Thi thoảng lại thích nghe đủ các loại mùi ngũ cung – pentatonic hoà lẫn vào nhau trong những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, thích nhất là những đoạn chuyển bất chợt qua ngũ cung Trung Hoa rồi về lại ngũ cung Việt Nam… Nhạc Văn Cao (giai đoạn đầu) phức tạp theo một cách mà không ai khác làm được, cái phức tạp thoáng thoáng mơ hồ của một distinctive genius.
Các nghệ sĩ lớn gặp nhau ở những… chủ đề lớn: Trường ca sông Lô của Văn Cao đứng vào hàng tuyệt tác, nhạc sĩ Phạm Duy cũng có bài Tiếng hát sông Lô cũng hay nhưng không bằng. Văn Cao có bài Thiên Thai, Phạm Duy cũng có Tiếng sáo Thiên Thai chưa sánh ngang được. Văn Cao có Trương Chi thì Khối tình Trương Chi của Phạm Duy vẫn còn kém thua.
Tuy vậy cá nhân tôi lại thường thích nghe Khối tình Trương Chi hơn là Trương Chi của Văn Cao, nhạc Phạm Duy có một cái mùi ngũ cung Việt Nam thuần khiết, nguyên bản không pha, không lẫn đâu được. Nhiều người đã ước giá như Văn Cao được sống trong một không gian khác…
Ví von một cách tương đối, nếu xem Phạm Duy như Lý Bạch của Tân nhạc, thì Văn Cao chính là Đỗ Phủ vậy, còn từ quan điểm âm nhạc đại chúng thì Bạch Cư Dị, ta cũng biết là ai đó rồi! Có người đùa bảo giờ ai mà đi thích nhạc ngũ cung thì tức là… cũng ngu 😀. Ai khôn thì mặc, tôi cứ mãi “cũng ngu” như thế!