et si tu n’existais pas

ạo này chẳng biết sao lại thích những bài hát nhịp trung bình, với trống và bass không cần phải lắt léo lắm, nhưng thể hiện thật rõ ràng, chân phương những đoạn báo, chuyển, dằn… Như trong bài này, cái nhịp điệu trầm ổn bên dưới góp phần rất lớn vào việc truyền tải nội dung tha thiết của bài hát, bên cạnh giọng hát thật tốt của Joe Dassin. Thường là nam giới thì có xu hướng thích giọng nữ hơn, nhưng cũng phải thừa nhận một số giọng nam cũng thật hấp dẫn (không biết như thế các khán giả nữ sẽ còn cảm nhận thế nào nữa nhỉ?).

Et si tu n'existais pas - Joe Dassin 
Nếu không có em trong đời - Ngọc Lan 

Cứ y như là mỗi bài nhạc Pháp nổi tiếng đều có phần lời Việt tương ứng (cả với nhạc Hoa chắc cũng thế). Bài này phần lời Việt không sát nghĩa lắm, nhưng đại để cũng diễn đạt được ý của lời gốc.

les gitans

Et toi, vieux gitan, d’où viens-tu?
Je viens d’un pays qui n’existe plus!

ột trong những bài nhạc Pháp tôi yêu thích: Les gitansNhững người digan – nhạc Ý, lời Pháp, trình bày bởi giọng ca vàng Dalida. Một pattern quan trọng trong văn hóa Âu – Mỹ, vẫn thường xuất hiện như một chủ đề quan trọng và cô đọng. Gọi họ là gì cũng được: les gitans, les bohémians; the gipsy hay chung chung hơn: the vagabond, the wanderer, the nomad… (hãy nhìn title của blog này).

Les gitans - Dalida 

– Này hỡi anh bạn digan, anh từ đâu đến? – Tôi đến từ xứ Bohême. – Này cô cái digan xinh đẹp, cô từ đâu đến? – Từ vùng Andalousie. – Còn cụ, hỡi cụ già digan? – Tôi đến từ một xứ sở xa xưa đã không còn tồn tại nữa…

– Này hỡi anh bạn digan, anh sẽ đi đâu? – Tôi về lại xứ Bohême. – Còn cô, cô gái digan xinh đẹp, cô sẽ đi đâu? – Về lại vùng Andalousie. – Này ông bạn già digan, ông sẽ đi về đâu? – Tôi, tôi già quá rồi, tôi ở lại đây thôi.

Rồi trước khi lên đường, bắt đầu một chuyến viễn du mới, vẫn còn lưu lại những khoảnh khắc của giấc mơ du mục, trên con đường biến ảo đi về phía hư vô. Rồi trong đêm tối, vang lên những giai điệu lạ kỳ. Rồi trong đêm tối, thoảng tiếng bập bùng chiếc đàn guitar. Đó là bài hát về những kẻ lang thang qua thời gian, qua không gian, không biên giới…

tình khúc cho em

hư đã rao trong bài trước, hôm nay xin được tiếp tục post nhạc của Lê Uyên Phương. Như mỗi bài hát, mỗi câu ca đều có thể liên hệ tới một phần đời nào đó đã qua của mình. Một lần, đã lâu lắm rồi, một mình đứng trên chuyến đò ngang về làng, ngày giáp Tết rét mướt, mưa phùn rải rác bay, trên bầu trời vẫn trong và xanh, đỉnh Bạch Mã sừng sững in bóng rõ nét. Cảnh núi non sông nước diễm lệ, một dãi đầm Lập An, suốt từ Lăng Cô, Bạch Mã đến Chân Mây, mùa này trong năm, thật là chốn mê hoặc lòng người.

Tình khúc cho em - Lê Uyên Phương 

Trong đám sương mờ mờ giăng ngang mặt sông, văng vẳng đâu đây câu hát: …Vì đâu mê say phồn hoa, như áo gấm sáng lóng lánh, ôm rách nát không tâm linh, ôm tiếng hát không hơi rung nghèo nàn, còn yêu chi hoa ngày xanh… Lòng thầm nghĩ: trong chốn vạn đò này cũng có người biết nhạc hay, nghĩ rồi lại tự cười mình: nhạc hay thì tự khắc có người nghe và hát, hà cớ gì phân biệt nguồn gốc, thân phận. Rồi lại giật mình, lời hát ôm tiếng hát không hơi rung nghẹn ngào bắt đầu nhắc nhở từ đó.

Đến nay trải đã nhiều năm, trên con đường tình ta đi cũng đã đến lúc như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân… Ngoảnh đầu lại, lời hát trên bến sông năm nào vẫn còn như nhắc nhở. Đi tìm lại công thức và những gia vị cần thiết cho một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc, xin đi lại từ đầu bằng xin cho thương em thật lòng, còn có khi lòng thôi giá băng…

elle imagine

m mang trong đôi mắt đen cả một câu chuyện dài, những nẻo đường lưu đày, bóng mặt trời nhiệt đới, những buổi sáng tháng Tư nào đó xa xưa… Trong sự lãng quên, em biết mình đã đến từ phương Nam, từ những thành phố trắng toát với cái nóng bất động. Em tưởng tượng và nhớ lại, tiếng trẻ con cười trong con phố, những bàn tay vẫy chào, những giọt lệ trong ánh mắt chia tay ngước lên trời xanh…

Lời Việt: Tàn phai - Ngọc Lan 

Đã có quá nhiều tiếng cười và nước mắt, đã có quá nhiều hy vọng mong manh. Em tưởng tượng ra, trong tấm gương thời gian kia, đã từng có một thời giản đơn, nơi người ta đã sống êm đềm và hạnh phúc…

Elle imagine ou J’imagine?

nghìn trùng xa cách

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi. Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người. Trả nốt đôi môi gượng cười. Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.

ghìn trùng xa cách, đây có thể nói là bản nhạc tuyệt vời nhất cho những cuộc tình tan vỡ. Bài nhạc không còn là tiếc thương, vương vấn mà là thổn thức cầu nguyện cho những tâm hồn khổ đau lầm lạc. Đây phải nói là lần yêu thương chân thành nhất và đau khổ thực sự của con người đào hoa Phạm Duy. Cứ mỗi lúc tình cảm trào dâng đến chỗ tột bậc thế này, ông lại trở về với cái nguồn sacred music – âm nhạc phụng sự cho những tình cảm thiêng liêng. Nghìn trùng xa cách là một điểm son trong âm nhạc Phạm Duy.

Nghìn trùng xa cách - Thái Thanh 
Nghìn trùng xa cách - Lê Dung 

Không cần phải nói về phần lời rất đẹp, phần nhạc là một sự đơn giản lạ kỳ. Cấu trúc một bài hát thông thường phải là ABAB hay ABA (A: khúc dẫn, B: khúc điệp), Nghìn trùng xa cách chỉ có cấu trúc 2 đoạn AB, và sử dụng nhiều gam nhạc lặp đi lặp lại: mi mi fa sol, sol sol la si hay do do mi mi, la la re re. Điểm đặc biệt nhất của bản nhạc là cách chuyển giọng (modulate) từ đoạn 1 sang đoạn 2, và rất nhiều kỹ thuật tinh tế khác, với mục đích không ngoài việc làm cho lời và nhạc ăn khớp vào nhau, để vẽ nên một nét gượng cười bằng âm thanh.

Ai đã cảm được nhạc Phạm Duy rồi mới thấy nhận xét sau đây của nhạc sĩ rất đúng: âm nhạc hiện nay kém sang trọng, thiếu sự cuốn hút và rung động lòng người. Riêng tôi thì muốn nói thêm rằng: âm nhạc hiện tại còn thiếu cả sự… tử tế! 😬.

không nhìn nhau lần cuối

Trong bao kiếp hoang vui chưa tìm thấy, xin em hãy tin mai đây là lúc sum vầy. Đâu có ai biết mai sau. Đâu có ai mãi thương đau. Đâu có ai phải muôn kiếp xa nhau.

ôi sẽ lần lượt post nhạc của Lê Uyên Phương, mỗi lần một bài thôi. Thứ nhất là nhạc Lê Uyên Phương cũng không có nhiều, thứ hai phần lớn là những bài thật hay cả. Nhìn nhận về nhạc của Lê Uyên Phương, nhạc sĩ Phạm Duy có viết như thế này trong hồi ký (tập 3 – chương 12):

Không nhìn nhau lần cuối - Lê Uyên Phương 

Tôi nghĩ nhạc sĩ Phạm Duy nói vậy cũng không đúng lắm, đành rằng nhạc của Lê Uyên Phương không có tham vọng lớn, không theo đuổi những vấn đề mang tính cách dân tộc hay lịch sử, mà chỉ đơn thuần là nhạc của đôi lứa yêu nhau, tình yêu của họ là thứ tình điên dại, yêu cuồng sống vội, nhưng lãng mạn hóa dục tính hay trần tục hóa tình yêu thì cũng chỉ là hai mặt của một tình yêu. Ám ảnh về bệnh tật, cái chết, những suy tư trăn trở mang tính thời cuộc vẫn hiện diện trong nhạc của họ đấy thôi.

…Những ca khúc Nỗi Buồn Dâng Hiến, Buồn Đến Bao Giờ, không còn là tình sầu của họ Trịnh mà là tình điên. Nhìn đôi uyên ương này hát với lối diễn tả rất khêu gợi thì càng thấy được chất nhục tính trong nhạc của họ. Tuổi trẻ quá đau khổ chỉ còn một cách phản ứng là vùi đầu vào ái ân. Từ trong Vũng Lầy Của Chúng Ta, đôi Lê Uyên, Phương đưa ra những bài hát ngây ngất như đôi người tình vừa ôm ấp nhau, hay chán chường như họ vừa buông nhau ra sau một trận ân ái. Chúng ta cho nhau lần cuối nhưng cũng không nhìn nhau lần cuối!

Khác chăng là cách nói, Phạm Duy viết nhạc tình dù nồng nàn đến bao nhiêu vẫn có chút bóng gió, tế nhị: Tôi xây lại mộng mơ năm nào, bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau (Nha Trang ngày về), Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi, hẹn với bình minh (Cỏ hồng), nhạc Lê Uyên Phương chỉ nói rõ hơn một chút, và cũng nói rõ mọi mặt của một tình yêu hoàn hảo, một cuộc sống lứa đôi, mà nào có đâu dung tục? Nhạc Lê Uyên Phương là thứ thuốc phiện kinh khủng cho những ai đã, đang và sẽ yêu.

dạ khúc cho tình nhân

…Thương em khi yêu lần đầu. Thương em lo âu tình sau.
Dù gương xưa không được lau. Soi lấy bóng mối duyên sầu.
Cho tôi yêu em nồng nàn. Dù biết yêu tình yêu muộn màng.

(Tình khúc cho em – Lê Uyên Phương)

…Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Ðà Lạt vào những năm của thập niên 60. Chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Ðà Lạt, nhất là cà phê Tùng gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi…

ôi đã nghe nhạc của Lê Uyên Phương từ lâu, những câu nhạc quen thuộc, cứ hát nhưng không biết là nhạc của ai: em ơi, xin em, xin em nói yêu đương đậm đà, để rồi ngày mai cách xa, như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân… Mãi về sau khi một người bạn hát cho nghe bài Dạ khúc cho tình nhân, tôi thấy rất hay bèn hỏi là nhạc của ai, bạn tôi trả lời… của Tuấn Ngọc 😀. Bắt đầu tìm hiểu về Lê Uyên Phương từ đó, những album, bài hát, từ cái tiêu đề, ca từ cho đến nhạc, nhất là nhạc, đã phảng phất vẻ khác người, đứng riêng một đôi trai gái thắm thiết yêu nhau trên bầu trời ca nhạc.

Dạ khúc cho tình nhân 
Hãy ngồi xuống đây 
Vũng lầy của chúng ta 

Những tên album: Khi loài thú xa nhau, Tình như mây cõi lạ, Nỗi buồn dâng hiến…, những tên bài hát: Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta, Ngồi lại trên đồi, Bài ca hạnh ngộ, Loài hươu đa cảm, Tình khúc cho em… phảng phất nét hiện sinh chủ nghĩa phổ biến trong giới văn nghệ sĩ trước 1975, mà vẫn có nét ái tình, u buồn, khát khao riêng biệt. Nếu như miền Nam lúc đó, đã có một Phạm Duy & Thái Thanh, với gốc gác Hà Nội xưa, đã có một Trịnh Công Sơn & Khánh Ly mang màu sắc Huế trầm mặc, hai phong cách lớn trên khung trời âm nhạc, thì bỗng dưng xuất hiện một đôi trai gái yêu nhau, họ đã mang khí trời Đà Lạt thổi vào đời sống văn nghệ lúc đó.

Về tầm vóc, thật khó so sánh Lê Uyên Phương với Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy. Trịnh Công Sơn có một khối lượng tác phẩm lớn với ngôn từ uyên áo. Phạm Duy có một lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú và sáng tạo hơn nhiều về mặt âm nhạc. Lê Uyên & Phương thì chỉ có những bài hát về cuộc tình của họ, dường như ngoài hai con người yêu nhau kia ra, chẳng gì khác tồn tại: chiến tranh, chết chóc, cuộc sống khốn cùng… Nhưng xét từ một khía cạnh khác, Lê Uyên Phương có chỗ đứng ngang hàng với những “đại gia” âm nhạc kể trên. Nếu như nhạc Phạm Duy không tách rời cái số nhà 54 Hàng Dầu, nơi tác giả sinh ra: Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, Số nhà năm bốn đứng đầu… du côn, không tách rời các làn điệu ngũ cung ba miền đất nước; nhạc Trịnh (phải nói là khá đơn điệu) là nhạc thất cung (ảnh hưởng nặng nề của giáo dục âm nhạc Pháp), thì Lê Uyên Phương, có lẽ là người đầu tiên tiếp nhận ảnh hưởng rock, blue, jazz Mỹ mà đem vào âm nhạc của chính mình, biến nó thành của mình không có chút nào ngượng ngập, khiên cưỡng.

Nhạc Lê Uyên Phương trong khổ đau chân thực vẫn luôn tiềm ẩn sức sống và khát vọng rất riêng, như chính một lời hát: trong đau đớn điên cuồng đó, vun kiếp sống không ngơi. Họ sinh ra là để yêu nhau và ca hát, như mỗi lần từ Sài Gòn (nơi họ biểu diễn để kiếm sống), trở về Đà Lạt, để tiếp tục bên nhau và có những sáng tác mới về cuộc tình của chính mình. Xin gửi đến các bạn ba bài hát trong album Khi loài thú xa nhau, album ghi dấu cuộc tình lãng mạn Lê Uyên & Phương. Có nhiều bản thu âm (của những ca sĩ khác) có thể ấn tượng hơn, nhưng nhạc của Lê Uyên Phương, xin nghe trình bày từ chính Lê Uyên & Phương.

Một cuộc tình như thế cuối cùng lại có một kết cục (theo tôi) là tầm thường. Âu cũng là số phận và căn cơ con người chỉ đến thế, cũng là một bài học về cái cơ địa (đáng buồn) của nhiều (đa số) người Việt chúng ta, cũng là một dạng định mệnh, đến và đi, không thể khác được. Nhưng ít nhất họ cũng đã có 15 năm chung sống, một tình yêu thật đẹp, và một sự nghiệp âm nhạc đầy mầu sắc, họ chẳng có gì để tiếc nuối.

tầm dương giang đầu

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận,
Anh lụy đời quên bến khói sương.
Năm tháng, năm cung mờ cách biệt,
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?

君不見黃河之水
天上來奔流到海不復回

勸君更盡一杯酒
西出陽關無故人

醉臥沙場君莫笑
古來徵戰幾人回

潯陽江頭夜送客
楓葉荻花秋瑟瑟

抽刀斷水水更流
舉杯消愁愁更愁
人生在世不稱意
明朝散髮弄扁舟

Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời. Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi. Long lanh tiếng sỏi vang vang hận. Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người… (Xuân Diệu)

Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi dòng châu, tiếc thay tại sao đành lỡ làng. Man mác khói hương bay dịu dàng. Như tóc mây vương dáng liễu mơ màng, cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương. Ai đó tri âm biết cùng

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận, Anh lụy đời quên bến gió sương. Năm tháng, năm cung mờ cách biệt, Bao giờ em hết nợ Tầm Dương? (Hoàng Cầm)

ề những tác phẩm Đường thi quan trọng, ai chỉ từng tham khảo những cuốn cơ bản như Đường thi nhất bách thủ (100 bài), Đường thi nhất thiên thủ (1000 bài), cũng đã thấy đó là cả một gia tài văn chương đồ sộ, ảnh hưởng của chúng đến đời sau thực không cần phải nói tới. Những ông bạn già ba tôi, những người quen của gia đình tôi, mỗi khi ngồi lại ăn nhậu với nhau, thế nào cũng có một vài câu Đường thi được đọc, ví dụ như:

Anh có thấy sông Hoàng Hà, Con sông vĩ đại nước sa lưng trời. — Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy, Thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Xin vơi một chén quan hà, Dương quan chốn ấy ai là cố nhân. — Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, Tây xuất Dương quan vô cố nhân.

Sa trường say ngủ ai cười, Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu. — Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.

Cầm dao chặt nước nước cứ trôi, Nâng chén tiêu sầu sầu không vơi. Người đời nếu chẳng được như ý, Sớm mai xõa tóc cỡi thuyền chơi.Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu, Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu. Nhân sinh tại thế bất xứng ý, Minh triêu tản phát lộng biên châu.

Lúc nhỏ, tự học đọc và viết được Hán tự, thuộc vài ngàn bài Đường thi, Tống từ, tôi đã lấy làm tự phụ rằng còn thuộc nhiều thơ hơn cả mấy ông già bạn ba tôi. Chỉ sau này mới thấy cái vốn Hán học của mình bé như hạt cát, chỉ mới là dạng đọc mau nhớ thôi. Tuy vậy vài năm lúc tuổi nhỏ cũng đủ để nhận được cái hồn cổ văn lồng lộng, những u tình sâu kín, cũng đủ thấy cốt cách người xưa… Lớn lên, tôi dần cảm thấy thích âm nhạc hơn, mà xa rời văn chương, có lẽ vì âm nhạc dễ tiếp thu hơn, mà văn chương thì đòi hỏi quá nhiều công phu hơn.

Nguyệt cầm – Cung Tiến - Thái Thanh 
Tiếng xưa – Dương Thiệu Tước - Thu Hiền 
Tình cầm – Phạm Duy - Tuấn Ngọc 

Tuy vậy, ảnh hưởng của cổ văn, cổ thi, nó bàng bạc khắp nơi, không dễ gì thoát ra được. Ảnh hưởng lên văn học Việt Nam sâu đậm nhất, có lẽ không tác phẩm nào khác ngoài Tỳ Bà hành – Bạch Cư Dị. Không kể đến trong cổ văn (mà dấu vết của Tỳ Bà hành có thể được tìm thấy nơi nơi), ngay trong Thơ mới, dấu vết của nó cũng không ít. Câu chuyện của tác giả và người kỹ nữ đánh đàn tỳ bà tình cờ gặp lúc đêm khuya trên bến sông Tầm Dương để lại cho hậu thế biết bao nhiêu mối hoài cảm. Cả một áng thơ dài, câu nào cũng đầy tình ý:

Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, mang hận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bây giờ càng hay.

Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não ruột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.

Nguyên bản Hán văn, phiên âm cũng như bản dịch thơ nổi tiếng của Phan Huy Vịnh, xin đọc ở đây. Đọc Tỳ Bà hành rồi dễ liên tưởng đến tác phẩm có phần tương tự của thi hào Nguyễn Du: Long thành cầm giả ca龍城琴者歌, tuy nhiên bài này lại nặng về tính thế sự hơn là về tình cảm cá nhân, nên sự xúc động gây ra trong lòng người thiết nghĩ cũng không sâu sắc bằng:

Thành quách suy di nhân sự cải, Kỷ độ tang điền biến thương hải. Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong, Ca vũ không lưu nhất nhân tại城郭推移人事改幾度桑田變蒼海西山基業盡消亡歌舞空留一人在. Ảnh hưởng trong văn thơ thì đã quá nhiều rồi, hôm nay tôi xin đưa một vài ví dụ nhỏ, ảnh hưởng của Tỳ Bà hành trong Tân nhạc, bằng trí nhớ lu mờ của mình, xin chép tặng các bạn một vài bài nhạc hay mang âm hưởng của bến Tầm Dương năm xưa.

hương xưa – scents of yester-years

Khói dâng huyền ảo tiếng ca,
Rừng phong lác đác sương sa bóng chiều.
Tầm Dương bến cũ hoang liêu,
Ai đem hết cả tiêu điều thời xưa.
Phổ vào cung bậc gió mưa,
Tiếng ca chìm dứt, còn chưa tạnh hờn.

ỗi lần ngồi lại hát bài này là lại buồn, cái buồn như đã ngầm định tự bao giờ, cái buồn tự bài nhạc đã nói lên hết cả: ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi, dù đã quên lời hẹn hò… lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mơ… tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa, cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô… vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó… .

Hương xưa - Mai Hương 

Chợt nhớ đến cái “tổ cú” 45-HHBạc của chúng ta ngày trước, cái thời lầy lội, nhà dột mưa ướt, ngồi ôm đàn hát suốt đêm… Nhớ Chính “béo”, cứ mỗi lần gặp nhau lại nhắc: anh Xuyên, anh hát Hương Xưa đi!… Cái thằng nhạc cảm tuyệt vời, không biết mấy về nhạc xưa, mà nghe một chút là thấy ngay dáng nhạc. Đến giờ thì cũng chẳng nhớ cái “hương xưa” đó là “hương xưa” nào, yester-years cũng chỉ là một yester-years nào đó thôi, không biết đã từng có không, mà có cũng không biết còn nhớ không nữa…

La restauration: bài hát này phảng phất nét Thánh nhạc (nhạc nhà thờ) ẩn tàng bên dưới. Ca khúc đã được đặt lời Anh bởi Paulina Nguyễn (Giáng Tiên) với tựa đề mới: Scents of yester-years. “Chuông được đem đi đánh xứ người” trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam 18 tổ chức ở Singapore, nhạc sĩ Đức Trí làm hòa âm, trình bày là Đức Tuấn và Nguyên Thảo.

Việc chuyển ngữ thực sự khá tốt, không dể với một bài vừa cổ điển về lời và về nhạc như thế này. Nếu như phần tiếng Anh phát âm chuẩn một chút nữa thì sẽ hay hơn. Thật sự là không ngờ một bài hát cũ lại có thể hồi sinh như thế! Về lyric tiếng Anh, do phần chuyển ngữ này còn quá mới, không thể tìm đâu ra trên mạng phần lyric được. Báo hại phải ngồi nghe đi nghe lại bao nhiêu lần mới viết được một phần lời, còn thiếu một vài chỗ.

Have you ever let your soul wander along a dream? A dream of a path to far away dear home, sweet home. Where leaves sound are whispering, where trees still stand waiting. Where nights are still immense with stars and sounds of distant flutes.

And I still remember tales of once upon a time. When life was filled with sweet dreams and peaceful lullabies. The sound of spinning looms, shadows of lazy kites. And all of my everlasting loving memories.

Oh, I have wandered in my dreams through every night. Not much joy in my life. For love and life are often at strife. Though I have been calmly waiting. Melodies of old moon lutes, hamonize with (a) romance mood. And the strings of violin softly sing in the breeze. Just like my heart is chanting for love.

Oh, I have gone through nights dreaming about your love. And get used to despair. The good old days have gone far away. When will I be in love again? Nights embraced in pure silence. Days began with innocence. Now there’s only emptiness, and sorrowful regrets. Love is sinking in darkness.

My love, is the sun still shining warmly everywhere? Don’t you hear the sounds of falling leaves in autumn night? Has love ever been sweet. Or filled with bitterness. Just keep your heart widely open to love and to life. Life is as sweet as lovers’ song. Life is as sweet as lovers’ song.

Cũng xin cám ơn sự hỗ trợ từ bạn hadang82. Bạn nào nghe được rõ ràng hơn xin góp phần hiệu đính chỗ lyric này. Sau một thời gian tìm kiếm, được sự giúp đỡ từ chính tác giả ca từ Paulina Nguyễn (xin xem phần comment), thông qua bạn hadang82, nay tôi đã có được phần lời ca gốc (tiếng Anh). Xin cảm ơn tác giả Paulina Nguyễn và bạn hadang82. Xin đăng lại lời ca ở đây để mọi người cùng tham khảo.

⓵⏎ Về chuyện tình bi lệ của Trương Quỳnh Như và Phạm Thái, điển tích được nhắc đến trong bài hát, xin đọc thêm Văn tế Trương Quỳnh Như, đọc Sơ Kính Tân Trang (Phạm Thái) hay tiểu thuyết kiếm hiệp Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng).

chanson de lara

Au bord des pleurs,
tu souriais Lara…

Đôi khi ta muốn né tránh cái cao siêu giả tạo và bất tài, cái lối nói năng tối nghĩa của loài người để bước vào cái tưởng chừng tĩnh mịch của thiên nhiên, cái im lặng khổ sai của lao động bền bỉ, cái im lặng không lời của giấc ngủ say, của âm nhạc chân chính và của rung động trái tim, một sự rung động không nói nên lời vì trọn vẹn của tâm hồn.

hanson de Lara nằm trong một băng cassette nhạc không lời của Richard Clayderman. Ca khúc làm tôi bắt đầu chú tâm đọc: Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak thông qua bản dịch của Lê Khánh Trường (Chanson de Lara là nhạc nền của bộ phim cùng tên chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng này). Tôi nhớ đã đọc liền một mạch hơn 1000 trang sách ấy, và đã đọc đi đọc lại không dưới năm, sáu lần… Đến độ từng đoạn văn trong cuốn sách ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

Chanson de Lara - Tereza Kesovija 
Somewhere my love - Ray Conniff 

Cuốn sách đã dạy tôi cách lắng nghe và phân tích chính tâm hồn mình, cũng như cậu bé Yuri đã làm trong góc riêng khu vườn tuổi thơ, cũng như chàng trai Yuri đã làm khi theo học tại trường Y, trong những salon của giới nghệ sĩ, trí thức Nga đương thời, cũng như trên muôn nẻo đường đời khác. Cuốn sách cũng dạy tôi hiểu suy tư, trăn trở của những tâm hồn lớn, đã minh họa nhiều nét tính cách Nga phong phú khác nhau, đã cho tôi biết rằng trong những thời khắc biến động dữ dội của lịch sử, tình yêu đích thực vẫn tồn tại.

Về bài hát, tôi đã thuộc lòng bản tiếng Pháp trước khi biết rằng bài hát vốn là một nhạc phim Anh – Mỹ, và dĩ nhiên là được đặt lời Anh trước. Thế nhưng lời hát tiếng Pháp lại hay hơn nhiều và đi rất sát với nội dung tiểu thuyết và nhân vật Lara: Bầu trời tuyết đã ám đầy, phía xa xa, chân trời bùng cháy. Đứng trên sân ga, em còn mãi nhìn theo chuyến tàu cuối, chuyến tàu đi về phía đau thương. Sát bên bờ nước mắt, em đã cười Lara. Một ngày kia, khi gió đổi chiều, một ngày kia, Lara, mọi điều lại tươi đẹp như xưa!

Bài hát là OST bản phim 1965 (có một phiên bản mới hơn năm 2002). Tôi thích bản cũ hơn, không phải chỉ vì nó trung thành với nguyên tác văn học hơn, mà còn bởi vì bản 2002 đã bị Anh – Mỹ hóa quá mức, khó còn có thể nhận ra nét tính cách Nga nào khi xem.