the red army choir – 1

Russian music has a fair share in my “favourite collections”, both “Soviétique” and “non – Soviétique” types. At first glance, one may say: Oh, communism really knows how to motivate people! In a deeper look, one may see a continuous folklore tradition which traces back centuries into history, into the age – old Slavic and Asiatic origins, very long before Pyotr Ilyich Tchaikovsky was trying to figure out and build up the so – called: “Russian identity” in music.

Nhạc Nga chiếm một phần khá lớn trong số những nhạc phẩm yêu thích của tôi, dù là nhạc Sô – viết hay không. Mới nghe qua, người ta thường bảo: Oh, CS thật biết cách động viên quần chúng! Nhìn sâu xa hơn, có thể thấy một truyền thống dân ca có cội nguồn sâu xa nhiều thế kỷ, có gốc gác Sla – vơ và Á – châu cổ xưa, rất lâu từ trước khi Pyotr Ilyich Tchaikovsky từng trăn trở về việc tìm kiếm, xây dựng nên cái gọi là “bản sắc Nga” trong âm nhạc.

Let’s go!

Cossack rides over the Dunai

When we were at war

You tricked me

Farewell of Slavianka

Stand up for faith Russia!

We are the army of the people

USSR anthem

tần thời minh nguyệt

王昌齡 – 出塞

秦時明月漢時關
萬里長征人未還
但使龍城飛將在
不教胡馬渡陰山

Khi nhỏ, một mình tự học Hán tự, tự đọc thơ Đường, mọi thứ đều là trên giấy trắng mực đen, thông tin không được phong phú, đa phương tiện, đa chiều như bây giờ. Tất cả chỉ là một mình tự thưởng thức cái đẹp, những gì lịch sử còn lưu lại, Đường thi với gần 5 vạn (50 000) bài của hơn 2 ngàn tác giả (số lượng thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều, không kể phần đã thất truyền, mai một qua hơn 1200 năm biến động lịch sử). Kho tàng văn hoá đồ sộ như thế, Trung Quốc lâu lâu bẻ ra một miếng là làm thành một bộ phim, thỉnh thoảng trích một câu là làm được một series truyền hình, thậm chí còn không cần tới một câu…

Tần thời minh nguyệt… mới có 4 chữ trong một câu 7 chữ. Trông người lại ngẫm đến ta, xưa có câu Nôm na là cha mách qué, ý nói về bản chất, ngôn ngữ Việt cũng thể… phường “ba que xỏ lá”, chẳng có thực chất gì! Lại nói gần đây, giới ngôn ngữ học có xu hướng đánh giá cho rằng, thực ra “tiếng Việt” chưa phải là một ngôn ngữ hoàn chỉnh mà mới chỉ là một “Creole language”, một dạng tập hợp, hình thành tạm bợ, nhất thời từ nhiều nguồn khác nhau, thừa hưởng cấu trúc ngữ pháp từ gốc Môn – Khmer, tiếp nhận hệ thống thanh điệu từ phía Tày – Thái và vay mượn một lượng rất lớn từ vựng từ nguồn Hán tự… 😞

“san” hành đoản ca

Một chiều trên tỉnh lộ 206 từ Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng (thác Bản Giốc) chạy về thị trấn Phục Hoà, giáp ranh TQ. Con đường rất đẹp đi qua vùng biên giới hoang vắng, hiếm hoi lắm mới thấy được một mái nhà, một bóng người. Đã hơn 5h chiều, khu dân cư gần nhất vẫn còn cách tầm 50 km, trời rét dưới 10 độ, bụng đói cồn cào. Đang không hy vọng gì có được một bữa tối êm ấm, thì qua một khúc quanh, bỗng đâu xuất hiện một quán… heo quay. Tin nổi không, một quán heo quay lá mắc mật nằm trơ trọi giữa núi rừng. Vội ghé vào, chủ quán là người Tày, trong bộ áo quần lĩnh đen truyền thống, đầu chít khăn mỏ quạ cũng đen nốt, bất giác cảm thấy như đang ở trong một phim cổ trang nào đó. Thật đúng là:

Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung,
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng!

Trích từ trong bài thơ Sa hành đoản ca của Cao Chu Thần – Cao Bá Quát đã đăng cách đây rất nhiều năm. Gọi thầm trong bụng: Tiểu nhị, cho 2 cân thịt và 1 vò rượu! 😀 Trời lạnh cóng thế này, không có gì khoái khẩu hơn những món ăn nhiều mỡ, làm liền một lúc 3 lạng heo quay, vẫn còn thòm thèm! Chủ quán đem rượu Táo mèo ra mời, ngồi nói chuyện lai rai, không tiện từ chối, cũng làm chừng 3 ly nhỏ để cho ấm cơ thể! Thầm nghĩ trong đầu, hết chỗ rượu thịt này, chủ quán mà kêu lên: 1, 2, 3, đổ này, đổ này! thì nguy khốn, có khi sắp trở thành bánh bao đến nơi! 😬 Nghĩ vậy thôi, chứ thực ra là chưa bao giờ gặp được một nữ chủ quán dễ thương, có giọng nói ngọt ngào, êm dịu đến như thế giữa núi rừng Đông Bắc!

Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu trên đường đời.
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả, hỏi tỉnh được mấy người?

vân hoành tần lĩnh

Xăm với tôi không phải là mê tín dị đoan, đơn giản chỉ là trò chơi chữ nghĩa mang tính giải trí. Hôm trước còn tự “sáng tác” ra trò gọi là “Cổ thi thiêm”, chọn ra 100 câu thơ Đường, đánh số từ 1 đến 100, rồi “randomize” – lấy ngẫu nhiên một số để đoán xem “hạn vận” thế nào. Bốc được ngay câu của Hàn Dũ: Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại, Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền.

Dịch nghĩa: Mây giăng ngang dãy núi Tần, nhà của ta ở đâu? Tuyết phủ đầy cửa ải Lam, ngựa không tiến lên được! Haiza, là điềm báo sự việc không suôn sẻ, cái gì là “nhà ở đâu”, thế nào là “ngựa không tiến”!? Nhưng nghĩ lại, mình đi bằng xuồng chứ có đi bằng ngựa đâu, nên thực ra cũng chẳng có can hệ gì, thôi kệ, xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều! 😬

韓愈 – 左遷至藍關示姪孫湘

雲橫秦嶺家何在
雪擁藍關馬不前

nước mắt cá sấu

Một bài viết rất hay! Lại cái thói trí trá lặt vặt, muôn đời của người Việt, cứ hay lấy những giá trị cực đoan ra để thách đố người khác! Giáo dục là hướng con người đến những hành động đúng đắn, vừa phải, trong những tình huống bình thường hàng ngày, hướng đến một sự tiến bộ từ từ và thiết thực. Chứ không phải vẽ ra những mẫu hình đạo đức cao siêu không tưởng, thường chỉ xảy ra ở những tình huống cực đoan trong cuộc sống! Riết như thế một lúc sẽ trở thành những trò đạo đức giả! Học sinh học cách khóc “nước mắt cá sấu” khi cần phải “diễn”, học cách vẽ ra những hình tượng đạo đức gương mẫu, nhưng thực tế thì ngược lại, sẵn sàng làm những trò lưu manh không nháy mắt trong các tình huống thực của cuộc sống! Thêm một bằng chứng về thói “đĩ miệng” và “lưu manh vặt” của người Việt, hai cái đó thường đi đôi với nhau! XH Việt vẫn luôn như thế, đa số vẫn bị lôi cuốn bởi những chuyện đạo đức giả đầy nước mắt cá sấu mà quên đi cách nhìn thẳng vào cốt lõi của vấn đề.

Ngay từ lúc còn rất nhỏ, cái bản chất bướng bỉnh của tôi vẫn luôn nhìn ra những chuyện như thế. Nói nghe có vẻ bất hiếu hay vô lễ, nhưng thực ra, chúng ta đang sống trong một xã hội mà cha mẹ không thực sự yêu con cái, họ chỉ yêu cái “vai” làm cha mẹ, thầy cô cũng không yêu học trò, họ chỉ yêu cái “vai” làm thầy, cô mà họ phải diễn. Tác hại của những điều ấy tưởng vô hình, khó thấy, nhưng thực rất khủng khiếp, nó đẻ ra những thế hệ mất niềm tin, nhưng lại giỏi diễn kịch! Rút cuộc trở thành một cuộc thi ai “kể chuyện” hay hơn, ai lấy được nhiều nước mắt hơn, còn hơn cả… một lũ bán hàng đa cấp! Nguy hại là những điều ấy xâm nhập trường cấp 1, 2, tiêm nhiễm những đầu óc còn non nớt! Sự đổ vỡ tâm hồn là hậu quả hiển nhiên tất yếu, khi con người ta bị dồn nén mãi bởi những điều “có vẻ tốt đẹp nhưng lại không có thực”, nó phải tự giải thoát theo chiều hướng ngược lại: lưu manh, xảo trá, càng nguy hiểm hơn dưới những vỏ bọc “tốt đẹp” nguỵ tạo như đã nói trên!

tháng năm vội vã

匆匆那年

Tháng năm vội vã – Thông thông na niên – 匆匆那年, một phim hay cho độ tuổi trung niên (và cho cả những người đã lớn muốn soi lại quãng đời tuổi trẻ đã qua). Tuy không phải là một phim quá xuất sắc trong cảm nhận của tôi, nhưng phim có một bản nhạc cùng tên tuyệt vời, với giọng hát như mây bay, nước chảy, như gió thổi của Vương Phi, và cái tiết tấu vội vàng của nó, như những hình ảnh mau chóng lướt qua, những hồi ức đẹp đẽ về những tháng năm tuổi trẻ say mê và khờ dại. Trong con mắt khán giả phương Tây, những nhân vật chính trong phim hiện ra có chút nông nổi, thiếu kiềm chế và nhẫn nại trước những sóng gió, đổi thay trong cuộc đời, để rồi cuộc tình có nhiều hệ luỵ đau thương.

Nhưng đó chính là những gì diễn ra trong một xã hội đang trên đà thị trường hoá, những khủng hoảng “giá trị cá nhân”, ai cũng mãi chạy theo “một điều gì đó”. Cũng là những gì tuổi trẻ chưa thể có, chưa hiểu thấu chính mình, chưa lường hết những ngã rẽ cuộc đời. Ca từ viết rất hay, có thể gián tiếp nói lên những điều vốn rất khó thành từ ngữ: Đừng trách mối tình không có thời gian để tập luyện, chính là tháng năm đã khoan dung ban tặng thời gian để chúng ta quên đi lời hẹn ước. Đừng trách ai cũng không thể có một lần yêu trọn vẹn, chính là thời gian đã thiện ý lưu lại những vấn vương vụn vỡ. Bởi chúng ta đã không hiểu rằng những lời hứa mãi bên nhau cố chấp ấy chỉ là những lời báo trước chia tay.

lý tính thuần tuý

Nhớ lại thi học kỳ môn học gì quên mất tên, bộ môn Trí tuệ Nhân tạo, khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên, tp. HCM quãng năm 2000… Lần đầu tiên thấy đề thi của một trường học XHCN lại có một câu đầy tính siêu hình học (metaphysics) như thế này: Triết gia Immanuel Kant có câu: Không có bản chất, chỉ có hiện tượng. Anh chị hãy bình luận, phân tích về câu trên và đường hướng áp dụng vào trong ngữ cảnh môn học Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence).

Nhớ lại chính tôi, những năm 19, 20 tuổi, suốt ngày đọc Kant và Nietzsche, cực kỳ say mê: Phê bình lý tính thuần tuý (Critique of pure reason). Thậm chí muốn học tiếng Đức để đọc được Kant nguyên bản! Bây giờ đã gấp đôi tuổi đó, chỉ thích chèo thuyền vượt biển. Đôi khi ta phải biết ơn tất cả những đổi thay, thăng trầm, dù là “thăng” hay “trầm” của cuộc sống! Cũng bởi vì “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence) chả thế éo nào mà thắng nổi “Ngu xuẩn tự nhiên” (Natural Stupidity)! 😬

đại hùng

Gặp trên đường xuyên Việt gần Sa Huỳnh, Quảng Ngãi… đã đi được hai năm rưỡi, hơn nửa đường từ Cà Mau về Yên Tử. Cứ đi hai bước, lại cúi một lạy sát đất. Mọi người có biết tại sao hầu hết các chùa, tại ngôi điện trung tâm, đều treo một bức hoành đề: 大雄寶殿 – ĐẠI HÙNG bảo điện!?

Trong cái thời “Mạt Pháp” này, người người, nhà nhà “bi bô” tụng niệm, rao giảng về “từ bi”, “trí tuệ”, nhưng cố tình lờ đi, quên đi lời Phật đầy đủ phải có 3 yếu tố: bi, trí, dũng. Những loại “bi và trí” phiến diện, lặt vặt, đơn thuần chỉ là “tiểu xảo ngôn từ”, mà không có “dũng” thì làm được việc gì?

alma mater mea

Bắc hành 2017 p4

Sitting in the sandpit, life is a short trip… It’s so hard to get old without a cause. Youth’s like diamonds in the sun, and diamonds are forever…

Sơn Trà, chỉ là bán đảo nho nhỏ, đường vòng quanh chưa đầy 60 km. Những năm cấp 2, bọn tôi thường rong chơi ở đây: leo núi, băng rừng, cắm trại, tắm biển… Khi đó chưa có đường nhựa như giờ, chỉ là đường mòn rộng chừng 0.5m làm năm 1979 để đưa pháo cối ra đặt ngoài đó (đề phòng Trung Quốc đổ bộ đường biển). Đến giờ, tôi lờ mờ hiểu ra rằng, đã có những người dành cả đời để bảo vệ một đám xanh nhỏ nhoi như thế, và cũng sẽ có những kẻ tìm cách phá hoại bằng mọi giá.

Tạm dịch: (từ lúc còn) ngồi trong “hố cát”, (đến giờ) cuộc đời chỉ như một chuyến rong chơi ngắn. Thật khó để già đi mà không cho ta một lý do nào. Tuổi trẻ long lanh như viên kim cương trong ánh nắng, mà kim cương là mãi mãi… Hố cát (sandpit) là cái ô chứa cát ở vườn trẻ, làm để cho trẻ nghịch phá, đào bới, chơi đùa. Dễ có mấy chục năm, hôm nay mới trở lại cái “hố cát” của tuổi thơ tôi, nguyên một vùng bán đảo Sơn Trà tuyệt đẹp, cái “hố cát” của một thời nghịch phá, vẫy vùng, mơ mộng.

điện ảnh

Căn bản, cách làm phim của Trung Hoa đại lục và Hồng Kông, Đài Loan rất khác nhau. Với Đài Loan, HK, diễn viên thường được chọn từ các cuộc thi sắc đẹp, dĩ nhiên là có ngoại hình. Còn ở Đại lục, đa số diễn viên, nhất là các thế hệ đầu, và đến tận bây giờ, thường chọn ở các đoàn ca kịch: Kinh kịch, Bình kịch, Xuyên kịch, Tương kịch… Các thể loại Kịch đại lục có bề dày lịch sử lâu đời, công phu đáng nể, diễn viên không chỉ học diễn xuất, mà còn học vũ đạo, võ thuật, nhiều trò tạp kỹ, và nhất là văn thơ cổ. Nên về ấn tượng ngoại hình, trang phục thì HK, Đài Loan có thể có chút ưu thế, nhưng về chiều sâu văn hoá, tâm lý, thì không thể qua mặt Đại lục.

Thế nên mới có chuyện “diễn vai nào là chết vai đó”, nhiều diễn viên cả đời chỉ đóng một vai: Hoàng hậu (độc ác), Hoàng thượng (lăng nhăng), Phi tần (hiền từ), Hoàng thái hậu (ba phải), Công chúa (nghịch ngợm), etc… Đó là mô thức truyền thống của Kịch nghệ, vốn đã chuyên sâu như thế, dù có giỏi đến đâu cũng khó lòng vượt qua. Làm phim hiện đại căn bản là nhiều chiêu trò nhảm nhí để lôi kéo khán giả. Nhưng đại lục làm phim, luôn luôn lồng ghép trong đó rất nhiều văn hoá cổ, phải là người dụng tâm tinh tế mới nhận ra và thưởng thức được, đôi khi là những chi tiết rất nhỏ, ví dụ như nghệ thuật cắt giấy trang trí cổ truyền TQ trong hình dưới đây.