hoả tuyến

Chương trình phim ảnh Xô-viết cuối tuần… có người hỏi tại sao mình lại thích phim ảnh LX cũ và Nga mới… đương nhiên ngoài các yếu tố lịch sử, văn hoá, xã hội, âm nhạc… kể ra thì nhiều lắm, nhưng trước hết, phim ảnh cũ cho mình cái cảm giác, từ dùng như người ta hay nói là: sense-of-purpose, một cảm giác sống có mục đích.

Nhớ lại một thời cuộc sống khó khăn hơn bây giờ nhiều, nhưng chính vì thế mà con người ta tập trung tâm trí vào những việc quan trọng, không có thời gian, không có phương tiện để mà “rửng mỡ” như XH hiện đại, một đám lao nhao nhiễu sự, một lũ lau chau ngoài “cái tôi” to vật vã và thiển cận ra chẳng còn tự thấy được cái gì khác… 😢

https://www.youtube.com/watch?v=8ptU1Jvca9c

chiến tranh và hoà bình

Tiếp tục chương trình điện ảnh Xô-viết, 3 tập, tổng cộng 6h của bộ phim kinh điển: Chiến tranh và Hoà bình – Mosfilm! Đến tận giờ, vẫn có chút nuối tiếc vì ngày trẻ không đọc nhiều văn học Nga lắm. Lại ghét những gì suy nghĩ cao siêu, chỉ thích cái gì thực tế, cụ thể (kiểu như Pie đệ nhất)! Không như con em gái tôi, nó thì: Chiến tranh và Hoà bình, Tội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm, Anna Karenina, Anh em nhà Karamazov, Eugene Onegin… cái gì cũng đọc!

Hàng chục ngàn trang, từ nhỏ nó đã nổi tiếng là con mọt sách trong nhà! Còn thằng anh nó vẫn luôn nhìn sách vở bằng thái độ nước đôi, hai mặt, vì đã thấy vô số thử bị “quỷ ám” do “đọc sách”! Thế nên không thấm Lev (Tolstoy) nổi mà chỉ thích Alexei (Tolstoy). Nói về tính cách, tâm hồn Nga, chỉ cần đọc 4 tựa sách bên trên là đủ biết họ quan tâm những điều gì rồi: Chiến tranh và Hoà bình, Tội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm, Anna Karenina! 😅

Sergei Aleshkov

Chương trình điện ảnh Xô – viết cuối tuần… 🙂 post trước là phim về người chiến sĩ Hồng quân già nhất, hôm nay là phim về người chiến sĩ Hồng quân trẻ nhất, cả hai đều là những nhân vật lịch sử có thật! Cậu bé 6 tuổi Sergei Aleshkov, toàn bộ gia đình đã bị Phát – xít Đức sát hại, hoảng loạn đi lang thang trong rừng và được các chiến sĩ Trung đoàn Cận vệ 142 nhận nuôi!

Như người ta hay nói, tức là son – of – the – regiment, cậu bé hoạt động như một thành viên trung đoàn, làm nhiệm vụ liên lạc, tham gia cứu thương và góp phần tạo nên nhiều chiến công. Về sau, được tướng Chuikov tặng một khẩu Browning và gởi đi học trường thiếu sinh quân Suvorov. Trong thành phần QĐND VN cũng không thiếu các “con – trai – của – trung – đoàn” như thế!


Nikolai Morozov

Hóng xem đủ các tập phim Ded Morozov, phim dựa trên một nhân vật lịch sử có thật, Nikolai Alexandrovich Morozov, gốc gác từ một gia đình đại địa chủ, suốt đời hoạt động lật đổ chế độ Sa-hoàng! Tổng cộng ông ta ngồi tù 25 năm, nhưng cũng nhờ thời gian ở trong tù đó mà trở thành nhà bác học, tự học 11 ngôn ngữ, xuất bản nhiều công trình sách vở, và trở thành viên danh dự Hội hàn lâm Xô-viết, mặc dù chưa bao giờ gia nhập Đảng CS.

Năm 1942, ở tuổi 88, Nikolai Mozorov tình nguyện nhập ngũ tại Leningrad, đây có thể là người lính Xô-viết già nhất lịch sử. Người ta không cho ông già gân ra trận, nhưng ông cứ cương quyết, thậm chí doạ kiện lên Stalin! Cuối cùng thì người ta cũng cho ổng được ra trận thử… một tháng! Một tháng với vai trò lính bắn tỉa, tiêu diệt hơn một chục quân địch! Ông vẫn tiếp tục sống để chứng kiến Phát xít Đức sụp đổ, và chỉ qua đời sau đó, năm 1946 ở tuổi 92!

trung đoàn tiêm kích

Coi nhiều đến độ học được một chút ngôn ngữ luôn, phim ảnh Nga – Xô-viết có mấy từ rất dễ nhận biết, 2 từ thường được nghe thấy nhiều nhất là: Davai (давай, let’s go) – đi thôi, và Zamnoy (За мной, follow me) – theo tôi! Haiza, những dân tộc không biết ngừng nghỉ… đôi khi cũng thật đáng sợ! Bộ phim truyền hình 24 tập khá kinh điển: Trung đoàn tiêm kích, đã có phụ đề tiếng Việt!

cừu đen

Chương trình phim ảnh cuối tuần… 🙂 Tháng 6, 1941, nước Đức Phát-xít tiến hành chiến dịch Barbarossa đưa quân vào lãnh thổ Xô-Viết, quân đội Liên Xô thiếu chuẩn bị, nhanh chóng gặp nhiều thất bại và liên tục buộc phải rút lui, lần lượt phải bỏ cả Kiev, bỏ Kharkov (Ukraine bây giờ)… một trại giam được lệnh sơ tán về tuyến sau.

Trong trại toàn thành phần bất hảo, như người ta thường nói, các con “cừu đen” giữa bầy cừu trắng! Trong khung cảnh hỗn loạn của chiến tranh, một số tù nhân vượt ngục, họ bị kẹp giữa 2 bên: một bên là NKVD truy lùng tội phạm, và bên kia là quân Đức xâm lược! Những “cừu đen” này sẽ hành động như thế nào trước thời cuộc!?

propaganda

Một thoáng tưởng nhớ đến Dmitri Hvorostovsky, nghệ sĩ nhân dân Liên bang Nga, một baritone cổ điển hàng đầu của nước Nga, một giọng ca mang đầy chất nam tính, với một bài hát cũng rất nam tính, nhạc nền bộ phim: Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân huyền thoại:Anh xin dù một lần thôi, Buồn ơi, từ giã tạm thời hồn anh. Để rồi như đám mây xanh, Sẽ bay về mái nhà lành của ta. Từ đây bay thẳng về nhà! Bờ ơi, xin hãy hiện ra, Dẫu là một thoáng đường xa mỏng mờ. Bờ ơi, hiền dịu đợi chờ, Giá mà bơi được bây giờ thì hay. Giá mà bơi được đến mày…

Đám CS “ngu ngốc”, “nhồi sọ” dân chúng bằng cái loa phường, phải thông minh như TB kìa, phải phát minh ra băng đĩa, internet, để con đen tự mua về, tự chìm trong một đống cxx, rồi tự cho rằng mình hiểu biết, như thế mới là tuyên truyền chuyên nghiệp! Nên mới nói, thông tin chưa phải là kiến thức, âm thanh chưa phải là âm nhạc, phương tiện càng hiện đại thì sự u mê của tâm hồn càng lớn, cứ nhìn MXH tràn ngập những thể loại “cẩu lương”, “cẩu tiếu” bây giờ là rõ! Chú thích, cẩu lương: lương thực cho chó, cẩu tiếu: kiểu khôi hài cũng dành cho chó! 😅

spies

Giải trí cuối tuần, series phim truyền hình Nga – Điệp viên… một trường đào tạo điệp viên dành cho nữ vừa được mở ra ở Kiev, Ukraine! Các cô gái “theo học” ở đây mỗi người đều có một hoàn cảnh, một nền tảng khác nhau! Còn chưa kết thúc khoá học thì chiến tranh đã ập đến, bài tập tốt nghiệp, không còn cách nào khác, cũng chính là nhiệm vụ đầu tiên: nhảy dù vào vùng địch tạm chiếm, tìm cách liên lạc với một nhà vật lý hạt nhân và đem ông ta về!

Và nếu không thể đem về “phe ta”, thì cũng không để một tài sản trí thức quý như thế lọt vào “tay địch”. Hai nhân vật nữ chính, Velichko, chiến thuật gia – chief tactician, học vấn kém, nhưng rất giỏi ứng biến, hành động thực tế, và Prozorovskaya, chiến lược gia – chief strategist, học vấn, lý tưởng, rất giỏi mưu tính, kế hoạch. Hai cô gái, hai cá tính, hai số phận hoàn toàn khác nhau nhưng phải cố gắng thích ứng, hợp tác với nhau đề hoàn thành nhiệm vụ…

https://www.youtube.com/watch?v=SK7GsngdtDg

we are from the future

Cứ tưởng Nga không có phim “xuyên không”! Ai như Trung Quốc, suốt ngày mơ mộng bay về quá khứ, rớt vào gia đình hoàng gia, Mộng hồi đại Thanh, Bộ bộ kinh tâm các kiểu! Hoá ra Nga cũng có phim “xuyên không”, nhưng cách tiếp cận hoàn toàn khác! Kịch bản: một giáo viên lịch sử và một người chuyên đào bới tìm đồ cổ, trong một lần tham gia chơi trận giả, dưới tác động của một vụ nổ bom đã đi ngược thời gian, trở lại không gian: Ukraine, thời điểm: Thế chiến 2, rơi vào vòng xoáy lịch sử giữa 3 phe Hồng quân, Phát-xít, UPA… Đây thực ra cũng là cách để diễn dịch, tìm hiểu lại lịch sử của người hiện đại!

Phim chiến tranh, lịch sử Nga làm mới sau này thì nhiều không thể kể hết: Brest Fortress, Panfilov 28, The 321th Siberian, etc… còn các loại phim truyền hình nhiều tập thì có thể coi từ tháng này sang tháng khác! Nói về Thế chiến 2, “thái độ chung” của các sử gia phương Tây là kiểu: “thôi, một lần đã là quá đủ!” (nhưng cùng trong lúc đó, thiết lập hơn 300 căn cứ quân sự trên toàn cầu), còn thái độ của Nga về Thế chiến 2 thì kiểu: nếu cần, chúng ta sẽ làm lại thêm lần nữa! 😃 Cũng hơi phiền phức nếu phải sống gần anh hàng xóm thừa năng lượng, tăng động này! 😃

cuộc chiến xa lạ

Giải trí cuối tuần, phim Nga làm mới sau này về cuộc chiến VN, chính là cái phim “tràn ngập cảnh nóng” do cô “hoa hậu Nga” gì gì đó đóng! Đúng là đám nhà báo “nói láo ăn tiền”, chưa thực sự xem phim bao giờ, chứ đã xem thì biết chỉ có đúng một cảnh, và cũng chỉ hơi nóng một tí thôi! Dành cho những ai muốn xem ngay “cảnh nóng”, kéo đến tập 3, phút 45 ~ 55… đoạn đó lại để bài nhạc sến làm nền: ngày xưa tôi có yêu một người em gái nhỏ, tuổi trăng tròn mái tóc chớm ngang vai… đúng là rất hợp! 😅 Phim xem giải trí là chủ yếu, xem để thấy rằng thật ra người Nga cũng không hiểu nhiều lắm về văn hoá Việt Nam.

Thực tế lịch sử, đã có khoảng hơn 20 nhóm GRU (tình báo quân sự) Nga hoạt động ở VN, nhưng chắc chắn không chiến đấu trực tiếp! Vì với sự khác biệt về chủng tộc, ngoại hình, người dân phát hiện ra ngay, nên trong phim giả định là: đặc nhiệm Nga sẽ… giả trang làm đặc nhiệm Mỹ, quần áo, súng ống Mỹ, để khi cần có thể đổi vai cho nó chuẩn! Kịch bản chính của phim là: phối hợp với các lực lượng VN, làm sao để đánh cắp một chiếc trực thăng Mỹ đưa về Nga nghiên cứu! Diễn biến phim đan xen khá phức tạp vì ngoài nhiệm vụ khó khăn, người Nga còn phải đối phó, xử lý với những âm mưu, phản bội từ chính trong nội bộ…

https://www.youtube.com/watch?v=Fqfm8F_Obi8