đoàn lữ nhạc


Poster Đoàn lữ nhạc, NXB Cửu Long

A ha, a ha! Hãy nhớ vết xưa tàn phá! Đâu, đâu? Ai biết lũ chim về đâu? A ha, a ha! Hãy cất tiếng lên cười phá! Dzô, dzô! Kìa những bóng chim hải hồ!

ó một từ, tiếng Anh là the troubadours, tiếng Pháp gọi là les troubadours, tiếng Việt thường gọi là người hát rong, du ca, lữ nhạc… Chỉ riêng một từ này mà hai đại nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn (và cả một số người khác) phải “đánh nhau” để dành lấy, từ trước 75 và kể cả về sau này. Một “danh hiệu” mà nhạc sĩ nào cũng ao ước đạt được, ai cũng nhận mình là kẻ du ca của dân tộc Việt, đi qua những nẻo đường đời lưu đày và kể lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy.

Như ngày xưa Homère kể lại lịch sử thành Troie bằng hai trường ca Odyssée và Iliade. Mọi câu chuyện đều thường bắt đầu đại loại như thế này: để tôi kể bạn nghe câu chuyện, một lần một ngày kia, tôi đã đi qua và đã thấy…. Hình thức kể chuyện hát rong, từ xa xưa đã là một lối văn nghệ và lịch sử truyền khẩu, đến tận bây giờ vẫn là một đề tài đầy cảm hứng.

Đoàn lữ nhạc - Ánh Tuyết 

Có một nhạc phẩm ít người biết của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, mang tên Đoàn lữ nhạc. Trong những năm 1945 ~ 1975 ở miền Bắc, khi nhiệm vụ chiến tranh là trên hết, việc ra đời của Đoàn lữ nhạc quả là một điều kỳ lạ. Nói như một bài hát khác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi, trong một giai đoạn như thế lại có lời ca: Ra đi khắp nơi xa vời, gió bốn phương kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi… Đâu, đâu? ai biết lũ chim về đâu. Sau này, những nhạc phẩm thế này đều được chọn lọc và biểu diễn trở lại. Tôi đã nghe biểu diễn bài này hai lần, một lần ở phòng trà ATB (Sài Gòn), một lần ở phòng trà Hợp Phố (Đà Nẵng), cả hai lần đều là những ấn tượng khó quên.

bến xuân

huyện về ca khúc Bến xuân kể ra đây nghe như một giai thoại, nhưng lại là chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện về mối tình giữa nhạc sĩ Văn Cao và người đẹp Hoàng Oanh. Một chương trình truyền hình, tôi quên mất là chương trình nào, phỏng vấn Văn Cao và Hoàng Oanh và kể lại mối tình giữa hai người.

Ngày ấy hai người yêu nhau, nhưng cùng yêu người đẹp Hoàng Oanh còn có ca sĩ Kim Tiêu và nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng), hai người bạn thân của Văn Cao trong ban nhạc Đồng Vọng nổi tiếng đất cảng Hải Phòng một thời. Nhưng khi cưới, nhà cô Hoàng Oanh thách cưới quá nặng, chỉ có một người đáp ứng đủ yêu cầu và cưới được người đẹp, đó là nhạc sĩ Hoàng Quý.

Bến xuân - Hà Thanh 

Cô Hoàng Oanh vì áp lực gia đình không thể làm khác, nhưng vẫn đến thăm Văn Cao một lần cuối, đó là nguyên lai lời ca: nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần… tới đây chân bước cùng ngập ngừng, mắt em như dáng thuyền soi nước…. Mối tình rất đẹp, đến nỗi làm lời cho ca khúc Bến xuân này, có sự tham gia của ít nhất hai nhạc sĩ tài năng là Văn Cao và Phạm Duy. Tôi trích đây lại nguyên văn lời tỏ tình thô mộc của nhạc sĩ Văn Cao: ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ 😬.

Mời các bạn nghe Bến xuân qua trình bày của Hà Thanh, muốn biết giọng Huế xưa như thế nào, có lẽ tốt nhất hãy nghe giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hà Thanh (nhất là bài ca Ai lên xứ hoa đào – Hoàng Nguyên).

ngày độc lập

gày này năm xưa, mùng 2 tháng 9, mẹ tôi còn nhớ lại, ông ngoại cõng mẹ tôi trên vai, lúc đó vừa hơn 3 tuổi, vừa đi tham gia biểu tình mừng ngày độc lập, vừa đi vừa hát: mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng… (Chiến sĩ vô danh – Phạm Duy). Những kỷ niệm về ông ngoại mà mẹ tôi còn nhớ mãi suốt đời, khi ông tôi ôm đàn mandolin hát những lời ca: đây An Phú Đông, ôi An Phú Đông, ngày nào quân đi reo bao hùng dũng… (An Phú Đông – Võ Đức Thu).

Chiến sĩ vô danh – Hùng Cường 

Ông ngoại đã theo Việt Minh đi kháng chiến, nhưng về sau phải bỏ về vì nhà có gốc gác phong kiến và thực dân quá lớn. Lịch sử còn vương lại đâu đó trong từng gia đình. Một thời lý tưởng đẹp đẽ, người người đã cống hiến không tiếc những gì tốt đẹp nhất.

nhớ bạn

Từ trái sang: Nhật Trường, Nhật Bằng, Anh Ngọc, Mai Hương, Thái Thanh, Kim Tước.

hẳng có “đầu giường ánh trăng rọi”, nhưng đêm nay trong tôi lại có một cảm giác âm nhạc khác lạ, không biết diễn tả như thế nào, chỉ biết có thể tạm gọi bằng cái tên: Tĩnh dạ tư – cảm xúc trong đêm thanh tĩnh. Vẫn biết là có một cách để diễn đạt điều đó, nhưng kiến thức âm nhạc hạn hẹp không tự lý giải được. Ai rành lý thuyết hòa âm, các mode trong nhạc… xin nghe bài này và giải thích giùm.

Chỉ là phần nhạc và đệm guitar & violin của ca khúc này, chẳng dính gì đến nội dung ca từ cả. Một cảm giác vừa quen thuộc, vừa xa vời nào đó, chẳng biết nữa, nhưng nghe giống như khơi lại một kỷ niệm lúc thiếu thời. Trong một xóm dân chài, có một anh lính rời xa quê, hay chơi đàn rất khuya, có một anh họa sĩ ngày ngày vẫn cặm cụi trên khung vải (không phải để sáng tác tranh – mà để copy lại những danh tác).

Nhớ bạn - Anh Ngọc 

Đó là những người đã dạy tôi những ca khúc đầu tiên, đã cho tôi biết La Joconde (Mona Lisa) là như thế nào. Đó là những ngày gió lớn, lũ trẻ chúng tôi chạy đuổi theo con diều đứt dây từ đầu xóm đến cuối xóm, vừa chạy vừa la: diều băng, diều băng. Đó là những ngày mưa lạnh căm căm, vui mừng sau khai giảng chưa được bao lâu, sáng sáng đã chui vào trong cái bao nilon to làm áo che mưa, lủi thủi lội nước đến trường. Đó là ngày sinh nhật chỉ có hai đứa bạn lớp 5 ngồi ăn bánh ngọt với nhau, vừa ăn vừa nói chuyện… giải phương trình bậc 2.

⓵⏎ Nhạc sĩ Vũ Thành (bên cạnh là một nhạc sĩ sáng tác) được biết đến như một nhạc sĩ hòa âm phối khí xuất chúng. Hầu hết các tác phẩm của Phạm Duy, Cung Tiến, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước… đều được ông làm đẹp bằng phần hòa âm phối khí của mình. Ở miền Nam trước 75, ông là người có công đầu trong việc xây dựng dàn nhạc đại hòa tấu, và cũng là tác giả của một công trình lớn: soạn hòa âm cho 200 ca khúc Việt Nam hay nhất.

café Chiêu



afé Chiêu là một quán không nhiều người biết, nằm trong một hẻm phố trên đường Cao Thắng, thành lập năm 1969, một trong những quán café xưa của Sài Gòn còn sót lại, tuổi đời cũng sánh ngang ngửa với quán Tùng Đà Lạt. Những bạn nào từng là sinh viên ĐH KHTN hẳn quen thuộc quán café này. Ngày trước thường ngồi đây với Đạt, Minh, Khoa, Phương… có hôm nói chuyện IT & CS say sưa suốt cả ngày, uống hết 16, 17 ấm trà.

Bài hương ca vô tận – Thái Thanh 
Nước mắt mùa thu - Lệ Thu 
Người đi qua đời tôi - Khánh Ly 

Quán có gì gần gần giống như café Tùng (Đà Lạt): không gian đồ gỗ cũ kỹ, một vài bức tranh sơn dầu tối tăm ám khói, một bức ảnh BB (Brigitte Bardot) lớn đã ngã màu và rạn vỡ, một vài bức ảnh Đà Lạt của MPK. Từng ngồi đây khá lâu để xem những đổi thay của cuộc sống đi qua không gian quán: những ông trung niên xài laptop và… uống Heineken, những cô cậu thanh niên, thiếu nữ mặc áo pull đen Machine Head, Slipknot… đi giày Converse… phì phèo thuốc lá và nghe Văn Cao, Trịnh Công Sơn…

Quán mở nhạc xưa, phần nhiều là nhạc hay, nhưng bản thân người mở nhạc cũng không mấy chú ý đến giá trị của âm nhạc. Một lần yêu cầu người mở nhạc cho nghe Thái Thanh, người ta hỏi là ai, rồi loay hoay một lúc lâu mới tìm ra và mở được hai bài. Ngày trước, ở quán này, thi thoảng tìm được những phút “yêu người, yêu đời” hiếm hoi, như khi nghe giọng ca Mai Hương: Hương ơi, sao tiếng hát em nghe vẫn ngọt ngào, dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện tình gãy gánh giữa đường (ca khúc viết riêng cho Mai Hương: Bài hương ca vô tận – Trầm Tử Thiêng).

Hay khi nghe Lệ Thu hát: Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều, hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu (bài ca viết riêng cho Lệ Thu: Nước mắt mùa thu – Phạm Duy).

Hay là nghe Khánh Ly: Người leo lên người tôi (í quên: người đi qua đời tôi) có nhớ gì không người (ca khúc Người đi qua đời tôi – Phạm Đình Chương). 😬

Ngày xưa uống café Chiêu là để… chờ yêu, bẵng đi một thời gian không lui tới café Chiêu nữa… Cuộc sống ít ra cũng nên còn cảm thấy điều gì đó đẹp, nên còn cảm thấy phải tôn trọng một số thứ nào đó, bây giờ lại trở về đây để… chờ yêu.

le géant de papier

Khói thuốc xanh khơi dòng chuyện xưa,
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ.
Thoáng hiện em về trong đáy cốc,
Nói cười như chuyện một đêm mơ.

ại điệp khúc nhạc Pháp và lời Việt tương ứng. Vốn dĩ có một chút định kiến rằng nhạc pop không phong phú và phá cách (như nhạc rock). Còn một bản nhạc dịch thì chỉ là một bản dịch mà thôi, làm sao có được cái ý nghĩa sáng tạo như bản gốc. Đến đây là đụng phải vấn đề rất dể gây tranh cãi: hai mặt của âm nhạc. Với một số người, nghe nhạc là nghe cái gì đó họ cảm thấy hay, hứng khởi, vậy là được. Với một số người, kinh nghiệm cảm nhận gắn liền với những yếu tố mang tính “tiên nghiệm”: chủ đề, ca từ, hòa âm, ngũ cung, thất cung… hay nguồn gốc âm nhạc: nhạc latin, nhạc nhà thờ, “world music”…

Còn đứng trên một cái “scale” nào đó thì những tranh cãi như thế là không tránh khỏi: pentatonic, heptatonic, hay thậm chí là chromatic. Vượt ra ngoài những cái scale này, đặt hẳn cảm nhận lên khung trường độ, cao độ mịn nhất, bỏ qua những quy luật (vốn được xây dựng dựa trên các scale), đặt nhạc cảm đến chỗ improvision mới thật là cảnh giới cao của cảm thụ nhạc.

Le géant de papier - Jean Jacques Lafon 
Lạc mất mùa xuân - Tuấn Ngọc 

Trở lại với bài nhạc, nếu không biết bài nhạc gốc thì thật khó hình dung Lạc mất mùa xuân chỉ là một bản nhạc dịch. Nhưng có hề gì nếu như một lúc nào đó, mình cũng đã thích bản nhạc này? Lời gốc rất “major” (trưởng): đòi hỏi anh phải xây lâu đài trên cát, phải phá đi các dãy đồi, hay nhảy vào miệng núi lửa, tất cả với anh đều là có thể, nhưng trước một người phụ nữ như em, trước tất cả những ân cần dịu dàng trong anh, anh hóa ra chỉ là một người khổng lồ bằng giấy, phần lời Việt thì lại quá ư “minor” (thứ): Đành với duyên kiếp em bước đi trong chiều mưa rơi. Lặng đứng trên bến anh mãi trông thuyền ra khơi… Hồn thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc, đôi mắt u buồn thiên thu.

trường ca Hội Trùng Dương

ó thể nói rằng âm nhạc Việt Nam, cho đến bây giờ, là âm nhạc ca khúc (chanson musique), các sáng tác nặng về thanh nhạc, mà nhẹ về khí nhạc… Chúng ta cũng có dàn nhạc hòa tấu (theo kiểu Tây phương hay kiểu cổ truyền), cũng có nhạc kịch… nhưng xét trong văn hóa số đông, phổ biến nhất vẫn là ca khúc. Đối với đa số các nhạc sĩ Việt Nam, sáng tác ca khúc ít công phu hơn và cũng dể đi vào lòng khán giả hơn. Nói như vậy không sai, nhưng chưa đủ.

Ngay cả trong ca khúc, cũng có nhiều điểm yếu cần phải đề cập tới. Ca khúc Việt Nam thừa hưởng cái thuộc tính ít sáng tạo “truyền thống”: cấu trúc đơn giản, kỹ thuật quen thuộc, tiết tấu ít thay đổi, âm điệu êm tai dễ dãi (gần như không bao giờ đi ra ngoài tonality), kết thúc vội vã, trở về chủ âm chóng vánh. Đi tìm một loại âm nhạc “dài hơi”, có chiều sâu hơn, chỉ thấy nổi bật lên một số bản Trường ca, tuy nhiên về số lượng lại không có nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như sẽ liệt kê dưới đây.

Trường ca Hội Trùng Dương
Thái Thanh và hợp ca Thăng Long

1. Tiếng sông Hồng 
2. Tiếng sông Hương 
3. Tiếng sông Cửu Long 

Trường ca đầu tiên trong Tân nhạc, phải nói đến Hòn vọng phu. Lê Thương là tác giả đầu tiên sáng tác tác phẩm lớn theo âm điệu ngũ cung, ba bản Hòn vọng phu 1, 2, 3 đánh dấu giai đoạn trưởng thành của Tân nhạc, là tác phẩm “dài hơi” đầu tiên, vừa phong phú về âm nhạc, vừa đẹp về ca từ và chủ đề. Ngay cả Văn Cao và Phạm Duy, qua tác phẩm này, cũng phải thừa nhận Lê Thương là người anh, người thầy của mình trên con đường âm nhạc.

Một trường ca khác là Trường ca Dã tràng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn che giấu mọi thứ về Trường ca Dã tràng cũng như quãng thời gian ông sống ở Quy Nhơn. Thế nên nó mãi mãi là một nghi án với người yêu âm nhạc, chỉ có một số phần ca từ nhỏ được nhớ và nhắc lại, phần nhạc đã bị cố tình bỏ quên hoàn toàn. Nhạc sĩ Phạm Duy là người duy nhất đóng góp nhiều hơn 1 trường ca vào nền âm nhạc ca khúc nước nhà: Trường ca Con đường Cái quanTrường ca Mẹ Việt Nam, tôi sẽ còn trở lại với 2 trường ca này trong những post sau.

Có một số ca khúc cũng lớn và hay như Sông Lô (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), nhưng thật khó xếp chúng vào thể loại trường ca vì nhiều lý do: nhạc thuật, ca từ, chủ đề… Không phải cứ là ca khúc dài thì gọi là Trường ca, nếu thế thì Đóa hoa vô thường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có thể xem là Trường ca vậy.

Có một bản trường ca in đậm dấu ấn trong tuổi thơ tôi, đó là Trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ngày ấy, nhà chỉ có cái cassette player hiệu Sony “một hộc băng” cũ kỹ, và những băng nhạc Maxwell gần như đã nhàu nát (có lúc tôi đã phải lấy băng keo nối lại những chỗ băng bị đứt). Đến với tôi là giọng hát Thái Thanh và những tiếng sông Hồng, tiếng sông Hương… những ca từ thật đẹp: gối đầu trên Lào Kay, Việt Trì, em nằm tóc xõa bãi cát dài, thả hồn mơ tới Thái Bình, qua Sơn Tây.

Cũng qua ca khúc này, dù lúc ấy còn rất nhỏ, tôi đã thấy rằng: tuyệt đỉnh của ca hát là trở lại với lời ăn tiếng nói hàng ngày, hát như hơi thở, như giọng nói tự nhiên cha sinh mẹ đẻ. Chưa ra khỏi cửa nhà, tôi đã nghe hết giọng nói đặc trưng các miền đất nước; miền Trung: ai là qua thôn vặng (vắng), nghe sầu như mùa mưa nặng (nắng); miền Nam: chẻ tre bện sáo cho dài (dày), ngăn ngang sông Mỹ có ngài (ngày) gặp em.

Hội Trùng Dương là câu chuyện ẩn dụ tuyệt vời bằng âm nhạc, mở đầu bằng phần intro trong Tiếng sông Hồng: Trùng dương, chốn đây ngàn phương, có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông nhắc câu chờ mong và kết thúc với phần outtro trong Tiếng sông Cửu Long: Ba chị em là ba miền, nhưng tình thương đã nối liền, gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên. Nếu bầu chọn bản nhạc hay nhất nói về tình tự dân tộc, phiếu đầu tiên hẳn phải dành cho Hội Trùng Dương.

Trường ca Hội Trùng Dương 
Ánh Tuyết và ban nhạc ATB

Không có tên trong cái gọi là Danh mục bài hát được phép lưu hành của Bộ Văn hóa – Thông tin (làm sao được phép nếu có phần lời: Hội Trùng Dương, tay tay xiết chặt cùng hô: dựng mùa vinh quang, hứa đời tự do), nhưng Tiếng sông Hương là một ngoại lệ. Tôi để ý thấy, cứ như năm nào có thiên tai: bão Xangsane, lũ lụt ĐBSCL… là lại thấy ca sĩ Ánh Tuyết lên truyền hình quốc gia hát Tiếng sông Hương để vận động xin tiền cứu trợ, ủng hộ đồng bào bị nạn: hò ơi… ai là qua thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng, cùng em xót dân lều tranh chiếu manh… Có lẽ Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ nhìn thấy được cái giá trị “ăn xin” từ bản nhạc.



et si tu n’existais pas

ạo này chẳng biết sao lại thích những bài hát nhịp trung bình, với trống và bass không cần phải lắt léo lắm, nhưng thể hiện thật rõ ràng, chân phương những đoạn báo, chuyển, dằn… Như trong bài này, cái nhịp điệu trầm ổn bên dưới góp phần rất lớn vào việc truyền tải nội dung tha thiết của bài hát, bên cạnh giọng hát thật tốt của Joe Dassin. Thường là nam giới thì có xu hướng thích giọng nữ hơn, nhưng cũng phải thừa nhận một số giọng nam cũng thật hấp dẫn (không biết như thế các khán giả nữ sẽ còn cảm nhận thế nào nữa nhỉ?).

Et si tu n'existais pas - Joe Dassin 
Nếu không có em trong đời - Ngọc Lan 

Cứ y như là mỗi bài nhạc Pháp nổi tiếng đều có phần lời Việt tương ứng (cả với nhạc Hoa chắc cũng thế). Bài này phần lời Việt không sát nghĩa lắm, nhưng đại để cũng diễn đạt được ý của lời gốc.

les gitans

Et toi, vieux gitan, d’où viens-tu?
Je viens d’un pays qui n’existe plus!

ột trong những bài nhạc Pháp tôi yêu thích: Les gitansNhững người digan – nhạc Ý, lời Pháp, trình bày bởi giọng ca vàng Dalida. Một pattern quan trọng trong văn hóa Âu – Mỹ, vẫn thường xuất hiện như một chủ đề quan trọng và cô đọng. Gọi họ là gì cũng được: les gitans, les bohémians; the gipsy hay chung chung hơn: the vagabond, the wanderer, the nomad… (hãy nhìn title của blog này).

Les gitans - Dalida 

– Này hỡi anh bạn digan, anh từ đâu đến? – Tôi đến từ xứ Bohême. – Này cô cái digan xinh đẹp, cô từ đâu đến? – Từ vùng Andalousie. – Còn cụ, hỡi cụ già digan? – Tôi đến từ một xứ sở xa xưa đã không còn tồn tại nữa…

– Này hỡi anh bạn digan, anh sẽ đi đâu? – Tôi về lại xứ Bohême. – Còn cô, cô gái digan xinh đẹp, cô sẽ đi đâu? – Về lại vùng Andalousie. – Này ông bạn già digan, ông sẽ đi về đâu? – Tôi, tôi già quá rồi, tôi ở lại đây thôi.

Rồi trước khi lên đường, bắt đầu một chuyến viễn du mới, vẫn còn lưu lại những khoảnh khắc của giấc mơ du mục, trên con đường biến ảo đi về phía hư vô. Rồi trong đêm tối, vang lên những giai điệu lạ kỳ. Rồi trong đêm tối, thoảng tiếng bập bùng chiếc đàn guitar. Đó là bài hát về những kẻ lang thang qua thời gian, qua không gian, không biên giới…

tình khúc cho em

hư đã rao trong bài trước, hôm nay xin được tiếp tục post nhạc của Lê Uyên Phương. Như mỗi bài hát, mỗi câu ca đều có thể liên hệ tới một phần đời nào đó đã qua của mình. Một lần, đã lâu lắm rồi, một mình đứng trên chuyến đò ngang về làng, ngày giáp Tết rét mướt, mưa phùn rải rác bay, trên bầu trời vẫn trong và xanh, đỉnh Bạch Mã sừng sững in bóng rõ nét. Cảnh núi non sông nước diễm lệ, một dãi đầm Lập An, suốt từ Lăng Cô, Bạch Mã đến Chân Mây, mùa này trong năm, thật là chốn mê hoặc lòng người.

Tình khúc cho em - Lê Uyên Phương 

Trong đám sương mờ mờ giăng ngang mặt sông, văng vẳng đâu đây câu hát: …Vì đâu mê say phồn hoa, như áo gấm sáng lóng lánh, ôm rách nát không tâm linh, ôm tiếng hát không hơi rung nghèo nàn, còn yêu chi hoa ngày xanh… Lòng thầm nghĩ: trong chốn vạn đò này cũng có người biết nhạc hay, nghĩ rồi lại tự cười mình: nhạc hay thì tự khắc có người nghe và hát, hà cớ gì phân biệt nguồn gốc, thân phận. Rồi lại giật mình, lời hát ôm tiếng hát không hơi rung nghẹn ngào bắt đầu nhắc nhở từ đó.

Đến nay trải đã nhiều năm, trên con đường tình ta đi cũng đã đến lúc như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân… Ngoảnh đầu lại, lời hát trên bến sông năm nào vẫn còn như nhắc nhở. Đi tìm lại công thức và những gia vị cần thiết cho một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc, xin đi lại từ đầu bằng xin cho thương em thật lòng, còn có khi lòng thôi giá băng…