trường ca Hội Trùng Dương

ó thể nói rằng âm nhạc Việt Nam, cho đến bây giờ, là âm nhạc ca khúc (chanson musique), các sáng tác nặng về thanh nhạc, mà nhẹ về khí nhạc… Chúng ta cũng có dàn nhạc hòa tấu (theo kiểu Tây phương hay kiểu cổ truyền), cũng có nhạc kịch… nhưng xét trong văn hóa số đông, phổ biến nhất vẫn là ca khúc. Đối với đa số các nhạc sĩ Việt Nam, sáng tác ca khúc ít công phu hơn và cũng dể đi vào lòng khán giả hơn. Nói như vậy không sai, nhưng chưa đủ.

Ngay cả trong ca khúc, cũng có nhiều điểm yếu cần phải đề cập tới. Ca khúc Việt Nam thừa hưởng cái thuộc tính ít sáng tạo “truyền thống”: cấu trúc đơn giản, kỹ thuật quen thuộc, tiết tấu ít thay đổi, âm điệu êm tai dễ dãi (gần như không bao giờ đi ra ngoài tonality), kết thúc vội vã, trở về chủ âm chóng vánh. Đi tìm một loại âm nhạc “dài hơi”, có chiều sâu hơn, chỉ thấy nổi bật lên một số bản Trường ca, tuy nhiên về số lượng lại không có nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như sẽ liệt kê dưới đây.

Trường ca Hội Trùng Dương
Thái Thanh và hợp ca Thăng Long

1. Tiếng sông Hồng 
2. Tiếng sông Hương 
3. Tiếng sông Cửu Long 

Trường ca đầu tiên trong Tân nhạc, phải nói đến Hòn vọng phu. Lê Thương là tác giả đầu tiên sáng tác tác phẩm lớn theo âm điệu ngũ cung, ba bản Hòn vọng phu 1, 2, 3 đánh dấu giai đoạn trưởng thành của Tân nhạc, là tác phẩm “dài hơi” đầu tiên, vừa phong phú về âm nhạc, vừa đẹp về ca từ và chủ đề. Ngay cả Văn Cao và Phạm Duy, qua tác phẩm này, cũng phải thừa nhận Lê Thương là người anh, người thầy của mình trên con đường âm nhạc.

Một trường ca khác là Trường ca Dã tràng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn che giấu mọi thứ về Trường ca Dã tràng cũng như quãng thời gian ông sống ở Quy Nhơn. Thế nên nó mãi mãi là một nghi án với người yêu âm nhạc, chỉ có một số phần ca từ nhỏ được nhớ và nhắc lại, phần nhạc đã bị cố tình bỏ quên hoàn toàn. Nhạc sĩ Phạm Duy là người duy nhất đóng góp nhiều hơn 1 trường ca vào nền âm nhạc ca khúc nước nhà: Trường ca Con đường Cái quanTrường ca Mẹ Việt Nam, tôi sẽ còn trở lại với 2 trường ca này trong những post sau.

Có một số ca khúc cũng lớn và hay như Sông Lô (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), nhưng thật khó xếp chúng vào thể loại trường ca vì nhiều lý do: nhạc thuật, ca từ, chủ đề… Không phải cứ là ca khúc dài thì gọi là Trường ca, nếu thế thì Đóa hoa vô thường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có thể xem là Trường ca vậy.

Có một bản trường ca in đậm dấu ấn trong tuổi thơ tôi, đó là Trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ngày ấy, nhà chỉ có cái cassette player hiệu Sony “một hộc băng” cũ kỹ, và những băng nhạc Maxwell gần như đã nhàu nát (có lúc tôi đã phải lấy băng keo nối lại những chỗ băng bị đứt). Đến với tôi là giọng hát Thái Thanh và những tiếng sông Hồng, tiếng sông Hương… những ca từ thật đẹp: gối đầu trên Lào Kay, Việt Trì, em nằm tóc xõa bãi cát dài, thả hồn mơ tới Thái Bình, qua Sơn Tây.

Cũng qua ca khúc này, dù lúc ấy còn rất nhỏ, tôi đã thấy rằng: tuyệt đỉnh của ca hát là trở lại với lời ăn tiếng nói hàng ngày, hát như hơi thở, như giọng nói tự nhiên cha sinh mẹ đẻ. Chưa ra khỏi cửa nhà, tôi đã nghe hết giọng nói đặc trưng các miền đất nước; miền Trung: ai là qua thôn vặng (vắng), nghe sầu như mùa mưa nặng (nắng); miền Nam: chẻ tre bện sáo cho dài (dày), ngăn ngang sông Mỹ có ngài (ngày) gặp em.

Hội Trùng Dương là câu chuyện ẩn dụ tuyệt vời bằng âm nhạc, mở đầu bằng phần intro trong Tiếng sông Hồng: Trùng dương, chốn đây ngàn phương, có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông nhắc câu chờ mong và kết thúc với phần outtro trong Tiếng sông Cửu Long: Ba chị em là ba miền, nhưng tình thương đã nối liền, gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên. Nếu bầu chọn bản nhạc hay nhất nói về tình tự dân tộc, phiếu đầu tiên hẳn phải dành cho Hội Trùng Dương.

Trường ca Hội Trùng Dương 
Ánh Tuyết và ban nhạc ATB

Không có tên trong cái gọi là Danh mục bài hát được phép lưu hành của Bộ Văn hóa – Thông tin (làm sao được phép nếu có phần lời: Hội Trùng Dương, tay tay xiết chặt cùng hô: dựng mùa vinh quang, hứa đời tự do), nhưng Tiếng sông Hương là một ngoại lệ. Tôi để ý thấy, cứ như năm nào có thiên tai: bão Xangsane, lũ lụt ĐBSCL… là lại thấy ca sĩ Ánh Tuyết lên truyền hình quốc gia hát Tiếng sông Hương để vận động xin tiền cứu trợ, ủng hộ đồng bào bị nạn: hò ơi… ai là qua thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng, cùng em xót dân lều tranh chiếu manh… Có lẽ Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ nhìn thấy được cái giá trị “ăn xin” từ bản nhạc.