nhớ không vừa

王安石 – 示長安君

少年離別意非輕
老去相逢亦愴情
草草杯盤共笑語
昏昏燈火話平生
自憐湖海三年隔
又作塵沙萬里行
欲問後期何日是
寄書應見雁南征

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2016, đi ngang qua trường cấp 2 cũ – Trưng Vương – Thánh Tâm – Đà Nẵng, những năm tháng học ở đây, bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ ngỡ đã quên bỗng ùa về…

Thiếu niên ly biệt ức phi khinh,
Lão khứ tương phùng diệc sảng tình.
Thảo thảo bôi bàn cung tiếu ngữ,
Hôn hôn đăng hỏa thoại bình sinh…
Biệt ly tuổi trẻ nhớ không vừa!
Gặp gỡ tình già đã não chưa?
Mâm chén sơ sài ngồi đối mặt,
Ngọn đèn leo lét chuyện ngày xưa…

thu phong từ

李白 – 秋風詞

秋風清
秋月明
落葉聚還散
寒鴉棲復驚
相思相見知何日
此時此夜難為情

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2014, chụp tình cờ bằng điện thoại nên không được rõ nét lắm, cảnh sắc trăng chiều mơ hồ, bỗng gợi nhớ đến một bài thơ của Lý Bạch…

Mùa thu con gió trong veo,
Mùa thu trăng sáng dõi theo bóng nàng.
Lá bay kìa, hợp rồi tan,
Lạnh lùng quạ khóc, miên man đêm trường.
Bao giờ gặp lại người thương?
Đêm này, tình ấy, tỏ tường cùng ai?

một mùa đông – 2

Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái,
Đàn sếu đã sanng sông.

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2016, tại cửa Tùng, sông Bến Hải, Vĩnh Linh, Quảng Trị, gió mùa gió Đông Bắc lạnh căm và biển sóng bạc đầu, thật lý tưởng để chèo thuyền kayak!

một mùa đông – 1

Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ lên lầu không trăng.

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2017, dọc theo con đường ven biển mới làm từ Phan Thiết ra đến Nha Trang, một cung đường thuộc loại đẹp nhất VN, đâu đó gần Vườn quốc gia Núi Chúa.

liên hương

Thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận… là 1 làng chài cũ, nằm cạnh chùa Cổ Thạch, bãi đá 7 màu và vịnh Vĩnh Hy tuyệt đẹp. Trong làng còn có nhiều ngôi nhà đề năm xây 192x, 193x. Tôi thích những nơi có 1 tí truyền thống xưa cũ: cuộc sống ổn định, cư dân hiền hoà. Dự tính là 1 nơi rất tốt để ghé vào nghỉ ngơi, tiếp thêm nước uống, lương thực cho… chuyến chèo thuyền xuyên Việt, 1 lúc nào đó trong tương lai!

đường gập ghềnh

Em biết anh trách em, cũng vì em bước đi con đường, nơi mà ta chẳng thể đến với nhau bao giờ. Đường gập ghềnh em đi, riêng một mình em, đường dài em đi. Nơi đây anh đứng, chẳng biết làm chi, chẳng biết nói gì (chính xác là éo biết phải nói gì luôn)!

cổ lai danh lợi nhân

Một chiều trên tỉnh lộ 206 từ Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng (thác Bản Giốc) chạy về thị trấn Phục Hoà, giáp ranh TQ. Con đường rất đẹp đi qua vùng biên giới hoang vắng, hiếm hoi lắm mới thấy được một mái nhà, một bóng người. Đã hơn 5h chiều, khu dân cư gần nhất vẫn còn cách tầm 50 km, trời rét dưới 10 độ, bụng đói cồn cào. Đang không hy vọng gì có được một bữa tối êm ấm, thì qua một khúc quanh, bỗng đâu xuất hiện một quán… heo quay. Tin nổi không, một quán heo quay lá mắc mật nằm trơ trọi giữa núi rừng. Vội ghé vào, chủ quán là người Tày, trong bộ áo quần lĩnh đen truyền thống, đầu chít khăn mỏ quạ cũng đen nốt, bất giác cảm thấy như đang ở trong một phim cổ trang nào đó. Thật đúng là:

Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung,
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng!

Trích từ trong bài thơ Sa hành đoản ca của Cao Chu Thần – Cao Bá Quát đã đăng cách đây rất nhiều năm. Gọi thầm trong bụng: Tiểu nhị, cho 2 cân thịt và 1 vò rượu! Trời lạnh cóng thế này, không có gì khoái khẩu hơn những món ăn nhiều mỡ, làm liền một lúc 3 lạng heo quay, vẫn còn thòm thèm! Chủ quán đem rượu Táo mèo ra mời, ngồi nói chuyện lai rai, không tiện từ chối, làm chừng 3 ly nhỏ để cho ấm cơ thể! Thầm nghĩ trong đầu, hết chỗ rượu thịt này, chủ quán mà kêu lên: 1, 2, 3, đổ này, đổ này! thì nguy to, có khi sắp trở thành bánh bao đến nơi! Nghĩ vậy thôi, chứ thực ra, chưa bao giờ gặp được một nữ chủ quán dễ thương, có giọng nói ngọt ngào, êm dịu đến thế giữa núi rừng Đông Bắc!

Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu trên đường đời.
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả, hỏi tỉnh được mấy người?

kon tiki

Biên giới ư, tôi chưa thấy nó bao giờ,
chỉ nghe nói rằng nó có tồn tại trong
tâm trí của một số người…

Phía bên kia quảng trường, một tấm bảng chữ Hoa đề: 民天藥房 – Dân Thiên dược phòng, à thì ra là một tiệm thuốc bắc, cả dãy phố này, có đến 3, 4 tiệm như thế. Rồi chợt nhớ lại cái không gian này, một vài tiệm đề: “hiệu buôn X”, “hiệu buôn Y” (không dùng chữ “cửa hàng” hay “shop” như bây giờ). Một vài tiệm may, hiệu thuốc tây, một tiệm đóng giày, một tiệm sửa đồng hồ với những chiếc đồng hồ quả lắc vàng choé tinh xảo, phức tạp, lồng trong những chuông thuỷ tinh lóng lánh, sang trọng, thật là những “kỳ quan cơ giới” cuốn hút sự tò mò của một cậu bé đang lớn…

Tôi đang hồi tưởng lại một thành phố Đà Nẵng nhỏ xíu của gần 30 năm về trước, dans la chaleur immobile, la ville blanche – thành phố trắng toát trong cái nóng bất động. Học sinh ríu rít tan trường ra về, bên hông nhà hát lớn, bức phù điêu làm từ những mảnh gốm ghép rườm rà, xấu xí, có một sân banh mini, các chàng trai trẻ cởi áo trắng mãi miết đá bóng. Cách chỉ vài chục mét có một thư viện cộng đồng nhỏ, đến tận bây giờ vẫn chưa biết là do ai lập ra. Có một thằng ôn con đang chăm chỉ đọc sách, thư viện bé xíu chỉ có độ 1, 2 trăm đầu sách, trong đó có cuốn dưới đây.

dòng sông lơ đãng

Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng, Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng, Và nỗi đau rơi trong lòng đêm vắng… Ở chốn nào, dòng sông đã hòa cùng đại dương. Cạn bến bờ, chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn. Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc, để một dòng sông lơ đãng trôi qua. Một sớm kia xuôi theo dòng anh đến, cớ sao em chẳng đứng chờ…

Dòng sông lơ đãng - Mỹ Linh 

miền sâu khói sóng

Thế sự thăng trầm người chớ hỏi, Miền sâu khói sóng chiếc thuyền câu. Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu, So giấc mộng với thân ta… y hệt! Duy chỉ có thanh phong, minh nguyệt,
 Của trời chung mà vô tận riêng mình. 
Sự bại thành để mặc u linh, 
Người đô hội, kẻ vui miền rừng rú. 
Tay gõ nhịp, hát câu Tương tiến tửu:
 Anh có thấy dòng Hoàng hà? 
Con sông vĩ đại nước sa lưng trời! 
Làm chi cho mệt một đời!?

chơi xuân kẻo hết

Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật, Ðã sinh người lại hạn lấy năm. Kể chi thằng lên bảy, đứa lên năm, Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc! Lại mang lấy lợi danh vinh nhục, 
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan. 
E đến khi hoa rữa trăng tàn, 
Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác!
 Tế suy vật lý tu hành lạc, 
An dụng phù danh bạn thử thân. 
Song bất nhân mà lại chí nhân,
 Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy. 
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy!
 Nếu không chơi thiệt ấy ai bù? 
Nghề chơi cũng lắm công phu…


trưa nay phố biển

Gió đưa mây trời bay, về nơi xa lắm, Sóng nhấp nhô ngoài xa, biển trưa lấp lánh, Gió không ngừng thổi, áng mây bồi hồi vẫn không ngừng trôi, Để trưa nay phố biển mình em thôi. Vẫn biết mây trời bay, là bay đi mãi,
 Vẫn biết anh chẳng như lời anh vẫn nói..

Trưa vắng - Mỹ Linh 

nam quốc sơn hà

Đã đọc nhiều hoành phi ca tụng công đức nghe sến, nhàm… Riêng tại miếu Lam Sơn động chủ (Lê Thái Tổ – Lê Lợi), Lam Kinh, bức hoành đề 6 chữ rất hay: 南國山河自此Nam quốc sơn hà tự thử – Sông núi nước Nam… từ đó… Kiểu như bây giờ hiện đại viết phải có dấu 3 chấm lửng, muốn ngắt câu thế nào, muốn điền gì vào chỗ trống thì điền.

hội thề lũng nhai

Nhân dịp đi thăm khu di tích Lam Kinh vừa rồi, tám chơi một vài chuyện lịch sử vặt vãnh. Nguyễn Trãi, như lịch sử kể lại, là bậc anh hùng dân tộc, là danh nhân văn hoá lớn của Việt Nam, người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, xây nên triều đại nhà Lê. Kháng chiến thành công, Lê Thái Tổ xuống chiếu ban thưởng cho các vị khai quốc công thần, gồm 2 đợt: Đợt 1 (1428): ban thưởng cho 121 người, không có tên Nguyễn Trãi. Đợt 2 (1429): ban thưởng cho 93 người, cũng không có tên Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi làm quan dưới các triều vua Lê, chức: Nhập nội hành khiển, tước: Triều liệt đại phu, hàm: Tam phẩm, vẫn còn dưới nhiều quan to khác (Nhất phẩm, Nhị phẩm). Tại sao thế!? Muốn hiểu tại sao, phải truy nguyên về Hội thề Lũng Nhai, năm 1416. Lịch sử chép về hội thề Lũng Nhai có nhiều phiên bản khác nhau chút ít, nhưng đại để: Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Bùi Quốc Hưng, Trịnh Khả, Trương Lôi, Vũ Uy, Đinh Liệt… cả thảy 19 người thề cùng ra sức chống giặc ngoại xâm.

Trong danh sách này không có Nguyễn Trãi! Thực tế, hội thề diễn ra vào năm 1416, thì mãi 4 năm sau, Nguyễn Trãi mới gia nhập phong trào Lam Sơn, mặc dù vai trò của ông trong cuộc kháng chiến dài 11 năm này không ai có thể phủ nhận. Phong trào Lam Sơn thời gian đầu nhiều gian khó, bản thân Lê Lợi từng 2 lần phải chui vào bụi cây trốn chó săn của quân Minh lùng sục. Hai lần chui vào bụi rậm trốn, cả 2 lần đều xuất hiện một con cáo (hồ ly) ở đâu ra, đánh lạc hướng chó săn của quân Minh.

Những chi tiết này là thật, các sử quan vài thế kỷ sau, khi vào điện chầu thời Lê, vẫn còn thấy bức tượng đầu là thiếu nữ xinh đẹp, thân là cáo, thờ trong điện, ấy là Lê Lợi nhớ “ơn cứu mạng” ngày xưa mà tạc tượng thờ. Các vị họ Lê, đa số là con cháu, họ hàng trong gia tộc Lê Lợi, kẻ chết vì sự truy đuổi của quân thù, người hy sinh vì mũi tên hòn đạn nơi trận tiền, nhiều không sao kể xiết. Không chỉ có Lê Lai hy sinh cứu chúa, cả 3 người con trai của Lê Lai đều lần lượt bỏ mình trong chiến trận.

Lam Sơn không chỉ phải đấu tranh với một mình quân Minh, còn có cả quân Ai Lao, Chămpa cũng vây đánh Lam Sơn theo sự điều động của Bắc triều, ấy là chưa kể bao nhiêu nội gian, nội phản. Thế nên, máu đã đổ, đổ rất nhiều. Nói theo ngôn từ của quốc ca Pháp ấy là: L’étendard sanglant est levé, tiêu chí chọn lựa được đo… bằng máu! Thế nên, tuy là người tham mưu, hoạch định sách lược, công lao vô kể như Nguyễn Trãi, nhưng trong 2 đợt “phong thần” đầu tiên đều không có tên ông.

Ấy là vì ông không nằm trong số những người phải “đổ máu” những ngày đầu gian khó! Nguyễn Trãi là bậc Nho học uyên thâm, để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, tên tuổi lưu vào sử sách, còn những người dẫn quân xông pha trận mạc như Lê Ê, Lê Văn Lễ, Ngô Kinh, Nguyễn Xí… đa phần còn không biết chữ! Kể chuyện vặt vãnh để thấy rằng, trong “lý lịch cán bộ” của giai đoạn lịch sử gần đây, cái chi tiết “năm vào Đảng”, trước / sau 45, trước / sau 54, trước / sau 75 là tối quan trọng!

ngói đỏ lợp nghè

Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.
Đá xanh xây cống, hòn dưới chống hòn trên.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dù dân số đông gấp vài lần ĐNA, nhưng sự đa dạng sinh học của dân TQ (dưới góc độ đa dạng các phân tử di truyền DNA) lại ít hơn nhiều lần. Thế có nghĩa là: không chỉ đông hơn, họ còn đồng nhất hơn hẳn, từ trong… máu huyết. Hiểu điều đó như thế nào, dùng sự đa dạng để tạo ra những giá trị khác biệt, hay cứ mãi tủn mủn, lặt vặt, kình chống nhau, chẳng ai chịu ai, sự lựa chọn là ở các bạn!

đại hùng

Gặp trên đường xuyên Việt gần Sa Huỳnh, Quảng Ngãi… đã đi được hai năm rưỡi, hơn nửa đường từ Cà Mau về Yên Tử. Cứ đi hai bước, lại cúi một lạy sát đất. Mọi người có biết tại sao hầu hết các chùa, tại ngôi điện trung tâm, đều treo một bức hoành đề: 大雄寶殿 – ĐẠI HÙNG bảo điện!?

Trong cái thời “Mạt Pháp” này, người người, nhà nhà “bi bô” tụng niệm, rao giảng về “từ bi”, “trí tuệ”, nhưng cố tình lờ đi, quên đi lời Phật đầy đủ phải có 3 yếu tố: bi, trí, dũng. Những loại “bi và trí” phiến diện, lặt vặt, đơn thuần chỉ là “tiểu xảo ngôn từ”, mà không có “dũng” thì làm được việc gì?

thuyền buồm ba vát

Những ngày lang thang ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh… thăm bãi cọc sông Bạch Đằng mà khi xưa Hưng Đạo Vương đã đánh bại quân Nguyên Mông. Lại có dịp thăm chiếc thuyền buồm “ba vát” dài khoảng 11 mét do nghệ nhân Lê Đức Chắn đóng sắp hoàn thiện. “Ba vát” là mẫu thuyền cổ truyền đặc trưng của vịnh Bắc bộ, sử dụng hai buồm cánh dơi.

Một “trãi nghiệm” rất lý thú khi trực tiếp tham quan chiếc thuyền buồm gỗ đang đóng còn nằm trên đà. Bác nghệ nhân Lê Đức Chắn ngoài 70 tuổi là một trong số những người cuối cùng còn lưu giữ được các kiến thức và kỹ năng đóng thuyền cổ truyền. Ít nhất, ta được biết rằng những kiến thức, kinh nghiệm này đã được bảo tồn được dưới dạng hiện vật và bản vẽ.

côn sơn ca

阮廌 – 昆山歌

Ngỡ đã quên từ lâu, đứng nơi đây, nhẩm lại được toàn bộ nguyên bản Hán văn của Côn Sơn ca – Nguyễn Trãi: Côn sơn hữu tuyền, Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên, Ngô dĩ vi cầm huyền… Trích bản dịch tiếng Việt:

Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.

Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.