Uletay na kryl’yakh vetra

Đến hẹn lại lên, chương trình âm nhạc Nga – Xô cuối tuần… Chỉ là một video clip đẹp với vô số cảnh quan thiên nhiên, công trình nhân tạo ở Nga, trên nền bài hát “Bay đi xa trên đôi cánh gió” – Улетай на крыльях ветра, nhạc phim “Hoàng tử Igor”, 1969. Không cần xem phim gốc, chỉ cần nghe những dấu vết ngũ cung trong bản nhạc này cũng có thể từ từ lần mò hiểu ra được, có một nửa dòng máu Viking trong cái gọi là người Nga ngày nay, và chữ “Rus” nguyên gốc đơn giản có nghĩa là: “người chèo thuyền”…

vovan & lexus

Ngày xưa, các ông vua thường có mấy thằng hề đi kèm, không phải chỉ để diễn trò vui, mà còn để làm những chuyện nghiêm túc theo một cách ít chính thống hơn. Nhưng “thằng hề” ngày nay, Vovan & Lexus, làm nhiều trò “chơi khăm” khá là… “siêu”, từ Eton John tới Greta Thunberg, từ Ben Wallace tới John McCain, vô số người là nạn nhân của cặp đôi này, đơn giản chỉ bằng vài thủ đoạn gọi điện mạo danh (thường có sử dụng deepfake) và lừa họ nói ra khá nhiều thông tin thật. Vovan & Lexus nhiều lần bị phương Tây cáo buộc “lừa gạt với ý đồ chính trị”.

Nhìn từ một góc độ khác, Vovan & Lexus chính là cặp đôi “phản diện”, chữ “phản” ở đây chính là giúp con người ta “phản tỉnh, phản biện”, tự nhìn lại bản thân: phải chăng những điều ta biết là thật, để thấy rằng với truyền thông hiện đại, nhất là ở những nơi dân trí kém như VN, cái “biết” của con người ta nó “nhảm nhí và tào lao” như thế nào, để thấy rằng muốn lung lạc cộng đồng dễ như thế nào. Ở một thời đại mà sự giả dối còn bóng bẩy, hào nhoáng hơn sự thật, một nền văn hoá chả có tí tẹo nội hàm nào bên trong sẽ dễ bị lũng đoạn, thao túng như thế nào!

song of the volga boatmen

Đến hẹn lại lên, cuối tuần mới có thời gian để lên Face… tiếp tục chương trình âm nhạc Nga – Xô! 🙂 Khi nhỏ, đã xem bức tranh rất nổi tiếng của Ilya Repin: Người kéo thuyền trên sông Volga, rất đẹp, rất chi tiết, trong một tập sách ảnh siêu đẹp ở nhà! Và cũng đã nghe phần nhạc, qua lời Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng thú thật, không ấn tượng cho lắm, cho đến sau này nghe nguyên bản tiếng Nga, là một bài dân ca cổ, xưa cũ và lâu đời, dữ dội và hoành tráng, như chính lịch sử, văn hoá nước Nga vậy!

Volga, con sông dài hơn 3500km, ngày nay, cùng với hệ thống kênh đào, nối liền Nam – Bắc nước Nga, có thể thông từ biển Baltic xuống tận biển Đen. Ngay từ ngày xưa là tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng, giúp hàng hoá lưu thông, điều phối lực lượng, lúc thì xuôi Nam, khi thì ngược Bắc! Ngay từ thời Sa-hoàng Peter-the-great, các tàu chiến đóng ở trên sông, thường phải được kéo qua các vùng nước cạn, ra ngoài cửa sông rồi mới lắp súng và chất đầy tải… nên từ đó xuất hiện nghề kéo thuyền trên sông Volga.

prekrasnoe daleko

Chương trình âm nhạc Xô-viết cuối tuần. Chuyện cổ tích của các nước phương Tây thường bắt đầu như thế này: Ngày xửa, ngày xưa, đã từng có một xxx…, còn chuyện cổ tích Liên Xô lại thường bắt đầu như thế này: Đến một ngày, trong tương lai, sẽ có một yyy… 😃

Nhạc phim thiếu nhi Tương lai xa xôi tuyệt vời, 1983, bài ca thật tuyệt, trong trẻo, thanh thoát, bay bổng, đã được dịch ra vô số ngôn ngữ khác nhau. Tuy chỉ là phim và nhạc cho trẻ con, nhưng người lớn nghe sẽ biết “Tương lai xa xôi tuyệt vời” chính là bài ca nói về quá khứ!

timur và đồng đội

Timur và đồng đội, tác phẩm ưa thích lúc còn là một cậu bé… tiểu thuyết khởi thảo năm 1939 và phát hành năm 1940, thật trùng hợp là ngay trước thềm chiến tranh thế giới lần 2. Một “hội kín” của những cậu bé 13, 14 tuổi, chuyên làm những việc tốt trong vùng, giúp đỡ người già, người khốn khó, đấu tranh chống lại các phần tử lưu manh. Dần dà hình thành nên một “tổ chức”, tổng hành dinh (Stavka – nghĩa đen là “cái lều”, “hành” (di động) dinh”, sở chỉ huy trong các chiến dịch quân sự) đặt trên một cái gác xép, có hệ thống quan sát và đường dây điện thoại tự thiết kế riêng để huy động, điều phối lực lượng lúc cần!

Truyện phát hành dưới dạng kịch nói qua sóng radio, tinh thần của nó đã góp phần huy động hàng triệu thiếu niên nhỏ tuổi tham gia các công việc có ích trong vùng, để người lớn nhập ngũ chống Phát – xít. Có thể một số người cho rằng văn học Xô – viết có phần giáo điều, những tôi lại thấy khác. Qua cuốn sách này để hiểu thêm về văn hoá và tâm hồn Nga, hiểu tại sao một đất nước chỉ có 85 đàn ông trên 100 phụ nữ, vì đàn ông họ làm quá nhiều việc khó khăn, điên rồ, liều lĩnh! Không như ở cái xứ Vịt kia, dư dôi ra đến gần 115 đàn ông trên 100 phụ nữ, suốt ngày chỉ có ăn nhậu, bolero và làm mấy cái trò lưu manh lặt vặt! 😢

tail wagging the dog

Alexander Dugin nói về “dân chủ phương Tây”, “chủ nghĩa tiêu dùng” và “truyền thông, mạng xã hội hiện đại” bằng thành ngữ rất hay: cái đuôi vẫy con chó, tail wagging the dog, chứ không phải là: con chó vẫy cái đuôi! 🙂 Tiêu dùng và truyền thông đã biến con người thành cỗ máy tiêu thụ, ăn cái gì, xem cái gì, đều do hệ thống máy tính điều khiển, và từ đó vẽ ra ảo ảnh về một thế giới “tự do”…

tiếng cười

Chương trình âm nhạc cuối tuần, bài ca Liên Xô một thời quen thuộc với rất nhiều thính giả thiếu niên, thiếu nhi Việt Nam, Улыбка – Ulybka – Tiếng cười: Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười. Cầu vồng thêm lung linh bao ánh sáng lên ở khắp trời. Nụ cười tươi, chúng ta cùng chung niềm vui, Trong cuộc sống đầm ấm yêu thương ta cùng cất tiếng cười. Để làn mây không bay đi xa, Những giọt mưa bay bay quanh ta, Để dòng nước từ con suối xinh thành dòng sông sóng xô.

Tiếng cười sẽ luôn luôn bên ta, tiếng cười là bạn thân mến yêu của tuổi niên thiếu ta… Cho trời sáng lên và áng mây tươi hồng. Đẩy lùi xa bao nhiêu u ám gió mưa và bão bùng. Rừng âm u đã thức dậy đón ngày mới. Trong làn nắng lộng gió ban mai vang bài ca yêu đời. Tiếng cười sẽ luôn luôn bên ta. Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa. Tiếng cười là bạn đường tháng năm không thể nào xoá nhoà. Tiếng cười là bạn đường tháng năm vẫn tràn ngập lòng ta!

the second waltz

Chương trình âm nhạc cuối tuần: “Điệu valse số 2” – nhạc phim Liên Xô 1955, “Thê đội số 1” (The first echelon). Đang tìm hiểu một chút về Dmitri Shostakovich, một thể loại âm nhạc phức tạp như chính thời đại ông ta sống: hoành tráng nhưng sa đà vào quá nhiều chi tiết, lãng mạng và say mê nhưng đôi khi vụng về, thô kệch một cách cố ý!

saakashvili

Những ngày tháng 8 này, 14 năm trước, Mikheil Saakashvili, tổng thống Georgia (Gruzia) phát động cuộc chiến với Nga, ông ta hô hào biến Gruzia trở thành tiền đồn chống Nga, pháo kích làm chết hàng ngàn dân thường, trong đó có khá nhiều người Nga! Tổng thống Nga lúc đó, Medvedev, lấy cớ bảo vệ người gốc Nga, đã nhanh chóng điều quân, chỉ trong 5 ngày đã dẹp tan chống đối, hành động nhanh đến mức NATO còn chưa quyết định thống nhất được phải bày tỏ thái độ như thế nào! Hình ảnh Saakashvili nhai cà vạt trong lúc điện đàm trực tiếp với tt. Medvedev đã trở thành trò cười cho thiên hạ! Đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa hiểu được bằng một cách thần kỳ nào đó mà Mikheil Saakashvili, mới có 36 tuổi, lại có thể trở thành tổng thống Gruzia! Nhưng sự thần kỳ vẫn chưa dừng lại ở đó…

Sau thất bại tại quê nhà, gom góp được một mớ kha khá và bỏ xứ lưu vong, Saakashvili đến Ukraine và lại bằng một cách thần kỳ nào đó, không những trở thành công dân Ukraine mà còn trở thành toàn quyền Odessa! Đến lúc này, mọi người mới tỉnh ra, hoá ra Saakashvili chính là “toàn quyền lưu động” của… Mẽo! Và Mỹ hết lần này đến lần khác, tìm cách biến các nước xung quanh trở thành tiền đồn chống Nga, khác chăng lần này Nga ra tay trước, và cũng may cho Ukraine là tt. Putin là người tương đối mềm mỏng và hành động theo “luật”, nếu gặp phải các thành phần “diều hâu” Nga thì chiến sự đã giải quyết từ lâu! Post nhân ngày quốc khánh U-cà, ai lại đi đặt tên bài quốc ca kỳ cục như thế: “Vinh quang và tự do của Ukraine vẫn chưa mất hẳn” (Glory and freedom of Ukraine has not yet perished)! 😅

head transplant

Putin, trong một lần đi thăm một bệnh viện đang xây và đã trễ tiến độ nhiều năm: thế nào, có cần phải làm phẫu thuật ghép đầu (head – transplant) không? Tôi sẽ cho cắt đầu cũ và ghép đầu mới vào!? Nói nhỏ nhẹ thế thôi, đương nhiên, sau đó công việc bảo đảm tiến hành nhanh chóng!

Có nhiều cách để đẩy con tàu đi về phía trước: có khi là lợi ích, là lòng tham, có khi phải đánh vào sự sợ hãi và truy cứu trách nhiệm, chứ “đạo đức” chung chung, haiza… chỉ dùng được với thành phần có lương tri thôi, ở cái nơi dân trí lè tè ngọn cỏ như xứ Vịt thì khó lắm, khó lắm… 😢