russian navy day

Như thường lệ hàng năm, ngày 26/7 vừa qua là ngày truyền thống, dịp để Hải quân Nga phô diễn cơ bắp. Phút thứ 30, chiếc thuyền buồm gỗ nhỏ của Peter – the – Great lại dẫn đầu đoàn diễu hành. Đọc thêm về chiếc thuyền này trong một post tôi đã viết năm trước.

Mãi cho đến khi kết thúc buổi lễ, khi dàn quân nhạc chuyển sang chơi một điệu valse khoan thai nhẹ nhàng, người ta mới cảm thấy bớt căng thẳng, ngột ngạt, vâng, đó lại là những điệp khúc lặp đi lặp lại: cha ông của chúng ta như thế này, tổ tiên của chúng ta như thế kia… 😃

hull design

Lại nói về hull-design, hình đầu tiên phía dưới, bên trái là tàu Kiểm ngư, đáy chữ V sâu, bên phải là tàu Cảnh sát biển, đáy tương đối bằng, 2 chiếc tương đương về lượng giãn nước (khoảng 400 tấn). Do công năng mà hình thành nên thiết kế, những chiếc KN chịu sóng gió tốt, tải trọng hữu ích tốt, khả năng đi biển dài ngày đến 2 tháng, nhưng tốc độ chậm. Những chiếc CSB đáy hơi bằng, tốc độ cao, chuyên truy bắt, rượt đuổi, nhưng tải trọng hữu ích thấp, chịu sóng gió kém hơn, endurance tối đa cỡ 2, 3 tuần…

radial engine

Lần đầu tiên thấy cái “ghe chài rách” xài “radial engine” 😮 😮 không biết kiếm đâu ra, zoom to hình sẽ thấy cái động cơ ở giữa. Đây là loại động cơ nhiều piston xoay quanh một trục, như hình ngôi sao, thường sử dụng trên các máy bay cánh quạt thời xưa, vì cấu hình gọn, nhẹ mà lại cho công suất cao…

kiểm ngư

Suốt nhiều năm qua, Hải Minh (nhà máy đóng tàu X51) cứ sồn sồn đẻ ra hết chiếc Kiểm Ngư (KN – xxx) này đến chiếc khác, lúc nào chèo qua mũi Bình Khánh cũng thấy có 1, 2 chiếc đang đóng, lớp KN – 750 (750 tấn) đã có hơn 50 chiếc và lớp TK – 1482C (400 tấn) đã có hơn 70 chiếc được biên chế, chính thức được gọi là lực lượng “dân quân biển”!

quarantine

Chẳng riêng gì VN, hầu như toàn thế giới “treo cờ LIMA”, hiệu cờ hằng hải báo “cách ly”. Từ nguyên, “quarantine”, đơn giản nghĩa là “40 ngày”, một quãng thời gian sống chậm, kỹ càng hơn, phải chăng cũng hữu ích?

ghe Sấm

Đạp xe 2 ngày (100km x 2) chỉ để ghé thăm con tàu này: ghe Sấm, Nhà Lớn, Long Sơn, Vũng Tàu. Một chút lịch sử di dân, một chút phong tục tập quán tốt đẹp cũ còn sót lại. Chiếc ghe Sấm này dài khoảng 20m, rộng khoảng 4.5m, có một cột buồm 15m với nhiều mái chèo…

Tiện ghé qua bảo tàng vũ khí Robert Taylor. Hình đầu tiên bên dưới, một biểu tượng của 2 cuộc kháng chiến. Tên “khoa học”: Bren light machine gun, tên “dân gian”: khẩu FM đầu bạc. FM là viết tắt từ tiếng Pháp: fusil mitrailleur – súng máy, còn cái biệt danh “đầu bạc” thì xem hình sẽ rõ… 😀

con quay hồi chuyển

Báo chí VN tràn ngập những kiểu thông tin như thế: con quay hồi chuyển giúp loại bỏ 90% tròng trành của thuyền. Những tay “nhà báo” chuyên la liếm các trang tin nước ngoài rồi copy lại mà không có tẹo suy nghĩ! Trước hết, đúng là thiết bị này có một số ứng dụng thực tế chứ không phải là không. Những “gyroscopic device” thế này đã được phát minh ít nhất cách đây hơn… 100 năm, nhưng tại sao đến bây giờ vẫn không phổ biến!?

Thứ nhất là khối lượng của con quay hồi chuyển phải khá lớn mới có thể cân thuyền, điều này làm giảm trọng tải hữu ích, chưa kể năng lượng hao phí để giữ cái “gyroscopic device” đó quay liên tục ở tốc độ rất cao hàng ngàn vòng / phút. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều: giúp cho thuyền có ổn định ở vị trí bình thường cũng có nghĩa là giúp thuyền có “ổn định” ở mọi vị trí, hiểu theo nghĩa: khó nghiêng, nhưng khi nghiêng cũng rất lâu quay lại vị trí cân bằng.

Khi sóng gió nhỏ, thuyền có vẻ như bớt lắc, nhưng trong sóng to gió lớn, thuyền rất lâu quay về vị trí cân bằng, điều này tạo nên cảm giác “say sóng” cực kỳ khó chịu, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Những thí nghiệm cách đây gần 100 năm cho thấy: đúng là thuyền bớt lắc trong sóng gió nhỏ, nhưng nó cũng có xu hướng cứ giữ mãi tư thế nghiêng trong sóng to gió lớn, chính là vì con quay hồi chuyển giúp ổn định vật thể ở *trạng thái hiện tại*!

USS Henderson là con tàu đầu tiên được trang bị thiết bị ổn định con quay hồi chuyển (1917). Nhưng chính nhà sản xuất thiết bị cũng khuyến cáo chỉ dùng trong điều kiện sóng nhỏ, nếu sóng lớn thì nên “tắt” thiết bị này đi (!!??) 😅. Trãi qua hơn 100 năm phát triển, người ta thấy rằng, trên tàu biển, con quay hồi chuyển vừa nặng nề, vừa phức tạp, lại không hữu ích bằng “stabalizing fins”, các “vây, cánh” ổn định.

Có lúc, ai cũng nói, ai cũng nhắc: “con quay hồi chuyển”, xem nó như “thiết bị vạn năng”, “công nghệ toàn năng” giải quyết được mọi vấn đề. Tôi thì đơn giản nghĩ là sự lặp lại như con vẹt những khái niệm hình thức mà không thực sự hiểu nội dung, nội hàm của nó, điều đó chỉ phản ánh sự “thiểu năng trí tuệ” của người nói, nói mà không hiểu mình nói cái gì, đơn giản chỉ vì mọi người ai cũng đang “nói” về cái đó! Tập tính bầy đàn cố hữu của người Việt!

nguyên tiêu

德成禪師 – 載月明歸

千尺絲綸直下垂
一波才動萬波隨
夜靜水寒魚不食
滿船空載月明歸

Thơ thế này thì Nguyễn Khuyến cứ phải gọi bằng sư phụ, cả thơ của ai đó… “giữa dòng bàn bạc việc quân, khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” cũng không bằng được ! 😀

Thiên xích ty luân trực hạ thuỳ,
Nhất ba tài động vạn ba tuỳ.
Dạ tĩnh thuỷ hàn ngư bất thực,
Mãn thuyền không tải nguyệt minh quy.
Trăm thước dây câu, nước trong veo,
Một làn sóng động, vạn sóng theo.
Đêm thanh nước lạnh khôn được cá,
Thuyền chở trăng về nhẹ tay chèo.

kon tiki

Biên giới ư, tôi chưa thấy nó bao giờ,
chỉ nghe nói rằng nó có tồn tại trong
tâm trí của một số người…

Phía bên kia quảng trường, một tấm bảng chữ Hoa đề: 民天藥房 – Dân Thiên dược phòng, à thì ra là một tiệm thuốc bắc, cả dãy phố này, có đến 3, 4 tiệm như thế. Rồi chợt nhớ lại cái không gian này, một vài tiệm đề: “hiệu buôn X”, “hiệu buôn Y” (không dùng chữ “cửa hàng” hay “shop” như bây giờ). Một vài tiệm may, hiệu thuốc tây, một tiệm đóng giày, một tiệm sửa đồng hồ với những chiếc đồng hồ quả lắc vàng choé tinh xảo, phức tạp, lồng trong những chuông thuỷ tinh lóng lánh, sang trọng, thật là những “kỳ quan cơ giới” cuốn hút sự tò mò của một cậu bé đang lớn…

Tôi đang hồi tưởng lại một thành phố Đà Nẵng nhỏ xíu của gần 30 năm về trước, dans la chaleur immobile, la ville blanche – thành phố trắng toát trong cái nóng bất động. Học sinh ríu rít tan trường ra về, bên hông nhà hát lớn, bức phù điêu làm từ những mảnh gốm ghép rườm rà, xấu xí, có một sân banh mini, các chàng trai trẻ cởi áo trắng mãi miết đá bóng. Cách chỉ vài chục mét có một thư viện cộng đồng nhỏ, đến tận bây giờ vẫn chưa biết là do ai lập ra. Có một thằng ôn con đang chăm chỉ đọc sách, thư viện bé xíu chỉ có độ 1, 2 trăm đầu sách, trong đó có cuốn dưới đây.

thuyền buồm ba vát

Những ngày lang thang ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh… thăm bãi cọc sông Bạch Đằng mà khi xưa Hưng Đạo Vương đã đánh bại quân Nguyên Mông. Lại có dịp thăm chiếc thuyền buồm “ba vát” dài khoảng 11 mét do nghệ nhân Lê Đức Chắn đóng sắp hoàn thiện. “Ba vát” là mẫu thuyền cổ truyền đặc trưng của vịnh Bắc bộ, sử dụng hai buồm cánh dơi.

Một “trãi nghiệm” rất lý thú khi trực tiếp tham quan chiếc thuyền buồm gỗ đang đóng còn nằm trên đà. Bác nghệ nhân Lê Đức Chắn ngoài 70 tuổi là một trong số những người cuối cùng còn lưu giữ được các kiến thức và kỹ năng đóng thuyền cổ truyền. Ít nhất, ta được biết rằng những kiến thức, kinh nghiệm này đã được bảo tồn được dưới dạng hiện vật và bản vẽ.