tình ca – 2

…Tiếng nước tôi,
bốn ngàn năm ròng rã buồn vui,
khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!

Lâu lâu nghe lại những bản nhạc kinh điển một chút. Cách đây vài năm trên Wikipedia tiếng Việt còn tranh cãi Tình ca nào phải của NS Phạm Duy, mà là của NS Hoàng Việt 😬. Nếu Tình ca Hoàng Việt là một tình khúc “đỏ” rất hay thì Tình ca Phạm Duy, ở một mức độ phổ quát hơn, là bản tuyên ngôn tuyệt vời nhất cho cái gọi là bản sắc Việt! Trình bày của Thái Thanh dưới đây có tempo khá chậm, những ai muốn một thể hiện hiện đại hơn có thể nghe Mỹ Linh bên đây.

Tình ca - Thái Thanh - 1969 
Tình ca - Thái Thanh 
Tình ca - Mỹ Linh 
Tình ca - Nguyễn Đình Nghĩa 

Hàng chục năm trở về trước, khi tôi giới thiệu bài này với bạn bè mình, họ đã không hiểu được phần nhạc và cả phần lời của bài này, nhìn nó với con mắt lạ lẫm, nghi hoặc. 😢 Sau khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước, sau khi nhiều đài, báo đã cho âm nhạc Phạm Duy một sự “bảo đảm” nhất định, thì họ có vẻ “hiểu” bài này hơn. Nên dĩ nhiên đến tận bây giờ tôi vẫn không cho là như thế!! 😢

Tình ca – Phạm Duy

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi, tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi. Tôi yêu tiếng ngang trời, những câu hò giận hờn không nguôi. Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi, vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

Một yêu câu hát truyện Kiều lẳng lơ, như tiếng sáo diều (diều) làng ta. Và yêu cô gái bên nhà miệng xinh, ăn nói mặn mà (mà) có duyên.

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình, nhìn trùng dương hát câu no lành. Đất nước tôi, dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn. Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi. Đất nước tôi, núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng. Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.

Tôi yêu những sông trường. Biết ái tình ở dòng sông Hương. Sống no đầy là nhờ Cửu Long. Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

Người yêu thế giới mịt mùng cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam. Làm sao chắp cánh chim ngàn, nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (là hàng) mến nhau.

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu. Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo. Mình đồng da sắt không phai mầu. Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao, những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao, dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi.

Tôi yêu biết bao người, Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa, những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi, ngày xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca. Ruộng xanh tươi tốt quê nhà, lòng tôi đã nở như là (là) đóa hoa.

cq – 88

Bức tranh này do cậu bé TKXuyên vẽ năm 1988, màu nước trên giấy, hiện vẫn treo trong phòng làm việc của mình (mọi người đừng cười một người chưa bao giờ có khiếu vẽ vời gì dù chỉ là một chút xíu). Dĩ nhiên là tôi còn nhớ rất rõ là vẽ vì những lý do gì, trong bối cảnh như thế nào. Mọi người hẳn chưa thể nào quên sự kiện CQ – 88 mà ngay cả một cậu bé 9 tuổi là tôi lúc bấy giờ cũng từng ngày dõi theo. Nghĩ mà buồn, đến nay hơn 20 năm rồi mà mọi chuyện vẫn thế. Dòng chữ đề trong bức tranh: Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ, Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong, cụ Nguyễn Công Trứ có sống lại mà nhìn bối cảnh bây giờ… 😢

thôi

Ôi cuộc đời, đầy phong ba giữa lòng người…
Ly rượu này, đầy thương đau tấm hình hài…

Khi xưa thích bài này, nhưng có lẽ là do giọng ca Thái Thanh mà thôi…

Báo Thanh Niên gần đây có loạt bài là lạ: Những bóng hồng trong thơ nhạc, đầu tiên là về ca khúc Ngày xưa Hoàng thị, về những bài thơ của Phạm Thiên Thư đã được NS Phạm Duy phổ nhạc, tiếp theo đó là bài viết về ca sĩ Thanh Thúy, một trường hợp rất đặc biệt trong làng nhạc cũ. Chờ xem bài tiếp theo trong serie là về ai! Cá nhân tôi thì không ấn tượng đặc biệt lắm với giọng ca cũng như thể loại nhạc của ca sĩ Thanh Thúy (dù rất cảm cái chân thành, tự nhiên, “mộc” đến mức… “liêu trai” của bà).

Thôi – Thái Thanh 

Ca sĩ Thanh Thúy được gọi là “tình yêu của nguyên cả một thế hệ”, “người trong mộng” của không biết bao nhiêu là nhân vật trong giới văn nghệ sĩ đương thời: Trúc Phương, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Nguyễn Long… danh sách những người chết mê chết mệt, thần tượng, tôn thờ, hay đơn giản là thầm yêu trộm nhớ bà còn dài, dài lắm. Quanh Thanh Thúy, có không biết bao nhiêu là tác phẩm thơ văn, âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, phim ảnh… được thành hình, mà ca khúc phổ biến bên đây chỉ là một ví dụ.

hq – 011





Ảnh 1: HQ – 011 trong lễ thượng kỳ, Ảnh 2: sea – trial ở biển Baltic, Ảnh 3: cạnh 2 chiếc Molnya tại Cam Ranh, Ảnh 4: HQ – 012 chuẩn bị về VN, Ảnh 5: 1 chiếc Molnya và 1 Svetlyak ở Trường Sa.

Cái này thì mọi người đều biết cả rồi, Gepard – class light frigate đầu tiên về tới cảng Cam Ranh tháng 3 vừa rồi, chính thức thuộc biên chế HQND VN với số hiệu HQ – 011 và tên Đinh Tiên Hoàng, chiếc Gepard thứ hai HQ – 012, Lý Thái Tổ sẽ về tới VN trong hơn một tháng nữa. Đây là hai chiến hạm “lớn” đầu tiên, thuộc loại được mang tên chứ không phải chỉ có số hiệu như các Molnya covrette. Trước sức ép của tình hình thực tế, các bác ấy đã bay sang Nga và ký biên bản nghiệm thu tàu trước một tháng so với lộ trình! Và cũng chưa bao giờ khẩn trương như thế khi nhà máy Ba Son cùng một lúc đóng mới 10 chiếc Molnya đã mua bản quyền từ Nga.

Việc nghiên cứu, đầu tư và làm chủ công nghệ không phải là điều dễ dàng, nhưng với cách làm mất (lưỡi) bò mới lo làm chuồng thế này thì chúng ta sẽ đi được tới đâu? Ai cũng hiểu là tàu thì cũng đã bắt đầu có rồi, nhưng cũng chỉ để “trưng” cho vui chứ chưa dùng được. Hệ thống huấn luyện điện tử giả lập (cho phép hơn 50 sĩ quan cùng một lúc thực hành trong điều kiện giống như chiến trận thật) mới về VN tháng 5 vừa qua, dĩ nhiên là không như chơi game, phải tập luyện 3 ~ 5 năm nữa thì số tàu kia mới bắt đầu có đôi chút giá trị, trọng lượng thực tế (riêng huấn luyện tàu ngầm thậm chí còn lâu hơn). Con bài chủ yếu để “mua thời gian” lúc này chính là không quân!

Nhưng vài chục chiếc máy bay hiện đại ở sân bay Thành Sơn và Đà Nẵng chưa phải là tất cả vấn đề, máy bay bây giờ hầu như đâu có ném bom nữa! Về vũ khí, VN có cái gì thì dĩ nhiên TQ cũng có cái đó: Switchblade (Ural – E), Termit (P – 20), Sunburn (Moskit)… nên cũng đành bỏ ra 300 M nữa để sở hữu công nghệ chế tạo Yakhont (Onyx), loại tên lửa Nga không bán cho TQ, chỉ bán cho Ấn Độ và VN. Chủ động được vũ khí riêng, vẫn còn một bước cuối: dàn phóng và điều khiển bắn cho Yakhont từ tàu chiến, máy bay hay tàu ngầm, cái này vẫn chưa làm được. Thế nên ngay lúc này chỉ có cách đặt hỏa tiễn trên bờ (Bastion – P) đợi “tàu lạ” vào gần chút thì may ra bắn trúng mà thôi!

Vấn đề không nằm ở công nghệ hay chiến lược, chiến thuật, và cũng không hẳn là chuyện tiền nong. Nếu mỗi chiếc Đinh Tiên Hoàng như thế này có giá khoảng 125 ~ 150 M thì riêng một vụ Vinashin đã ăn hết 25 ~ 30 đời vua Đinh rồi, chưa kể hàng loạt những vụ khác. Nghe giống như chuyện Từ Hi thái hậu dùng ngân sách tu bổ, nâng cấp Bắc Dương hạm đội để xây Di Hòa viên, dẫn đến việc hạm đội này trở nên lạc hậu và thất bại thảm hại trước hải quân Nhật Bản 10 năm sau đó. Nếu từng chuyện nhỏ đã không đúng thì chuyện lớn chẳng thể nào đúng được, mà thực tế văn hóa, xã hội VN như hiện tại là đang ở trong tình trạng: không có gì đúng cả, từ chuyện nhỏ đến việc lớn!

môi tím

Tình mình là tình đẹp nhất đó anh. Tình tuổi học trò mực tím áo xanh…

Post lại một bài đã đăng ở FB… một bản nhạc Nhật lời Việt từng rất phổ biến mà không cách nào tìm lại được bài gốc (trời ạ, lấy của ai, nguồn nào thì làm ơn ghi chú rõ giùm cái, chơi cái trò tam sao thất bổn này phiền quá…), chỉ biết là do Đặng Lệ Quân cover lại một ca khúc Nhật Bản (?), rồi ta tiếp tục cover lại bản F1 của Đặng Lệ Quân. Ngay cả khi viết trong một cái điệu rất Tây phương (pasodoble, really love all the pasodobles!) và qua mấy lần cover như thế này thì cái mùi Nhật vẫn chưa nhạt đi được…

Môi tím – Ngọc Lan 

thuyền viễn xứ – 2

Một bản nhạc càng hay thì người ta càng tìm cách diễn dịch nó theo nhiều cách khác nhau, một cảm hứng, gợi ý ban đầu cho nhiều trình diễn, chuyển soạn, phát triển… Như bản Thuyền viễn xứ, có không biết bao nhiêu là người trình diễn, tôi đã nghe nhiều, vocal cũng như instrumental, nhưng tiếng đàn bầu dường như vẫn là, một cách tự nhiên nhất, thanh âm phù hợp để truyền tải cái hồn của Thuyền viễn xứ.

Thuyền viễn xứ - Thái Thanh 
Thuyền viễn xứ - Quỳnh Giao 
Thuyền viễn xứ - Văn Vượng (guitar) 
Thuyền viễn xứ - Phạm Đức Thành (đàn bầu) 
Thuyền viễn xứ - Vũ Trụ, Hồ Đăng Long (piano & violin) 

mưa

That’s when the monsoon reverses… Dù cho ai đó cứ viết thơ, làm nhạc: đầu mùa xuân, mùa hạ qua, rồi mùa thu, vào mùa đông… thì quê hương em hai mùa mưa nắng và cũng chỉ có một thực tế đó mà thôi. Bài hát rất dễ thương của nhạc sĩ Văn Phụng như muốn bắt lấy khoảnh khắc giao mùa, điệu valse trẻ trung hợp với lúc mùa nước trở lại, cây cỏ vạn vật lại sinh sôi…

Mưa – Văn Phụng - Lưu Bích 

Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu,
Mưa cho nương dâu và khoai sắn lên mau,
Mưa như trút sầu, mưa tô lúa đầu,
Mưa rơi qua Bến Hải, Cà Mau

Một giọng hát rất chi self – assured, self – absorbed như của Lưu Bích, người em gái của ca sĩ Tuấn Ngọc này, rất là quyến rũ, nhưng thực cũng chóng chán…

nhạc sầu tương tư – 2

Mây trôi bơ vơ, mang theo niềm nhớ,
Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây…

Bài này nghêu ngao hát và thu âm ngay trên cái laptop cùi bắp đã lâu, chất lượng âm thanh rất là í ẹ, nghe cả tiếng ếch kêu quanh nhà, phải dùng Noise Removal tool của Audacity thì mới tạm nghe rõ lời hát (do noise nhiều nên voice cũng bị distort đi một chút). Bây giờ với máy tính và software thì ai cũng có thể làm ca sĩ karaoke được, mix vài cái sound – tracks: vocal và background music, kéo tới kéo lui, cắt dán một chút, apply vài cái effects là thành recording ngay thôi!

Nhạc sầu tương tư - Hà Thanh 
Nhạc sầu tương tư - Quỳnh Giao 
Nhạc sầu tương tư - TKXuyên 

Vốn chẳng bao giờ tự thu âm mình hát nhưng vì rất yêu thích Nhạc sầu tương tư này nên đây là ngoại lệ. Bài này theo tôi rất là Vietnamese – authentic, nét nhạc ngũ cung mang cái fingerprint – “điểm chỉ” Việt Nam mà chỉ cần nghe thoảng qua là biết. Bên trên, từ trái qua phải: thời điểm thu âm tăng dần và chất lượng giọng ca giảm dần 😬.

đừng xa nhau

Đừng đi mau, để mãi mãi,
là chiếc bóng đậm mầu,
còn theo nhau tới muôn đời sau…

Mỗi bản nhạc Việt giống như một bức tranh truyền thần: là ca khúc nên phần ký âm không “đầy đủ”, “chính xác” như truyền thống nhạc cổ điển (Tây phương), tác giả chỉ phác ra giai điệu chính (một số có soạn thêm hòa âm) và để phần diễn dịch tác phẩm âm nhạc đó cho thính giả. Đứng trước một bức tranh truyền thần, sẽ có rất nhiều cách nhận định khác nhau, nhiều khi là trái ngược nhau.

Đừng xa nhau - Thái Thanh 
Đừng xa nhau - Piano arrangement – Harold Mann 

Thế nên mới có vai trò của nghệ sĩ hòa âm và ca sĩ trình diễn: bổ sung thêm nhiều cảm nhận, màu sắc, biến tấu… cho những nét nhạc chính, những điều mà tác giả chỉ gợi ý mà không viết ra (hoặc đôi khi là chính tác giả cũng chẳng có ý đó). Với tôi, cách diễn dịch Thái Thanh luôn luôn là độc đáo và duy nhất!

đường em đi

Đường em có đi, hằng đêm bước qua,
nở những đoá thơ, ôi dị kỳ…

Một tác phẩm nữa của nhạc sĩ Phạm Duy – Đường em đi mà tôi ngờ rằng là được phát triển bằng cùng một “thủ pháp” với các bản Còn gì nữa đâu, Đừng xa nhau. Cả ba bản nhạc như là những “bài tập” đặc sắc sau thời gian học nhạc lý ở Pháp, Phạm Duy học chung lớp với Trần Văn Khê, nhưng chỉ hơn năm thì bỏ học về nước, như lời ông nói: để sáng tác theo kịp với hơi thở của cuộc sống, của thời cuộc. Còn anh học trò chăm chỉ Trần Văn Khê về sau trở thành giáo sư nghiên cứu âm nhạc.

Đường em đi - Trần Thái Hòa 
Đường em đi - Piano arrangement - Harold Mann 

Những bản nhạc tình chung chung, mông lung thế này chỉ là phương tiện để tác giả gởi gắm cảm xúc từ ý nhạc, những cảm xúc không tên (hãy nghe thêm phần piano arrangement rất hay), nên cũng chẳng quan trọng lắm về ca từ, Đường em đi hay Đường em chẳng đi, Còn gì nữa đâu hay Không còn gì nữa đâu… 😀 Hình bên: ảnh ông cụ những tháng ngày gần đây, trông vẫn rất tinh anh ở cái tuổi ngoài 90, vẫn còn xuất hiện và diễn thuyết về âm nhạc, tuy rằng ít hơn trước.