tảo luyến

Có mấy chuyện thuộc về tâm lý lứa tuổi và ngôn ngữ. Trong các phim thanh xuân vườn trường TQ, hiện tượng này được gọi là “tảo luyến – 早恋“, chữ tảo nghĩa là sớm, như trong từ “tảo hôn”. Nhưng họ gọi “luyến” chứ không gọi là “ái”… là chính xác! Lứa tuổi đó nó như vậy, có thể đôi khi (khá hiếm hoi) tình cảm sẽ đi hết đời người, còn đa phần sẽ là… học kỳ sau quay sang “luyến” đứa khác! :D Nên gọi là “luyến”, còn “ái” nó mang nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Ai cũng từng trãi qua chuyện như vậy, ấy thế mà trở ngược trở lại cấm cản con trẻ, ấy cái lạ! Thế nên mới bảo là người Việt không lớn, tâm thức, nhận thức không chịu lớn! Nếu “lớn” thì sẽ hiểu rằng mỗi lứa tuổi đều có những điều thuộc về lẽ tự nhiên, không thể bắt người khác phải sống giống như mình được!

Sâu xa là cái tâm thức “giống như tôi mới đúng”, bằng vào cái kinh nghiệm phiến diện, khô cứng của bản thân, cố đảo dòng chảy thời gian, ngược tiến trình sinh học! Vội cho rằng đó là “ái”, kỳ thực chưa từng biết “ái” nó như thế nào, và nó có thể sẽ như thế nào, cứ bắt người khác phải sống theo vọng tưởng (thực chất là sợ hãi) của bản thân! Nghĩ rộng ra, đã là người thì đều có những “hỉ nộ ái ố” như nhau, chúng ta chỉ khác nhau trong cách xử lý những vấn đề đó! Càng cấm đoán áp đặt, trẻ sẽ càng bám víu vào cái chấp niệm đó là đúng, duy nhất đúng! Điều nên làm là dạy, mở ra cho con trẻ thấy những khả năng, những sự phát triển khác của tâm hồn, của cuộc sống! Đương nhiên, người ta không thể dạy cái mà bản thân người ta cũng không có!