phạm duy – 4

Tôi biết rằng niềm đau khổ
là sự cao thượng duy nhất.

(Baudelaire)

Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số 5 của anh… Trong ánh mắt của những trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu. (Thích Nhất Hạnh)

uối những năm 60, 10 bài tâm ca của nghệ sĩ PD là một sự kiện có ý nghĩa xã hội lớn lao. Lúc này, quân đội Hoa Kỳ chính thức có mặt tại miền Nam Việt Nam, về mặt xã hội, đây là một giai đoạn đỗ vỡ về niềm tin và luân lý, một thời kỳ sợ hãi, hoài nghi và khinh thị. 10 bài Tâm ca ra đời là để phản ứng với hoàn cảnh ấy. 10 bài Tâm ca: Tôi ước mơ, Tiếng hát to, Ngồi gần nhau, Giọt mưa trên lá, Một cành củi khô, Kẻ thù ta, Ru người hấp hối, Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe, Hát với tôi, là những ca khúc đơn giản về mặt âm nhạc, nhưng thẳng thắn và ác liệt về ngôn từ. Nhiều trong số những bài tâm ca này đã được các ca sĩ phản chiến Mỹ dịch và hát bằng tiếng Anh. Riêng tôi, tôi đặc biệt yêu thích nét thánh nhạc đơn giản mà thiêng liêng trong Giọt mưa trên lá, bài nhạc đã được post ở Phạm Duy 1.

Kỷ vật cho em - Thái Thanh 
Ngày sẽ tới - Lệ Thu 

Sau 10 bài tâm ca, PD viết Vỉa hè ca, Tục ca, nhưng không phổ biến ra công chúng, bởi vì những ca khúc này chỉ có tác giả mới dám hát! 😀 Người ta chỉ biết qua một số nhan đề và ca từ được nhắc lại: Sức mấy mà buồn, Bỏ đi Tám, Okê Salem… Về những chi tiết này xin xem Hồi ký Phạm Duy, tập 3, chương 19. Nhiều người phê bình Phạm Duy đã đem nghệ thuật đến chỗ nhảm nhí, thô bỉ, nhưng tôi thiết nghĩ đó là những ca khúc viết chơi, không phổ biến. Còn riêng về con người tác giả, cũng giống như mỗi người chúng ta, tiếu lâm, tục tĩu đâu phải là cái gì không phổ biến trong cuộc sống, đâu phải là chuyện gì quá to lớn?! Bên cạnh ngưỡng mộ tài năng, tôi còn thích PD ở chỗ ông là một người Việt Nam điển hình, bao gồm cả rất nhiều điểm xấu: dễ dãi, bao đồng, đôi lúc hời hợt, dung tục… nhưng ít ra ông vẫn thẳng thắn: sức mấy mà buồn, nỗi buồn Giao Chỉ không lớn…

Để lại cho em - Anh Ngọc 
Ru người hấp hối - Thái Thanh 

Sau Tâm ca, tác giả PD viết tiếp Tâm phẫn ca, một chùm ca khúc tuy ít hơn Tâm ca về số lượng, nhưng lại phẫn uất hơn nhiều về ca từ. Những ca khúc này có bối cảnh ra đời chính là Tết Mậu Thân 1968: Tôi không phải gỗ đá, Nhân danh, Bi hài kịch, Đi vào quê hương, Người lính trẻ, Chuyện hai người línhBà mẹ Phù Sa. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng những chùm ca khúc viết theo chủ đề này (Tâm ca, Tâm phẫn ca), về mặt âm nhạc lại ít có bài hay, chỉ có những bài ca lẻ, viết theo ngẫu hứng lại là những bài xuất sắc về mặt âm nhạc.

Một lúc nào đó, dưới nhiều áp lực, PD cũng đã viết những ca khúc tuyên truyền chính trị (tuy vậy vẫn mang tính trái khoáy, khôi hài ngấm ngầm, kiểu như Một hai ba ta đi lính Cộng hòa). Tuy có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này, nhưng tôi nghĩ, không dễ gì khuất phục thâm tâm của một người nghệ sĩ lớn. Tự do tư tưởng, tự do sáng tạo là cái tự do lớn nhất của một con người, nhất là một người nghệ sĩ như PD.

(Còn tiếp…)