Những cái thuộc về ngôn ngữ, 10 năm là ít, 30 năm chưa phải là nhiều, thời gian để cho một ngôn ngữ trưởng thành, trở nên chính chắn, cẩn trọng từng câu, từng lời, bảo đảm mọi điều nói ra phải có nghĩa chính xác. Nhiều người bảo, chỉ là một tập cú pháp – syntax thôi mà, nói sao không được!? Không phải vậy, đã từng có vô số cú pháp “nhảm” bị đào thải sau vài năm, đơn cử như là C#, C# đã từng có vô số cú pháp nhảm, nhảm đến mức thiểu năng, ngu xuẩn! Và cũng đã có một số cú pháp kiểu “chữa lành – chảnh lừa” như async – await vẫn tiếp tục lừa người thêm độ chục năm, cho đến khi người ta nhận ra chẳng có lợi ích gì ngoài những câu chữ oang oang, trơn tuột! Và cũng đã có những ngôn ngữ đã dùng trên hai mươi năm nhưng rồi cuối cùng thì người ta quyết định: thôi, tốt hơn là… bỏ, không đi tiếp nữa, ví dụ như Obj-C, Flash, thậm chí có thể cả Java! Nhưng chừng đó năm cũng đủ cho người ta mường tượng ra được một ngôn ngữ “tốt” tương lai nó sẽ trông như thế nào!
Đầu tiên là nó phải giống ngôn ngữ C, điều này… đơn giản như chân lý vậy, cứ phải giống C thì mới tốt! Thứ hai, ngôn ngữ phải strong-type, có kiểu rõ ràng và kiểm tra kiểu khi biên dịch, không đợi đến khi chạy. Thứ ba, dù gọi tên gì: reference, optional, thì cũng phải làm cho người ta hiểu rằng đây là con trỏ – pointer, ở điểm này thì C thẳng thắn đến mức trần trụi! Thứ tư là quản lý bộ nhớ bằng reference counting và lần nữa, phải làm từ lúc biên dịch (compile time), đừng đợi đến đến lúc run-time, quên garbage collector và những thứ khác đi! Thứ năm là làm sao để lập trình concurrent, thread, process dễ hiểu hơn! Và cuối cùng, rất quan trọng, là dù thời đại đã đi tới mức zettabyte, nhưng một ngôn ngữ vẫn phải thật sự hiệu quả, hiểu theo nghĩa phải đếm từng bits khi cần. Xét những tiêu chí đó thì có lẽ Rust sẽ là ngôn ngữ phổ thông kế tiếp, dần thay thế C++! Đã nói rồi, phải cải tiến trước rồi hãy dùng, đừng dùng xong mới cải tiến, gọi là ++C có phải đã tốt rồi không!? 😀
Đương nhiên, đây là ngôn ngữ phổ thông (general purpose) ở mức thấp (low level), những lĩnh vực đặc thù vẫn sẽ có những ngôn ngữ riêng! Nhưng với một ngôn ngữ phổ thông cấp thấp, ưu tiên hàng đầu là performance, những thứ khác vẫn chỉ là phụ. Rust thậm chí còn chưa phải là một ngôn ngữ OOP – hướng đối tượng đúng nghĩa, theo nghĩa thường hiểu trong C++ hay Java. Nói cho đúng hơn là mô hình OOP của Rust được thiết kế ưu tiên cho performance, chứ không phải cho sự tiện lợi của người viết code! Thậm chí ta còn có thể đặt câu hỏi rằng, có thực sự cần OOP hay không, ví dụ như glibc chỉ dùng “struct” của C để biểu diễn “class” đó thôi! Nhưng qua đó cho thấy rằng, đã rất nhiều thế hệ khác nhau của C++ rồi, mà vẫn không giải quyết được bài toán vtable – gọi hàm hướng đối tượng làm sao cho hiệu quả. Nên Rust đành phải đổi một cách tiếp cận khác, mang tính chất lai lai, một nửa là OOP và nửa còn lại vẫn là functional theo kiểu C truyền thống!
Quá trình hình thành một ngôn ngữ thực chất phản ánh muôn mặt của cái cộng đồng làm ra và sử dụng nó. Đầu tiên là từ góc độ tương đối hàn lâm, ngôn ngữ phải thể hiện được tính đúng đắn và hiệu quả tính toán! Cái yếu tố “hiệu quả – performance” này là yếu tố quyết định, đôi khi nó phủ quyết (veto) tất cả những yếu tố khác. Tiếp nữa mới đến chuyện cú pháp rõ ràng, tiện lợi, thân thiện với lập trình viên. Kế đến nữa mới là chuyện tổ chức, lớp lang, các hệ thống thư viện phụ trợ để dễ dàng phát triển phần mềm! Phần lớn lập trình viên chỉ tranh luận phía trên bề mặt, cú pháp như thế này, lớp lang như thế kia, họ không hiểu rằng yếu tố tiên quyết của một ngôn ngữ là vấn đề hiệu suất (performance). Những ngôn ngữ bỏ lơ vấn đề này… đều có kết cục thê thảm!!! Như Objective-C, người ta bỏ vì nó đã trở thành một con quái vật, phức tạp đến mức vô lý, hay như một số code React – TypeScript, mới viết có cái app Hello-World là đã chiếm mất hơn 3GB đĩa cứng.