xăm – 2018

Miềng vốn vô thần (atheist) tuyệt đối: không Thần, không Phật, không Chúa, không thờ cúng, không ông Địa, thần Tài, không mê tín dị đoan, không xem bói, xem ngày, thậm chí không cả thờ cúng tổ tiên, etc… Xăm chẳng qua chỉ là một trò chơi chữ nghĩa mang tính chất giải trí.

Nghĩ thế nào mà ngày đầu năm mới Âm lịch 2018 lại bốc một lá xăm, đúng ngay quẻ số 09 Đại Cát (khá hiếm), xem có câu: Kim triêu hỉ sắc thượng mi đoan – Sáng nay sắc vui hiện lên cuối khoé mi, lại bảo có thư về trước cửa. Haizzaa, để xem xem trong năm là sự việc gì đây!

“trần” thời minh nguyệt

王昌齡 – 出塞

秦時明月漢時關
萬里長征人未還
但使龍城飛將在
不教胡馬渡陰山

Hình chụp trong một quán cafe cũ kỹ, gần như là đồng nát, thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, 2017, một đêm không gian u ám, tối tăm: “Trần” thời minh nguyệt “Lý” thời quan, Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn… Vẫn (còn đây) là vầng trăng sáng đời Trần, vẫn còn đây là miền quan ải thời Lý, mà người chinh nhân vạn dặm đi vẫn chưa thấy về…

bến my lăng

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Từng có một “xứ Nẫu” “như thị ngã văn” – như là tôi biết, hoàn toàn khác biệt, cũng chẳng phải “hoa vàng trên cỏ xanh”, so với trí nhớ thời trai trẻ của chính mình cũng đã khá là xa cách tịch liêu, mà trong mắt giới trẻ bây giờ chỉ e rằng là một viễn tượng như cổ tích…

xa – thư

讀萬卷書
行萬里路

Hoàng thành Huế, điện Thái Hoà, ngay bên dưới chiếc biển đề ba chữ “Thái Hoà điện” có khắc một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: Văn hiến thiên niên quốc, Xa thư vạn lý đồ. Hồng Bàng khai tịch hậu, Nam phục nhất Đường Ngu. Tạm dịch: Đất nước ngàn năm văn hiến, Cơ đồ “xe và sách” vạn dặm, Từ sau họ Hồng Bàng dựng nước, Trời Nam lại thịnh trị như thời Đường, Ngu. Khái niệm “xa & thư” được sử dụng rất phổ biến trong văn thư chính trị cổ. Nhưng như thế nào là “xa & thư” – “xe và sách”!?

Xe (xa): dĩ nhiên ngày xưa là chiếc xe ngựa, dùng để chờ người, đồ vật, đồng thời cũng là chiếc chiến xa (chariot). Xem phim về thời cổ đại ở cả Đông lẫn Tây, cả ở La Mã lẫn Trung Quốc đều thấy một điểm chung là chiến xa phổ biến hơn chiến mã. Tại sao lại đi dùng một thứ phức tạp là xe ngựa, mà không đơn giản trực tiếp cỡi ngựa!? Có người lý luận một cách hoàn toàn sai lầm rằng văn minh nhân loại đã đi thụt lùi, từ việc sử dụng chiến xa thời cổ đại, sang dùng chiến mã thời trung đại.

Trong việc cỡi ngựa, phát minh quan trọng nhất là cái bàn đạp, đây được xem là một phát minh tuy đơn giản, nhưng làm thay đổi lịch sử nhân loại! Bộ yên cương, có thêm cái bàn đạp mới khiến kỵ sĩ có thể ngồi vững vàng trên lưng ngựa, điều khiển được ngựa một cách khéo léo, và quan trọng nhất là nhờ có cái bàn đạp mới có điểm tựa để sử dụng vũ khí: gươm, đao, thương… và nhất là có thể bắn cung một cách chính xác. Từ khi phát minh ra cái bàn đạp, nhân loại mới bỏ chiến xa mà dùng chiến mã.

Nhưng quay trở lại thời cổ đại, thì chiến xa vẫn phổ biến hơn là chiến mã, đơn giản là vì không có bàn đạp, kỵ sĩ chưa thể ngồi vững trên lưng ngựa. Thời cổ đại ở Trung Quốc, vua một nước nhỏ có thể có một ngàn cỗ xe, vua một nước lớn có thể có đến vạn cỗ xe. Chiến xa là thứ thể hiện sức mạnh và quyền lực của một vương triều. Người ta đánh giá sức mạnh của một vương quốc thông qua số chiến xa mà nước đó sở hữu, cũng giống như bây giờ chúng ta dùng các đại lượng GDP, GNP, etc… vậy.

Lại nó thêm về xe ở Trung Quốc, thời cổ đại, có hàng trăm vương quốc lớn, nhỏ, mỗi nước dùng một loại xe riêng, đóng theo những quy cách riêng: kích thước bánh xe, độ rộng trục bánh xe. Ở các cổng thành, người ta xây các trụ đá nhỏ làm vật cản, khiến cho xe của một nước có thể đi lọt qua cổng thành nước đó, mà qua nước khác lại không thể đi lọt. Việc mỗi quốc gia sử dụng “quy chuẩn” xe khác nhau thực ra là một cách phòng thủ, không cho xe đối phương đi vào nước mình quá dễ dàng.

Sách (thư): nếu như xe có hàng trăm quy chuẩn khác nhau, thì sách vở, chữ viết cũng vậy. Tuy đều là chữ tượng hình, nhưng mỗi nước lại có cách viết khác nhau, ví dụ cùng một chữ “kiếm” nhưng có đến hàng chục cách viết, tuỳ theo quốc gia, vùng miền. Đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc mới thống nhất tất cả các quy chuẩn: xe đóng theo cùng một kích cỡ, chữ viết theo cùng một lề thói, tất cả các đơn vị đo lường, các hình thức nghi lễ, áo mũ, âm nhạc cũng được thống nhất.

Nên có thể xem: Thư là kiến thức, Xa là kinh nghiệm, Thư là lý thuyết, Xa là thực hành, Thư là trừu tượng, Xa là hiện thực, Thư là tâm hồn, Xa là thể xác, Thư là tinh thần, Xa là vật chất, Thư là sức mạnh mềm, Xa là sức mạnh cứng… “Xa dữ thư – xe và sách” là hai mặt của một đồng xu, hai yếu tố chính yếu nhất để đại diện cho một nền văn minh. Chẳng phải xưa có câu: Độc vạn quyển thư, Hành vạn lý lộ – 讀萬卷書行萬里路 – Sách: đọc ngàn chương, Đường: đi vạn dặm đó sao!?

cổ kính – tàn y

Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi!

M ột bài thơ cổ, tương truyền là của Ôn Như hầu – Nguyễn Gia Thiều, theo thể Thất ngôn Đường luật, tác giả thương khóc người vợ đã mất, trong đó có hai câu luận rất “đắt”: Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại, để dành hơi. Tác giả muốn đập vỡ kính (gương) ra, để tìm bóng người yêu từng soi trong đó, rồi đành xếp manh áo lại, để giữ chút hương xưa còn sót của người đã khuất. Cổ thi mà ngôn từ, ý tứ như thế quả thật là quá mới lạ, táo bạo và cũng rất lãng mạn. Dù lời văn nghe có vẻ xưa cũ, “thơ tình” như thế này, ngay cả thời hiện đại dễ gì sánh được!?

Tình hoài hương - Thái Thanh 
Tình ca - Thái Thanh 
Cành hoa trắng - Quỳnh Giao 
Quê nghèo - Quỳnh Giao 
Nhớ người thương binh - Mai Hương 
Nương chiều - Mai Hương 
Thu chiến trường - Kim Tước 
Dạ lai hương - Kim Tước 
Chinh phụ ca - Hà Thanh 

Nhạc của Phạm Duy, với tôi cũng giống như là “cổ kính” và “tàn y”! “Dân ca VN”, xem như là một thứ đã mất, một người đã khuất, không mấy ai còn biết bóng dáng thế nào! Âm nhạc của Phạm Duy cũng giống như “cổ kính” – chiếc gương còn lưu giữ lại bóng dáng của người đẹp, cũng giống như “tàn y” – manh áo cũ còn lưu lại chút hương thơm của giai nhân, âm nhạc Phạm Duy còn lưu lại phảng phất hình bóng dân ca Việt. Về sau, muốn tìm lại bản sắc, e rằng cũng phải làm những việc “đập kính – xếp áo”, tìm lại sự phản chiếu trong âm nhạc của Phạm Duy vậy!

thời hoa đỏ – 2

Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ,
Em thầm hát một câu thơ cũ,
Về một thời thiếu nữ say mê
Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…

Chạy dọc trên triền đê sông Thao, rồi qua Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, lên đến Lai Châu… thi thoảng lại bắt gặp cái mầu hoa gạo đỏ nao lòng này… Những ai đã từng tận mắt chứng kiến mùa hoa gạo nở (thử dùng google image search với 2 từ khoá: “chùa Hương” + “hoa gạo”) mới hiểu được cái đẹp quyến rũ đến lạ kỳ của “Thời hoa đỏ”.

tuoitre.vn – Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ

Thời hoa đỏ - Nguyễn Đình Bảng 

siêu trăng

Trời đất sinh ta rượu với thơ,
Không thơ, không rượu sống bằng thừa.
Công danh hai chữ mùi men nhạt…

Tiết mục kể chuyện đêm khuya, nhân dịp siêu trăng – super moon: ngày xửa ngày xưa, có một thằng bé mới chừng 5 tuổi, đứng giữa sân nhà, ngước nhìn lên bầu trời mà cảm thán rằng: mẹ ơi, trăng đẹp quá!

Mẹ thằng bé chạy ra, đét vào đít: rồi cũng khổ thôi con ạ, rồi cũng lại giống y như cái thằng cha mày, suốt ngày rượu, thơ, trăng… Đấy, là mình phải học cái bài học đó, không được giống như cái thằng bé đó, và nhất là thằng bố nó… Trăng thơ giữ nguyên, bỏ rượu đi, thêm con thuyền vào… 😀

my possession

Kéo cưa, lừa xẻ,
Ông thợ nào khoẻ,
Thì ăn cơm vua.
Ông thợ nào thua,
Thì về bú tí.

Cleaning and tidying up the workshop in preparation for my next Serene – 2 build. Having a chance to look back at the past few years’ works. Apart from Hello World – 1, my first build, a small canoe which is no longer functional (it was turned into an in – house shelf), the 3 kayaks seen here are built in a 3 – years time span, one in each year. Still feel not having enough of them, still in the quest for my “perfect expeditional kayak”! 😀

Hello World 1 photo albums: part 1, part 2
Hello World 2 photo albums: part 1, part 2
Hello World 3 photo albums: part 1, part 2, part 3
Serene 1 photo albums: part 1, part 2, part 3, part 4
Serene 2 photo albums: part 1, part 2, part 3, part 4

vong quốc chi ca

亡國之歌

Đạo đức, thịnh, suy, khôn, dại, hay dở đều hiện ra nơi âm nhạc, không giấu được ai. Bởi vậy cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào. (Tuân Tử – Nhạc ký)

Về Bolero VN, nói chung âm nhạc là một quá trình giáo dục và cảm nhận, nó gồm nhiều năm trãi nghiệm nên thường ai nghe gì đó là việc của họ, tôi không có ý kiến. Và biết rằng nói ra sẽ mất lòng một số người… Nhưng nhận xét về Bolero Việt Nam nói chung, tôi nghĩ thứ nhạc đó xứng đáng được gọi bằng cái tên: Vong quốc chi ca亡國之歌, loại âm nhạc mất nước! Những dân tộc ưa chuộng vận động và tiến bộ phải có thể loại nhạc sáng tạo và sinh động, không phải như Bolero VN ngồi nhai đi nhai lại mãi một mớ nhảm nhí, chẳng đại diện cho ai cả, ngoài cái tâm trạng xấu xí của họ. Chính xác theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Bolero VN là loại vong quốc chi ca, một loại âm nhạc mất nước! Vì quyết không sai, đây chính là âm nhạc của một quốc gia đã mất, và mất vì cứ mãi lải nhải từ năm này sang tháng khác một thứ nhạc kém đến như thế! Kém không phải vì loại nhạc đó sầu não uỷ mị, mà vì nó không có sự sáng tạo, cứ sử dụng mãi những giai điệu na ná từa tựa nhau, nghe 100 bài như 1, đến tác giả còn lười biếng, không chịu tìm tòi cái mới, làm theo kiểu mỳ ăn liền…

Nghe câu đầu là đã đoán được câu sau, làm gì có tí giá trị âm nhạc mới mẻ nào!? Và những người cứ mãi lải nhải loại nhạc ấy cũng không có hy vọng gì có thể mở mang đầu óc mà tiếp thu cái mới! Tuân Tử nói, đến một đất nước nào, chỉ cần nghe qua âm nhạc của nước đó cũng sẽ biết ngay là “Hưng” hay là “Phế”! Rất nhiều người không phân biệt được đâu là dân ca, và đâu là Bolero. Thực ra, từ ngay chính cái tên Bolero cũng đã chẳng có nội hàm, ý nghĩa gì, và cũng như cái tên tự nó gọi đó, Bolero chẳng có dính dáng gì đến dân ca cả, mặc dù cũng đã cố gắng vay mượn, đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen. Đó cũng là tiểu xảo và mục đích của cộng đồng Bolero, đánh đồng tất cả tốt xấu, hay dở, đánh lên một vũng nước đục, gạt bỏ tất cả những thành tựu khác để tự xem mình là một cái gì đó. Bolero VN thực ra chỉ là một quái thai của thời đại nó: âm nhạc thì copy dân ca một cách thô thiển, ca từ thì chả đâu vào đâu, chủ đề thì nhảm nhí… tất cả nói thẳng ra là một công cụ “phá hôi” để phục vụ cho các mục đích xã hội và chính trị, khởi đầu chẳng có gì rồi kết thúc cũng chẳng có gì!

杜牧 – 泊秦淮

煙籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, epilogue

Trần gian chưa thỏa ý người,
Sớm mai xoã tóc rong chơi với thuyền.

Thế rồi cứ miệt mài chèo đi trong 9 ngày như thế, ngày đi đêm nghỉ, đói ăn khát uống, vừa đi vừa hát rằng: Anh nằm xuống, sau một lần, đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trong vòm trời đầy… Bạn bè còn đó, anh biết không anh? Người tình còn đây, anh nhớ không anh? Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên, khi bóng anh như cánh chim chìm xuống! Vùng trời nào đó, anh đã bay qua, chỉ còn lại đây những sáng bao la… Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà, đất ôm anh khép lại hẹn hò, rồi từ đó, trong trời rộng đã vắng anh… 😀