vong quốc chi ca

亡國之歌

Đạo đức, thịnh, suy, khôn, dại, hay dở đều hiện ra nơi âm nhạc, không giấu được ai. Bởi vậy cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào. (Tuân Tử – Nhạc ký)

ề Bolero VN, nói chung âm nhạc là một quá trình giáo dục và cảm nhận, nó gồm nhiều năm trãi nghiệm nên thường ai nghe gì đó là việc của họ, tôi không có ý kiến. Và biết rằng nói ra sẽ mất lòng một số người… Nhưng nhận xét về Bolero Việt Nam nói chung, tôi nghĩ thứ nhạc đó xứng đáng được gọi bằng cái tên: Vong quốc chi ca亡國之歌, loại âm nhạc mất nước! Những dân tộc ưa chuộng vận động và tiến bộ phải có thể loại nhạc sáng tạo và sinh động, không phải như Bolero VN ngồi nhai đi nhai lại mãi một mớ nhảm nhí, chẳng đại diện cho ai cả, ngoài cái tâm trạng xấu xí của họ. Chính xác theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Bolero VN là loại vong quốc chi ca, một loại âm nhạc mất nước! Vì quyết không sai, đây chính là âm nhạc của một quốc gia đã mất, và mất vì cứ mãi lải nhải từ năm này sang tháng khác một thứ nhạc kém đến như thế! Kém không phải vì loại nhạc đó sầu não uỷ mị, mà vì nó không có sự sáng tạo, cứ sử dụng mãi những giai điệu na ná từa tựa nhau, nghe 100 bài như 1, đến tác giả còn lười biếng, không chịu tìm tòi cái mới, làm theo kiểu mỳ ăn liền…

Nghe câu đầu là đã đoán được câu sau, làm gì có tí giá trị âm nhạc mới mẻ nào!? Và những người cứ mãi lải nhải loại nhạc ấy cũng không có hy vọng gì có thể mở mang đầu óc mà tiếp thu cái mới! Như Tuân Tử có nói, đến một đất nước nào, chỉ cần nghe qua âm nhạc của nước đó cũng sẽ biết ngay là “Hưng” hay là “Phế”! Rất nhiều người không phân biệt được đâu là dân ca, và đâu là Bolero. Thực ra, từ ngay chính cái tên Bolero cũng đã chẳng có nội hàm, ý nghĩa gì, và cũng như cái tên tự nó gọi đó, Bolero chẳng có dính dáng gì đến dân ca cả, mặc dù cũng đã cố gắng vay mượn, đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen. Đó cũng là tiểu xảo và mục đích của cộng đồng Bolero, đánh đồng tất cả tốt xấu, hay dở, đánh lên một vũng nước đục, gạt bỏ tất cả những thành tựu khác để tự xem mình là một cái gì đó. Bolero VN thực ra chỉ là một quái thai của thời đại nó: âm nhạc thì copy dân ca một cách thô thiển, ca từ thì chả đâu vào đâu, chủ đề thì nhảm nhí… tất cả nói thẳng ra là một công cụ “phá hôi” để phục vụ cho các mục đích xã hội và chính trị, khởi đầu chẳng có gì rồi kết thúc cũng chẳng có gì!

杜牧 – 泊秦淮

煙籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花

tây cống nhật báo

ồi đó mới vô SG có quen chú người Hoa Chợ Lớn, một thư pháp gia chữ Hán loại siêu, nói tiếng Quảng Đông, tiếng Việt chưa sỏi lắm, sáng sáng cafe đọc Tây Cống nhật báo (tức báo Sài Gòn giải phóng bản tiếng Hoa), và đặc biệt là rất mê nhạc Dương Thụ. Haizza, nói là “hoà nhi bất đồng”, thế mà có nhiều người Việt ghét nhau vì cái giọng nói khác có chút xíu…

paddle on, paddle still

張旭
清溪泛舟

旅人倚征棹
薄暮起勞歌
笑攬清溪月
清輝不厭多

iếp tục công cuộc thuyền bè và chèo chống… Nhớ lại cách đây mới khoảng 3 năm, chèo thuyền ngang qua con sông rộng chừng 300 m là đã có cảm giác: như con chim non nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ 😀, đến nay thì 30 km (100 lần nhiều hơn thế) băng qua cửa biển rộng mênh mông, làm một phát không phải nháy mắt!

Nhưng từ đây lên đến 3000 km vẫn còn… 100 lần nhiều hơn thế nữa. Con đường còn xa, xa ngái, Xuyên à! Thôi thì cứ giả vờ như cái “sự nghiệp rong chơi” này nó nhàn nhã, tiêu dao lắm, mà ngâm câu thơ rằng: Lữ khách nhàn trên thuyền gác mái, Trong chiều tàn khởi hát dân ca. Mỉm cười vốc ánh trăng ngà, Ngắm hoài không chán bao la suối rừng.

Khởi động trở lại chế độ mỗi tuần 3 buổi tập, mỗi buổi 20 ~ 25 km như trước. 50 ngày đi xuyên Việt xe máy thì có tí vất vả, nhưng chẳng rèn luyện được sức bền như chèo thuyền chút nào. Thực ra ít có môn chơi nào đã gian khổ lại nguy hiểm như… chèo thuyền! Cố gắng lấy lại phong độ nhanh chóng, bao nhiêu “phiêu lưu” dự tính đang đợi chờ tôi ở phía trước!

Mùa này ở Sài Gòn, người ta bắt đầu chơi thả diều, tức là đã có gió, rất nhiều gió, nhất là ở trên sông, mãi cho đến tận tháng 4, tháng 5. Cũng là thêm một điều hay khi đi chèo thuyền. Dù nước ngược hay gió ngược, dù sóng to hay phẳng lặng, dù thế nào thì con thuyền vẫn luôn phải “tinh tấn” tiến lên phía trước! Không có gì “ẩn dụ” cho cuộc sống hay hơn thế!

xuân nghệ sĩ hành khúc

Tới sau, ngày tươi vui ấy đã qua,
Thật không khác với giấc mơ, ngồi nghĩ đến lúc ngây thơ,
Lòng bâng khuâng ta sẽ tiếc thương cho bao nhiêu ngày vui đẹp,
Chúng ta nhủ thầm: ngày vui xưa nay đã mất qua bao lần!

hời gian cuối năm vẫn còn dài, mà sao thấy cứ nôn nao muốn bước sang năm mới… Kỳ thực đời người ta sống, quang âm như bóng câu qua cửa sổ, nói Nôm na thì: “chả lo gì” mà “chỉ lo già”… hoặc phỏng như Lý Bạch: người xưa đốt đuốc chơi đêm, thiệt là có lýcổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã古人秉烛夜游良有以也 😀.

Xuân nghệ sĩ hành khúc - Thái Thanh 

Về các anh em nhà Phạm Xuân (nhạc sĩ Xuân Lôi, Xuân Tiên…) đó thật sự là những con người đặc biệt của làng nhạc Việt. Tuy không hâm mộ âm nhạc của họ cho lắm, nhưng lại rất thích những cuộc đời năng động, đầy sức sống, đa tài, đa nghệ, muôn màu muôn vẻ như họ. Một chút âm nhạc sinh động trong không gian gió mùa xuân đương tới.

cape of Nghênh Phong

李白 – 橫江詞

白浪如山那可渡
狂風愁殺峭帆人

Bạch lãng như sơn na khả độ, Cuồng phong sầu sát tiễu phàm nhân.

Bó tay, sóng núi bạc đầu, Khách thuyền sốt ruột chết sầu gió điên!

aptured few days ago at cape of Nghênh Phong, Vũng Tàu. White breaking waves everywhere, winds are violent, true to the name (Nghênh Phong in Vietnamese means: to welcome the wind, well, they’re for sure warmly welcomed there). It’s even hard to hold the phone steadily in one hand. My initial plan has to be postponed to another time! 😢

viễn mộng

李白 – 夜泊牛渚懷古

牛渚西江夜
青天無片雲
。。。。。
明朝挂帆席
楓葉落紛紛

ách vở thường phân tích phương Đông (không giống như phương Tây): sống nội tâm, mẫn cảm, chan hoà và gần gũi với thiên nhiên. Theo như thực tế hiện nay mà thấy, hình như điều ngược lại mới là đúng! Lại dùng cổ máy thời gian, mời tác gia Lý Bạch ngược đến tương lai, trích bốn câu trong bài Dạ bạc Ngưu chử hoài cổ để bình luận cho bức hình bên dưới!

Ngưu chử Tây giang dạ,
Thanh thiên vô phiến vân…
Minh triêu quải phàm tịch,
Phong diệp lạc phân phân.
Cảnh đêm Ngưu chử Tây giang,
Trời thu trong vắt không hàng mây trôi…
Sáng dong buồm chiếu đi rồi,
Lá phong đã rụng tơi bời bến sông!

trào lỗ nho

李白 – 嘲鲁儒

魯叟談五經
白髮死章句
問以經濟策
茫如墜煙霧
足著遠遊履
首戴方山巾
緩步從直道
未行先起塵
。。。。。

ách đây gần 1300 năm mà người ta đã viết như thế này đây! Dịch nghĩa: Ông già nước Lỗ bàn chuyện Ngũ kinh, tóc bạc vùi trong những từ chương đã chết, hỏi ông cách giúp nước giúp đời, ông ngơ ngác như từ trên mây rơi xuống, chân đi giày “viễn du”, đầu chít khăn “phương sơn”, khệnh khạng ông bước trên đường thẳng, chưa đi đã thấy bụi bay mù…

Kinh tế (经济) là rút gọn của kinh bang tế thế (经邦济世), không phải nghĩa hẹp như chúng ta đang dùng bây giờ. Vị hành tiên khởi trần: phàm người ta đi đường thì làm bụi bay, như thế là chuyện bình thường, còn tác giả mô tả ông này chưa bước đi đâu cả mà bụi đã bay mù, ám chỉ loại người vô tích sự, không được việc gì! Chữ dùng đến là khéo!

Trào Lỗ nho – Lý Bạch
Lỗ tẩu đàm ngũ kinh,
Bạch phát tử chương cú.
Vấn dĩ kinh tế sách,
Mang nhiên truỵ yên vụ.
Túc trước viễn du lý,
Thủ đới phương sơn cân.
Hoãn bộ tòng trực đạo,
Vị hành tiên khởi trần…
Giễu ông đồ nước Lỗ
Ông đồ nước Lỗ học Ngũ kinh
Bạc đầu nhai chết từng chương cú
Hỏi ông giúp đời thế nào đây?
Mờ mịt như người mây khói phủ!
Chân đi đôi giày “viễn du lý”,
Đầu đội chiếc khăn “phương sơn cân”.
Khệnh khạng ông bước theo đường thẳng,
Chưa đi bụi đã như mây vần…

sách cũ

老鼠看書
咬文嚼字

hi nhỏ, trong nhà đã có vài chục ngàn đầu sách. Lớn lên chút, mỗi khi không biết đi đâu, thì cứ đạp xe thẳng ra khu sách cũ, đường Trần Huy Liệu và một số điểm quanh chợ Bà Chiểu. Sách cũ thì hên xui, chủ các tiệm đa phần không hiểu biết lắm về sách, nhưng họ biết cuốn nào người ta cần, cuốn nào nhiều người đọc, cứ như thế mà định giá tiền!

Thực ra mà nói, lúc còn tuổi teen, tôi đọc nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều. Nhưng cũng chính vì đọc nhiều như thế nên tôi… “ghét đọc sách”. Người Việt có thói xấu là cái gì cũng muốn tỏ ra ta đây “hiểu biết”, nên cứ thế mà lôi một mớ kiến thức chết ra để “tụng niệm”, xem việc “biết nhiều” là hơn người. Như thế thì cũng chẳng khác gì con mọt sách!

Tôi nói con mọt sách là theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen của nó! Đọc, học với động cơ biết thêm một chút để loè người khác, không hấp thụ được tinh thần gốc của sách vở, thì chẳng khác nào con mọt, cả đời chỉ đăm đăm đục khoét, huỹ hoại bằng hết những tinh thần mà sách muốn truyền tải. Biết nhiều thì đã làm sao, mà không biết thì đã làm sao!?

Cái việc đọc sách, với bản tính tiểu nông thủ cựu, thì chỉ mang tật vào thân. Sách vở nó ám vào người, không học hỏi được điều gì hay ho, chỉ lảm nhảm lải nhải những thứ kiến thức chết chả đâu vào đâu. Nói ngắn gọn thì, tôi không tin những người, ví dụ như: nói thích các sách phiêu lưu mạo hiểm, mà thực sự là… không biết bơi, đơn giản như thế!

Trên nhiều mặt, cách làm của người Việt ngược với thế giới. Người trẻ phải được dạy cách hành động trước, gieo nên tinh thần rộng rãi, khai phá và thực tế, để đến khi có tuổi một chút, đọc thêm một số sách vở để cô đọng, tóm tắt lại những giá trị, thành quả đã xây dựng được! Cũng giống như Âu Dương Phong luyện Cửu âm chân kinh ngược mà thôi!

môn hệ điếu ngư thuyền

杜牧 – 旅宿

旅館無良伴
凝情自悄然
寒燈思舊事
斷雁警愁眠
遠夢歸侵曉
家書到隔年
滄江好煙月
門系釣魚船

ái tật khó bỏ, thấy gì cũng trích một câu Đường thi làm tựa đề và bình luận… Hôm nay là hai câu cuối trong một bài của Đỗ Mục, dẫn thêm bản dịch tiếng Việt cho nhiều người dễ hiểu, chứ thường rất ít khi đọc bằng tiếng Việt, Đường thi phải đọc trong nguyên bản chữ Hán mới cảm được cái hay về âm hưởng, cái cô đọng, súc tích về ngữ nghĩa của nó!

Lữ túc – Đỗ Mục
Lữ quán vô lương bạn,
Ngưng tình tự tiễu nhiên.
Hàn đăng tư cựu sự,
Đoạn nhạn cảnh sầu miên.
Viễn mộng quy xâm hiểu,
Gia thư đáo cách niên.
Thương giang hảo yên nguyệt,
Môn hệ điếu ngư thuyền.
Trọ đêm không có bạn hiền,
Tình như lắng đọng, tự nhiên thấy buồn.
Đèn mờ, chuyện cũ nhớ thương,
Nhạn kêu chẳng biết, mãi vương giấc sầu.
Mộng xa, trời sáng đã lâu,
Thư nhà mới nhận cách hầu một năm.
Sông xanh khói quyện ánh trăng,
Thuyền câu trước cửa đương nằm đợi ai?

Hình lấy từ guillemot-kayaks.

Về việc hiển thị chữ Hán trên website này: vì tập chữ phồn thể rất lớn, trong khi bộ chữ giản thể ít hơn nhiều, nên “ánh xạ” phồn thể – giản thể không phải là “song ánh”. Trong một số ít trường hợp, việc hiển thị phồn thể vẫn còn có chỗ sai sót, do phần mềm vẽ chưa thể tự tra đúng mặt chữ, mong các bạn “Hán(g) rộng, Nho thâm” thông cảm 😬.

ngọc nữ phong

李白 – 送楊山人歸嵩山

我有萬古宅
嵩陽玉女峰
長留一片月
挂在東溪松
爾去掇仙草
菖蒲花紫茸
歲晚或相訪
青天騎白龍

hả hiểu làm sao lâu lâu lại thích trích dẫn một vài câu của Lý Bạch, cái blog này dễ có mấy chục bài thơ của ông. Mà không phải chỉ có trên blog, đi đâu, thấy gì cũng thỉnh thoảng trích ra trong đầu vài câu của ông để bình luận… Chữ càng ngày càng xấu do lâu không tập luyện, thôi thì cứ viết xuống treo lên đây, học tập lấy cái tinh thần là được! Đường thi tuyệt đại đa số là… “vô ngã”, hầu như không bao giờ thấy xuất hiện đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong hành văn, chỉ ngầm hiểu người nói là “tôi” trong ngữ cảnh.

Ấy thế mà bài này mở đầu đã là: Ngã hữu vạn cổ trạch, Tung Dương Ngọc Nữ phong…, và điều này cũng không hiếm trong thơ Lý Bạch, cũng là một sự lạ đời! Thêm một vài ví dụ khác: Ngô ái Mạnh phu tử, Phong lưu thiên hạ văn, Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai, Ngã ca nguyệt bồi hồi, Ngã vũ ảnh linh loạn, hay thậm chí không thể lộ liễu, rõ ràng hơn được nữa: Lý Bạch thừa chu tương dục hành, Hốt văn đàm thượng đạp ca thanh…