Tathāgata… trong các kinh Phật, thường thấy xuất hiện chữ Tathāgata – 如來 – Như Lai, chữ này là đại từ nhân xưng tự thân, do đức Phật tự gọi mình, chứ không phải do người khác gọi! Hiểu như thế đọc kinh văn sẽ thấy dễ hiểu hơn. Tatha: do đó, như thế, và gata: đã vượt qua. Có một chút nhập nhằng chỗ này, vì “Tathāgata” (tatha + gata) cũng có thể được chiết tự thành “tatha” và “agata”, mà “agata” là phản nghĩa của “gata”, tức là đến, chứ không phải là đi, Hoa văn hiểu như thế nên dịch thành “lai” (Như Lai). Có nhiều cách hiểu: đã đến hay đã đi, hay đã vượt qua, là vượt qua cái gì? Thật ra ngôn ngữ Phật giáo chỉ trở nên trừu tượng và đầy tính lý luận trong các kinh điển về sau!
Đương thời, Phật dùng từ một cách bình dân, có tính vừa gợi mở, vừa thực tế, tránh các câu hỏi siêu hình hay lý luận hình thức! Một tên hiệu thường gặp nữa của Phật là “Sugata”, ở đây ta bắt gặp cái động từ mà đức Phật rất “thích” dùng: “gate – tiếng Anh: to go”, đi, vượt qua, tiếng Hoa thường dịch “Sugata” thành “Thiện thệ – 善逝” hay “Hảo khứ – 好去”, dịch khá hay, nhưng “lai” hay “khứ” đều không thể hiện chính xác lắm, nên có một chút hàm ý chủ động trong đó! Tathāgata theo tôi, nên hiểu là: người đã vượt qua đến bờ bên kia (của bể khổ)! Về chữ “khổ” – Duḥkha, nó không mang nghĩa “khổ đau, bất hạnh” như chúng ta thường nghĩ, sẽ đề cập đến trong 1 post khác!