Khi còn bé, Mẹ bảo:
lớn lên đi lính, con sẽ làm tướng,
lớn lên đi tu, con sẽ làm giáo chủ.
Ông đã soạn nhạc và trở thành Phạm Duy!
(phỏng theo Picasso)
Kết thúc sêri 9 bài viết về nhạc sĩ PD này, có lẽ không thừa nếu nhắc lại rằng PD xứng đáng là nhạc sĩ vĩ đại nhất trong nền âm nhạc Việt Nam từ cổ chí kim, mà chưa một nhạc sĩ theo sau nào bén gót được. Không thừa khi hiện tại chỉ có khoảng vài chục ca khúc của ông là có trong danh sách những bản nhạc được phép lưu hành. Trong tình hình âm nhạc đã khá nghèo nàn hiện tại, việc cấm không phổ biến những ca khúc của ông là một tổn thất lớn cho công chúng yêu nhạc, khi họ chỉ được biết một Văn Cao chỉ với mười mấy ca khúc nổi bật, một Trịnh Công Sơn với rất nhiều ca khúc đáng yêu về ngôn từ nhưng không mấy phong phú về nhạc.
PD, tác giả một gia tài tạm gọi với cái tên Ngàn lời ca, là khoảng 1000 tác phẩm phong phú về âm nhạc, tân kỳ về ngôn từ, mang nhiều phong cách, nhiều mảng nội dung đa dạng khác nhau. Ngàn lời ca, đặc sắc nhất phải kể đến những bài “dân ca mới”, đem lại sự hồi sinh cho dân nhạc Việt Nam, không phải là những thứ “nhại dân ca” hay “tân cổ cưỡng duyên” như chúng ta có hiện nay. Đó là những bài nhạc hùng trong kháng chiến 9 năm, những bài tình ca quê hương tuyệt đẹp. Tiếp đến nữa là những bản nhạc tình bất hũ, nhiều bài chúng ta, vì đã nghe quá nhiều, quá quen tai: Cây đàn bỏ quên, Em bé quê… mà không biết đó là của ông, không biết chúng có giá trị như thế nào chăng? Đó là những bản du ca, tâm ca, tâm phẫn ca, đạo ca, rong ca, thiền ca, và những “bé ca”, những bài ca viết cho tuổi nhỏ… Đó là hai trường ca: Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam, về sau tác giả còn có thêm một trường ca Hàn Mặc Tử. Đó là những tác phẩm Minh họa Kiều, Hương ca… sáng tác sau này.
Nhạc PD, với tôi không phải chỉ là những kỷ niệm âm nhạc lúc nhỏ, đó còn là một mảng khuất trong nền ca khúc VN không nhiều người biết đến giá trị. Nhạc PD là nơi tôi bắt đầu biết cách lắng nghe những giai điệu ngũ cung, những cái chính là bản chất con người Á Đông mình. Nhạc PD là ẩn dụ về những gia tài VN bị đánh mất, bị quên lãng vì những lý do chiến tranh, chính trị, xã hội… những lý do không đứng vững trước giá trị nghệ thuật trường cửu. Nhạc PD là ẩn dụ khác biệt, dằn vặt về những nghèo nàn và phong phú, tầm thường và sáng tạo, bao đồng và tinh tế…, cùng một lúc, trong tất cả những gì gọi là chúng ta, con người VN.
Để kết lại sêri viết về nhạc sĩ PD, mời các bạn nghe một ẩn dụ bằng âm nhạc khác, ca khúc Cành hoa trắng, ca khúc kể chuyện nàng tiên vì tình yêu, làm huyên náo Thiên đường mà bị đầy xuống trần gian lạnh lẽo.