uổng ngưng mi

枉凝眉

Đàn cổ tranh và diễn xướng, bài Uổng ngưng mi, chính là bài nhạc giáo đầu phim Hồng lâu mộng phiên bản 1987. Càng nghe càng thấy “nể và sợ” gia tài văn hoá, thi ca, âm nhạc cổ điển Trung Hoa. Mặc dù với thời gian, chiến tranh, loạn lạc… nhạc phổ các thời Tống, Nguyên trở về trước hầu như đã tiêu tán, thất truyền hoàn toàn, nhưng nhạc phổ của các triều Minh, Thanh vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay!

Một bên hoa nở vườn tiên,
Một bên ngọc đẹp không hoen ố màu.
Bảo rằng chẳng có duyên đâu,
Thì sao lại được gặp nhau kiếp này?
Bảo rằng đã sẵn duyên may,

Thì sao lại chóng đổi thay lời nguyền?
Một bên ngầm ngấm than phiền,

Một bên đeo đẳng hão huyền uổng công!

Một bên trăng rọi trên sông,

Một bên hoa nở bóng lồng trong gương.

Mắt này có mấy giọt sương,

Mà tuôn chảy suốt năm trường, được chăng?

sơn pha dương

山坡羊

Coi mãi không chán, đoạn này, Quách Tĩnh cõng Hoàng Dung lên núi cầu xin Nhất Đăng đại sư trị thương, gặp người Tiều phu, một trong bốn đệ tử của Nhất Đăng. Đoạn phim không có đánh đấm gì, đơn giản chỉ là “khoe” kho tàng văn hoá cổ Trung Quốc! Người tiều phu thoạt tiên hát một điệu Sơn pha dương, bài Hàm Dương hoài cổ, rồi lại tiếp tục hát theo điệu đó, một bài Đồng Quan hoài cổ.

Hoàng Dung bèn đáp lại cũng bằng một bài theo điệu Sơn pha dương – Đạo tình. Phải hiểu cổ văn thì mới cảm nhận hết được cái hay tuyệt diệu của trường đoạn phim này, hai người đối đáp với nhau chỉ toàn dùng thơ và nhạc, trích dẫn ba bài thơ đời Nguyên và một điệu nhạc “Sơn pha dương”. Đồng thời cũng thấy rõ dụng tâm, công phu dàn dựng đoạn phim, giới thiệu đồng thời cả cổ văn và cổ nhạc Trung Quốc!

ngũ bách niên tang điền thương hải

五百年桑田滄海

Lại nói về phim Tây Du Ký. Những năm 80, xã hội TQ bắt đầu có chút cởi mở, người làm phim mượn hình ảnh Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm để khéo léo phản đối nhà cầm quyền: Ròng rã năm trăm năm, Ruộng dâu hoá bể xanh, Đá mòn rêu xanh bám, Nhưng trái tim vẫn lành. Vẫn hướng về tự do, Ngại chi ngày lửa đỏ… May mắn đây đã là những năm của “Lão Đặng” với cái lý luận “mèo đen, mèo trắng”…

Năm trăm năm, vật đổi sao dời,
Đá vô tri cũng ngậm ngùi rêu xanh.
Năm trăm năm! năm trăm năm!
Ngũ Hành Sơn nặng, giam cầm thân ta.
Bao ngày tuyết nổi, sương sa,
Cuối trời hút bóng, mắt nhoà cánh chim.
Còn đây rạo rực trái tim,
Thương về chốn cũ, mãi tìm tiêu dao.
Anh hùng ngang dọc trời cao,
Sá chi lửa đốt, sợ nào giá băng.
Vẫn nguyên chí hướng tung hoành,
Lòng tin ở lẽ công bằng vẫn nguyên.
Tiếc thay năm tháng triền miên,
Trách ta, thành kẻ than phiền, vô công.
Vì sao, vì sao? Chí tang bồng,
Thành thân cá chậu, chim lồng hỡi ai!?

thanh mai trúc mã

青梅竹马

Đọc truyện, xem phim thường thấy sử dụng thành ngữ “thanh mai trúc mã”, nhưng không để ý lắm đến xuất xứ của nó, hôm nay chợt nghĩ ra, “bụng đầy thơ” như mình sao bây giờ mới nhận ra chính là từ trong bài Trường Can hành của Lý Bạch hay đọc hồi nhỏ: Thiếp phát sơ phú ngạch, Chiết hoa môn tiền kịch, Lang kỵ trúc mã lai, Nhiễu sàng lộng thanh mai, Đồng cư Trường Can lý, Lưỡng tiểu vô hiềm sai, Thập tứ vi quân phụ…

Dịch nghĩa: Tóc em khi mới xoã ngang trán, Bẻ hoa trước cửa nhà chơi, Chàng cưỡi ngựa tre lại, Chạy quanh giường nghịch ném quả mơ xanh. “Trúc mã” chính là cây gậy trúc mà mấy cậu nhóc hay đóng giả làm ngựa, “thanh mai” là quả mơ chế biến thành món ô mai mà các cô bé hay ăn. Bài thơ mô tả chuyện tình của 2 đứa bé lớn lên bên nhau, từ nhỏ đến khi thành niên. Haizza, ai xui ngày xưa cụ Lý Bạch viết “ngôn tình” vậy ta!? 😀

Trường Can hành – Lý Bạch

Trán em tóc mới chấm ngang,
Bẻ hoa trước ngõ, ngoài đàng đứng chơi.
Ngựa tre, chàng cỡi tới nơi,
Vui đùa ném trái mơ chơi quanh giường.
Trường Can, cùng chỗ náu nương,
Trẻ thơ chẳng có vấn vương ý gì.
Lấy chàng, mười bốn, biết chi!
Thẹn thùng, nên chẳng mấy khi ra ngoài.
Cúi đầu, quay mặt vách hoài,
Nghìn lần chàng gọi, không quay một lần.
Mười lăm, mày mới nở dần,
Nguyện cùng gian khổ quây quần bên nhau.
Tin nhau từ thuở ban đầu,
Có đâu nghĩ chuyện lên lầu ngóng trông.

Mới năm mười sáu, xa chồng,
Cù Đường, Diễm Dự, xót trông xa vời.
Tháng năm, chẳng đến được nơi,
Mãi nghe tiếng vượn bên trời bi ai.
Trước sân, dấu bước in dài,
Giờ rêu xanh phủ, đều phai mờ rồi.
Rêu dầy, khó quét, đành thôi,
Gió thu sớm thổi, lá rơi rụng đầy.
Bướm vàng tháng tám, lượn bay,
Từng đôi trên cỏ vườn tây chập chờn.
Lòng em chua xót, cô đơn,
Má hồng thấy đã già hơn trước rồi.
Tam Ba, chàng sẽ xuống thôi,
Gửi thư báo trước về nơi quê nhà.
Đón chàng chẳng quản đường xa,
Trường Phong Sa đến, thế là gặp nhau.

tỉnh để chi oa

張三豐
無根樹

道法流傳有正邪
入邪背正遍天涯
飛騰罕見穿雲鳳
陷溺多成落井蛙

Về thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng”… hôm nay đọc được một bài thơ rất hay của Trương Tam Phong đạo trưởng, đề ở đầu tập thơ Vô căn thụ (Cây không gốc). Ai đọc Kim Dung hay xem kiếm hiệp Hồng Kông thì hẳn biết Trương chân nhân Quân Bảo là tổ sư của Võ Đang, nhưng cũng là một nhân vật lịch sử có thật, để lại nhiều tác phẩm văn thơ Đạo giáo.

Trương Tam Phong – Vô căn thụ

Đạo pháp lưu truyền hữu chính tà,
Nhập tà bội chính biến thiên nhai.
Phi đằng hãn kiến xuyên vân phụng,
Hãm nịch đa thành lạc tỉnh oa…

Dịch nghĩa: Đạo học lưu truyền có chính, có tà, Theo tà phản bội lại chính đâu đâu cũng có. Bay lên trời xuyên qua mây như chim phượng thì rất ít thấy, Mà rơi xuống thành con ếch ngồi đáy giếng thì lại rất nhiều. Chú thích: “Lạc tỉnh oa” – 落井蛙, lạc là rơi xuống, tỉnh là cái giếng, oa là con ếch, “lạc tỉnh oa” hay “tỉnh để chi oa” tức là “ếch ngồi đáy giếng” vậy.

miền sâu khói sóng

Thế sự thăng trầm người chớ hỏi, Miền sâu khói sóng chiếc thuyền câu. Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu, So giấc mộng với thân ta… y hệt! Duy chỉ có thanh phong, minh nguyệt,
 Của trời chung mà vô tận riêng mình. 
Sự bại thành để mặc u linh, 
Người đô hội, kẻ vui miền rừng rú. 
Tay gõ nhịp, hát câu Tương tiến tửu:
 Anh có thấy dòng Hoàng hà? 
Con sông vĩ đại nước sa lưng trời! 
Làm chi cho mệt một đời!?

chơi xuân kẻo hết

Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật, Ðã sinh người lại hạn lấy năm. Kể chi thằng lên bảy, đứa lên năm, Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc! Lại mang lấy lợi danh vinh nhục, 
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan. 
E đến khi hoa rữa trăng tàn, 
Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác!
 Tế suy vật lý tu hành lạc, 
An dụng phù danh bạn thử thân. 
Song bất nhân mà lại chí nhân,
 Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy. 
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy!
 Nếu không chơi thiệt ấy ai bù? 
Nghề chơi cũng lắm công phu…


côn sơn ca

阮廌 – 昆山歌

Ngỡ đã quên từ lâu, đứng nơi đây, nhẩm lại được toàn bộ nguyên bản Hán văn của Côn Sơn ca – Nguyễn Trãi: Côn sơn hữu tuyền, Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên, Ngô dĩ vi cầm huyền… Trích bản dịch tiếng Việt:

Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.

Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.

dương liễu ngạn…

Tỉnh say nơi chốn mơ màng,
Bên bờ dương liễu, trăng tàn, gió mai.
Lần đi cách biệt năm dài,
Ngày lành, cảnh đẹp, bỏ hoài từ đây…

柳永 – 雨霖鈴
楊柳岸曉風殘月

Người rành Cổ văn chỉ cần nghe một câu: Dương liễu ngạn hiểu phong tàn nguyệt là đã hiểu muốn nói điều gì, hoặc chỉ cần nghe bốn chữ: Đại giang đông khứ là đã hiểu tâm ý thế nào… Cổ văn rất rất khó, nó khó một phần cũng bởi vì cái tâm hồn đơn giản, hồn hậu, thuần phác của nó, bởi vì con người hiện đại phức tạp, xảo diệu lại khó có thể hiểu thấu! (Ảnh dưới: bờ hồ trung tâm thị trấn Sapa, 2015).