rms tayleur

Lịch sử Hải quân Hoàng gia đầy những kỳ tích phi thường, nhưng cũng không thiếu những tai nạn thương tâm, những lỗi lầm “ngớ ngẩn”. RMS Tayleur là con tàu chở thư tín, thời kỳ đầu, RMS (Royal Mail Ship) cũng chính là HMS vì dịch vụ thư tín do Hải quân đảm nhiệm, về sau, công việc được out-sourced cho tư nhân. Tàu nào được gán cái prefix RMS đều rất tự hào, vì phải là những chiếc thuyền tốt nhất, chạy nhanh nhất mới được chọn! RMS Tayleur là con tàu đặc biệt, thuộc thế hệ tàu buồm vỏ sắt đầu tiên.

Chất liệu mới khiến cho có thể đóng những con tàu có tỷ lệ dài/rộng lớn và do đó dễ đạt tốc độ cao! Nhưng ngay trong chuyến đi đầu tiên của nó, cũng như Titanic, tàu đâm vào đất liền trong thời tiết xấu, hơn 400 người thiệt mạng! Kết quả điều tra chỉ ra một số nguyên nhân: những chiếc la bàn thế hệ cũ bị cái vỏ sắt tàu làm cho lệch hướng, lệch những 90 độ, thuỷ thủ đoàn của Tayleur gồm nhiều người mới, thiếu kinh nghiệm, bánh lái thuyền quá nhỏ, khi phát hiện ra sắp đâm vào đất liền đã không vòng tránh kịp!

hms alarm

HMS Alarm, hay là chuyện con sâu đục gỗ (shipworm, loại sinh vật nhuyễn thể họ nghêu sò) làm thay đổi thế giới! Những năm 177x, Hải quân Hoàng gia lâm vào thế khó: 13 xứ thuộc địa Mỹ nổi lên dành độc lập, chiến tranh với Pháp nhằm dành quyền khai thác đường ở vùng Caribe, vào các năm 1779, 1780, Tây Ban Nha và Hà Lan lần lượt tuyên chiến với Anh quốc. Hạm đội khoảng một ngàn tàu chiến các cỡ và một vạn tàu buôn phải căng ra trên toàn thế giới! Mà sâu đục gỗ và các con hà là kẻ thù của tàu gỗ, nhất là ở những vùng biển nhiệt đới! Hàng năm, phải cạo sạch tàu và sơn sửa lại! Tình hình gấp rút, để các con tàu có thể đi biển dài hơn, trực chiến lâu hơn, Bộ Hải quân quyết định bọc đồng cho tất cả tàu chiến! Đồng bảo vệ gỗ, khiến các con sâu không ăn được, và các con hà cũng không bám được vào lớp oxit đồng có tính độc, bọc đồng không những làm tàu bền hơn, nó còn khiến các con tàu chạy nhanh hơn, mặc dù vậy, đồng khá đắt tiền!

Mỗi con tàu cần trung bình 15 tấn đồng để bọc phần đáy, có hàng ngàn tàu như thế, số đồng lớn như thế ở đâu ra? Những mỏ đồng, thiếc ở Cornwall, Devon không thiếu đồng, có điều chúng nằm ở độ sâu dưới mực nước biển, cần có các máy bơm để bơm nước lên thì mới khai thác quặng được! Lúc đó đã có các máy bơm chạy bằng hơi nước dạng sơ khai, hiệu suất rất thấp! Để giải quyết chuyện bơm này, James Watt là người đã liên tục cải tiến động cơ, tăng hiệu suất lên nhiều lần (1776 ~ 1781). Thực tế, động cơ của James Watt quá “xịn”, chúng nhanh chóng tìm được ứng dụng trong vô số ngành nghề khác, không riêng gì khai khoáng! Vấn đề giải quyết con sâu đục gỗ đã khởi đầu kỷ nguyên công nghiệp hoá như thế đó! HMS Alarm là con tàu đầu tiên có đáy bọc đồng, đến 1781 thì toàn bộ thuyền chiến của Anh đều bọc đồng, sau đó là các loại tàu khác. Từ “copper-bottomed” đi vào ngôn ngữ Anh thành từ ám chỉ một cái gì đó: chất lượng cao, bảo đảm!

hms erebus

James Cook đã tiến sát tới, nhưng chưa thể chạm được vào châu Nam cực, ông quan sát thấy xuất hiện những núi băng trôi lớn chứng tỏ phải có những vùng đất (vật cản) phía trước, vì nếu không sẽ chỉ có những tấm băng mỏng nổi trên mặt biển! Lập luận này được khẳng định bởi những một số nhà thám hiểm và những người đi săn cá voi, những người đầu tiên đặt chân lên lục địa Nam cực. Nhưng cuộc thám hiểm chính thức tiếp theo tới lục địa này chỉ bắt đầu những hơn 50 năm sau, trên hai con tàu Erebus và Terror chỉ huy bởi James Clark Ross.

Nếu như Cook đến được 71 độ Nam, thì Ross đã đi quá 77 độ, tìm ra và đặt tên cho những vùng đất mới. Cứ như thế, mỗi cuộc thám hiểm tiếp theo lại đi thêm được vài độ, cho đến khi Roald Amundsen người Na Uy thực sự đặt chân đến Nam cực (90 độ). Cần rất nhiều cố gắng, nhiều tiến bộ khoa học cũng như cả mạng sống để đạt được từng bước, từng bước như thế! Chuyến đi của Ross để lại nhiều công trình, nổi tiếng nhất là “Flora Antarctica”, mô tả hơn 3000 loài, với hơn 500 bản vẽ màu nước siêu đẹp về các loài thực vật tìm thấy ở châu lục này!

hms providence

Trong ảnh là HMS Providence, đây là con tàu hư cấu nhiều người đã biết trong bộ phim “Cướp biển vùng Caribe”, Hector Barbossa làm thuyền trưởng, nó mang cái prefix HMS vì là privateer chứ không phải pirate. Nhân đây nói rõ sự khác biệt giữa pirate và privateer, cướp không giấy phép và cướp… có giấy phép! Pirate thì là cướp biển không giấy phép, không đại diện cho ai ngoài quyền lợi của băng cướp! Còn privateer là cướp có giấy phép của chính quyền, của Nhà vua hay Nữ hoàng, giấy phép này biến một thuyền “tư nhân” trở thành cánh tay nối dài của hải quân, thường dùng trong những cuộc chiến lớn mà hải quân không bao quát hết được, phải kêu gọi tư nhân vào cuộc! Đương nhiên từ góc độ của người bị cướp, thì cướp có giấy phép hay không có giấy phép hầu như chẳng mấy khác nhau! 😅 Privateer hoạt động theo giấy phép, và theo một số luật lệ nhất định.

Thứ nhất là chỉ cướp những quốc gia thù địch, không được cướp các nước đồng minh hay trung lập. Ví dụ như Anh đang có chiến tranh với Tây Ban Nha, thì chỉ được cướp thuyền của TBN mà thôi! Lý thuyết là như thế, nhưng một khi đã ở ngoài biển, cướp của ai, có ai biết đâu, và đôi khi chính quyền biết nhưng nhắm mắt làm ngơ! Thứ hai là phải hoạt động theo luật chiến tranh, tù binh bắt được sẽ được đối xử như POW, điều này đúng theo cả 2 hướng, nếu chẳng may privateer thất bại và bị bắt làm tù binh, thì họ cũng sẽ được đối xử như POW, sẽ được chính quyền can thiệp để đưa về nước bằng con đường ngoại giao, trao đổi tù binh! Và thứ 3 là chia đều của cái cướp được, một nửa cho chính quyền, một nửa chia nhau! Nhiều người thích làm privateer vì nó mang lại nhiều lợi nhuận hơn hải quân! Còn chính quyền thì bán sự “bảo kê”, bán cái giấy phép với giá một nửa của cải cướp được! 😅

hms golden hind

Gọi Golden Hind là HMS không được đúng lắm, vì tại thời điểm đó, cái danh pháp HMS (Her Majesty’s Ship) chưa tồn tại, nhưng thực tế về sở hữu thì cũng như thế! Golden Hind là một galleon, mẫu chiến thuyền có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Nước Anh bước vào kỷ nguyên tàu buồm toàn cầu hơi trễ so với một vài quốc gia khác, chậm nhưng mà chắc, tại thời điểm này, Anh vẫn chưa có những thiết kế thuyền riêng. Đây là con thuyền 300 tấn mà Francis Drake, và cũng là người Anh đầu tiên, đã dùng để đi vòng quanh thế giới, 1578~1580!

Vận may lớn nhất của Drake là ở gần Peru, Drake cướp được một chiếc thuyền Tây Ban Nha, trên đó chở 28 tấn bạc và vô số vàng, kim cương, đá quý! Số tài sản này đem về Anh, Nữ hoàng được chia một nửa, một nửa còn lại chia cho Drake và những người đã hùn vốn vào chuyến đi, tỷ lệ sinh lời đạt 47 lần (ai đã đầu tư 1 đồng vào con thuyền nhận được 47 đồng lãi). Riêng phần chia của Nữ hoàng còn lớn hơn toàn bộ ngân sách của nước Anh năm đó! Từ đây mở ra một thời đại mà cướp biển, dù là pirate hay privateer, là ngành kinh doanh siêu siêu lợi nhuận!

hms surprise

Surprise là con tàu nhỏ 650 tấn, thuỷ thủ đoàn tối đa chỉ 200 người, chưa đủ lớn để là ship-of-the-line, chiến hạm! Sự kiện thuỷ thủ trên HMS Hermione nổi loạn và đầu hàng con tàu về tay người Tây Ban Nha, phía TBN cho hơn 400 lính gác tàu, Surprise yếu hơn nên chỉ có thể đánh du kích, nhân đêm tối, bí mật đổ bộ chiếm lại tàu! Người TBN đầu hàng sau một trận chiến đẫm máu với 120 người chết, phía Anh chỉ có vài người bị thương!

Chỉ riêng với chiến công này, thuyền trưởng Surprise, Edward Hamilton, được phong Nam tước! Lịch sử Hải quân Hoàng gia đầy những chuyện không thể tin được như thế, đến mức tưởng như hoang đường, đọc mà mắt chữ A, miệng chữ O luôn! Surprise là nguyên mẫu, là cảm hứng cho chiếc thuyền cùng tên chỉ huy bởi Jack Aubrey trong bộ phim rất nổi tiếng và hoành tráng: Master and Commander mà tôi đã có đề cập đến trước đây!

hms hindostan

Hindostan nguyên gốc là thuyền của công ty Đông Ấn (East Indiaman) được Hải quân hoàng gia mua lại và đưa vào biên chế! Trong lịch sử nhân loại, kể cả thời đương đại, chưa có một đế chế kinh doanh nào kinh hoàng như công ty này, tại thời điểm phát triển mạnh nhất của nó, Đông Ấn sở hữu quân đội tư nhân 260,000 lính, nhiều gấp đôi quân đội chính thức của nước Anh. Công ty này nhúng tay vào đủ thứ loại hình buôn bán: ma tuý, súng, đạn, nô lệ… nhất là ở thời gian đầu xâm chiếm thuộc địa, chính quyền Anh để cho Đông Ấn đóng vai trò người cai quản nhiều vùng thuộc địa rộng lớn, tự muốn làm gì thì làm!

Nên không phải là không có cơ sở, khi mà ngày nay, có quá nhiều thuyết âm mưu cho rằng các tập đoàn, những đế chế kinh doanh đã kiểm soát, can thiệp mọi mặt của cuộc sống! Thực sự là điều đó là có, nhưng tới mức độ nào vẫn là dấu hỏi! Nên đọc nhiều lịch sử hàng hải, lịch sử khoa học tự nhiên của nước Anh để thấy rằng, vẫn còn có các tổ chức chuyên môn, học thuật, họ không có đọc mạng xã hội đâu, mà dựa vào kiến thức của bản thân và tham chiếu qua những mối quan hệ cá nhân, một hệ thống vận hành dựa trên “danh dự”, “đạo đức cá nhân” là chính! Vẫn còn đó lực lượng “lương tri” để cứu rỗi nhân loại!

hms victory

Đây dĩ nhiên là chiến hạm nổi tiếng nhất nước Anh, 3500 tấn, 104 súng, first-rate ship-of-the-line, soái hạm của Đô đốc Nelson tại trận Trafalgar, con tàu đã treo hiệu kỳ nổi tiếng trong lịch sử: Nước Anh trông đợi các công dân làm tròn nghĩa vụ của mình!

England expects that every man will do his duty! Ngày nay, sau hơn 200 năm, đã trở thành con tàu bảo tàng tại Portsmouth, nhưng HMS Victory vẫn được xem là con tàu “trong biên chế”, có đội ngũ thuyền trưởng, sỹ quan và binh lính được bổ nhiệm!

hms temeraire

Đô đốc Nelson tại trận Trafalgar đối đầu với hạm đội liên minh Pháp – Tây Ban Nha, thật đúng là: “Hai thằng đánh một, chẳng chột cũng què”, vì quả thực là Nelson vừa chột một mắt và vừa què một tay, nhưng lần này là “chột và què” thắng! Đứng thứ 2 trong đội hình Trafalgar là HMS Temeraire, do Eliab Harvey là thuyền trưởng.

Bị kẹp cùng lúc giữa 2 tàu chiến Pháp: Redoutable & Fougueux, HMS Temeraire rơi vào thế phải một đấu hai và đã thắng cả hai, về sau trên tấm gia huy, tước hiệu hiệp sĩ của thuyền trưởng Eliab Harvey có ghi dòng motto: “Redoutable et Fougueux” (đáng sợ và hăng hái), chính là ghép lại từ tên hai chiếc tàu chiến Pháp này! 😀

hms resolution

Sau khi phát hiện và vẽ bản đồ vùng bờ Đông châu Úc, James Cook trở về Anh, nhưng biết chắc rằng Australia chưa phải là Terra – Australis. Một cuộc thám hiểm thứ hai được tổ chức, mục tiêu vẫn là đi tìm Terra – Australis. Cook dùng đảo Tahiti làm căn cứ xuất phát đi về phương Nam, ba lần cả thảy, lần gần nhất đi quá 71 độ Nam, đến sát châu Nam cực, cách chỉ hơn 150km, nhưng buộc phải quay lui do băng giá và thời tiết. Phải hơn 50 năm sau nữa, châu Nam cực mới chính thức được tìm ra!

Trên con tàu Resolution đáng chú ý có mang theo cái đồng hồ K1 của Larcum Kendall, là một trong những chiếc đồng hồ cơ khí chính xác đầu tiên cho phép đo kinh – vĩ độ rất chính xác! James Cook còn trở lại Thái Bình Dương thêm một lần nữa, trên con tàu HMS Discovery! Về sau, James Cook được xem như công dân danh dự đầu tiên (không phải là người bản địa) của nước Úc, ngôi nhà ông ấy từng sống lúc nhỏ ở Anh được mua lại, tháo rời từng viên gạch, đem qua Úc và dựng lại thành bảo tàng!