lại thành xác sống). Số những người có khả năng cầm súng chiến đấu trong rừng, sống với lý tưởng và niềm tin đơn thuần, không cần các loại “thông tin – fastfood” chẳng có bao nhiêu!

Như người ta thường nói, đôi khi, đến khi không còn lại cái gì cả, thì khi đó mới biết đâu là “bản lĩnh văn hoá” thực sự! Nên đôi khi cũng phải xem xem, cái vỏ bọc xã hội hiện đại, bản lĩnh diễn trò của mấy “anh hề” nó mỏng tới cỡ nào! Cá tính Nga mà, giống y như lời bài hát “The cuckoo” vậy: nếu quanh đây có thuốc súng, hãy cho tôi cái bật lửa! 😅

the cuckoo

Nhạc Nga – Xô-viết thường là những tác giả được đào tạo rất kỹ về nhạc cổ điển, câu nhạc viết ra thường có nhiều màu sắc, nhiều lớp lang khác nhau! Nhưng đôi khi cũng nên nghe những loại âm nhạc hiện đại hơn, đơn giản hơn một chút để thay đổi không khí, ca khúc “The Cuckoo”, nhạc phim “Battle for Sevastopol”, 2015…

Phim nói về Lyudmila Pavlichenko, nữ xạ thủ bắn tỉa LX, người trong một lần nói chuyện trước báo chí ở Chicago, nhằm vận động nước Mỹ mở mặt trận thứ 2 phía Tây chống Đức-quốc-xã, đã nói: tôi, Lyudmila Pavlichenko, năm nay 25 tuổi, đã hạ 309 tên Phát-xít, các quý ông, các ông còn định núp sau lưng tôi bao lâu nữa!?

chấn hoa

Coi nhiều đến phát nhàm, những kiểu mẫu phổ biến, con nhà người ta: cấp 3 là học trường Chấn Hoa (chữ ‘chấn’ trong chấn chỉnh, chấn hưng), lên Đại học là vào Thanh Hoa (chữ ‘thanh’ với 3 chấm thuỷ, nghĩa là trong sạch, thanh cao), ra trường là tham gia kiến thiết doanh nghiệp kiểu như Hoa Vi (Huawei, chữ ‘vi’ tức là: vì, bởi, do, cho…)

Trung Quốc mà, nhất là những vùng phía đông bắc, làm cái gì cũng có bài bản, có tư tưởng nhất quán ở đằng sau, nói theo kiểu ngày xưa tức là…. “tu, tề, trị, bình” !!! 🙂 Tuy có phần khuôn mẫu, nhàm chán, thậm chí giáo điều, nhưng phim thanh xuân Trung Quốc truyền đi những thông điệp, những ví dụ, những bài học làm người một cách rất rõ ràng và tươi đẹp!

mùa hè của hương bạc hà

Thủ pháp “kịch” trong phim ảnh TQ… Chàng trai hẹn bạn gái, bạn gái khóc ướt vai áo, về nhà ku em hỏi sao áo lại ướt, thằng anh trả lời: do chó con nó liếm! Thằng em 10 tuổi lém lỉnh đáp: chắc con chó dễ thương lắm! 😃 Cách làm phim “tăng tuổi, tăng độ trưởng thành” cho nhân vật như thế rất phổ biến trong phim ảnh TQ, lâu lâu lại xuất hiện một nhân vật, một giây phút xuất thần, trở thành người khác, tách biệt ra khỏi bối cảnh! Hay hay dở, giỏi hay vụng, thì cũng là một “thủ pháp”, cứ phải “tăng tuổi” cho nhân vật để giúp truyền tải một thông điệp, đạo lý nào đó…

Phim thanh xuân là một hình thức phản tỉnh, người ta nhớ lại những tháng ngày xưa ấy, “nhớ lại và suy nghĩ”, tìm cách diễn đạt, hình dung lại sự việc, cho nó một cái nhìn có tính toàn diện hơn, đồng thời cũng mang tính giáo dục hơn! Phim TQ là trùm những “thủ pháp” như thế, làm phim kiểu như vậy chính là cách để giáo dục, uốn nắn thế hệ trẻ. Đương nhiên lạm dụng “thủ pháp” sẽ khiến phim đơ cứng, thiếu tự nhiên. Suy cho cùng, đó là những điều xảy ra một cách tự nhiên ở lứa tuổi đó, còn “lý tính” chỉ là cái mà chúng ta áp đặt cho nó mãi về sau này mà thôi…

Thanh xuân

Thời gian cuối năm rảnh rỗi, xem vài bộ phim thanh xuân giải trí! Phim này đúng là có khác biệt với những thể loại “thanh xuân ngôn tình” khác, ít “trai xinh gái đẹp”, ít “tiểu thịt tươi” và các màn diễn đơ cứng, công thức, đầy tính “phẫu thuật thẩm mĩ”, thay vào đó, phim tập trung nhiều vào những chi tiết thật của cuộc sống, đôi khi thực đến mức “lầy lội”. Xem qua vài tập, thấy vài lần trích dẫn những loại “cổ văn” mà tôi không biết là đã thấy hơi giật mình! Thường thì phim thương mại TQ hiện đại nếu có trích dẫn “cổ văn” thì đa số vẫn chỉ là những câu tương đối phổ thông, vì trình độ “biên kịch” chỉ đến thế mà thôi! Còn trích dẫn sâu xa hơn thì đương nhiên là phải ở một trình khác, chính vì như thế mà có hứng xem tiếp!

Trong một trích đoạn, 2 vị phụ huynh nói chuyện với nhau: “Bao giờ thì con gái chúng ta lớn?” Đáp: “Có tập phim nào mà ông không hỏi câu đó, mãi vẫn chưa lớn đấy thôi”! Trong một trích đoạn khác, hỏi: “Cậu có biết Cẩu-ca thích cậu hay không?” Nữ chính đáp: “Lâu như vậy rồi mà mình còn không biết, thì khán giả xem phim toàn quốc chửi cho ngập mặt à?” 😃 Xem tiếp thấy rõ tính “kịch” của phim này, những đoạn thực và giả cứ hoán đổi cho nhau! Dĩ nhiên là một thủ pháp nghệ thuật tốt nếu dùng đúng lúc! Nhạc phim khá, nhiều đoạn cứ đem “vòng quãng 5 cổ điển” (kiểu như Pachelbel canon) ra đánh là tạo cảm giác êm đềm, hạnh phúc ngay, tuy hơi lạm dụng nhưng dù sao cũng có đầu tư, tốt hơn nhiều so với các phim thương mại!

When We Were Young

Đầu phim là cảnh 2 nữ sinh nắm tóc, đánh nhau long trời lở đất, lăn từ trên cầu thang xuống (tập 4, phút 7:00), thanh xuân quả thật có nhiều chuyện để nhớ! 😃 Cũng đánh nhau mẻ đầu sứt trán, mà tại sao phim của người ta vẫn mang tính giáo dục rất cao!? Vì ngoài phản ánh thực tế, vẫn truyền tải rất nhiều giá trị khác! Không như phim VN, ngoài mấy cái bắt chước thô thiển, nhìn lại thấy một khoảng trống rỗng trong tâm hồn!

Phim đầy tính hình mẫu, sử dụng khá nhiều cổ văn, thành ngữ, Đường thi, Tống từ. Cũng bởi khối lượng văn học cổ đồ sộ như vậy, để học được 2, 3 ngàn chữ phổ thông mất rất nhiều năm, tốn khá nhiều “công phu”, thế nên thói “đĩ miệng”, những kiểu suy nghĩ và phát ngôn tuỳ tiện tự nhiên, tự dưng mà biến mất! Ai cũng “biết” muốn phát triển lâu dài cần nền tảng văn hoá, nhưng ai cũng loay hoay éo biết “văn hoá” là cái gì, bắt đầu từ đâu!? 😢

Vì nhà không có TV và cũng không có thói quen xem TV, nên lâu lâu, lại cứ phải xem vài bộ để cập nhật tình hình! Xem phim phụ đề này có nhiều cái hay, có thể sử dụng cùng lúc 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Hoa, lâu lâu xem thêm tiếng Anh để xem họ dịch (diễn đạt, chuyển ngữ) như thế nào! Tiếng Hoa quả nhiên là một thứ tương đối “kỳ cục”, rút cuộc trở thành một không gian văn hoá riêng biệt mà người ngoài khó hiểu hết được!

Một kiểu chữ viết rất khó khăn và bất tiện! Không thật phù hợp để diễn đạt những vấn đề kỹ thuật chính xác, nhưng lại mang công năng giao tiếp xã hội vô cùng đa dạng và phong phú! Suy cho cùng, văn hoá không dừng lại ở tầng đầu tiên là ngôn từ (textual), nó đi xa hơn thế rất nhiều! Nên bảo ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy là như thế! Bao giờ các “con ranh” VN mới hết loay hoay ở tầng ngôn từ thô thiển mà hiểu sang những tầng cao hơn!

đương gia chủ mẫu

当家主母

Trung Quốc, từ hàng chục năm qua, đã tạo ra nhiều thế hệ văn hoá điện ảnh có bề dày đáng nể: phim thanh xuân vườn trường, phim xã hội mới, phim cổ trang lịch sử .v.v… Tuy loại lảm nhảm không ít, nhưng loại có giá trị nghệ thuật vẫn không thiếu! Cuối tuần tranh thủ coi vài tập phim, coi để thấy cái vốn văn hoá, tư tưởng, kinh tế, kiến thiết, doanh nghiệp… kinh hoàng của họ! Phim nói về nghề dệt cổ truyền Tô Châu, ít nhất cũng đã thành công trên 2 phương diện, một là: kể lại ngày xưa “ông cha” đã xây dựng doanh nghiệp thế nào, hai là: qua đó cũng truyền tải một vài thông điệp đạo đức, mà cái thông điệp ấy, điện ảnh TQ lặp đi lặp lại mãi không chán: có nợ trả nợ, có ơn báo ơn, sống có trước sau, sống vì con người!

Nên tuy cũng có lúc, có chỗ giả tạo, nhưng ít ra phim ảnh TQ cũng đã tương đối thành công trong việc tạo ra một chuẩn mực đạo đức nhất định cho xã hội, chứ không như ở VN, đã lưu manh là bất chấp, không cần biết xuống thấp đến cỡ nào! Thấp đến độ tìm mọi phương cách đê tiện, cốt chỉ để hạ thấp, mưu hại người khác, đi đến tận cùng chính là tự mình làm hại chính mình, là tự cắt đường sống của chính mình! Sở dĩ nói sống “vì con người” là như thế, không phải chỉ có cái văn hoá “cố chấp cùng cực” và “bất chấp thủ đoạn”. Suy cho cùng, mưu hại người khác chỉ khiến cho bản thân “bất an”, tâm lý “bất ổn”, tâm hồn “bất thiện”, cái “nghiệp” ấy tuy đến rất chậm, nhưng rất chắc chắn, không thể che giấu, càng không thể tránh né!

Quay trở lại phim ảnh… thứ nhất: với điện ảnh Trung Quốc, lâu lâu lại xuất hiện tài năng, sáng tạo thật sự, đủ sức thay đổi thị hiếu, thị trường, đủ khả năng giáo hoá con người, chứ không phải chỉ toàn những thể loại bất tài, chỉ biết chạy theo thị hiếu rẻ tiền, hạ cấp. Thứ hai: thỉnh thoảng “Quan gia” lại ban lệnh từ trên xuống, cứ lại phải “chỉnh huấn”! Nên nói một chữ “thị trường” nhưng có nhiều cách hiểu, đành rằng phim ảnh thành công phần lớn theo tiêu chuẩn “kinh tế”, nhưng hàm lượng sáng tạo, lý tưởng cũng có vai trò quyết định! Và đành rằng “Quan gia” có quyền lực vô cùng lớn, nhưng bản thân con người cũng phải “hướng thiện”, cũng phải tự biết cái gì là tốt xấu! Xã hội “hưng” hay là “phế” cũng chỉ do những lý do tự thân như thế!

viet kong

Trước, có một thời bàng – dân bàn – tán sôi nổi về cái phim này, nhất là về cái nhân vật “Viet – Kong”, với vẻ châm biếm mang màu sắc chính trị! Vâng, đó chính thực… là một con quái vật, nhưng trong số những con quái vật trên Đảo – đầu – lâu, thì đó vẫn là một con mang “tính người” nhiều nhất, vẫn có thể thấy rất nhiều “tính thiện, tình cảm và lý trí” bên trong con Kong, tất cả những loại khác, như con Skullcrawlers, chỉ là súc – vật, phi – nhân – tính, không hơn không kém!

Rất tiếc là đánh nhau bao lâu, hao tổn biết bao nhiêu mới nhận ra sự thật ấy! Và còn sẽ mất rất rất lâu nữa để mọi người nhận ra “thiện, ác, tốt, xấu” nằm bên trong mỗi con người chúng ta, chứ không nằm trong ý thức hệ hay quan điểm tôn giáo, chính trị, xã hội, không phân biệt vùng miền… Trong lúc đó thì đám lưu manh rẻ tiền vẫn cứ gán ghép, chụp mũ, đánh vào “cái-tôi trắng-đen nhị – nguyên” cố – hữu, tố – hữu của con người, giả mạo, kích động cho bên này, bên kia đánh nhau! 🙂

giãn cách, 13

Kaka, dù có nhí nhảnh, sinh động cách mấy, mà đầu óc không có tư tưởng, không có phương châm sống rõ ràng, không có định tuệ tự thân, thì lên đường vẫn là lên đường thôi! Giải trí chưa phải là nghệ thuật, mà nghệ thuật chưa phải là trường tại! Chẳng riêng gì ở Trung Quốc, ngay cả ở Việt Nam, văn chương của Kim Dung, Quỳnh Dao vẫn chưa được xem là hạng nhất… thì nói gì đến các thể loại ngôn tình, đam mỹ, tiên hiệp, etc…!? Lâu lâu phải gõ đầu một cái thật mạnh, cho nó tỉnh ra! Khi Tào Tháo làm thơ: Đối tửu đương ca, Nhân sinh kỷ hà….

Ông ta hẳn sẽ tức tối lắm, nếu biết nó được cóp lại trong một bộ phim giải trí tầm tầm như HCCC! Nghĩ mà giật mình, vậy các thể loại còn chưa bằng được như HCCC đầy rẫy ở VN phải làm sao? 🙂 Văn hoá không phải là ba cái thứ rẻ tiền hú hét, chiêu trò, giả pede, giả gái, giả tiếng, chọc lét gây cười… riết rồi đám trẻ nghĩ rằng cuộc sống chỉ có bao nhiêu đó thật! Ở khoản này, TQ làm rất tốt, phim ảnh TQ có nhiều mảng có nội dung thâm hậu, có chiều sâu, thay thế được cho văn hoá giải trí rẻ tiền! Ở VN, nếu mà thanh lọc hết là sẽ bớt đi nhiều nhiều lắm, nhẹ cả người ấy! 🙂