Về những tác phẩm Đường thi quan trọng, ai chỉ từng tham khảo những cuốn cơ bản như Đường thi nhất bách thủ (100 bài), Đường thi nhất thiên thủ (1000 bài), cũng đã thấy đó là cả một gia tài văn chương đồ sộ, ảnh hưởng của chúng đến đời sau thực không cần phải nói tới. Những ông bạn già ba tôi, những người quen của gia đình tôi, mỗi khi ngồi lại ăn nhậu với nhau, thế nào cũng có một vài câu Đường thi được đọc, ví dụ như:
Anh có thấy sông Hoàng Hà, Con sông vĩ đại nước sa lưng trời. — Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy, Thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Xin vơi một chén quan hà, Dương quan chốn ấy ai là cố nhân. — Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, Tây xuất Dương quan vô cố nhân.
Sa trường say ngủ ai cười, Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu. — Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. — Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Cầm dao chặt nước nước cứ trôi, Nâng chén tiêu sầu sầu không vơi. Người đời nếu chẳng được như ý, Sớm mai xõa tóc cỡi thuyền chơi. — Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu, Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu. Nhân sinh tại thế bất xứng ý, Minh triêu tản phát lộng biên châu.
Lúc nhỏ, tự học đọc và viết được Hán tự, thuộc vài ngàn bài Đường thi, Tống từ, tôi đã lấy làm tự phụ rằng còn thuộc nhiều thơ hơn cả mấy ông già bạn ba tôi. Chỉ sau này mới thấy cái vốn Hán học của mình bé như hạt cát, chỉ mới là dạng đọc mau nhớ thôi. Tuy vậy vài năm lúc tuổi nhỏ cũng đủ để nhận được cái hồn cổ văn lồng lộng, những u tình sâu kín, cũng đủ thấy cốt cách người xưa… Lớn lên, tôi dần cảm thấy thích âm nhạc hơn, mà xa rời văn chương, có lẽ vì âm nhạc dễ tiếp thu hơn, mà văn chương thì đòi hỏi quá nhiều công phu hơn.
Nguyệt cầm – Cung Tiến - Thái Thanh ►
Tiếng xưa – Dương Thiệu Tước - Thu Hiền ►
Tình cầm – Phạm Duy - Tuấn Ngọc ►
Tuy vậy, ảnh hưởng của cổ văn, cổ thi, nó bàng bạc khắp nơi, không dễ gì thoát ra được. Ảnh hưởng lên văn học Việt Nam sâu đậm nhất, có lẽ không tác phẩm nào khác ngoài Tỳ Bà hành – Bạch Cư Dị. Không kể đến trong cổ văn (mà dấu vết của Tỳ Bà hành có thể được tìm thấy nơi nơi), ngay trong Thơ mới, dấu vết của nó cũng không ít. Câu chuyện của tác giả và người kỹ nữ đánh đàn tỳ bà tình cờ gặp lúc đêm khuya trên bến sông Tầm Dương để lại cho hậu thế biết bao nhiêu mối hoài cảm. Cả một áng thơ dài, câu nào cũng đầy tình ý:
Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, mang hận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bây giờ càng hay.
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não ruột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
Nguyên bản Hán văn, phiên âm cũng như bản dịch thơ nổi tiếng của Phan Huy Vịnh, xin đọc ở đây. Đọc Tỳ Bà hành rồi dễ liên tưởng đến tác phẩm có phần tương tự của thi hào Nguyễn Du: Long thành cầm giả ca – 龍城琴者歌, tuy nhiên bài này lại nặng về tính thế sự hơn là về tình cảm cá nhân, nên sự xúc động gây ra trong lòng người thiết nghĩ cũng không sâu sắc bằng:
Thành quách suy di nhân sự cải, Kỷ độ tang điền biến thương hải. Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong, Ca vũ không lưu nhất nhân tại
– 城郭推移人事改幾度桑田變蒼海西山基業盡消亡歌舞空留一人在. Ảnh hưởng trong văn thơ thì đã quá nhiều rồi, hôm nay tôi xin đưa một vài ví dụ nhỏ, ảnh hưởng của Tỳ Bà hành trong Tân nhạc, bằng trí nhớ lu mờ của mình, xin chép tặng các bạn một vài bài nhạc hay mang âm hưởng của bến Tầm Dương năm xưa.