Đọc truyện, xem phim thường thấy sử dụng thành ngữ “thanh mai trúc mã”, nhưng không để ý lắm đến xuất xứ của nó, hôm nay chợt nghĩ ra, “bụng đầy thơ” như mình sao bây giờ mới nhận ra chính là từ trong bài Trường Can hành của Lý Bạch hay đọc hồi nhỏ: Thiếp phát sơ phú ngạch, Chiết hoa môn tiền kịch, Lang kỵ trúc mã lai, Nhiễu sàng lộng thanh mai, Đồng cư Trường Can lý, Lưỡng tiểu vô hiềm sai, Thập tứ vi quân phụ…
Dịch nghĩa: Tóc em khi mới xoã ngang trán, Bẻ hoa trước cửa nhà chơi, Chàng cưỡi ngựa tre lại, Chạy quanh giường nghịch ném quả mơ xanh. “Trúc mã” chính là cây gậy trúc mà mấy cậu nhóc hay đóng giả làm ngựa, “thanh mai” là quả mơ chế biến thành món ô mai mà các cô bé hay ăn. Bài thơ mô tả chuyện tình của 2 đứa bé lớn lên bên nhau, từ nhỏ đến khi thành niên. Haizza, ai xui ngày xưa cụ Lý Bạch viết “ngôn tình” vậy ta!? 😀
Trường Can hành – Lý Bạch
Trán em tóc mới chấm ngang,
Bẻ hoa trước ngõ, ngoài đàng đứng chơi.
Ngựa tre, chàng cỡi tới nơi,
Vui đùa ném trái mơ chơi quanh giường.
Trường Can, cùng chỗ náu nương,
Trẻ thơ chẳng có vấn vương ý gì.
Lấy chàng, mười bốn, biết chi!
Thẹn thùng, nên chẳng mấy khi ra ngoài.
Cúi đầu, quay mặt vách hoài,
Nghìn lần chàng gọi, không quay một lần.
Mười lăm, mày mới nở dần,
Nguyện cùng gian khổ quây quần bên nhau.
Tin nhau từ thuở ban đầu,
Có đâu nghĩ chuyện lên lầu ngóng trông.
Mới năm mười sáu, xa chồng,
Cù Đường, Diễm Dự, xót trông xa vời.
Tháng năm, chẳng đến được nơi,
Mãi nghe tiếng vượn bên trời bi ai.
Trước sân, dấu bước in dài,
Giờ rêu xanh phủ, đều phai mờ rồi.
Rêu dầy, khó quét, đành thôi,
Gió thu sớm thổi, lá rơi rụng đầy.
Bướm vàng tháng tám, lượn bay,
Từng đôi trên cỏ vườn tây chập chờn.
Lòng em chua xót, cô đơn,
Má hồng thấy đã già hơn trước rồi.
Tam Ba, chàng sẽ xuống thôi,
Gửi thư báo trước về nơi quê nhà.
Đón chàng chẳng quản đường xa,
Trường Phong Sa đến, thế là gặp nhau.