the king maker

Hơn 60 năm trước, có một người tên là Edward Lansdale, thiếu tướng CIA, biệt danh “The king – maker” – Kẻ buôn vua, ông ta đã dựng lên (và đạp đổ) vô số “ông vua” tại Philippine, tại Việt Nam và nhiều nơi khác! Chính ông này là cha đẻ của chiến dịch “Chúa vào Nam”, đưa gần 1tr người Công giáo di cư năm 1954. Một trong những người giỏi nhất của CIA, tiểu sử của ông ta đầy ắp sự kiện, vô số “chiến công” lẫy lừng! Và thế là 1tr người ra đi, Em theo đoàn lưu dân, bờ vai thơm nồng bông bí nụ… Nhưng 1tr người này số phận không giống nhau. Số có xuất xứ, quan hệ tốt (với chính quyền Diệm) thì được phân về Sài Gòn, Đồng Nai.

Số khác thì phải xuống Kiên Giang, số thì lên Buôn Ma Thuộc! Cư-Kuin là một cái huyện đặc biệt về thành phần, nếu như các bạn còn nhớ, đây là nơi xảy ra vụ bạo loạn hãi hùng mới vừa qua! Nơi đây có một cộng đồng khá lớn Bắc 54 di cư từ thời trước, và những người dân miền Bắc, miền Trung di cư lên sau này, và cả những người dân bản địa đã sống ở đó từ xưa! Địa bàn dân cư phức tạp như vậy, đương nhiên sẽ xảy ra nhiều chuyện! Nhưng căn bản là luật không nghiêm, dân không biết tin vào đâu, dân trí thấp, không bảo nhau được, tự sống với nhau vốn đã không ổn, người ngoài bày mưu, xúi dục là thành chuyện thôi!

parade

Thông lệ hàng năm, 9 tháng Năm là ngày Gấu Nga trình diễn, khoe cơ bắp! Xem mãi các cuộc diễu binh cũng chán, mời các bạn xem trích đoạn bộ phim Người thợ hớt tóc ở Siberia, đoạn Sa-hoàng Alexander-3 dự lễ tốt nghiệp của các sĩ quan. Phim dựng lại theo đúng lịch sử, Alexander-3 là người to lớn, vạm vỡ với sức mạnh phi thường, cầm nguyên bộ bài Tây 54 quân, ông ta xé nó thành 2 mảnh. Hay đang ăn với chiếc đĩa bạc, ông ta dùng tay cuộn tròn cái đĩa lại như người ta cuộn bánh tráng vậy! Cái trò dùng tay cuộn đĩa kim loại này, đã có nhiều đời Sa-hoàng biểu diễn trên các bàn tiệc ngoại giao như một cách… hù đối phương!

Phim có đoạn Sa-hoàng Alexander-3 trò chuyện với hoàng hậu Maria Feodorovna bằng tiếng Anh: – Em còn phải lặp đi lặp lại bao nhiêu lần nữa, tại sao anh không bao giờ nghe em, Michael còn quá nhỏ, nó rất dễ bị kích động bởi các cuộc diễu binh cũng như các trò chơi quân sự. Alexander 3 trả lời rất hóm hỉnh, cũng bằng tiếng Anh: – Nếu tôi mà nghe theo em á, thì đến tận giờ chúng ta còn chưa có con được đâu! :D Haiza, xem phim để thấy rằng, đây đúng là một dân tộc kiêu hãnh và mạnh bạo, một nền văn hóa đầy màu sắc, một loại âm nhạc sinh động, tuôn chảy, phức tạp! Luôn tràn đầy sức sống, luôn tiến về phía trước!

chiều tây bắc

Nhớ năm đó chạy xe máy qua đèo Pha Đin – Sơn La – Điện Biên… con đường đèo mới vừa làm xong, tráng nhựa rộng rãi, phẳng phiu, chạy song song với con đường cũ! Xe thì mạnh và đường thì tốt, chạy cái vèo, mới có chút xíu đã qua hết con đèo. Giật mình vì kiểu “Trư Bát Giới ăn nhân sâm”, còn chưa kịp thưởng thức cái gì, chưa thấy được cảnh nào đẹp thì đã hết mịa nó con đèo. Bèn quay ngược xe lại, rẽ vào con đường cũ, đi chậm, thong thả, dừng xe, leo lên các ngọn đồi chụp ảnh, cứ như thế chạy qua đèo cả thảy 3 lần! Các đèo lớn ở miền Bắc thì mình đi hết cả rồi, nên Pha Đin cũng không phải là ấn tượng lắm, nhưng không phải vì thế mà nó không lớn!

Khi nhỏ ở Sơn Trà, Đà Nẵng, chỉ là mấy cục đá cao mấy chục mét, nhưng leo cũng trầy vi tróc vẩy chứ không đùa. Mà không leo mấy chục mét, thì làm sao hiểu được độ cao vài trăm mét, không leo vài trăm mét, thì làm sao hiểu được con số ngàn!? Giờ công nghệ hiện đại rồi, cơ giới hóa lớn, xe ủi, xe xúc, nên đường làm ra cứ gọi là rộng rãi, thông thoáng! Đám trẻ chạy xe hơi qua dừng lại dè bỉu: tưởng thế nào, chỉ có thế thôi à!? Nhưng sẽ là chuyện khác nếu như không có đường làm sẵn, cứ bắt gùi 30kg, vạch cây, bám đá mà đi, thì sẽ tự hiểu, tự ngộ ra được núi cao bao nhiêu ngay thôi! Tranh: Nhớ một chiều Tây Bắc – sơn mài – Phan Kế An – 1955.

nhạc lộc thư viện

Từ thời Hán cho đến qua thời Tống, Nguyên, Minh, suốt khoảng 1500 năm, nơi có nhiều đầu sách nhất thế giới chính là… Trung Quốc! Từ các thư viện hoàng gia cho đến các thư viện tư nhân như Nhạc Lộc, họ có khoảng 6 ngàn đầu sách (tựa sách), nhiều hơn bất kỳ nơi đâu, dù là Baghdad, Varanasi hay Rome, thì cũng không có nhiều sách bằng! Viết bằng thứ chữ giun dế siêu phức tạp như thế, bao quát đủ mọi lĩnh vực, từ Sơn hải kinh, Thủy kinh chú, Cửu chương toán thuật, Hải đảo toán kinh, Võ bị chí, etc.. bao quát đủ mọi mặt kiến thức, trên thiên văn, dưới địa lý, từ tư duy trừu tượng cho đến các vấn đề xã hội… công phu, trình độ quả thực đáng nể! Các đoàn sứ thần VN sang TQ, sau khi nộp cống phẩm xong đều được “lại quả”, loại “quả” thường được yêu cầu (và đáp ứng) nhiều nhất chính là… sách! Mà chẳng riêng gì VN, các nước đương thời như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thế: chẳng phải mọi phát minh tốt đẹp đều đến từ Trung Quốc đó sao, người Nhật Bản đương thời nói như vậy!

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi kỹ thuật in ấn bắt đầu được phổ biến sang châu Âu! Chính vì kỹ thuật in có thể tạo ra được số lượng ấn phẩm lớn, đưa kiến thức đến với nhiều người hơn, nên dần dà, nó tạo thành một kiểu hiệu ứng đô-mi-nô, bắt đầu từ đó, châu Âu càng ngày càng đẻ ra thêm nhiều tựa sách, và bắt đầu vượt qua Trung Quốc. Số lượng đầu sách (tính trên tựa, không phải tính trên bản in) không còn ở mức số ngàn nữa mà bắt đầu tăng, đương nhiên khởi đầu chậm nhưng sau đó cứ nhanh dần theo cấp số nhân, bắt đầu đạt con số chục ngàn, trăm ngàn, rồi đến mức triệu… Quá trình này mất đến vài thế kỷ, dần dần đưa nhân loại bước vào “kỷ nguyên Ánh sáng”… Sang đến thế kỷ 21, ở cái xứ mọi rợ phương Nam kia cũng bày đặt nói chuyện sách, toàn những thứ như Thám tử Sherlock Holmes, Trở lại Eden, Những năm ảo tưởng, Cánh buồm đỏ thắm, .v.v… haiza, sách vở gì chúng nó!? :(

trên núi đồi Mãn Châu

Trên núi đồi Mãn Châu – On the hills of Manchuria! Trở lại một chút cái cái mood nhạc Nga, nếu nghe kỹ (và đọc lời) thì mới thấy rằng, bài ca là sự than khóc, cầu nguyện được ngụy trang (a mourning and praying in disguise), tác giả bài hát, nhạc sĩ Ilya Alekseevich Shatrov, đã có mặt ở đó, đã chứng kiến tất cả… là thành viên của băng nhạc Trung đoàn Mokshansky trong trận Phụng Dương (Mukden) với quân Nhật!

Chỉ 700 trong số 4000 người ban đầu của Trung đoàn còn sống sót sau trận chiến phá vòng vây, và băng nhạc thì… chơi nhạc để động viên tinh thần binh sĩ trong suốt thời gian chiến trận đó! Bài ca được viết sau đó để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống! Chiến tranh cũng đồng nghĩa là chết chóc, thương đau, chỉ là anh đối diện với nỗi đau như thế nào mà thôi… Bài ca trên nền clip phim Anna Karenina (2017).

đầu tiên…

Đoạn nói về đồng đô-la của tổng thống Putin khá thú vị… Nếu nước Mỹ vẫn tiếp tục “vũ khí hoá” đồng tiền, in USD vô tội vạ, đổ hết lạm phát lên đầu USD. Mà nhiều nước lại dùng USD để tích trữ tài sản, thì hiểu theo nghĩa nào đó chính là đem lạm phát của nước Mỹ bắt toàn thế giới phải gánh! Hệ quả tất yếu là các nước sẽ giảm số lượng dự trữ bằng USD lại, mà quay sang dùng các loại tiền khác. Nhưng để bắt đầu, “đầu tiên” không phải là “tiền đâu” như các bác nhà ta thường nghĩ, mà đầu tiên là phải có sức mạnh cứng chống lưng cho đồng tiền cái đã!

Bài học muôn đời của lịch sử con người là thế, ý chí và sức mạnh cứng vẫn luôn là tiên quyết. Như khi Hulegu Khan dẫn quân Mông Cổ công thành Baghdad, người ta kể rằng toàn bộ thư viện khổng lồ của thành phố bị vất xuống sông, đến nỗi mực trong sách làm đen cả nước sông! Người cai trị Baghdad là Al-Musta’sim được đưa cho những miếng vàng và hỏi có ăn được không, không ăn được sao lại tích trữ nhiều đến thế?! Cuối cùng, Al-Musta’sim bị nhốt trong một cái lồng vàng bên cạnh những châu báu của mình và bị bỏ đó cho đến khi chết đói! :D

a fleet to be

Ngược dòng lịch sử, hải chiến Falkland, 1982. Ít nhất 4 chiến hạm hiện đại nhất của Anh quốc bị một nước tương đối lạc hậu như Argentine đánh chìm, mà đánh chìm bằng cách rất “sơ khai”, dùng máy bay, bay sát mặt nước biển rồi ném bom! Nên chuyện chiến hạm bị đánh chìm là thường xuyên, do từ lúc chế tạo, cho đến lúc thực chiến không có cơ hội thử lửa! Trừ khi chiến tranh lớn, kéo dài như Thế chiến 1, Thế chiến 2 thì người ta mới có cơ hội nghiên cứu, cải tiến, chứ đưa nó vào vị trí bất lợi gần bờ là luôn có khả năng bị đối phương tìm ra điểm yếu. Như các tàu Arleigh-Burke hiện đại của Mỹ cũng không an toàn, mới là tên lửa hành trình cận âm, chưa tấn công bão hoà mà đã như thế!

Thì các tàu Nga cũng không khá hơn, Hạm đội biển Đen đến giờ cũng đã thiệt hại kha khá, dù vẫn chưa ảnh hưởng đến sức mạnh cốt lõi. Về bản chất, đầu tư Hạm đội là một kiểu đầu tư mạo hiểm: chi phí lớn, rủi ro cao! Nhiều nước không có nguồn lực Hải quân quá mạnh như Ý, Đức… thì họ có chiến lược dùng hải quân rất rõ ràng gọi là “a – fleet – to – be”, mà tôi tạm dịch là “hạm – đội – để – đó (để ngó)” :D ! Tức là xây hạm đội khá mạnh, nhưng tránh tối đa khả năng đụng độ, triệt để tránh va chạm! Mục tiêu là phòng vệ vùng biển nhà, “để đó” là phòng trường hợp đối phương muốn công thì sẽ phải trả giá, nhưng ngược lại, hiếm khi chủ động công người khác nếu không có lợi thế!

Yablochko, 2

Tthêm một bài dân ca Nga nữa, trước đã có post phiên bản hiện đại của bài này, Yablochko – Quả táo nhỏ, nhưng đây mới là nguyên bản. Tuân thủ theo một phong cách “dân ca” xa xưa, cái điệp ngữ “Quả táo nhỏ” thực ra chẳng có liên quan đến nội dung bài hát, được sử dụng như một kiểu “lời dẫn”, với vô số lời ca khác nhau đặt ra để truyền tải những nội dung khác nhau theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau! Hãy nghe thử xem thể loại dân ca của xứ thảo nguyên bao la nó như thế nào!

Phương Tây đã và đang rêu rao về cái gọi là “chủ nghĩa phục thù của người Nga”, nâng tầm quan điểm, loay hoay tìm cách đặt tên và chụp mũ! Sao không thử nghĩ rằng đó chỉ là một dạng “định luật 2 Newton” mà thôi: không một tội ác nào gây ra mà không có hành động báo ứng, đơn giản chỉ là như thế! Nên, nếu muốn hiểu khái quát về tâm hồn, văn hoá Nga, chỉ cần đọc 4 bộ sách sau đây: Chiến tranh và Hoà bình, Tội ác và Trừng phạt, Anna Karenina, và Sông Đông êm đềm! :)

Budyonny march

Nhạc Nga vẫn luôn khởi đầu theo cùng một kiểu như thế: Chúng ta là lực lượng Kỵ binh Đỏ, và những câu chuyện, những huyền thoại về chúng ta sẽ còn được các thế hệ mai sau kể đi kể lại… (cho đến khi lỗ tai mọc rêu) :D ! Hành khúc Kỵ binh Đỏ, hay còn có tên khác là Hành khúc kỵ binh Budyonny, lấy theo tên Semyon Mikhailovich Budyonny, 1 trong 5 Nguyên soái Hồng quân đầu tiên, người thành lập Tập đoàn quân Kỵ binh số 1, và lập công lớn trong thời kỳ Nội chiến! Tính cách chân thành, giản dị, thích âm nhạc, khiêu vũ, và đương nhiên là thích ngựa!

Chiến tranh thế giới lần 2 nổ ra, Budyonny là tư lệnh mặt trận Tây Nam – Ukraine, nhưng lúc này Budyonny đã già và tư duy đã trở nên lỗi thời, vẫn bám vào ngựa và không theo kịp sự phát triển của thời đại với xe tăng và máy bay. Budyonny nhanh chóng bị huyền chức, thay thế bởi các tướng lĩnh trẻ hơn như Konev, Rokossovsky, Zhukov, mặc dù vẫn giữ các vị trí danh dự! Sau chiến tranh thì Budyonny trở thành… Bộ trưởng Nông nghiệp, chuyên đi… nuôi ngựa, và đã tạo ra giống ngựa nổi tiếng mang tên Budyonny vẫn còn dùng đến ngày nay!

25 LET RKKA

Chương trình âm nhạc cuối tuần, đã lâu không trở lại với chủ đề Âm nhạc Xô-viết! Hành khúc ngắn: 25 năm Hồng quân, trên một nền video từ lâu đã là huyền thoại. Có thể nhận ra nguyên soái Zhukov (cỡi ngựa trắng) đã có vẻ già thấy rõ, dáng người trên ngựa đã hơi đơ cứng, còn nguyên soái Rokossovsky cưỡi ngựa đen, mềm mại và uyển chuyển như một chàng trai trẻ! :) Nói thêm chút về ngựa, sau cuộc chiến Crimea 1853 ~ 1856, người Anh nhận thấy giống ngựa Orlov tiêu chuẩn mà quân đội Nga sử dụng vừa nhanh, lại vừa bền bỉ, hơn hẳn ngựa của họ!

Nói về ngựa thời đó thì vai trò giống như xe tăng hiện đại vậy, một khối lượng lớn đến 300 ~ 500 kg với tốc độ cao, sức tì đè lớn, bộ binh nếu không có phòng tuyến được chuẩn bị vững vàng không cách nào chọi lại được! Quyết không bị bỏ lại phía sau trong khoản… ngựa, người Anh đã mày mò lai tạo ra giống Thoroughbred mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh, trong thể thao ngày nay! Nên mâu thuẫn đông – tây là đã trường kỳ nhiều thế kỷ nay, với biết bao nhiêu động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế, thay đổi xã hội!