phạm duy – 1

Tôi không tìm, tôi thấy!
(Pablo Picasso)

hững bạn đọc blog tôi hẳn để ý dấu vết nhạc Phạm Duy (PD) có hầu hết khắp mọi nơi. Tuy vậy, tôi chưa từng viết một bài nào để nói về ông. Lý do đơn giản: cuộc đời và âm nhạc PD là một đề tài quá rộng lớn, tôi tự lượng hiểu biết của mình không đủ để mô tả về một con người Việt Nam mà lại có thể phong phú đến vậy. Những ai muốn hiểu về PD, tốt nhất là… xin dừng tất cả việc đọc lại ở đây, kể cả đọc bài viết này. Tư liệu trên internet về người nhạc sĩ vĩ đại này cũng khá nhiều, nhưng điều trước tiên cần làm là tìm và nghe ít nhất thì cũng vài chục, nhiều thì vài trăm nhạc phẩm của PD, để biết và hiểu ông từ khía cạnh ấy, trước khi đọc xem người khác viết những gì.

PD, ông được gọi là một người Việt Nam Việt Nam nhất. Hiểu theo nghĩa những gì tốt và xấu điển hình của người Việt Nam đều có đầy đủ và sống động trong con người ông. Vậy nên xin nhìn nhận ông như một con người bình thường như chúng ta, đừng đứng từ nhãn quan chính trị, tôn giáo, lịch sử, thậm chí là cũng đừng từ quan điểm tư cách đạo đức mà phán xét. Đến lúc này có thể nói một cách xác tín rằng ông là nhạc sĩ Việt Nam vĩ đại nhất qua mọi thời đại, và tầm vóc vượt lên trên hẳn những tên tuổi được đa số quần chúng tôn vinh hiện nay như Trịnh Công Sơn, Văn Cao. Tôi thường nghĩ nếu so sánh Trịnh Công Sơn và Phạm Duy, cũng như đem đom đóm so với trăng rằm. Phải xin lỗi những fan của nhạc sĩ họ Trịnh nhưng tôi không hề có ý đề cao hay hạ thấp ai khi nói vậy, chỉ cố gắng đưa ra một so sánh không khập khiễng.

Bao giờ biết tương tư - Tuấn Ngọc 
Trả lại em yêu - Thái Thanh 

Nếu chúng ta cần những ca từ uyên áo, trừu tượng, thì đó chính là nhạc sĩ TCS, nhưng nếu muốn nói đến âm nhạc (musique), xin hãy nhường cho PD. Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã nghe và hát nhạc PD mà không hề biết chúng là của ông: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ (Em Bé Quê), Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền, một dòng sữa thơm xa xưa còn truyền (Tuổi thần tiên), Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui, một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về (Xuân ca)… Lớn lên, lần đầu biết rung động, tôi lại hát nhạc ông mà vẫn chưa biết ông là ai: Hôm qua tôi đến nhà em, ra về mới nhớ rằng quên cây đàn (Cây đàn bỏ quên), Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi (Mùa thu chết), Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát (Trả lại em yêu). Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu, hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau… (Hẹn hò).

Tôi sẽ còn nhớ mãi một kỷ niệm khó quên trong đời, năm tôi học lớp 8, ngôi trường Trưng Vương yêu dấu, thầy Sinh, một thầy giáo của chúng tôi trước khi lên đường đi Mỹ, đã vào lớp kể cho lũ học sinh 13, 14 tuổi chúng tôi nghe về những điều: Các em đã đến tuổi biết, cần phải biết và cũng không nên che giấu. Rồi thầy kể chúng tôi nghe chuyện tình Quasimodo và Esmeralda (Thằng gù nhà thờ Đức Bà – Victor Hugo) và ôm đàn hát: Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, ôm mối tương tư, ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa. Cái tập thể lớp 8/6 ngày đó đã biết Bao giờ biết tương tư cũng là nhờ người thầy nghệ sĩ của chúng tôi.

Và còn rất rất nhiều ca khúc khác, người ta vẫn hát, từ giới bình dân lao động cho đến giới trí thức, học giả, vẫn hát đấy mà chưa hẳn đã biết đó là nhạc PD. Ông xem đó như một thành công, khi quần chúng truyền tụng tác phẩm của mình mà không cần nhớ đến tác giả. Có chuyện gần đây trên một chương trình của VTV3 phỏng vấn một cụ già trên 100 tuổi nhưng sức khỏe, trí nhớ vẫn còn tốt, người ta đề nghị bà hát những khúc nhạc mà bà còn nhớ, và bà đã hát một “bản dân ca bà được nghe lúc trẻ”: Ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ hiền… (Nhớ người ra đi).

Sau này, tôi mới có đủ điều kiện để nghe PD một cách đầy đủ và có hệ thống, mới thấy cái gia tài âm nhạc kia thật quá vĩ đại, vượt xa, rất rất xa tất cả những nhạc sĩ Việt Nam khác không chỉ ở số lượng, mà còn ở chủ đề đa dạng phong phú, và đặc biệt là ở nhạc thuật tinh vi, biến hóa, đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều phong cách, nhiều cảm xúc mới lạ, đến mức khó có thể nắm bắt hết được. Dưới đây, tôi xin mạn phép được “cưỡi ngựa xem hoa”, điểm qua một số tác phẩm và các giai đoạn sáng tác của PD. Và trong chừng mực có thể, tránh xa cái bối cảnh chính trị chia cách 2 miền đất nước, và tránh luôn cả đời tư “nasty” của tác giả. Xin các bạn lượng thứ cho quan điểm của tôi, nhưng cái câu hỏi vô lý nghệ thuật vì nghệ thuật hay nghệ thuật vì nhân sinh, đến nay tôi vẫn chưa trả lời được. Cái gì đã tạo nên một tâm hồn đa dạng phong phú đến thế, điều ấy đến nay tôi vẫn không thể tự lý giải, chỉ biết mượn lời của Picasso để nói về một thiên tài: Tôi không tìm, tôi thấy!

(Còn tiếp…)