giãn cách, 3

Gần 3 tuần giãn cách đã gột sạch lớp da kayaker, chỉ còn lại lớp da coder, người thì trắng như Delilah, mà tóc tai thì hơn cả Samson, tiếc là đi ra đi vào đá cái cột nhà, chứ không có sức mạnh xô ngã 2 cái cột đền của anh ấy!

Gần 3 tuần giãn cách, em thề chỉ giặt đúng 3 cái quần đùi, cân nặng tăng 3kg, nhưng người cứ trắng nhẽ ra 😢 Không mấy liên quan nhưng minh hoạ “dân chài” bên dưới có gì đó sai sai, buồm thì lug-rig nhưng có batten như junk-rig!

Bernoulli’s principle – 2

Trên không gian mạng, thấy có nhiều vị Tiến sư, Giáo sĩ, bằng cấp học hành ghê gớm, mà không thể hiểu được những công thức, nội dung toán/lý đơn giản! Em đang nói về nguyên lý Bernoulli, nguyên lý chi phối cánh buồm, cánh máy bay! Nói tới nói lui, 2, 3 năm thời gian suy nghĩ thì rút cuộc vẫn chưa thông, mà em e là trí năng như thế, chưa thể thông sớm được!

Con “tàu lượn dưới nước” Trung Quốc “海翼 – Hải Dực – cánh biển – SeaWing” này có thể đi xa hơn 10000 (mười ngàn) km, chỉ lượn lờ chậm rãi, không nhanh nhưng đi rất xa, rất thích hợp làm công cụ do thám! Mà kích thước chỉ bé như thế thôi, làm sao dự trữ lượng lớn năng lượng để làm những hành trình dài như thế!? Bác nào giải thích được thì mới gọi là hiểu nguyên lý Bernoulli!

AIS – 2

Theo dõi công nghệ AIS (automatic identification system) cho tàu bè nhiều năm qua, giá giảm dần (1000, rồi 500…) thiết bị trở nên nhỏ gọn hơn, và quan trọng là mức tiêu hao năng lượng cũng giảm (5W, rồi 2W). Giờ thì ngay cả một chiếc kayak cũng có thể nghĩ đến việc trang bị AIS.

Gần giống hệ thống nhận diện địch/ta (friend or foe) trong quân sự, nhưng đơn giản hơn, cung cấp các thông tin cơ bản trên màn hình radar/định vị, ví dụ: “P/V Serenity, 4.8m, 1 person kayak” 😃 AIS có 2 loại: class A dùng cho tàu lớn, class B dùng cho tàu nhỏ, phải đăng ký mã định danh 9 số…

fillet

Tóm tắt các loại fillet dùng trong đóng tàu, xuồng nhỏ: bột đá quá nặng, vết trám cứng nhưng dòn, dễ gãy, không bền, không nên sử dụng trong các mối nối chịu lực. Sillica (fumed, colloidal) và Micro-balloon thì quá nhẹ (một lít chỉ vài chục gram), không bị chảy xệ khi trám trét, dễ tạo hình, phù hợp để trám bề mặt, nhưng độ cứng, độ bền không cao. Trong tất cả các loại fillet, tôi thích nhất và chỉ dùng wood flour (bột gỗ).

Khối lượng nằm ở giữa hai loại kể trên, về độ bền tốt hơn nhiều, nên dùng khi mối nối có yêu cầu chịu lực, tuy nhiên khi gia công dễ bị chảy xệ, thao tác có hơi mất công hơn một chút! Nên xài loại bột gỗ thật mịn, dễ thi công và cho bề mặt đẹp, tôi thường dùng cái fin cafe để rây / lọc từ đống mạt cưa trong xưởng mộc, lọc ra bột gỗ khá mịn phù hợp trong việc đóng xuồng! Nói đúng ra, đóng xuồng gỗ, dùng gỗ để trám gỗ vẫn là cách phù hợp nhất!

outdoor tablet

Từ gần 10 năm trước đã thích màn hình e-ink của máy đọc sách điện tử, và tôi có đến hai cái Kindle của Amazon. Từ đó đến nay nghĩ rằng e-ink-display sẽ ngày càng trở nên phổ biến, hoá ra là một suy nghĩ sai lầm, số đông chỉ thích cái gì mượt mà, bóng bẩy thôi, không thích cái màn hình 16-mức-xám xấu và chậm như rùa của e-ink!

Trong ảnh là cái máy đọc sách Kobo đã được rooted, gắn chip GPS và cài phần mềm XCSoar, trở thành một cái flight-computer, máy tính dẫn đường dùng trong trên máy bay, dù lượn! Đang có ý định làm cái như thế này, nhưng cho kayak! E-ink có một ưu điểm vô địch là màn hình không phát sáng nên có thể đọc rõ dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp!

E-ink siêu tiết kiệm điện, chỉ hao pin mỗi lần refresh, nên có thể xài nhiều tuần liền, cộng thêm một con chip chậm và hệ điều hành Linux nhỏ gọn! Gắn thêm tấm pin năng lượng mặt trời phía sau lưng nữa, tự sạc cho cục pin là trở thành cái “outdoor tablet”, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời! Tuy nhiên vấn đề chống thấm nước sẽ khá đau đầu!

Một cái tablet có pin chỉ sạc một lần là đủ xài nhiều tuần liền, không phải mang pin dự phòng hay thay phải pin hàng ngày như Garmin, có thể hiển thị bản đồ thành phố, bản đồ biển hay bản đồ địa hình, chỉ cần hỗ trợ các tác vụ GPS cơ bản: lưu vết đường đi, tính quãng đường, tốc độ, cao độ, phương hướng la bàn, đo khoảng cách, etc…

Là outdoor-tablet thì không cần đẹp, không cần bóng bẩy, không cần lên net vô mạng xã hội bắng nhắng làm gì, chỉ cần thật bền, chịu được va đập, pin trâu nhiều tuần, chống nước tốt, tính năng GPS và bản đồ thật tốt, và nhiều lắm chỉ cần thêm tính năng email, web cơ bản để vẫn còn giữ chút ít liên lạc với mọi người, với xã hội! 😀


buratino

Thiết kế thuyền kiểu Buratino / Pinocchio 😅, ở VN thỉnh thoảng bắt gặp những mẫu thuyền rất quái lạ, cái mũi to và dài thế kia, không biết công năng để làm gì! Bọn Tây gọi đó là “dead-wood”, gỗ chết, nếu đã không có công năng rõ ràng thì nên bỏ đi, để vậy làm sao thấy đường mà lái tàu!?

bơi với cái mái chèo

Cách mấy hôm, đang tập thuyền trên sông thì bị lật, nước xiết cuốn thuyền ra xa, tôi vội vàng bơi theo, tay vẫn cầm cái mái chèo, một cách tự động và vô thức, dùng kỹ thuật bơi như trong video dưới đây, dùng chính cái mái chèo làm đòn bẩy. Về nhà ngồi bóp trán suy nghĩ, hình như cũng đâu phải tự mình nghĩ ra kỹ thuật này đâu, chắc chắn là xem ở đâu rồi nên nhập tâm. Rồi tìm lại được cái video của ku người Nga này.

Tôi đoán mấy kỹ thuật như thế này là được dạy trong các trường đặc công, trinh sát. Hôm rồi thử lại phát hiện ra không những giúp bơi rất nhanh, kỹ thuật này cũng có thể được làm một cách chậm rãi để bơi đường trường rất hiệu quả, càng tốt hơn nếu có thêm cái áo phao, có thể bơi từ giờ này sang giờ khác… Suy nghĩ xa hơn có thể thấy lực bơi rất lớn (nhờ mái chèo) nên có thể sử dụng để kéo người trong cứu hộ cứu nạn…

prams

Hôm đó, đang đạp xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, ngang qua Phú Mỹ thì bắt gặp “một bầy con con” này. Thể thức, kiểu dáng mấy chiếc xuồng như thế này tiếng Ạnh gọi là “pram”, không biết du nhập vào bằng cách nào, nhưng truyền thống Việt Nam không thấy có…

Lịch sử hàng hải phương Tây đúng là kinh hoàng và khủng khiếp, từng thể thức, kiểu dáng đều là một quá trình nghiên cứu, tiến hoá suốt nhiều trăm năm, tất cả đều có bài bản sách vở, chứ không phải như ở ta, cứ ghép mấy miếng gỗ lại ngẫu hứng nổi được trên nước là xong…

thuyền nan

Làm chiếc xuồng nan từ 1 khúc tre, ý tưởng rất hay, một kiểu SOF (skin on frame), mặc dù trong video, mục đích của người ta là làm… một cái võng! Bọc thêm ballistic-nylon / fiberglass bên ngoài, trát keo (tốt nhất là có hút chân không) là thành chiếc xuồng ngay thôi… Haiza, cần gì phải làm cả cái xưởng mộc như mình cho mệt chứ! 🙂