covid years

Lân la ngày bạc muộn rồi,
Gió thu hiu hắt bên trời thổi qua.
Úa tàn thôi hết mùa hoa…

Năm Covid-19 thứ nhất, mấy cái máy tập tạ trong nhà đã tự làm xong, nên tập và đạp xe hơi nhiều (chưa cách ly, vẫn đi lại được), cứ tập đều đặn như thế, một năm lên 10 kg. Năm Covid-19 thứ hai, mấy tháng giãn cách xã hội, tự nấu cơm ăn ở nhà, riết thành thói quen, trong một năm, lại tăng thêm 10kg nữa!

Trong 2 năm tăng đến gần… 20 kg!!! May mà sau đó đã giảm xuống lại, ổn định ở 77kg, không thì béo phì mất. Mà cái nặng nề trong thể trọng vẫn không đáng sợ, đáng sợ là sự trì trệ trong tinh thần những năm tháng này mang lại… Haiza: Trì trì bạch nhật vãn, Niễu niễu thu phong sinh – 遲遲白日晚,嫋嫋秋風生。。。 😢😢

vông đồng

Biền, nam, khởi, tử, chẳng vun trồng,
Cao lớn làm chi những thứ vông.
Tuổi tác càng cao càng xốp xáp,
Ruột gan không có, có gai chông…

Càng có tuổi, đôi lúc thường bâng quơ nhớ chuyện ngày xưa, lại thường hay suy nghĩ vẩn vơ những chuyện: thập niên chi kế, mạc như thụ mộc – 十年之计莫如树木。 Những cây vông đồng, hầu như trường phổ thông nào ở Đà Nẵng, nhất là các trường cấp 2, cũng đều có trồng một vài cây, sở dĩ chọn thứ cây vừa gai góc, vừa có độc như thế là để… không cho học sinh leo trèo nguy hiểm! 😃

mách qué

Hồi đó cứ lang thang quanh quẩn ở mấy tiệm sách cũ quanh khu chợ Bà Chiểu và góc đường Trần Huy Liệu… bắt gặp cuốn thơ Cao Bá Quát bản in chữ viết tay siêu đẹp, chủ quán nhìn mặt kêu giá 500K, mà học sinh làm éo gì có tiền, đành tiếc mãi thôi! Đương nhiên quá trình lớn lên và học hỏi cũng có đọc ít nhiều Thơ mới, thơ VN, nhưng mà sâu từ trong nhận thức, chỉ có “chữ Hán”, chỉ có Đường thi mới là thơ. Còn “Nôm na là cha mách qué”, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ “mách qué – không đứng đắn”! Một lũ từ ngữ trơn tuột, cưỡng từ đoạt lý, giảo hoạt, nói cho lấy có lấy được, cứ ưa hơn người bằng cách lấp liếm, hoa ngôn xảo ngữ, chứ không thực sự nhắm đến nội dung bên trong!

Học “cổ văn”, cái đầu tiên là phải kiên nhẫn suy nghĩ xem ý tứ nó ra làm sao, không phải nghe có nửa câu đã nhảy vào miệng người ta ngồi: “ah ta biết rồi, nó là như thế này, thế kia!” Bởi đa số người Việt vẫn chỉ biết: “Cầm đao chém nước chảy cuồng, Tiêu sầu nâng chén càng buồn thêm thôi!”, nhưng có ai chịu khó đọc tiếp mấy câu sau: “Trần gian chưa thoã ý người, Sớm mai xoã tóc rong chơi với thuyền”!? Tiếp sau luôn luôn có những cái “ý tại ngôn ngoại”, viện dẫn sự tích, điển cố, làm cho ngữ nghĩa nó thâm trầm, bao quát! Nói thẳng muôn đời vẫn là một kiểu dân tộc tính khó sửa, học một ông “thầy Tàu” nào đó nhưng vì bản chất nó “đoản” nên lúc nào cũng chỉ học được… một nửa câu! 😢

nhớ đồng

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi, Đâu ruồng tre mát thở yên vui. Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn, Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi? Đâu những đường cong bước vạn đời, Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi. Giữa dòng ngày tháng âm u đó, Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi… Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh, Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

14/02/2022

Tìm nàng thuở Dương Đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa.
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân.

Nhân chuyện cũ, ngồi nhớ lại những tựa sách thiếu niên phiêu lưu mạo hiểm ngày xưa đã đọc, nhiều không kể xiết, dễ có đến cả trăm tựa sách khác nhau, tất cả đương nhiên là văn học Âu – Mỹ, là từ cái văn hoá biển cả rộng rãi, hàng hải khai phóng mà ra, có rất nhiều truyện đến giờ thậm chí đã không còn nhớ tên, tác giả… 😢

nhị cú tam niên

Cứ như thế, càng năm càng rơi rụng đi, rồi dần dần chỉ còn đám ngu dốt đến mức nhảm nhí kiểu bolero mà thôi! Người như Nguyễn Tài Tuệ thì… “nhị cú tam niên đắc – 二句三年得 – hai câu làm mất ba năm” là chuyện bình thường, cả một đời chỉ đề lại hơn chục bài, nhất là khí nhạc, chứ về thanh nhạc lại thấy không nổi trội bằng…

02/02/2022

Facebook nhắc ngày này năm trước, mới đó mà đã 2 năm, thời gian như bóng câu qua cửa. Mới Canh Tý 02/02/2020, thoắt cái đã Nhâm Dần 02/02/2022… Cảm giác thời gian trôi đi mất, chưa níu kéo lại được! 😢

Ai bày Tết nhất làm chi?
Lo quần, lo áo, lo đi chạy tiền.
Người người vui Tết liên miên,
Riêng tôi nghĩ Tết mà điên cái đầu!
Lo nhiều đến nỗi mọc râu,
Năm cùng tháng tận qua cầu xổ xui.
Cũng liều xăng-xít đít-đuôi,
Để ba ngày Tết vui cười no say.
Rồi sang năm ta lại kéo cày…😀

senility, 2

Bước chân ra khỏi cửa Hàn,
Nước mây man mác muôn ngàn dặm khơi.
Gánh tình nặng lắm ai ơi…

Nhìn lại chiếc Serenity này toàn thấy những chỗ thi công chưa đạt, tuy về thiết kế vẫn là chiếc cảm thấy hài lòng nhất cho đến hiện tại. Thợ kiểu gì mà vẫn “sai đâu sửa đó, sửa đâu sai đó…” Đang suy nghĩ chiếc kế tiếp sẽ đặt tên gì, là Senility hay là Salinity?! 😀


thu rơi từng cánh

Mùa thu hoa cúc lại tàn,
Thuyền ai buộc mãi bên làn cây cong!
Người về để lạnh phòng không,
Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương…

Đơn giản như Nguyễn Bính, không phải là thứ đơn giản mà ai cũng học đòi được, bắt chước chỉ đẻ ra được kiểu tào lao như “Hoa sứ nhà nàng”, “Nỗi buồn hoa phượng” mà thôi! Mở đầu 4 câu như thế, tiếp theo câu thứ 5 là thay không gian, đổi thời gian ngay lập tức: “Có người cung nữ họ Vương…” Tình hình dịch bệnh có vẻ tạm ổn, cái xưởng mộc đóng một lớp bụi dày, “tẩy trần” sạch sẽ cho chiếc xuồng chuẩn bị lại xuống nước! 😃

dù rằng

Dù rằng một chữ cũng thơ, Dù rằng một thoáng cũng thừa xót xa. Dù rằng một cánh cũng hoa, Dù rằng một nửa cũng là trái tim! Dù không nói, dù lặng im… 🙂