không nhìn nhau lần cuối

Trong bao kiếp hoang vui chưa tìm thấy, xin em hãy tin mai đây là lúc sum vầy. Đâu có ai biết mai sau. Đâu có ai mãi thương đau. Đâu có ai phải muôn kiếp xa nhau.

ôi sẽ lần lượt post nhạc của Lê Uyên Phương, mỗi lần một bài thôi. Thứ nhất là nhạc Lê Uyên Phương cũng không có nhiều, thứ hai phần lớn là những bài thật hay cả. Nhìn nhận về nhạc của Lê Uyên Phương, nhạc sĩ Phạm Duy có viết như thế này trong hồi ký (tập 3 – chương 12):

Không nhìn nhau lần cuối - Lê Uyên Phương 

Tôi nghĩ nhạc sĩ Phạm Duy nói vậy cũng không đúng lắm, đành rằng nhạc của Lê Uyên Phương không có tham vọng lớn, không theo đuổi những vấn đề mang tính cách dân tộc hay lịch sử, mà chỉ đơn thuần là nhạc của đôi lứa yêu nhau, tình yêu của họ là thứ tình điên dại, yêu cuồng sống vội, nhưng lãng mạn hóa dục tính hay trần tục hóa tình yêu thì cũng chỉ là hai mặt của một tình yêu. Ám ảnh về bệnh tật, cái chết, những suy tư trăn trở mang tính thời cuộc vẫn hiện diện trong nhạc của họ đấy thôi.

…Những ca khúc Nỗi Buồn Dâng Hiến, Buồn Đến Bao Giờ, không còn là tình sầu của họ Trịnh mà là tình điên. Nhìn đôi uyên ương này hát với lối diễn tả rất khêu gợi thì càng thấy được chất nhục tính trong nhạc của họ. Tuổi trẻ quá đau khổ chỉ còn một cách phản ứng là vùi đầu vào ái ân. Từ trong Vũng Lầy Của Chúng Ta, đôi Lê Uyên, Phương đưa ra những bài hát ngây ngất như đôi người tình vừa ôm ấp nhau, hay chán chường như họ vừa buông nhau ra sau một trận ân ái. Chúng ta cho nhau lần cuối nhưng cũng không nhìn nhau lần cuối!

Khác chăng là cách nói, Phạm Duy viết nhạc tình dù nồng nàn đến bao nhiêu vẫn có chút bóng gió, tế nhị: Tôi xây lại mộng mơ năm nào, bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau (Nha Trang ngày về), Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi, hẹn với bình minh (Cỏ hồng), nhạc Lê Uyên Phương chỉ nói rõ hơn một chút, và cũng nói rõ mọi mặt của một tình yêu hoàn hảo, một cuộc sống lứa đôi, mà nào có đâu dung tục? Nhạc Lê Uyên Phương là thứ thuốc phiện kinh khủng cho những ai đã, đang và sẽ yêu.