đoàn lữ nhạc


Poster Đoàn lữ nhạc, NXB Cửu Long

A ha, a ha! Hãy nhớ vết xưa tàn phá! Đâu, đâu? Ai biết lũ chim về đâu? A ha, a ha! Hãy cất tiếng lên cười phá! Dzô, dzô! Kìa những bóng chim hải hồ!

ó một từ, tiếng Anh là the troubadours, tiếng Pháp gọi là les troubadours, tiếng Việt thường gọi là người hát rong, du ca, lữ nhạc… Chỉ riêng một từ này mà hai đại nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn (và cả một số người khác) phải “đánh nhau” để dành lấy, từ trước 75 và kể cả về sau này. Một “danh hiệu” mà nhạc sĩ nào cũng ao ước đạt được, ai cũng nhận mình là kẻ du ca của dân tộc Việt, đi qua những nẻo đường đời lưu đày và kể lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy.

Như ngày xưa Homère kể lại lịch sử thành Troie bằng hai trường ca Odyssée và Iliade. Mọi câu chuyện đều thường bắt đầu đại loại như thế này: để tôi kể bạn nghe câu chuyện, một lần một ngày kia, tôi đã đi qua và đã thấy…. Hình thức kể chuyện hát rong, từ xa xưa đã là một lối văn nghệ và lịch sử truyền khẩu, đến tận bây giờ vẫn là một đề tài đầy cảm hứng.

Đoàn lữ nhạc - Ánh Tuyết 

Có một nhạc phẩm ít người biết của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, mang tên Đoàn lữ nhạc. Trong những năm 1945 ~ 1975 ở miền Bắc, khi nhiệm vụ chiến tranh là trên hết, việc ra đời của Đoàn lữ nhạc quả là một điều kỳ lạ. Nói như một bài hát khác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi, trong một giai đoạn như thế lại có lời ca: Ra đi khắp nơi xa vời, gió bốn phương kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi… Đâu, đâu? ai biết lũ chim về đâu. Sau này, những nhạc phẩm thế này đều được chọn lọc và biểu diễn trở lại. Tôi đã nghe biểu diễn bài này hai lần, một lần ở phòng trà ATB (Sài Gòn), một lần ở phòng trà Hợp Phố (Đà Nẵng), cả hai lần đều là những ấn tượng khó quên.